Ho có đờm là một triệu chứng thường gặp khi bị nhiễm trùng đường hô hấp. Chất đờm thường đặc quánh, trong hoặc có màu trắng, xanh, vàng như mủ hoặc có khi còn lẫn cả máu tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh.
Ho có đờm là gì?
Ho có đờm là tình trạng ho từng cơn hoặc ho kéo dài kèm theo sự xuất hiện của đờm trong cổ họng. Chất nhầy thường có khuynh hướng đặc quánh và bám dính trong thành họng gây cảm giác vướng víu, khó chịu, khiến bệnh nhân thường xuyên muốn khạc nhổ để tống khứ đờm ra ngoài.
Đờm về bản chất là một loại chất nhầy được sản sinh khi các phế nang, khí quản hay phế quản bị kích ứng, viêm nhiễm. Nó được đẩy lên cổ họng và nếu được tiết ra quá nhiều có thể cản trở đường lưu thông của không khí dẫn đến khó thở. Ho chính là một phản xạ tự nhiên của cơ thể để loại bỏ đờm nhầy ra khỏi đường hô hấp.
Triệu chứng ho có đờm
Để nhận biết ho có đờm không khó, bạn có thể dựa vào các dấu hiệu sau:
- Ho từng cơn hoặc ho kéo dài kèm theo cảm giác vướng víu và có tiếng kêu phát ra từ cổ họng khi ho
- Khạc ra đờm nhầy. Đờm có thể loãng hoặc vón đặc thành cục
- Màu sắc đờm có thể khác nhau, chẳng hạn như đờm trong, đờm màu trắng, xanh hay vàng tùy theo nguyên nhân nhân gây bệnh.
- Trong đờm có thể nổi bọt khí hoặc có lẫn máu
- Đau rát cổ họng
- Buồn nôn
- Khàn tiếng
- Có thể sốt hoặc không sốt
- Khó thở
- Thở khò khè
- Tức ngực
- Mệt mỏi, chán ăn
Khi nào bạn nên đi khám bác sĩ?
Ho có đờm do nhiều nguyên nhân gây ra. Việc tự chẩn đoán tại nhà có thể dẫn đến những sai lầm trong điều trị. Chính vì vậy, nếu đang có những dấu hiệu ở trên, bạn nên đi khám bác sĩ để được chẩn đoán và chữa trị bệnh hiệu quả.
Đặc biệt, nếu có các dấu hiệu nghiêm trọng sau, hãy đến bệnh viện khám ngay:
- Ho liên tục và ho kéo dài liên tục khiến cơ thể mệt mỏi, ăn ngủ kém
- Tức ngực, khó thở, thở khò khè, nặng nhọc
- Ho nhiều đờm
- Trong đờm có lẫn máu
- Sốt cao khó hạ
Nguyên nhân gây ho có đờm
Triệu chứng ho có đờm bắt nguồn từ một trong những nguyên nhân dưới đây:
- Thời tiết: Thời tiết chuyển mùa một cách đột ngột khiến sức đề kháng bị suy giảm và đường thở dễ bị kích ứng, từ đó làm tăng tiết đờm nhầy trong cổ họng và sinh ra phản ứng ho. Ngoài ra, thời tiết lạnh hoặc khô hanh cũng chính là điều kiện lý tưởng cho chứng ho có đờm khởi phát.
- Nhiễm trùng đường hô hấp: Khi bị vi khuẩn, virus tấn công, đường thở có thể bị kích ứng, sưng phù và tăng tiết chất nhầy dẫn đến ho có đờm. Bạn có thể gặp triệu chứng này khi mắc các bệnh lý như viêm họng cấp, viêm amidan, viêm phế quản hay viêm phổi...
- Hút thuốc lá: Khói thuốc lá chứa nhiều chất độc hại có thể gây có thắt đường thở, tăng tiết đờm nhầy và dẫn đến ho đờm.
- Môi trường sống không trong lành: Chứng ho có đờm có thể thường xuyên tái diễn ở những người sống trong môi trường ô nhiễm, không khí có nhiều khói bụi và chất độc hại do đường thở bị kích ứng.
- Dị ứng: Một số trường hợp bị ho có đờm do dị ứng. Tình trạng này xảy ra sau khi cơ thể tiếp xúc với các yếu tố dị nguyên như khói thuốc lá, lông cho mèo, phấn hoa...
- Suy giảm hệ miễn dịch: Sức đề kháng kém khiến cho các tác nhân gây bệnh như vi khuẩn, virus dễ dàng tấn công vào cơ thể. Chúng có thể gây viêm đường hô hấp và dẫn đến ho có đờm.
Phòng ngừa ho có đờm
Một số biện pháp đơn giản dưới đây có thể giúp bạn phòng tránh, giảm thiểu nguy cơ bị ho có đờm:
- Mang khẩu trang để tránh cho khói bụi và vi khuẩn xâm nhập vào đường thở khi ra ngoài đường hoặc khi làm việc trong môi trường có nhiều bụi.
- Hạn chế đến những nơi có không khí ô nhiễm
- Tránh xa khói thuốc lá và nếu bạn đang hút thuốc thì nên cai ngay để bảo vệ sức khỏe của bản thân.
- Ăn uống đầy đủ, đúng bữa, cân bằng giữa các nhóm chất
- Tránh đưa mặt vào hướng thổi của quạt hay máy lạnh. Nó có thể làm khô đường thở và tăng tiết đờm nhầy khiến bạn bị ho, viêm họng.
- Không để cơ thể bị mất nước. Tăng cường bổ sung chất lỏng cho cơ thể trong những ngày thời tiết nóng lực, khi hoạt động mạnh hoặc cơ thể đổ nhiều mồ hôi.
- Mặc đồ đủ ấm trong những ngày thời tiết lạnh
- Ngủ đủ giấc, có chế độ làm việc hợp lý kết hợp tập thể dục mỗi ngày 20 - 30 phút để nâng cao khả năng miễn dịch của cơ thể, giảm thiểu nguy cơ bị nhiễm trùng đường hô hấp, từ đó phòng ngừa ho có đờm hiệu quả hơn
Cách điều trị ho có đờm
Những phương pháp đang được áp dụng trong điều trị ho có đờm bao gồm:
1. Chữa ho có đờm bằng thuốc Tây
Các loại thuốc tây được chỉ định với mục đích điều trị nguyên nhân gây bệnh, đồng thời loại bỏ đờm nhầy và các triệu chứng khác đi kèm. Dưới đây là các loại thuốc trị ho có đờm thường được bác sĩ kê đơn:
- Thuốc làm loãng đờm:
Nhóm thuốc này có khả năng làm loãng đờm trong cổ họng bằng cách phá vỡ cấu trúc của dịch nhầy, làm giảm độ bám dính của đờm. Điều này có thể giúp tăng cường dẫn lưu đờm ra khỏi đường hô hấp, giảm bớt cảm giác vướng víu trong cổ họng và giúp người bệnh dễ thở hơn.
Một số thuốc làm loãng đờm thông dụng:
- Terpin hydrate
- Natri benzoate
- Guaifenesin
- Thuốc hóa giáng đờm:
Các thuốc hóa giáng đờm cũng thường được chỉ định trong điều trị ho có đờm. Khi được hấp thu, thuốc tác động trực tiếp vào trong đờm giúp đờm được loãng hơn, đồng thời kích thích phản xạ khạc và ho để loại bỏ dịch nhầy ứ đọng trong đường thở ra ngoài.
Nhóm thuốc này bao gồm:
- Acetylcystein
- Ambroxol
- Bromhexin
- Carbocistein,...
Thận trọng khi dùng các thuốc có tác dụng trên đờm cho các đối tượng sau:
- Bệnh nhân bị phổi tắc nghẽn mãn tính có lượng đờm tiết ra quá nhiều. Sử dụng thuốc có thể làm tăng nặng cơn ho và khiến bệnh nhân khó thở hơn.
- Trẻ dưới 12 tháng tuổi bị ho có đờm nặng, có biểu hiện ran nổ, ran ẩm hoặc viêm phổi sòng sọc. Trường hợp này dùng thuốc long đờm có thể khiến cho bệnh viêm phổi diễn biến phức tạp hơn.
- Người quá mẫn với thành phần của thuốc.
- Thuốc giảm đau, hạ sốt:
Một số bệnh nhân bị ho có đờm kèm theo sốt hoặc đau họng. Trường hợp này sẽ được bác sĩ chỉ định các thuốc giảm đau, hạ sốt như Paracetamol, Acetaminophen, Aspirin...
Nhóm thuốc này có thể gây hại cho dạ dày, gan, thận nếu lạm dụng quá mức. Bệnh nhân chỉ nên dùng thuốc khi thật sự cần thiết.
- Thuốc kháng viêm không có steroid (NSAID)
Các thuốc NSAID thường được chỉ định cho bệnh nhân bị ho có đờm dai dẳng , đau rát họng hoặc sưng tấy niêm mạc họng. Bác sĩ có thể kê đơn cho bạn một trong các loại thuốc như Ibuprofen hay Diclophenac,...
Tương tự như nhiều loại thuốc tân dược khác, thuốc NSAID cũng tiềm ẩn nhiều tác dụng phụ cho người sử dụng như viêm loét dạ dày, xuất huyết dạ dày, tăng men gan, suy thận... Vì vậy, tránh uống thuốc quá liều hoặc lạm dụng trong thời gian dài.
- Thuốc kháng sinh:
Trường hợp bị ho có đờm do nhiễm khuẩn đường hô hấp, thuốc kháng sinh sẽ được chỉ định. Thuốc giúp tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh, qua đó giảm viêm đường thở và cải thiện các triệu chứng khác đi kèm.
Loại thuốc và liều dùng thuốc kháng sinh sẽ được xem xét dựa trên độ tuổi của người bệnh. Thông thường, trẻ từ 2 tháng - 5 tuổi có thể được chỉ định Amoxicillin, Cefuroxim Clarithromycin hay Bactrim. Các loại kháng sinh như Amox, a.clavulanic hay Azithromycin thích hợp cho trẻ trên 5 tuổi. Người từ 18 - 50 tuổi có thể cân nhắc sử dụng Clarithromycin hay Azithromycin. Trong khi đó, thuốc Amoxicillin lại được chỉ định rộng rãi cho bệnh nhân trên 50 tuổi.
2. Cách trị ho có đờm tại nhà bằng mẹo tự nhiên
Một số mẹo tự nhiên có thể giúp giảm ho có đờm. Bệnh nhân có thể cân nhắc áp dụng tại nhà để rút ngắn thời gian điều trị và giảm thiểu sự lệ thuộc vào thuốc Tây.
Dưới đây là một số bài thuốc dân gian thường được sử dụng để chữa ho có đờm:
- Uống nước ép củ cải trắng:
Nước ép từ củ cải trắng có tính mát. Nó có tác dụng thanh nhiệt, hạ sốt, tiêu đờm, giảm ho và khôi phục giọng nói.
Để sử dụng, bạn hãy lấy 1 kg củ cải trắng đem gọt vỏ. Sau đó bỏ củ cải vào máy ép chung với 250g gừng tươi lấy nước cốt. Đun sôi hỗn hợp, vặn nhỏ lửa để trong 10 phút. Tiếp tục cho vào nồi 300ml mật ong, khuấy đều đến khi nước sôi trở lại thì tắt bếp.
Bảo quản nước trong lọ thủy tinh. Mỗi lần uống 5ml x 2 lần/ngày trong ít nhất 3 ngày để trị ho có đờm.
- Bài thuốc chữa ho có đờm từ lá húng chanh
Lá húng chanh ( hay rau tần dày lá) là một loại thảo dược được y học cổ truyền ghi nhận với tính ấm, giúp làm long đờm, sát trùng cổ họng, tiêu diệt virus, vi khuẩn, đồng thời tán hàn, giải cảm, xoa dịu cơn ho và tình trạng kích ứng trong đường thở.
Trường hợp bị ho đờm, bạn chỉ cần hái lá húng chanh về dùng theo cách sau:
- Rửa sạch 1 nắm lá rồi đem ngâm với nước muối pha loãng
- Vớt lá húng chanh ra rổ, để ráo nước hoàn toàn, thái nhỏ
- Bỏ lá vào chén cùng một ít đường phèn (hoặc mật ong)
- Đem hỗn hợp này hấp cách thủy 15 - 20 phút
- Gạn nước uống mỗi lần 2 thìa x 2 - 3 lần trong ngày, dùng khi còn ấm sẽ cho hiệu quả tốt hơn.
- Súc miệng bằng nước muối:
Nước muối được biết đến với công dụng sát trùng mạnh nên giúp làm sạch cổ họng, tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh, đồng thời giảm cảm giác đau rát và giúp cải thiện tình trạng ho có đờm do viêm họng cấp.
Để tiện lợi và đảm bảo vệ sinh, bạn nên mua sẵn nước muối sinh lý ngoài tiệm thuốc tây về sử dụng. Mỗi ngày súc miệng và họng bằng nước muối 3 - 4 lần sẽ giúp cải thiện đáng kể cơn ho đờm và các triệu chứng khó chịu trong cổ họng.
- Điều trị ho có đờm bằng lá hẹ:
Lá hẹ đặc biệt chứa nhiều allicin và saponin. Những chất này có tác dụng như một loại kháng sinh, giúp tiêu diệt vi khuẩn, giảm sưng viêm đường thở. Y học cổ truyền cũng ghi nhận, lá hẹ có tính mát, giúp điều hòa thân nhiệt, tiêu thũng, giảm ho, long đờm.
Cách sử dụng:
- Dùng 1 nắm lá hẹ đã được rửa sạch sẽ đem thái nhỏ
- Bỏ lá vào một cái chén sạch chung với ít mật ong hoặc đường phèn
- Hấp cách thủy 20 phút
- Chia nước làm 3 lần uống mỗi ngày. Dùng khi còn ấm để giảm ho đờm và xoa dịu kích ứng trong đường hô hấp.
Cách chăm sóc tại nhà khi bị ho có đờm
Người bị ho có đờm cần được chăm sóc đúng cách và có chế độ ăn uống, sinh hoạt phù hợp để bệnh nhanh khỏi hơn. Dưới đây là một số vấn đề bệnh nhân nên tuân thủ:
- Uống nhiều nước:
Chất lỏng giúp làm loãng đàm, giảm ho, làm sạch cổ họng. Tốt nhất người bệnh nên dùng nước ấm. Có thể dùng thêm trà thảo mộc, nước canh rau hay nước trái cây để thay thế cho một phần nước lọc. Lượng nước sử dụng mỗi ngày tối thiểu là 2 lít đối với người trưởng thành.
Tuy nhiên, cần tránh sử dụng các thức uống có tính kích thích, gây mất nước và làm tăng tiết đờm. Chẳng hạn như bia, rượu, nước ngọt, cà phê...
- Giữ ấm cơ thể:Trong những ngày thời tiết lạnh hoặc giao mùa, người bệnh cần chú ý giữ ấm cơ thể. Mặc quần áo dài tay kết hợp đeo khăn để bảo vệ vùng cổ, ngực, giúp đường thở được giữ ấm. Điều này cũng có thể giúp ngăn ngừa và phải thiện đáng kể tình trạng ho có đờm.
- Tắm nước ấm:
Tắm với nước ấm sẽ giúp kích thích lưu thông máu đến sửa chữa tổn thương ở đường thở, đồng thời hỗ trợ giảm nhẹ cơn ho đờm. Người bệnh có thể thêm vào trong nước tắm một ít tinh dầu thảo dược, giúp đầu óc được thư giãn, thoải mái hơn.
- Dùng máy khuếch tán không khí:
Máy khuếch tán hơi nước có tác dụng làm ẩm không khí trong không gian sống, duy trì độ ẩm cần thiết cho đường thở của người bệnh. Điều này có thể giúp ngăn ngừa kích ứng và làm giản sản xuất đờm nhầy, cải thiện triệu chứng ho có đờm, giảm đau rát cổ họng.
- Có chế độ ăn phù hợp:
- Chế biến món ăn dưới dạng lỏng, mềm, hấp hay luộc để dễ nuốt, không gây cảm giác đầy bụng, buồn nôn.
- Ăn nhiều rau xanh và trái cây để bổ sung vitamin và khoáng chất cần thiết, giúp nâng cao sức đề kháng của cơ thể.
- Hạn chế sử dụng các thức ăn nhiều dầu mỡ bởi chúng có thể làm tăng độ đặc quánh của đờm và khiến cơn ho trở nên nghiêm trọng hơn.
- Tránh ăn nhiều đồ ngọt, các thức ăn cay bởi chúng có thể gây kích thích, làm cổ họng đau rát và khiến bệnh nhân bị ho nhiều hơn.
- Cắt giảm lượng muối khi chế biến món ăn. Dùng quá nhiều muối khiến cơ thể bị mất nước và làm tăng độ đặc của đờm nhầy.
- Trong sinh hoạt hàng ngày:
- Nghỉ ngơi nhiều trong những ngày bị bệnh
- Hạn chế la hét, hoặc nói nhiều sẽ gây khàn tiếng, khiến cổ họng đau rát và kích thích ho đờm nhiều hơn.
- Đi ngủ sớm, ngủ đủ giấc giúp cơ thể có sức đề kháng tốt hơn với bệnh tật
- Giữ gìn vệ sinh răng miệng, đánh răng ít nhất 2 lần một ngày để ngăn chặn vi khuẩn xâm nhập vào đường hô hấp.
- Tránh để thần kinh bị căng thẳng bởi stress có thể kích thích các cơ ở đường hô hấp co thắt mạnh khiến bạn bị khó thở và ho nhiều.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!