Trạm Y Tế Xã Thanh Ninh
Giới thiệu
Lịch sử
Trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, tổng Phao Thanh, huyện Tư Nông, phủ Phú Bình, sứ Thái Nguyên gồm 5 xã: Phao Thanh, Tiên La, Phú Mỹ, Lang Tạ, Lương Trình và 9 ấp (xã Phao Thanh là địa bàn xã Thanh Ninh ngày nay)
Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, tổng Phao Thanh, huyện Tư Nông, phủ Phú Bình, sứ Thái Nguyên gồm 6 xã: Phao Thanh, Tiên La, Phú Mỹ, Lang Tạ, Lương Trình và Ninh Thái
Năm 1946, xã Phao Thanh, Phú Mỹ, Lang Tạ, Lương Trình, Ninh Thái hợp nhất thành xã Phú Thanh (ngày nay là xã Thanh Ninh và xã Lương Phú).
Năm 1950, hợp nhất 2 xã Phú Thanh và Đức Dương (nay là xã Tân Đức và Dương Thành) thành xã Đức Liên, địa giới xã Đức Liên khi đó gồm địa bàn 4 xã Tân Đức, Thanh Ninh, Lương Phú, Dương Thành ngày nay.
Cuối năm 1953, xã Đức Liên được chia tách thành 4 xã gồm: xã Thanh Ninh xã Tân Đức, xã Lương Phú, xã Dương Thành. Địa danh 4 xã ổn định từ đó cho đến ngày nay.
Đến năm 2019, theo Niên giám thống kê của Chi cục Thống kê huyện Phú Bình xuất bản tháng 5/2019, xã Thanh Ninh chia thành 14 xóm (Nam Hương 1, Nam Hương 2, Nam Hương 3, Đồng Phú, Vân Đình, Tiền Phong, Quán, Đồng Trong, Phú Yên, Hoà Bình 1, Hoà Bình 2, Phú Thanh 1, Phú Thanh 2, Đồi Thông).
Vị trí, diện tích, dân số
Vị trí:
Thanh Ninh là xã trung du miền núi nằm ở phía Đông Nam huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên, cách trung tâm huyện Phú Bình khoảng 7 km. Xã có vị trí địa lý tiếp giáp các đơn vị như sau: phía Đông Nam giáp xã Dương Thành; phía Đông Bắc giáp xã Tân Đức; phía Tây giáp xã Kha Sơn của huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên; phía Nam và Tây Nam giáp 2 xã Hoàng Thanh và Hoàng Lương của huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang, Phía Bắc giáp xã Lương Phú huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên
Diện tích, dân số
Với diện tích tự nhiên là 493,73 ha; trong đó diện tích đất ở là 94,24 ha; diện tích đất sản xuất nông nghiệp là 399,49ha ; Dân số 6.473 khẩu gồm 1.447 hộ, được phân bổ thành 14 xóm, Chủ yếu là dân tộc kinh
Hiện trạng phát triển Kinh tế - Xã hội
Thanh Ninh là xã thuần nông nền sản xuất chính là nông nghiệp, Đảng bộ và chính quyền đã xác định cơ cấu kinh tế để thực hiện từ nay đến năm 2025 là: Nông nghiệp - TTCN - Dịch vụ. Trong đó: Nông nghiệp chiếm tỷ lệ 40%; CN - TTCN chiếm tỷ lệ 35 %; Dịch vụ chiếm tỷ lệ 25%. Cơ cấu cây trồng chủ yếu là lúa nước nhằm đảm bảo lương thực và cung cấp một phần cho thị trường khu vực. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân năm đạt 13%, thu nhập bình quân đạt 34 triệu đồng/người/năm của năm 2017, mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 đạt 80 triệu đồng/người/ năm.
Kinh tế:
- Nông nghiệp: Thanh Ninh là xã thuần nông nên sản xuất chính là nông nghiệp, chiếm 45% cơ cấu kinh tế. Cơ cấu cây trồng chủ yếu là lúa nhằm đảm bảo lương thực và cung cấp một phần cho thị trường khu vực; diện tích đất trồng cây hàng năm là 42,5 ha, tổng diện tích đất tự nhiên như: lạc, khoai, ngô...
Chăn nuôi gia cầm phát triển tốt, tăng trưởng bình quân năm đạt 14,5%. Diện tích đất nuôi trồng thủy sản là 12,98 ha, chiếm 2,62% tổng diện tích đất tự nhiên, chủ yếu là nuôi cá giống và thương phẩm để cung cấp cho thị trường. Đàn trâu bò ổn định và tăng nhanh.
- Công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp của xã đã có chiều hướng phát triển; các ngành nghề thủ công như: nghề đồ gỗ mỹ nghệ, nhôm kính, chế tạo cơ khí, sản xuất vật liệu xây dựng ... cũng tạo việc làm cho nhiều lao động trong xã. Mức tăng trưởng bình quân hàng năm khoảng 30,3%.
- Điện: 100% các hộ trong xã đã được sử dụng điện lưới quốc gia, chất lượng điện đảm bảo phục vụ sản xuất và sinh hoạt cho nhân dân.
- Hệ thống giao thông: Thanh Ninh có hệ thống giao thông tương đối thuận tiện, đường giao thông trục xóm, liên xóm, liên xã cứng hóa 100%, đường nội xóm, ngõ xóm cứng hóa 100%, Đường nội đồng cứng hóa 80%
- Thủy lợi: hệ thống thủy lợi đang từng bước phát triển theo hướng cứng hóa. Toàn xã có 3000m kênh mương được cứng hóa. Hàng năm, các tuyến kênh mương, hồ đập thường xuyên được tu bổ, nạo vét bùn, đất tạo điều kiện thuận lợi cho tưới tiêu, đáp ứng kịp thời cho sản xuất.
Văn hóa - xã hội:
- Giáo dục đào tạo: Công tác xã hội hóa giáo dục được thực hiện, do vậy, cơ sở vật chất kỹ thuật, đội ngũ giáo viên giảng dạy của các trường không ngừng được quan tâm và đầu tư. Hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật tương đối hoàn chỉnh và đồng bộ tạo điều kiện tốt cho công tác dạy và học. 100% các trường đều được ngói hóa và kiên cố. cả 3 trường đều đạt tiêu chuẩn quốc gia. Trung tâm học tập cộng đồng, Hội đồng Giáo dục, Hội Khuyến học, các dòng họ hiếu học hoạt động đều, có nề nếp, không ngừng chăm lo sự nghiệp trồng người tại địa phương.
- Y tế: Được đầu tư xây dựng, cơ sở vật chất kỹ thuật tương đối đầy đủ. Chất lượng khám, chữa bệnh ban đầu cho nhân dân được nâng lên. Qua từng năm, đội ngũ cán bộ trạm y tế đã khắc phục những khó khăn về vật chất, trình độ chuyên môn, đảm bảo khám và điều trị cho nhân dân trong xã. Đặc biệt, công tác dân số kế hoạch hóa gia đình được các cấp lãnh đạo quan tâm tập trung chỉ đạo. Trạm Y tế đã đạt chuẩn Quốc gia.
- Văn hóa: 14/14 xóm đạt xóm văn hóa năm 2020, đời sống văn hóa của nhân dân trong xã được nâng cao rõ rệt, 14 xóm trên toàn xã đều có hệ thống cụm loa FM, phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao diễn ra sôi nổi, tỷ lệ hộ nghèo 2,98%
Quốc phòng - An ninh:
- Công tác quốc phòng quân sự địa phương luôn được thực hiện tốt như: công tác tuyển quân, dự bị động viên luôn đạt 100% chỉ tiêu, công tác huấn luyện dân quân và diến tập chiến đấu trị an đạt kết qua cao.
- Tình hình an ninh trật tự luôn ổn định, tình hình tệ nạn xã hội giảm, số vụ khiếu kiện đông người không có.