Mất ngủ sụt cân, thường xuyên trằn trọc không ngủ được dù đi ngủ sớm cũng không tài nào có thể chợp mắt được khiến cơ thể mệt mỏi, uể oải, khó tập trung là tình trạng thường gặp ở nhiều người. Có nhiều nguyên nhân gây ra hiện tượng này, phổ biến nhất là do các bệnh lý trong cơ thể gây ra. Nếu bạn đang băn khoăn không biết mất ngủ sụt cân là bệnh gì thì có thể tham khảo những thông tin trong bài viết dưới đây.
Mất ngủ sụt cân - Dấu hiệu nhận biết
Mất ngủ là tình trạng diễn ra vô cùng phổ biến, thường gặp ở độ tuổi trung niên và người cao tuổi. Đặc biệt, chứng mất ngủ, khó ngủ đang ngày càng có xu hướng gia tăng ở người trẻ do lối sống, nhịp sống thời công nghiệp, áp lực từ việc học, từ công việc gây ra. Ngoài ra, theo thống kê, có khoảng hơn 80 loại bệnh lý gây rối loạn giấc ngủ. Tình trạng mất ngủ thường xuyên kèm theo sụt cân nghiêm trọng khiến nhiều người vô cùng hoang mang không biết nguyên nhân do đâu, làm thế nào để cải thiện.
Ban đầu, chứng mất ngủ, khó ngủ xảy ra ở mức độ nhẹ, không quá nghiêm trọng nên thường bị nhiều người bỏ qua. Đến khi bệnh chuyển biến thành mãn tính, khó điều trị, kéo dài, gây ra nhiều triệu chứng bất thường mới thăm khám bác sĩ. Hậu quả là các bệnh lý trong cơ thể đã nghiêm trọng, khiến thời gian điều trị kéo dài, gây tốn kém nhiều chi phí.
Triệu chứng mất ngủ rất đa dạng, khi bị mất ngủ sụt cân, người bệnh thường có các triệu chứng sau:
- Khó ngủ, trằn trọc mãi không thể ngủ được, người mệt mỏi, uể oải khó chịu, tinh thần không ổn định, khó tập trung
- Buồn ngủ, người mệt mỏi rã rời nhưng đầu óc vẫn tỉnh táo, dù đi ngủ sớm khi lên giường cũng trằn trọc khó ngủ
- Ngủ không sâu giấc, dễ tỉnh giấc giữa đêm, chất lượng giấc ngủ không đảm bảo, sau khi tỉnh giấc thì không thể ngủ lại hoặc đến sáng mới có thể ngủ lại được
- Ban ngày thường xuyên có cảm giác buồn ngủ, không thể tập trung vào việc học tập, vào công việc nhưng ban đêm lại không tài nào ngủ được
- Mất ngủ, khó ngủ, có khi thức trắng nhiều đêm liền trong thời gian dài, chán ăn, ăn uống không ngon miệng, hay lo lắng, bồn chồn, hay quên...
- Đôi khi kèm theo các triệu chứng như đau đầu, suy nhược cơ thể, sụt cân nghiêm trọng, hay cáu gắt, dễ nóng giận, khó kiềm chế cảm xúc
- Người mệt mỏi, hay bị đau nửa đầu, hay bị run tay run chân, người bủn rủn, mệt mỏi, không có sức lực, đánh trống ngực, tim đập nhanh, hay chán nản, cảm giác thiếu hụt năng lượng...
Khi các triệu chứng này xuất hiện 3 lần/tuần, kéo dài liên tục trong 1 - 3 tháng thì chứng tỏ bạn đã mắc chứng mất ngủ, rối loạn giấc ngủ. Có rất nhiều trường hợp người bệnh mất ngủ đến 7 tháng thậm chí 1 năm mới thăm khám bác sĩ. Lúc này, bệnh mất ngủ đã chuyển biến thành mãn tính, tương đối khó điều trị, ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe. Vì vậy, ngay khi xuất hiện các triệu chứng của bệnh mất ngủ bạn nên sớm tìm biện pháp cải thiện, nếu không thấy chuyển biến tốt thì cần nhanh chóng thăm khám bác sĩ để được chẩn đoán và có biện pháp điều trị thích hợp.
Bị mất ngủ sụt cân là bệnh gì?
"Mất ngủ có giảm cân không? Bị mất ngủ sụt cân là bệnh gì?" là thắc mắc chung của rất nhiều người. Theo các bác sĩ chuyên khoa, có hơn 80 loại bệnh gây rối loạn giấc ngủ. Trong đó, các bệnh lý có thể gây mất ngủ sụt cân thường là:
1. Rối loạn lo âu
Theo nhiều nghiên cứu, có khoảng 50,1% người mắc chứng rối loạn lo âu bị mất ngủ, rối loạn lo âu luôn đi kèm theo rối loạn giấc ngủ. Theo thống kê tại Bệnh viện Tâm thần TP.HCM, hầu hết người bệnh đến khám đau đầu, mất ngủ ở đây đều than phiền khó ngủ, trằn trọc không ngủ được hoặc chỉ có thể chợp mắt, thiếp đi vì quá mệt. Có nhiều trường hợp người bệnh luôn trong trạng thái sợ hãi, bồn chồn, lo lắng vô cớ dẫn đến khó ngủ.
Dấu hiệu nhận biết:
- Khó thở, khó ngủ, hay lo lắng, bồn chồn không yên, khó tập trung, không thể đứng hoặc ngồi yên một chỗ
- Hay bị hoảng sợ, lo âu thái quá, không có cảm giác an toàn, không chắc chắn khi làm bất cứ việc gì
- Nếu bị rối loạn lo âu lan tỏa, người bệnh hay bực tức, khó chịu, khó ngủ, người bứt rứt khó chịu, hay căng thẳng cơ
- Nếu bị rối loạn hoảng loạn người bệnh dễ bị hoảng sợ cực độ, cơn lo lắng xảy ra bất thường gây khó thở, khó thở, đau tim, đau tức ngực, nhịp tim nhanh, nghẹt thở...
- Hay lặp đi lặp lại các hành động như rửa tay, kiểm tra khóa cửa, dễ bị khô miệng, buồn nôn, khó giữ bình tĩnh đê vượt qua cảm giác lo âu
- Hay lo lắng không yên, có cảm giác tê cứng tay chân, lạnh, hay đổ mồ hôi tay...
2. Mất ngủ sụt cân là bệnh gì? - Tiểu đường
Tiểu đường hay đái tháo đường là một dạng bệnh xảy ra do rối loạn chuyển hóa với biểu hiện đặc trưng là lượng đường trong máu luôn cao hơn so với bình thường. Thường liên quan đến việc cơ thể sinh ra đề kháng với insulin hoặc do cơ thể thiếu hụt hoặc đồng thời xảy ra 2 vấn đề này. Dẫn đến các rối loạn về chuyển hóa đường, chất khoáng, đạm, mỡ...
Dấu hiệu nhận biết:
- Tiểu đường tuýp 1: Thường xảy ra ở trẻ em và người trẻ tuổi, các triệu chứng thường gặp là hay cảm thấy đói và mệt, thường xuyên khát nước, đi tiểu nhiều, hay bị khô miệng, ngứa da, hay thức dậy giữa đêm để đi tiểu và khát nước nhiều về đêm. Dù ăn rất nhiều nhưng vẫn bị sụt cân nghiêm trọng do mất nước, ly giải mô cơ, mô mỡ.
- Tiểu đường tuýp 2: Hay xảy ra ở người lớn tuổi, do tuyến tụy tiết không đủ insulin. Các triệu chứng thường gặp như thức dậy nhiều lần trong đêm để uống nước, đi tiểu gây mất ngủ, khó ngủ. Dễ bị nhiễm trùng nấm men ở bất kỳ nếp gấp ẩm nào của da, đặc biệt là giữa ngón tay, ngón chân, vùng dưới ngực hoặc trong cơ quan sinh dục. Hay bị đau hoặc tê ở chân, các vết thương chậm lành do tổn thương hệ thần kinh.
- Tiểu đường thai kỳ: Là bệnh xảy ra ở phụ nữ mang thai, đặc trưng bởi các triệu chứng như mất ngủ, khó ngủ, luôn cảm thấy khát nước, đi tiểu nhiều về đêm, sụt cân không rõ nguyên nhân, vùng kín bị nhiễm nấm men, hay ngứa ngáy khó chịu, cơ thể dễ bị thiếu năng lượng, mệt mỏi, kiệt sức, các vết thương, vết trầy xước khó lành...
3. Đau dạ dày, trào ngược dạ dày
Đau dạ dày cũng là một trong những bệnh lý có thể gây mất ngủ sụt cân cho nhiều người. Đây là bệnh lý xảy ra khi dạ dày bị tổn thương, viêm nhiễm nguyên nhân phổ biến nhất là do nhiễm khuẩn HP, viêm loét dạ dày hoặc do lạm dụng thuốc Tây...
Dấu hiệu nhận biết:
- Đau dạ dày: Các triệu chứng điển hình của bệnh đau dạ dày thường là đầy bụng, khó tiêu, bụng ậm ạch, đau vùng thượng vị. Chán ăn, ăn không ngon miệng, sút cân, buồn nôn, ợ hơi, ợ chua. Đau âm ỉ, dữ dội ở vùng trên rốn dưới ức, khó ngủ, ngủ không ngon giấc, giấc ngủ không chất lượng.
- Trào ngược dạ dày thực quản: Hay bị đau, nóng rát ở vùng thượng vị, nhất là sau khi ăn và đặc biệt nghiêm trọng về đêm gây mất ngủ, khó ngủ, gián đoạn giấc ngủ. Đau tức ngực, khó nuốt, cảm giác có khối u ở cổ họng, thức ăn trong dạ dày bị chua. Hay bị trào ngược acid dạ dày vào ban đêm kèm theo ho, đờm trong cổ họng, viêm thanh quản...
4. Bệnh cường giáp
Đây là một nhóm bệnh xảy ra khi hormone tuyến giáp tăng tiết hoạt động gây ra các triệu chứng về tăng chuyển hóa quá mức và triệu chứng về tim mạch. Tuyến giáp là bộ phận quan trọng phụ trách việc sản xuất hormone tuyến giáp để điều chỉnh hoạt động trao đổi chất của cơ thể. Khi tuyến giáp hoạt động quá mức, sản xuất quá nhiều hormone sẽ dẫn đến sự xuất hiện của bệnh cường giáp.
Dấu hiệu nhận biết:
- Nhịp tim nhanh bất thường, người mệt mỏi, choáng váng, hồi hộp đánh trống ngực, đau tức ngực, khó thở
- Sợ nóng, không chịu được những khi thời tiết nóng nực hoặc nơi có nhiệt độ cao
- Mất ngủ, khó ngủ, ngủ không yên giấc, giấc ngủ ngắn hơn bình thường
- Người yếu mệt, sụt cân, ra nhiều mồ hôi, thay đổi tính tình, hay lo lắng, dễ cáu giận, có bướu cổ, run tay không thể tự kiểm soát, tiêu chảy...
5. Bệnh trầm cảm
Trầm cảm là căn bệnh về tâm lý xảy ra đặc biệt phổ biến, ngày càng có xu hướng gia tăng trong xã hội hiện đại, dễ gặp ở phụ nữ, người gặp quá nhiều biến cố, hay bị stress, áp lực hoặc phải trải qua một cú sốc tinh thần lớn... Trầm cảm sẽ không tự biến mất nếu không có biện pháp can thiệp, điều trị đúng cách.
Theo Hội Tâm thần học Hoa Kỳ, một người được chẩn đoán là trầm cảm khi có tối thiểu 5 trong 9 triệu chứng gồm:
- Mất ngủ hoặc ngủ quá mức
- Người mệt mỏi, uể oải, thiếu hụt năng lượng
- Luôn trong trạng thái trầm uất gần như suốt cả ngày
- Sụt cân hoặc tăng cân đáng kể ngoài ý muốn
- Không có hứng thú đặc biệt, giảm hứng thú trong nhiều hoặc đa số hoạt động
- Kích động hoặc chậm chạp, người khác chỉ cần chú ý là có thể nhận biết được
- Cảm thấy tự ti, vô giá trị hoặc mặc cảm quá mức
- Khả năng suy nghĩ, tập trung suy giảm, không thể tự đưa ra quyết định
- Hay có hành vi tự hại, hay suy nghĩ về cái chết
6. Bệnh lý khác
Với thắc mắc "mất ngủ sụt cân là bệnh gì? Mất ngủ có giảm cân không?" thì câu trả lời chính là có. Bên cạnh những bệnh lý đã đề cập, tình trạng mất ngủ, khó ngủ kèm theo sụt cân, cân nặng sụt giảm nghiêm trọng có thể có liên quan đến các bệnh lý như:
- Bệnh tắc nghẽn phổi mãn tính: Là bệnh lý xảy ra khi đường lưu thông không khí bị tắc nghẽn dẫn đến khó thở, thở hắt hơi do viêm nhiễm ở thành cuống phổi. Bệnh có các triệu chứng đặc trưng như đau thắt ngực, thở hắt hơi, thở nông, khó ngủ, giấc ngủ hay bị gián đoạn, thường xuyên bị viêm hô hấp, người mệt mỏi, cân nặng giảm bất thường, môi và đầu ngón tay có màu xanh thẫm...
- Bệnh lao: Là bệnh xảy ra do vi khuẩn Mycobacterium tuberculosis gây nhiễm trùng tác động đến phổi, ảnh hưởng đến thận, não, cột sốt. Bệnh thường có các triệu chứng đặc trưng như đau tức ngực, ho nhiều, đôi khi ho có đờm hoặc ho ra máu, giảm cân nhanh, người mệt mỏi, ho đến mức mất ngủ, giấc ngủ gián đoạn, người mệt mỏi, sốt và đổ nhiều mồ hôi.
- Bệnh Crohn's: Là bệnh nhiễm trùng ở ruột gây viêm nhiễm bên trong ống tiêu hóa dẫn đến tiêu chảy, đau bụng, suy dinh dưỡng kéo dài. Bệnh thường gây ra các triệu chứng như đau bụng, chán ăn, tiêu chảy, co rút cơ ở bụng, phân có lẫn máu, chán ăn, giảm cân, có vết loét hoặc khối u trong cơ thể.
- Bệnh thận: Đôi khi tình trạng mất ngủ sụt cân có thể liên quan đến bệnh lý về thận. Người bệnh thường có các triệu chứng như mất ngủ, khó ngủ, đi tiểu đặc biệt là tiểu đêm nhiều lần gây gián đoạn, rối loạn giấc ngủ, sụt cân, chán ăn, ăn uống không ngon miệng.
- Ung thư: Ung thư có nhiều loại, thường có các triệu chứng điển hình như người mệt mỏi, nổi hạch dưới da, đau nhức cơ, xương khớp không rõ nguyên nhân, mất ngủ, khó ngủ, giảm cân đột ngột, đổ mồ hôi nhiều về đêm, thay đổi thói quen tiểu tiện (ung thư ruột), khàn giọng khó nuốt (ung thư phổi)...
Mất ngủ sụt cân có nguy hiểm không?
Có thể thấy, tình trạng mất ngủ sụt cân, cân nặng sụt giảm, khó đi vào giấc ngủ, ngủ không ngon giấc có thể là dấu hiệu của nhiều bệnh lý trong cơ thể. Tình trạng này diễn ra ngày càng phổ biến, có xu hướng gia tăng ở người trẻ tuổi do ảnh hưởng của nhịp sống hiện đại cùng môi trường làm việc căng thẳng áp lực.
Nếu tình trạng này chỉ mới xuất hiện trong thời gian gần đây, chưa quá nghiêm trọng, chỉ đơn giản là các triệu chứng mất ngủ, khó ngủ ở mức độ nhẹ, chỉ cần kịp thời điều chỉnh thói quen sinh hoạt, lối sống, điều chỉnh nhịp sinh học thì có thể cải thiện được. Có rất nhiều phương pháp cải thiện chứng mất ngủ ở mức độ nhẹ, chưa quá nghiêm trọng, không có liên quan đến bệnh lý.
Tuy nhiên, nếu tình trạng mất ngủ diễn ra trong thời gian dài, do bệnh lý gây ra thì sẽ thường phát triển theo 2 trường hợp sau đây:
- Trường hợp 1: Người bệnh mất ngủ sụt cân trong thời gian dài, cơ thể mệt mỏi, uể oải, chán ăn, không muốn ăn, ăn uống không ngon miệng kết hợp cùng lo lắng, stress, áp lực công việc nghiêm trọng lâu ngày khiến cơ thể suy nhược, kiệt sức, chứng mất ngủ ngày càng trầm trọng hơn. Điều này khiến các cơ quan trong cơ thể hoạt động không ổn định, gây ra hàng loạt các vấn đề như đau đầu, thiếu máu não, suy giảm trí nhớ, đột quỵ, tai biến mạch máu não...
- Trường hợp 2: Sau một thời gian dài mất ngủ sụt cân, người bệnh bỗng trở nên tăng cân một cách đột ngột và nghiêm trọng. Do cơ thể có xu hướng bù trừ, khi thiếu hụt năng lượng dưỡng quá quá mức sẽ tiết ra ghrelin, loại hormone tạo cảm giác đói khiến chúng ta ăn nhiều hơn dẫn đến tăng cân quá mức.
Đồng thời, mất ngủ kèm theo sụt cân khiến người bệnh không ngừng lo lắng, sợ hãi, nghi ngờ bản thân đang mắc một số bệnh nan y nào đó, điều này cũng ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe. Đặc biệt, nếu tình trạng này có liên quan đến các bệnh lý như huyết áp, tim mạch, dạ dày, ung thư... nếu không được sớm thăm khám và can thiệp sẽ có xu hướng ngày càng nghiêm trọng, gây khó khăn và tốn kém nhiều chi phí cho việc điều trị.
Cách điều trị chứng mất ngủ sụt cân
Tùy vào tình trạng, mức độ mất ngủ của mỗi người mà có phương pháp điều trị, cải thiện phù hợp. Khi chứng mất ngủ thường xuyên xảy ra, làm sụt giảm cân nặng, gây thiếu hụt năng lượng, khiến cơ thể mệt mỏi, uể oải, tốt nhất bạn nên:
1. Thăm khám bác sĩ
Dù mất ngủ do nguyên nhân nào thì việc nhanh chóng sắp xếp thời gian thăm khám bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị là điều hết sức cần thiết. Giấc ngủ có vai trò đặc biệt quan trọng với sức khỏe, khi chứng mất ngủ xuất hiện trên 3 lần/tuần, kéo dài từ 1 - 3 tháng, hoặc thậm chí chỉ mới xuất hiện 3 - 4 tuần, bạn cũng nên sớm thăm khám bác sĩ để có biện pháp can thiệp kịp thời. Chúng ta có thể điều trị mất ngủ bằng các biện pháp như:
Điều trị bằng Tây Y
Thông thường, tùy vào mỗi chứng bệnh mà Tây Y sẽ có những phương pháp điều trị khác nhau. Với các bệnh lý ở mức độ nhẹ, trước hết bệnh nhân sẽ được thăm khám lâm sàng, chẩn đoán và chỉ định thuốc cùng phác đồ điều trị phù hợp. Trong trường hợp cần thiết, bác sĩ cũng sẽ chỉ định cho bệnh nhân sử dụng các loại thuốc an thần, bình thần, thuốc đặc trị mất ngủ để giúp bệnh nhân dễ đi vào giấc ngủ. Đối với trường hợp nghiêm trọng hơn sẽ sử dụng thuốc điều trị kết hợp với liệu pháp tâm lý.
Các phương pháp trị mất ngủ trong Tây Y gồm:
- Điều trị bằng thuốc: Các thuốc này có tác dụng ức chế thần kinh trung ương và gây ngủ tạm thời, chỉ sử dụng được trong thời gian ngắn. Thường là nhóm thuốc đặc trị ( Doxepin, Zaleplon, Eszopiclone, Zolpidem, Ramelteon...), thuốc an thần (Doxylamine succinate, Melatonin, Diphenhydramine...), thuốc giảm lo âu, thuốc bình thần, thuốc chống trầm cảm...
- Điều trị bằng liệu pháp tư vấn tâm lý: Được áp dụng để hỗ trợ điều trị mất ngủ có liên quan đến yếu tố tâm lý như bệnh mất ngủ do rối loạn lo âu, trầm cảm, stress, áp lực công việc, cuộc sống... Thường sẽ sử dụng các liệu pháp như liệu pháp chánh niệm nhận thức, liệu pháp nhận thức - hành vi, liệu pháp tâm lý cá nhân.
>>> Tìm hiểu thêm các tác dụng của thuốc chữa mất ngủ phổ biến hiện nay
Điều trị bằng Đông Y
Thực tế cho thấy, thay vì lựa chọn các phương pháp điều trị mất ngủ bằng Tây Y, nhiều người thường lựa chọn điều trị chứng mất ngủ bằng các biện pháp của y học cổ truyền. Đông Y thường đi vào chữa mất ngủ bằng cách loại bỏ căn nguyên gây bệnh, tăng cường bồi bổ cơ thể. Nguyên tắc trị mất ngủ của Đông Y là an thần, cân bằng âm dường, tăng cường lưu thông khí huyết, bồi bổ sức khỏe nên có thể chữa dứt điểm chứng mất ngủ, khó ngủ.
Một số phương pháp chữa mất ngủ trong Đông Y có thể kể đến như:
- Sử dụng thuốc Đông Y
- Xoa bóp bấm huyệt
- Vật lý trị liệu
- Cấy chỉ...
Đông Y có rất nhiều bài thuốc hỗ trợ điều trị mất ngủ. Tùy theo bệnh chứng, thể trạng của từng người mà có bài thuốc điều trị phù hợp. Bạn cần phải tiến hành thăm khám tại các cơ sở, trung tâm y học cổ truyền uy tín để được chẩn đoán và có biện pháp điều trị phù hợp. Ưu điểm của các phương pháp trong Đông Y là tính an toàn cao, kích thích khả năng tự hồi phục của cơ thể, đặc biệt tốt cho sức khỏe, không gây ra tác dụng phụ. Tuy nhiên, do chú trọng loại bỏ căn nguyên bệnh, bồi bổ cơ thể nên tác dụng thường chậm, phải kiên trì trong thời gian dài mới thấy hiệu quả.
2. Cách cải thiện chứng mất ngủ sụt cân tại nhà
Nếu chứng mất ngủ, khó ngủ ở mức độ nhẹ, không quá nghiêm trọng, chúng ta có thể cải thiện chất lượng giấc ngủ theo kinh nghiệm dân gian với các bài thuốc hoặc các biện pháp tại nhà như liệu pháp mùi hương, massage thư giãn, vệ sinh giấc ngủ, điều chỉnh chế độ dinh dưỡng, thói quen sinh hoạt... Có thể kể đến đến như:
Sử dụng bài thuốc dân gian
Có rất nhiều bài thuốc dân gian có tác dụng hỗ trợ cải thiện chất lượng giấc ngủ, giúp an thần, ngủ ngon và sâu giấc hơn. Thường được sử dụng phổ biến là:
- Tim sen: Có tính hàn, vị đắng, nổi tiếng với với công dụng an thần, định thần, xoa dịu căng thẳng, mệt mỏi, tăng cường lưu thông khí huyết, chữa mất ngủ, tim đập nhanh, đánh trống ngực và các bệnh có liên quan đến tim mạch, huyết áp. Có thể dùng tim sen phơi khô hãm nước uống như trà hoặc dùng bài thuốc 5g tim sen, 10g hoa nhài tươi, 20g lá vông, 10g táo nhân, trong đó táo nhân sao đen đập dập, lá vông sấy khô tán thành bột, cho các nguyên liệu (trừ hoa nhài) vào ấm, hãm với nước 15 - 20 phút, sau đó cho hoa nhài tươi vào, hãm thêm 5 phút rồi uống.
- Lạc tiên: Có vị ngọt đắng, tính mát, thường được sử dụng để an thần, dễ ngủ, chữa viêm da, mẩn ngứa, lợi tiểu... Có thể áp dụng bài thuốc gồm 50g lạc tiên, 30g lá vông khô, 10g lá dâu tằm, 2g tim sen, 90g đường sắc với nước uống, dùng liên tục 7 - 10 ngày. Hoặc dùng bài thuốc 500g lạc tiên (gồm cả rễ, thân, quả non), 300g hoa thiên lý, 100g lá mướp đắng non, rửa sạch các nguyên liệu, đem sao khử thổ, tán nhuyễn thành bột, lấy 50g đậu xanh cả vỏ rang chín, tán nhuyễn bảo quản trong bình thủy tinh sạch, mỗi ngày lấy 3 thìa cà phê hỗn hợp pha với 100ml nước sôi để nguội, uống thay trà mỗi ngày.
- Dùng gừng: Chúng ta có thể dùng trà gừng để cải thiện chất lượng giấc ngủ hoặc dùng trà gừng mật ong trước khi đi ngủ 1 - 2 tiếng đều được.
Áp dụng các biện pháp dân gian khác
Bên cạnh các bài thuốc dân gian đã đề cập, chúng ta có thể cải thiện tình trạng mất ngủ, khó ngủ bằng các phương pháp khác như:
- Ngâm chân với thảo dược: Ngâm chân với nước ấm và thảo dược có thể tăng cường lưu thông khí huyết, chữa mất ngủ do đau nhức xương khớp, khó chịu. Bạn có thể nấu nước lá ngải cứu hoặc sắc gừng với dấm ăn để ngâm chân chữa mất ngủ đều được. Ngoài ra, có thể thêm vài giọt tinh dầu vào nước ấm 38 - 43 độ để ngâm chân, lúc ngâm thì cố gắng thả lỏng toàn thân, hít thở đều đặn, nhẹ nhàng để thư giãn cơ thể.
- Dùng liệu pháp mùi hương tinh dầu trị mất ngủ: Có rất nhiều mùi hương dịu nhẹ giúp thư giãn tinh thần, giải tỏa căng thẳng mệt mỏi như tinh dầu quế, tinh dầu chanh, sả, hương nhu, hoa ngọc lan, hoa oải hương, hoa cúc... Ngoài việc xông hơi tinh dầu, bạn có thể nhỏ vài giọt tinh dầu vào bồn tắm để ngâm mình, thư giãn và giúp ngủ ngon hơn.
- Sử dụng trà thảo mộc: Bạn có thể sử dụng các loại trà có tác dụng an thần, thanh tâm, xoa dịu căng thẳng, mệt mỏi như trà lá vông, trà hoa nhài, trà hoa hòe, trà bạc hà, trà hoa cúc...
3. Vệ sinh giấc ngủ
Để cải thiện chất lượng giấc ngủ, giúp ngủ ngon và sâu giấc hơn, bạn nên vệ sinh giấc ngủ, xây dựng một thói quen lành mạnh trước khi đi ngủ. Có thể tham khảo cách vệ sinh giấc ngủ như sau:
- Đảm bảo không gian ngủ yên tĩnh, dễ chịu, chăn đệm, ga gối sạch sẽ, phòng ngủ thông thoáng, trang phục thoải mái, không nên kê bàn làm việc trong phòng ngủ
- Có thể dùng mùi hương nhẹ nhàng để xông hơi phòng nhằm giúp dễ ngủ và ngủ ngon giấc hơn
- Trước khi đi ngủ, có thể ngâm chân với nước ấm, tập thể dục nhẹ nhàng, thực hiện một số hoạt động như thiền định, hít thở, thư giãn
- Nếu nằm trên giường ngủ mà trằn trọc mãi không ngủ được thì nên ra khỏi giường thực hiện các hoạt động khác như lập kế hoạch công việc cho ngày mới, liệt kê các việc cần làm, viết nhật ký, đọc sách
- Giới hạn giấc ngủ ban ngày, chỉ ngủ khoảng 20 - 30 phút, tuyệt đối không xem tivi, điện thoại, máy tính trước khi đi ngủ 1 - 2 tiếng hoặc khi không ngủ được
- Tránh sử dụng các chất kích thích nicotine, caffeine như rượu bia, cà phê, thuốc lá nếu mắc chứng mất ngủ để tránh làm gián đoạn giấc ngủ.
4. Xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học
Người bị mất ngủ sụt cân thường có xu hướng chán ăn, ăn uống không ngon miệng. Tuy nhiên, bạn không nên duy trì tình trạng này, phải thay đổi để cải thiện sức khỏe, giúp ngủ ngon, tránh suy nhược cơ thể nghiêm trọng. Có thể tham khảo một số gợi ý sau:
- Đa dạng các nhóm dưỡng chất, tăng cường ăn nhiều rau xanh trái cây. Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh, khoa học, bổ sung đầy đủ các nhóm thực phẩm như canxi, magie, vitamin A, C, D, E, K, kẽm để nâng cao chất lượng giấc ngủ.
- Có thể tăng cường sử dụng các thực phẩm có thể cải thiện giấc ngủ như chuối, cần tây, nhục đậu khấu, mật ong, cherry, phomai, trứng, thịt bò, thịt heo, yến mạch, cá hồi, cá ngừ, đậu nành, quả kiwi, ngũ cốc nguyên hạt, hạt sen, đậu xanh, thực phẩm giàu chất xơ...
- Tham khảo các món ăn có thể hỗ trợ điều trị mất ngủ như canh hoa bách hợp nấu cá diếc, canh gà hầm củ sen nấm hương, canh lạc tiên nấu thịt bằm, thịt bò xào hoa thiên lý, cháo long nhãn hạt dẻ, chè đậu xanh, cháo yến mạch, tổ yến chưng hạt sen, cá hồi áp chảo sốt bơ tỏi...
Mất ngủ sụt cân là tình trạng thường gặp, có thể liên quan đến nhiều bệnh lý trong cơ thể, cần được sớm có biện pháp can thiệp và điều trị để cải thiện, tránh ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Do đó, ngay khi có các dấu hiệu bất thường như khó ngủ, ngủ không ngon giấc, chán ăn, sụt cân, ăn uống không ngon miệng kéo dài, bạn nên nhanh chóng thăm khám bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị.
Mất ngủ kinh niên không chỉ gây mệt mỏi mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Thiếu hụt một số vitamin có thể là nguyên nhân tiềm ẩn gây ra tình trạng này. Hãy cùng tìm hiểu:
- Vitamin D: "Vitamin ánh nắng" này không chỉ tốt cho xương mà còn giúp điều hòa giấc ngủ.
- Vitamin B Complex: Đặc biệt là B6 và B12, chúng đóng vai trò quan trọng trong sản xuất melatonin - hormone điều hòa giấc ngủ.
- Magie: Khoáng chất này giúp thư giãn cơ bắp và thần kinh, tạo điều kiện cho giấc ngủ sâu hơn.
Bổ sung đầy đủ các vitamin này qua chế độ ăn uống hoặc viên uống bổ sung có thể là chìa khóa giúp bạn tìm lại giấc ngủ ngon và cải thiện chất lượng cuộc sống.
Ngủ trưa không chỉ là một thói quen thư giãn mà còn mang lại nhiều lợi ích sức khỏe đáng kể:
- Tăng cường năng suất làm việc: Giấc ngủ ngắn giúp phục hồi năng lượng, cải thiện sự tập trung và hiệu suất làm việc buổi chiều.
- Cải thiện tâm trạng: Giảm căng thẳng, mệt mỏi, giúp bạn cảm thấy tỉnh táo và vui vẻ hơn.
- Tốt cho tim mạch: Một số nghiên cứu chỉ ra rằng ngủ trưa điều độ có thể giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
- Hỗ trợ trí nhớ & học tập: Ngủ trưa giúp củng cố trí nhớ, tăng khả năng tiếp thu kiến thức mới.
Tuy nhiên, để tận dụng tối đa lợi ích của giấc ngủ trưa, hãy lưu ý:
- Thời gian ngủ: Nên ngủ từ 20-30 phút để tránh rơi vào giấc ngủ sâu, gây cảm giác mệt mỏi khi thức dậy.
- Thời điểm ngủ: Tránh ngủ trưa quá muộn vào buổi chiều, có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ đêm.
Mất ngủ có thể là một trong những dấu hiệu sớm của thai kỳ, thường đi kèm với các triệu chứng khác như buồn nôn, đau ngực, và đi tiểu thường xuyên. Tuy nhiên, mất ngủ cũng có thể do nhiều nguyên nhân khác gây ra.
- Hormone thay đổi: Sự gia tăng progesterone trong thai kỳ có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ.
- Thay đổi thể chất: Đau lưng, chuột rút, và khó tìm tư thế ngủ thoải mái cũng góp phần gây mất ngủ.
- Lo lắng và căng thẳng: Tâm trạng thay đổi khi mang thai cũng có thể khiến bạn khó đi vào giấc ngủ.
Nếu bạn nghi ngờ mình có thai và đang gặp phải tình trạng mất ngủ, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn và hỗ trợ. Đừng quên tìm hiểu thêm về các dấu hiệu mang thai khác và cách cải thiện giấc ngủ trong thai kỳ để đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và bé.