Những cơn ho có đờm và tình trạng viêm nhiễm trong đường thở sẽ được cải thiện đáng kể nếu bạn có một chế độ ăn uống hợp lý với các thực phẩm có lợi. Chính vì vậy, vấn đề ho có đờm nên ăn gì và kiêng gì nên được chú trọng tìm hiểu nếu bạn muốn nhanh chóng cắt đứt cơn ho mà không phải lệ thuộc quá nhiều vào thuốc Tây.
Nguyên tắc xây dựng thực đơn cho người bị ho có đờm
Khi bị ho có đờm, những cơn ho diễn ra liên tục kèm theo cảm giác vướng víu đờm nhầy trong đường thở khiến bạn bị đau họng, khó thở, buồn nôn và vô cùng mệt mỏi. Việc xây dựng được một thực đơn ăn uống hợp lý có thể giúp bổ sung đầy đủ năng lượng và các dưỡng chất thiết yếu giúp cải thiện chức năng hoạt động của hệ thống miễn dịch, hỗ trợ giảm ho, tiêu đờm và giúp tổn thương ở đường hô hấp nhanh được chữa lành.
Hiểu rõ được tầm quan trọng của bữa ăn đối với quá trình hồi phục sức khỏe, khi lên thực đơn người bệnh cần tuân thủ theo các nguyên tắc sau:
- Lựa chọn các món ăn thực phẩm mềm, lỏng, dễ nuốt, dễ tiêu hóa để không gây kích ứng cổ họng.
- Đảm bảo cung cấp đầy đủ 4 nhóm chất trong mỗi bữa ăn, bao gồm protein, chất béo, tinh bột và chất xơ
- Bữa ăn cần phong phú, thường xuyên thay đổi thực phẩm và cách chế biến để kích thích vị giác của người bệnh, đặc biệt là trẻ em. Nếu có biểu hiện chán ăn, nên ưu tiên lựa chọn các thực phẩm phù hợp sở thích và khẩu vị của người bệnh nhưng phải có lợi cho tình trạng ho có đờm.
- Sử dụng các thực phẩm có khả năng kháng viêm, giảm đau, tiêu đờm để đẩy lùi cơn ho có đờm một cách tự nhiên.
- Dùng thực phẩm sạch, tươi sống để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.
Ho có đờm nên ăn gì?
Người bị ho có đờm nên thường xuyên sử dụng các thực phẩm dưới đây trong thực đơn:
1. Hành tím, tỏi hay hành tây
Tất cả những loại củ này đều chứa hoạt chất kháng sinh tự nhiên, đặc biệt là allicin. Chất này giúp chống lại tình trạng nhiễm trùng trong đường thở, cải thiện cơn ho có đờm bằng cách tiêu diệt vi trùng gây bệnh, giảm phù nề niêm mạc cơ quan hô hấp.Nếu đang bị ho có đờm, bạn nên tận dụng các loại củ có sẵn trong gian bếp này để đẩy lùi cơn ho. Chúng vừa giúp làm tăng hương vị thơm ngon cho món ăn, vừa giúp hỗ trợ đẩy lùi bệnh một cách tự nhiên, an toàn.
2. Trái cây có múi
Các loại trái cây có múi, chẳng hạn như cam, quýt, bưởi hay chanh là nhóm trái cây tốt nhất cho người đang bị ho có đờm. Chúng bổ sung nhiều vitamin C và chất chống oxy hóa có khả năng kháng viêm, ức chế virus, vi khuẩn gây ho có đờm, giảm sưng đỏ ở đường thở, đồng thời giúp hệ miễn dịch hoạt động hiệu quả hơn.Ăn trực tiếp hoặc sử dụng nước ép từ các loại trái cây có múi cũng giúp bạn bớt mệt mỏi và tập trung trong khi làm việc.
3. Thực phẩm chứa nhiều vitamin A
Vitamin A đóng một vai trò quan trọng trong việc xây dựng hoàn thiện hệ thống miễn dịch của cơ thể. Nó cũng giúp thúc đẩy quá trình tái tạo các tế bào mới để sửa chữa vùng niêm mạc bị tổn thương trong đường hô hấp.Sử dụng nhóm thực phẩm này trong thực đơn với một lượng hợp lý sẽ giúp nâng cao khả năng tự vệ của cơ thể, hỗ trợ tiêu diệt virus, vi khuẩn gây nhiễm trùng đường hô hấp, qua đó làm giảm tiết đờm nhầy và xoa dịu cơn ho.
Các thực phẩm giàu vitamin A bao gồm:
- Đu đủ
- Khoai lang
- Cà chua
- Bí ngô
- Ớt chuông
- Súp lơ xanh
- Dầu gan cá…
4. Mật ong long đờm, giảm ho
Mật ong cũng là sự lựa chọn hữu ích cho thực đơn của người bị ho có đờm. Thực phẩm này có thể sử dụng cho trẻ từ 1 tuổi trở nên và người lớn. Lượng đường tự nhiên có trong mật ong sẽ bổ sung nguồn năng lượng dồi dào cho cơ thể, giúp người bệnh bớt mệt mỏi và tỉnh táo hơn khi làm việc, học tập.Ngoài ra, thành phần vitamin E và C được tìm thấy trong thực phẩm này còn hoạt động như một phương thuốc kháng viêm tự nhiên. Chúng giúp sát khuẩn, giảm sưng viêm ở đường thở, làm dịu kích ứng trong cổ họng và tiêu đờm nhầy. Điều này có thể giúp cải thiện triệu chứng ho có đờm liên quan đến các vấn đề ở đường hô hấp, chẳng hạn như viêm họng, viêm amidan hay viêm tiểu phế quản…Để tận dụng được những lợi ích tuyệt vời từ mật ong, bạn có thể sử dụng thực phẩm này theo những cách sau:
- Ăn trực tiếp mật ong nguyên chất với liều lượng 2 – 3 thìa mỗi ngày
- Uống nước chanh ấm với mật ong để làm sạch cổ họng, ức chế cơn ho, làm tăng sức đề kháng cho cơ thể
- Kết hợp mật ong với gừng, hành tây, lá hẹ, hoa đu đủ đực đem hấp cách thủy uống hàng ngày. Đây là cách trị ho có đờm bằng bài thuốc dân gian đang được nhiều người áp dụng.
5. Quả lê tiêu đờm, giảm ho
Quả lê hấp đường phèn là bài thuốc trị ho có đờm nổi tiếng trong dân gian. Ngoài ra, loại trái cây này còn được ép nước uống để bổ sung vitamin và khoáng chất giúp nâng cao sức đề kháng cho cơ thể.Y học cổ truyền cho rằng, quả lê có vị ngọt, tính hàn. Loại trái cây này tác động đến các kinh Phế, Vị, có tác dụng giáng đờm, điều hòa thân nhiệt, giảm ho khan, ho có đờm kéo dài lâu ngày và hạ sốt cho các trường hợp bị viêm họng, viêm tiểu phế quản hay viêm phổi.
6. Gừng kháng viêm, long đờm, giảm đau họng
Gừng chính là gợi ý hữu ích cho thắc mắc ho có đờm nên ăn gì. Loại củ này không đơn thuần chỉ là gia vị mà còn là dược liệu được y học cổ truyền sử dụng phổ biến trong các bài thuốc trị ho có đờm và nhiều vấn đề khác ở đường hô hấp như viêm họng, viêm mũi xoang…Theo Đông y, gừng có tính ấm, giúp tiêu thũng ( kháng viêm), chỉ thống ( giảm đau), hoạt huyết, hành thủy, trừ đờm và đào thải độc tố cho cơ thể. Phân tích thành phần của loại củ này, các nhà nghiên cứu thu được một lượng lớn geraniol và các hợp chất hydrocarbon sesquiterpenic:. Chúng được biết đến với tác dụng giảm đau họng, ức chế cơn ho, cải thiện tình trạng sưng viêm trong đường thở. Nhờ vậy lượng đờm nhầy tiết ra trong cổ họng cũng giảm dần.Để cải thiện tình trạng ho có đờm, bạn có thể dùng gừng theo một số cách sau:
- Pha trà uống, có thể dùng gừng tươi hay khô hoặc dùng trà pha sẵn dưới dạng túi lọc.
- Sử dụng làm gia vị trong các món ăn hay nước chấm
- Xắt gừng thành lát mỏng và trộn với muối ngậm vài lần trong ngày
- Hấp gừng với mật ong lấy nước uống…
7. Súp hoặc cháo
Những món ăn có độ mềm, lỏng như súp, cháo thường được sử dụng trong bữa sáng của người bị ho có đờm. Chúng khá dễ nuốt và có thể bổ sung thêm chất lỏng giúp giữ ẩm cổ họng, làm loãng đờm nhầy và dịu bớt cơn ho.
Khi sử dụng các món ăn này, bạn sẽ không phải lo ngại về tình trạng đau rát, vướng víu trong cổ họng hoặc buồn nôn khi nuốt thức ăn.
8. Củ nghệ chống viêm, giảm ho có đờm
Nghệ được khuyến khích sử dụng trong thực đơn của người bị ho có đờm nhờ chứa nhiều curcumin. Chất này hoạt động tích cực trong việc tiêu diệt gốc tự do và các tác nhân gây tổn hại cho đường hô hấp, đồng thời chống viêm, giảm ho, ức chế quá trình tạo đờm ở vùng niêm mạc bị tổn thương.Dân gian thường pha bột nghệ vàng với sữa ấm hoặc hấp nghệ chung với mật ong uống trị ho có đờm. Bạn cũng có thể sử dụng loại củ này làm gia vị để tạo màu cho món ăn và giảm ho nhanh hơn.
9. Giảm ho có đờm với cà rốt
Người bị ho có đờm nên thường xuyên sử dụng cà rốt trong thực đơn, mỗi tuần khoảng 2 – 3 lần. Loại củ này đặc biệt giàu falcarinol. Khi được hấp thu, chất này giúp ức chế co thắt cơ ở đường hô hấp, qua đó giảm ho, ức chế cơn hen.Cùng với đó, thành phần chất xơ cùng nhiều loại vitamin và khoáng chất được tìm thấy trong củ cà rốt còn có tác dụng thải độc, tăng cường chuyển hóa chất dinh dưỡng và cải thiện khả năng miễn dịch của cơ thể. Nó giúp bạn ăn uống ngon miệng hơn, đồng thời có khả năng chống đỡ tốt khi bị virus, vi khuẩn tấn công.Cà rốt được sử dụng theo nhiều hình thức khác nhau như:
- Ép nước uống
- Xay sinh tố
- Nấu súp
- Hấp, luộc hay xào nấu chung với các thực phẩm khác
Mặc dù tốt nhưng mỗi lần bạn không nên ăn quá 150g cà rốt. Tránh ăn hàng ngày hoặc sử dụng loại củ này với lượng lớn cùng lúc sẽ gây dư thừa vitamin A, vàng da.
10. Lá hẹ
Tương tự như tỏi hay hành, lá hẹ cũng chứa chất kháng sinh thực vật. Thực phẩm này thường được dùng để nấu canh, ăn sống hoặc xay nước uống giúp giảm ho, tiêu đờm, ức chế sự sinh trưởng của các vi sinh vật gây bệnh ở đường hô hấp.
11. Thực phẩm giàu omega 3
Nhóm thực phẩm tiếp theo được đề cập đến trong danh sách các câu trả lời cho vấn đề ho có đờm nên ăn gì đó chính là các thức ăn chứa nhiều omega 3. Ví dụ như hạt chia, hạt lanh, hàu, cá hồi, cá cơm, dầu gan cá tuyết…Omega 3 là một loại axit béo lành mạnh hoạt động như một chất chống viêm tự nhiên. Cơ thể được bổ sung nhiều chất này sẽ giúp giảm viêm nhiễm trong đường hô hấp một cách tự nhiên, giảm thiểu sự lệ thuộc vào các loại thuốc Tây trị ho có đờm ẩn chứa nhiều tác dụng phụ.
Ho có đờm kiêng ăn gì?
Một số thực phẩm có thể gây kích thích cổ họng, làm tăng nặng cơn ho và khiến cho đờm trở nên đặc quánh hơn. Hãy cắt giảm các thực phẩm dưới đây ra khỏi thực đơn nếu bạn đang điều trị ho có đờm:
- Thức ăn nhiều dầu mỡ: Ăn nhiều dầu mỡ gây khó tiêu, đầy bụng và làm tăng tiết đờm nhầy trong đường hô hấp kích thích cơn ho tăng nặng hơn. Vì vậy bạn nên hạn chế ăn các món chiên rán, đồ xào hay thức ăn nhanh chứa nhiều dầu mỡ.
- Gia vị cay: Sử dụng gia vị cay là điều tối kỵ đối với các trường hợp đang bị ho có đờm. Chúng gây cảm giác bỏng rát trong cổ họng, kích thích cơn ho và làm chậm quá trình hồi phục tổn thương ở đường thở.
- Các món ăn có tính nóng: Đồ nếp, quả vải hay quả nhãn,… đều có tính nóng. Sử dụng các thực phẩm này quá nhiều sẽ làm tăng thân nhiệt, khiến cơ thể khó hạ sốt và dễ bị mất nước. Điều này có thể khiến cho đờm trở nên đặc quánh và gây ra các cơn ho dữ dội.
- Tôm, cua: Những thực phẩm này mặc dù bình thường rất bổ dưỡng nhưng lại không được khuyến khích sử dụng trong thực đơn của người bị ho có đờm. Chúng chứa một số loại protein lạ có thể gây kích hoạt phản ứng dị ứng trong cơ thể, từ đó giải phóng nhiều histamin khiến cổ họng bị sưng, viêm, ngứa ngáy và tiết ra nhiều đờm dẫn đến các cơn ho kéo dài không dứt.
- Hạt có nhiều dầu: Chẳng hạn như hạt hướng dương hay hạt đậu. Chúng có nhiều dầu nên khi ăn vào sẽ gây cảm giác vướng víu trong cổ họng, đồng thời làm tăng độ đặc của đờm.
- Bánh kẹo ngọt: Ăn nhiều đồ ngọt hoặc uống nước ngọt sẽ làm tăng phản ứng viêm trong đường hô hấp. Hậu quả là đường thở bị thu hẹp khiến bạn bị ho nhiều đờm, khó thở.
- Đồ lạnh: Thường xuyên ăn hay uống đồ lạnh có thể gây kích ứng niêm mạc họng và là nguyên nhân phổ biến dẫn đến viêm họng, ho có đờm. Vì vậy, hãy tránh xa nhóm thực phẩm này, ngay cả khi bạn đã hết ho.
- Đồ khô cứng: Chẳng hạn như bánh quy hay bánh mì nướng… Chúng có thể ma sát với cổ họng và khiến bạn bị đau rát, khô cổ dẫn đến cơn ho đờm nghiêm trọng hơn.
Những thông tin trên đây đã cung cấp cho bạn những thông tin hữu ích liên quan đến vấn đề ho có đờm nên ăn gì và kiêng gì. Để nhanh cắt đứt cơn ho, ngoài việc duy trì một chế độ ăn uống hợp lý bạn cần chú ý giữ ấm vùng mũi họng khi trời lạnh, hạn chế đến nơi có không khí ô nhiễm, tránh hút thuốc lá và nghỉ ngơi đầy đủ để sức khỏe hồi phục.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!