Mật ong là món quà quý giá của thiên nhiên, có giá trị dinh dưỡng cao, mang đến nhiều lợi ích cho sức khỏe. Mật ong không chỉ được sử dụng để làm đẹp, nâng cao sức khỏe mà còn phát huy hiệu quả rất tốt trong việc cải thiện chứng mất ngủ, khó ngủ, chất lượng giấc ngủ không tốt. Sau đây là một số cách chữa mất ngủ bằng mật ong đơn giản, hiệu quả.

Công dụng chữa mất ngủ của mật ong

Mất ngủ, khó ngủ rất phổ biến, ngày càng có xu hướng gia tăng trong cuộc sống hiện đại. Bất kỳ độ tuổi, đối tượng nào cũng có thể mắc chứng mất ngủ, khó ngủ, ngủ không ngon giấc. Nếu mắc chứng mất ngủ ở mức độ nhẹ, bạn có thể sử dụng mật ong để cải thiện chất lượng giấc ngủ. Mật ong có chứa frutozo (khoảng 38.2%), glucozơ (khoảng 31%), mantozo, saccarozo và nhiều loại vitamin, khoáng chất khác như vitamin B2, B3, B6, B9, C, sắt, kẽm, magie, canxi, photpho, chất chống oxy hóa, chống viêm, kháng khuẩn…

Mật ong có tác dụng tốt trong việc hỗ trợ điều trị mất ngủ
Mật ong có tác dụng tốt trong việc hỗ trợ điều trị mất ngủ

Hiện nay, trên thế giới có khoảng 300 loại mật ong khác nhau, tùy theo loại mật mà hàm lượng dinh dưỡng của mỗi loại là không giống nhau. Có rất nhiều nghiên cứu về lợi ích của mật ong đối với sức khỏe. Việc sử dụng mật ong đúng cách có thể củng cố phát triển xương, giảm ho, giúp vết thương nhanh lành, chống oxy, hỗ trợ điều trị thiếu máu… Đặc biệt, mật ong còn thường được dân gian sử dụng để cải thiện chất lượng giấc ngủ, giúp ngủ ngon và sâu giấc hơn.Sở dĩ nhiều người sử dụng mật ong chữa mất ngủ, nâng cao chất lượng giấc ngủ vì những lý do sau đây:

  • Mật ong giúp sản sinh hormone giấc ngủ: Tryptophan trong mật ong là tiền chất của serotonin, một loại hormone hạnh phúc được chuyển hóa thành melatonin. Đây là hormone được sản xuất bởi tuyến tùng, có tác dụng điều chỉnh nhịp sinh học, được cơ thể tổng hợp và tiết ra theo nhịp điệu ngày đêm, có thể điều chỉnh giấc ngủ, tái đồng bộ chu kỳ giấc ngủ. Đồng thời melatonin cũng giúp sửa chữa mô trong thời gian nghỉ ngơi, tăng cường hệ miễn dịch của cơ thể.
  • Mật ong giúp cung cấp nguyên liệu cho giấc ngủ: Trong mật ong có chứa glucose và fructose. Trong đó, glucose có tác dụng cung cấp đủ lượng đường để duy trì mức đường huyết của máu ở mức độ cân bằng, hỗ trợ bổ sung dưỡng chất để nuôi dưỡng não bộ, giúp não được nghỉ ngơi, thư giãn. Fructose được đưa về dạng glycogen và được dự trữ ở gan. Đây là điều kiện cần thiết để có một giấc ngủ ngon, sâu giấc và chất lượng. Thiếu hụt glycogen sẽ khiến não bộ sản sinh ra adrenalin, cortisol, gây ra cảm giác bụng đói cồn cào, dễ khiến bạn khó ngủ, ngủ không ngon giấc, phải tỉnh dậy trong đêm vì đói.

Ngoài ra, trong mật ong có chứa khoảng 2% vitamin và khoáng chất, đặc biệt là vitamin B, canxi, sắt, đồng, kẽm… Có tác dụng cung cấp các dưỡng chất cần thiết cho cơ thể, giúp tăng cường sức đề kháng, bồi bổ sức khỏe, hỗ trợ làm lành vết thương, điều trị ho, giảm cơn hen, chống oxy hóa. Mật ong cũng giúp tăng cường tiêu hóa, cải thiện các vấn đề về dạ dày như trào ngược dạ dày thực quản, đau dạ dày, viêm loét dạ dày… Đây là một trong những nguyên nhân gây mất ngủ ở nhiều người.

10 Cách chữa mất ngủ bằng mật ong đơn giản, hiệu quả

Mật ong là nguyên liệu thiên nhiên an toàn, lành tính mang đến nhiều lợi ích quý giá cho sức khỏe, được sử dụng vô cùng phổ biến. Nguyên liệu này quả thật có công dụng trong việc hỗ trợ điều trị mất ngủ. Tuy nhiên, để mật ong có thể phát huy được tối đa hiệu quả, chúng ta cần biết cách sử dụng phù hợp. Nếu bạn đang băn khoăn chưa biết nên dùng mật ong trị mất ngủ như thế nào thì có thể tham khảo một số gợi ý dưới đây:

1. Cách trị mất ngủ bằng mật ong nguyên chất

Sử dụng mật ong nguyên chất là một trong những cách cải thiện chất lượng giấc ngủ đơn giản, dễ thực hiện nhất mà bạn có thể tham khảo. Phương pháp này phù hợp với những người tương đối bận rộn, không có nhiều thời gian.

Nguyên liệu: 

  • 2 thìa mật ong rừng nguyên chất
  • 300ml nước ấm

Cách thực hiện: 

  • Cho mật ong vào ly nước ấm, khuấy đều, uống khi còn ấm
  • Sử dụng đều đặn mỗi ngày trước khi đi ngủ 1 tiếng
  • Kiên trì để thấy hiệu quả

Lưu ý: Mật ong chỉ sử dụng với lượng vừa đủ, không dùng quá nhiều để tránh nguy cơ thừa cân, béo phì, gia tăng lượng đường trong máu.

2. Cách trị mất ngủ với mật ong và gừng

Gừng vị cay, tính ấm, có tác dụng tăng cường lưu thông máu, tạo cảm giác cân bằng, có mùi thơm nhẹ dễ chịu giúp chúng ta thư giãn và dễ dàng đi vào giấc ngủ hơn. Gừng có chứa tinh dầu cùng gingerol, shogaol, có thể cải thiện sức khỏe đồng thời hỗ trợ điều trị giấc ngủ. Kết hợp gừng và mật ong giúp tăng cường lưu thông khí huyết, cải thiện tình trạng đau đầu, chóng mặt…

Nguyên liệu:

  • 2 thìa mật ong nguyên chất
  • 1/2 củ gừng tươi

Cách thực hiện: 

  • Gừng tươi rửa sạch, cạo sạch vỏ, cắt thành lát mỏng
  • Cho gừng vào nồi đun sôi với 500ml nước hoặc hãm gừng với nước sôi 15 – 20 phút
  • Đợi cho nước nguội bớt thì cho 2 thìa mật ong vào, khuấy đều, uống khi còn ấm
  • Mỗi ngày dùng 1 cốc trà gừng mật ong để cải thiện chất lượng giấc ngủ.

Lưu ý: Trà gừng mặc dù tốt cho sức khỏe cho sức khỏe nhưng không phải ai cũng có thể sử dụng được, nhất là những người bị viêm loét dạ dày tá tràng, người có vấn đề về huyết áp, phụ nữ mang thai.

3. Cách trị mất ngủ với trà mật ong hoa tam thất

Nụ tam thất vị ngọt, tính mát, có chứa hoạt chất nhân sâm rb1, rb2. Đây là chất có tác dụng an thần, cải thiện các vấn đề về tim mạch. Đặc biệt, trong nụ hoa tam thất còn chứa Saponin gingsenoid thuộc nhóm Rb, có tác dụng an thần, hỗ trợ ức chế hệ thần kinh trung ương, tăng cường lưu thông máu, an thần, cải thiện chất lượng giấc ngủ. Loại hoa này còn có các công dụng như hỗ trợ giải độc và bảo vệ gan, ổn định đường huyết, giảm cholesterol, phòng tránh bệnh lý về tim mạch… Chúng ta hoàn toàn có thể kết hợp hoa tam thất với mật ong để hỗ trợ điều trị mất ngủ.

Nguyên liệu: 

  • 3 – 5g nụ hoa tam thất
  • 2 thìa mật ong nguyên chất

Cách thực hiện:

  • Cho hoa tam thất vào ấm trà chuyên dụng, đổ 100ml nước sôi vào ấm, tráng nhẹ, đổ bỏ nước này đi
  • Sau đó lại cho vào ấm 500ml nước sôi, ủ trong 5 – 10 phút cho đến khi trà ngấm, cho mật ong nguyên chất vào ấm, khuấy đều, uống khi còn ấm.

Lưu ý: Để chữa mất ngủ, bạn sử dụng trà hoa tam thất trước khi đi ngủ 2 tiếng. Không dùng cho các đối tượng như người có tiền sử huyết áp thấp, người bị dị ứng với nụ hoa tam thất, trẻ em dưới 2 tuổi, phụ nữ mang thai.

4. Dùng trà mật ong hoa nhài trị mất ngủ

Hoa nhài còn gọi là mạt lợi, mạt lỵ, nhài đơn, hoa lài… Theo y học cổ truyền, loại hoa này có vị đắng, tính bình, hơi hàn, có tác dụng hoạt huyết, tiêu thũng, lợi thấp, giải độc… Loại hoa này có tác dụng an thần, có thể cải thiện chất lượng giấc ngủ và các tình trạng như ngủ chập chờn không sâu giấc, mất ngủ kéo dài, người già bị khó ngủ. Trà nhài kết hợp với mật ong là bài thuốc chữa mất ngủ hiệu quả được dân gian đánh giá cao.

Cách 1: Chữa mất ngủ bằng trà hoa nhài, mật ongNguyên liệu: 

  • 2 thìa mật ong nguyên chất
  • 5 – 6 bông hoa nhài

Cách thực hiện:

  • Hoa nhài tách thành cánh rời, rửa sạch, để ráo nước
  • Cho hoa nhài vào ấm trà chuyên dụng, tráng qua với nước sôi rồi hãm với nước sôi trong 10 – 15 phút
  • Cho nước trà ra cốc, lọc bỏ bã, cho vào 2 thìa mật ong nguyên chất, khuấy đều và thưởng thức.

Cách 2: Dùng trà hoa nhài, mật ong, tim sen Nguyên liệu: 

  • 6g hoa nhài
  • 8g tim sen
  • 2 thìa mật ong

Cách thực hiện:

  • Hoa nhài và tim sen rửa sạch, cho vào ấm trà chuyên dụng, tráng qua với nước sôi
  • Cho 400 – 500ml nước vào hãm trong 15 – 20 phút
  • Đổ nước ra cốc, thêm mật ong vào khuấy đều, dùng nước này uống hết trong ngày
  • Sử dụng liên tục trong 7 – 10 ngày để thấy tình trạng mất ngủ được cải thiện.

5. Cách chữa mất ngủ bằng mật ong, tim sen

Tim sen còn được gọi là tâm sen, liên tử tâm, có vị đắng, tính hàn nổi tiếng với các tác dụng như trấn kinh an thần, thanh tâm, giáng áp, chỉ huyết, sáo tinh… Tim sen thường được sử dụng để an thần, chữa tim đập nhanh, đánh trống ngực, đau đầu, hoa mắt, chóng mặt, tâm phiền dẫn đến mất ngủ. Trong tim sen có chứa asparagin, nuciferin, liensinine, có thể thư giãn tinh thần, an thần, cân bằng cơ thể, chứa alkaloid có thể gây ngủ nhẹ. Để giảm vị đắng của tâm sen và tăng hiệu quả trị mất ngủ, chúng ta có thể kết hợp mật ong và tâm sen.

Tim sen có thể kết hợp với mật ong để cải thiện chứng mất ngủ
Tim sen có thể kết hợp với mật ong để cải thiện chứng mất ngủ

Nguyên liệu:

  • 3g tim sen
  • 3 – 4 thìa mật ong nguyên chất

Cách thực hiện: 

  • Cho nước sôi vào ấm pha trà, đậy nắp, lắc đều rồi đổ đi
  • Cho tâm sen vào ấm, rót nước ngập trà, lắc nhẹ, đổ nước này đi càng nhanh càng tốt
  • Cho 200ml nước nóng vào ấm, đậy nắp, hãm trong 2 –  3 phút cho trà ngấm
  • Rót trà ra tách, thêm mật ong vào, khuấy đều và thưởng thức khi còn ấm.

Lưu ý: Tim sen không sử dụng được cho các đối tượng như người âm hư, người tỳ vị yếu, tiêu chảy, người đang điều trị bệnh tiểu đường, trẻ em, phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú, người bị rối loạn kinh nguyệt, người thân thể hư hàn, mạch tế nhược…

6. Dùng mật ong, củ tam thất trị mất ngủ

Theo y học cổ truyền, củ tam thất vị ngọt đắng, tính ấm vừa có tác dụng hưng phấn thần kinh, vừa có tác dụng ức chế trung khu thần kinh trung ương, giúp gây ngủ, trấn tĩnh. Sử dụng tam thất còn giúp giảm cholesterol trong máu, tăng cường lưu thông tuần hoàn máu, hạ đường huyết, chống nhiễm khuẩn, hỗ trợ làm lành vết thương. Củ tam thất hoàn toàn có thể kết hợp với mật ong để giúp an thần, gây ngủ, cải thiện chất lượng giấc ngủ.

Nguyên liệu: 

  • 1 lít mật ong
  • 300g bột củ tam thất
  • Hũ thủy tinh có nắp đậy

Cách thực hiện:

  • Bột củ tam thất trộn đều với lượng mật ong vừa đủ
  • Hoàn (vo) thành viên với kích thước nhỏ, cho vào hũ thủy tinh, đậy kín nắp để dùng dần
  • Mỗi ngày lấy 1 thìa cà phê viên mật ong và bột củ tam thất uống vào buổi sáng hoặc 1 – 2 tiếng trước khi đi ngủ.

Lưu ý: Không áp dụng phương pháp này cho trẻ em, phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú, người bị tiêu chảy, người đang bị chảy máu.

7. Cách chữa mất ngủ bằng mật ong với chanh và bạc hà

Bạc hà có mùi thơm nhẹ, là liệu pháp mùi hương được sử dụng để giải tỏa căng thẳng, cân bằng cảm úc. Trà bạc hà, chanh mật ong giúp cơ thể thư giãn, thoải mái, có chứa chất an thần tự nhiên nên có thể cải thiện chất lượng giấc ngủ, giúp ngủ ngon và sâu giấc hơn.

Nguyên liệu:

  • 1 gói trà túi lọc hoặc trà xanh
  • 7 – 10 lá bạc hà
  • 2 thìa mật ong nguyên chất
  • 1/2 quả chanh

Cách thực hiện:

  • Trà xanh hoặc trà túi lọc pha với 300ml nước nóng, cho lá bạc hà vào, đậy kín nắp
  • Sau 10 – 15 phút thì bỏ gói trà ra ngoài, thêm mật ong và nước cốt chanh vào trà, khuấy đều
  • Đợi trà bớt nóng thì thưởng thức hoặc cho vào tủ lạnh, ướp lạnh để uống tùy thích.

Lưu ý: Không sử dụng trà chanh bạc hà mật ong cho các đối tượng như phụ nữ mang thai, người mắc bệnh tim mạch, cao huyết áp, trào ngược dạ dày, tiểu đường, táo bón kéo dài…

8. Cách chữa mất ngủ bằng mật ong và muối biển

Sử dụng mật ong và muối biển nghe có vẻ lạ nhưng lại là một trong những phương pháp chữa mất ngủ đáng thử. Cách làm tương đối đơn giản, nguyên liệu quen thuộc, dễ tìm, dễ sử dụng.

Nguyên liệu:

  • 2 thìa mật ong nguyên chất
  • 1/4 thìa muối biển

Cách thực hiện:

  • Cho muối biển vào cốc nước nóng, khuấy đều cho muối tan
  • Cho mật ong vào cốc, khuấy lại rồi thưởng thức khi còn ấm
  • Uống trước khi đi ngủ 30 phút – 1 tiếng.

9. Cách trị mất ngủ bằng trà hoa cúc mật ong

Hoa cúc vị ngọt hơi đắng, tính mát là loại thảo dược thiên nhiên nhiều công dụng. Đặc biệt, trà hoa cúc có mùi hương dịu nhẹ, dễ chịu, có thể xoa dịu thần kinh, giảm căng thẳng, mệt mỏi, giúp cân bằng tinh thần mang đến giấc ngủ ngon và sâu hơn. Loại trà này còn giúp thư giãn, làm dịu cơ, chống co thắt cơ, giảm đau đầu, đau dạ dày, đau bụng kinh…

Nguyên liệu:

  • 1/2 chén hoa cúc khô
  • 2 – 3 thìa mật ong nguyên chất

Cách thực hiện:

  • Hoa cúc rửa sạch, để ráo nước, cho hoa cúc vào ấm, đổ nước sôi vào tráng nhanh rồi đổ nước này đi
  • Cho lượng nước vừa phải vào ấm trà, hãm 15 – 20 phút, rót trà ra tách, thêm 1 – 2 thìa mật ong vào khuấy đều
  • Thưởng thức trà khi còn ấm, có thể uống buổi sáng, chiều hoặc trước khi đi ngủ 1 – 2 tiếng đều được.

Lưu ý: Không sử dụng trà hoa cúc cho phụ nữ đang mang thai, người đang bị tiêu chảy, tỳ vị hư hàn, người có bản hư hàn, dương hư, người đang đói bụng…

10. Cách chữa mất ngủ bằng mật ong và sữa ấm

Kết hợp mật ong với sữa cũng là một trong những cách chữa mất ngủ đơn giản mà bạn có thể tham khảo.

Nguyên liệu:

  • 3 muỗng sữa
  • 1 thìa mật ong nguyên chất
  • 150ml nước sôi

Cách thực hiện:

  • Cho 3 muỗng sữa vào 150ml nước sôi, dùng muỗng khuấy đều cho tan
  • Cho 1 thìa mật ong nguyên chất vào cốc sữa, lại khuấy đều lần nữa
  • Thưởng thức sữa khi còn ấm, dùng trước khi đi ngủ 1 tiếng.

Một số lưu ý khi dùng mật ong trị mất ngủ

Chữa mất ngủ bằng mật ong là phương pháp điều trị tương đối an toàn, chỉ sử dụng các nguyên liệu thiên nhiên quen thuộc nên được nhiều người biết đến và áp dụng. Khi dùng mật ong chữa mất ngủ, bạn cần lưu ý một số vấn đề sau đây:

  • Mật ong là nguyên liệu thiên nhiên, do đó hiệu quả điều trị tương đối chậm và còn tùy thuộc vào cơ địa của mỗi người. Đặc biệt, phải kiên trì trong thời gian dài mới thấy hiệu quả và chỉ thích hợp với các trường hợp mất ngủ ở mức độ nhẹ.
  • Mật ong tuy an toàn, lành tính nhưng chỉ nên sử dụng với liều lượng vừa phải, mỗi ngày khoảng 1 – 2 tách trà là được, không nên lạm dụng để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe
  • Mật ong kiêng kỵ khi dùng chung với các thực phẩm như hẹ, hành, hành tây, đậu phụ, cá chép, sữa đậu nành, tào phớ… Do đó, bạn cẩn thận trọng khi sử dụng để tránh ngộ độc
  • Tuyệt đối không dùng mật ong cho trẻ dưới 12 tháng tuổi, thận trọng khi sử dụng cho phụ nữ mang thai, không áp dụng cho người mắc tiểu đường, người bị xơ gan, người bị huyết áp thấp, rối loạn chức năng đường ruột, người mới phẫu thuật…

Có thể thấy, có rất nhiều cách chữa mất ngủ bằng mật ong đơn giản, dễ thực hiện mà chúng ta có thể áp dụng tại nhà. Tuy nhiên, nếu chứng mất ngủ nghiêm trọng, kéo dài, không có dấu hiệu cải thiện, tốt nhất bạn nên nhanh chóng thăm khám bác sĩ để được tư vấn và có phương pháp điều trị phù hợp.


Câu hỏi thường gặp

Mất ngủ kinh niên không chỉ gây mệt mỏi mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Thiếu hụt một số vitamin có thể là nguyên nhân tiềm ẩn gây ra tình trạng này. Hãy cùng tìm hiểu:

  • Vitamin D: "Vitamin ánh nắng" này không chỉ tốt cho xương mà còn giúp điều hòa giấc ngủ.
  • Vitamin B Complex: Đặc biệt là B6 và B12, chúng đóng vai trò quan trọng trong sản xuất melatonin - hormone điều hòa giấc ngủ.
  • Magie: Khoáng chất này giúp thư giãn cơ bắp và thần kinh, tạo điều kiện cho giấc ngủ sâu hơn.

Bổ sung đầy đủ các vitamin này qua chế độ ăn uống hoặc viên uống bổ sung có thể là chìa khóa giúp bạn tìm lại giấc ngủ ngon và cải thiện chất lượng cuộc sống.

Mất ngủ có thể là một trong những dấu hiệu sớm của thai kỳ, thường đi kèm với các triệu chứng khác như buồn nôn, đau ngực, và đi tiểu thường xuyên. Tuy nhiên, mất ngủ cũng có thể do nhiều nguyên nhân khác gây ra.

  • Hormone thay đổi: Sự gia tăng progesterone trong thai kỳ có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ.
  • Thay đổi thể chất: Đau lưng, chuột rút, và khó tìm tư thế ngủ thoải mái cũng góp phần gây mất ngủ.
  • Lo lắng và căng thẳng: Tâm trạng thay đổi khi mang thai cũng có thể khiến bạn khó đi vào giấc ngủ.

Nếu bạn nghi ngờ mình có thai và đang gặp phải tình trạng mất ngủ, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn và hỗ trợ. Đừng quên tìm hiểu thêm về các dấu hiệu mang thai khác và cách cải thiện giấc ngủ trong thai kỳ để đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và bé.

Ngủ trưa không chỉ là một thói quen thư giãn mà còn mang lại nhiều lợi ích sức khỏe đáng kể:

  • Tăng cường năng suất làm việc: Giấc ngủ ngắn giúp phục hồi năng lượng, cải thiện sự tập trung và hiệu suất làm việc buổi chiều.
  • Cải thiện tâm trạng: Giảm căng thẳng, mệt mỏi, giúp bạn cảm thấy tỉnh táo và vui vẻ hơn.
  • Tốt cho tim mạch: Một số nghiên cứu chỉ ra rằng ngủ trưa điều độ có thể giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
  • Hỗ trợ trí nhớ & học tập: Ngủ trưa giúp củng cố trí nhớ, tăng khả năng tiếp thu kiến thức mới.

Tuy nhiên, để tận dụng tối đa lợi ích của giấc ngủ trưa, hãy lưu ý:

  • Thời gian ngủ: Nên ngủ từ 20-30 phút để tránh rơi vào giấc ngủ sâu, gây cảm giác mệt mỏi khi thức dậy.
  • Thời điểm ngủ: Tránh ngủ trưa quá muộn vào buổi chiều, có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ đêm.
Chuyên khoa
Nhóm bệnh
Triệu chứng
Cách chữa liên quan

Danh sách Bác sĩ - Chuyên gia

Xem tất cả

Danh sách Cơ sở y tế

Xem tất cả

Bài viết liên quan