Bé có đờm nhưng không ho có thể là dấu hiệu của một số bệnh lý về đường hô hấp thường gặp. Đờm đặc tích tụ trong cổ họng lâu ngày sẽ khiến đường thở bị bít tắc, lúc này bé sẽ gặp khó khăn khi hô hấp. Nếu không xử lý đúng cách sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của trẻ và gây ra tình trạng ngưng thở đột ngột.
Nguyên nhân trẻ có đờm nhưng không ho
Có đờm trong cổ họng nhưng không gây ho là hiện tượng thường gặp ở trẻ nhỏ dưới 1 tuổi, tình trạng này có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau. Đờm chính là dịch nhầy được tế bào tại đường hô hấp tiết ra. Bên trong đờm chứa rất nhiều thành phần như hỗn hợp protein, chất lạ phổi hít vào, tế bào miễn dịch, tế bào bạch cầu,... Việc cơ thể tiết ra đờm nhằm mục đích làm sạch đường thở và tống khứ vật lạ ra bên ngoài. Tế bào miễn dịch bên trong đờm đảm nhiệm chức năng tiêu diệt vi khuẩn, không cho chúng tồn tại bên trong cơ quan hô hấp gây nhiễm trùng.
Ở những trường hợp trẻ có đờm không ho nhưng không gây ảnh hưởng đến các hoạt động sống bình thường của trẻ thì mẹ không cần quá lo lắng. Đây có thể là phản ứng nôn trớ bình thường của trẻ do trào ngược dịch dạ dày lên thực quản. Dịch nhầy ở đây không phải là đờm mà chính là dịch tiêu hóa tại dạ dày.
Nhưng đa số các trường hợp bé có đờm không ho là do gặp các vấn đề về hệ hô hấp. Lúc này, đờm tiết ra sẽ có màu sắc và mùi khác lạ. Mẹ có thể dựa vào màu sắc đờm để tìm ra nguyên nhân gây bệnh cũng như xác định tình trạng sức khỏe của trẻ. Nếu đờm có màu trắng xanh thì rất có thể trẻ đang mắc bệnh viêm đường hô hấp. Cụ thể là:
- Đờm trắng đục: Nguy cơ mắc bệnh viêm họng cấp, viêm mũi
- Đờm xanh đặc: Viêm đường hô hấp do vi khuẩn tấn công
- Đờm trắng đục như mủ và hôi: Bệnh viêm đường hô hấp mãn tính
Với những trường hợp này, nếu mẹ không chủ động giúp bé loại bỏ đờm sẽ khiến chức năng của cơ quan này bị ảnh hưởng. Vì thế, nếu thấy trẻ có các dấu hiệu trên mẹ nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám, chẩn đoán và điều trị đúng cách
Trẻ có đờm nhưng không ho gây ảnh hưởng gì?
Trẻ có đờm nhưng không ho là triệu chứng thường thấy của các bệnh lý tai mũi họng như viêm amidan, viêm họng, viêm xoang,... Bệnh gây tổn thương đến lớp niêm mạc lót trong cơ quan hô hấp và kích ứng cơ chế sản sinh đờm của cơ thể. Ngoài ra, tình trạng có đờm ở trẻ nhưng không ho cũng có thể là dấu hiệu của một số bệnh lý khác như sởi, thủy đậu, bệnh phổi,... Vậy tình trạng có đờm nhưng không ho ảnh hưởng như thế nào đến trẻ?
Bác sĩ chuyên khoa cho biết, dựa vào nguyên nhân mà tình trạng này sẽ gây ra những ảnh hưởng khác nhau đối với từng trẻ. Nhiều trường hợp trẻ sẽ có triệu chứng nôn trớ để loại bỏ dịch nhầy, nếu tình trạng này diễn ra kéo dài sẽ khiến cơ thể trẻ bị thiếu hụt dinh dưỡng và làm gia tăng nguy cơ viêm loét dạ dày.
Còn những trường hợp xuất hiện đờm đặc quánh trong cổ họng sẽ gây cản trở đến việc hô hấp của trẻ. Lúc này trẻ sẽ có triệu chứng nghẹt mũi gây khó khăn khi bú và ngủ. Nếu dịch đờm tích tụ trong cổ họng không được loại bỏ còn tạo cơ hội cho vi khuẩn phát triển, gây ra các bệnh lý viêm nhiễm tại đường hô hấp. Các biến chứng nghiêm trọng có thể xảy ra ở trẻ là viêm phế quản, viêm phổi,...
Cách chăm sóc trẻ có đờm nhưng không ho
Chăm sóc trẻ đúng cách sẽ giúp cơ thể bé nhanh chóng hồi phục và đẩy lùi triệu chứng có đờm trong cổ họng nhưng không ho nhanh chóng. Nếu không, bệnh sẽ diễn ra kéo dài gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của trẻ. Những điều mẹ cần phải lưu ý khi chăm sóc trẻ có đờm nhưng không ho là:
Trong lối sống sinh hoạt
- Môi trường sinh hoạt của trẻ phải đảm bảo sạch sẽ và thoáng khí. Mẹ nên thường xuyên dọn dẹp phòng ngủ và không gian sinh hoạt của trẻ. Đồ chơi của trẻ cũng cần được vệ sinh mỗi ngày để có thể loại bỏ hết tác nhân gây hại bám trên.
- Thường xuyên tắm rửa và vệ sinh cơ thể trẻ, đặc biệt là sau khi trẻ vận động nhiều. Mẹ chỉ nên dùng nước ấm để tắm cho trẻ, phòng tắm của trẻ phải thông thoáng và không có gió lùa.
- Mẹ nên cho trẻ vận động ngoài trời ở những nơi thoáng đãng, cách này giúp trẻ có thể hít thở không khí trong lành và thoáng mát.
- Giữ độ ẩm trong phòng trẻ ở mức phù hợp, không quá khô hay quá ẩm. Nếu gia đình bạn có sử dụng máy lạnh bạn nên dùng thêm máy tạo độ ẩm giúp cấp ẩm không khí.
- Có các biện pháp giữ ấm cơ thể cho trẻ khi thời tiết chuyển lạnh hoặc có sự thay đổi bất thường, cách này sẽ đẩy nhanh tốc độ hồi phục ở trẻ và ngăn ngừa bệnh chuyển biến nặng hơn.
- Hướng dẫn bé súc miệng bằng nước muối loãng giúp làm sạch khoang miệng, ngăn ngừa tình trạng viêm nhiễm xảy ra. Mẹ cũng có thể cho bé xông hơi mũi bằng nước ấm giúp làm loãng đờm, thông mũi và giảm sưng viêm tại lớp niêm mạc.
Trong chế độ ăn uống
- Nên hạn chế cho bé sử dụng các loại thực phẩm dễ kích thích sản sinh đờm nhầy và khiến đờm nhầy ứ đọng tại vòm họng. Cụ thể là sữa và chế phẩm từ sữa, đậu nành,... Nên chế biến món ăn cho trẻ sử dụng dưới dạng lỏng và dễ tiêu.
- Cho bé uống nhiều nước giúp làm loãng dịch nhầy và hỗ trợ đào thải chúng ra ngoài, từ đó cổ họng bé sẽ trở nên thông thoáng hơn. Mẹ nên cho bé uống nước lọc ấm, nước canh, nước ép trái cây, nước súp,...
Biện pháp xử lý trẻ có đờm nhưng không ho
Khi bé gặp phải tình trạng trên, mẹ nên có các biện pháp xử lý đúng cách để loại bỏ đờm cho bé và giúp bé cảm thấy thoải mái hơn. Đồng thời, loại bỏ đờm đúng cách còn có tác dụng giúp bé phòng ngừa các bệnh lý viêm nhiễm tại đường hô hấp khác. Dưới đây là một số cách xử lý trẻ có đờm nhưng không ho mà chúng tôi tổng hợp được bạn có thể tham khảo:
Nhỏ nước muối sinh lý hút đờm
Nhỏ nước muối sinh lý vào trong mũi sẽ có tác dụng làm loãng dịch đờm và hỗ trợ đào thải chúng ra ngoài. Đây là cách hút đờm khá đơn giản, hiệu quả và được chuyên gia khuyến khích nên mẹ áp dụng cho trẻ. Dưới đây là hướng dẫn thực hiện mẹ có thể tham khảo:
- Cách thực hiện:
- Mẹ cho trẻ nằm nghiêng rồi nhỏ 5 - 6 giọt nước muối sinh lý vào bên mũi phía trên giúp đào thải dịch nhầy ra bên ngoài. Trường hợp đờm quá đặc, mẹ có thể dùng ống hút đờm ở bên mũi phía dưới.
- Sau đó thực hiện tương tự với bên còn lại, lặp lại cách này từ 5 - 6 lần/ngày mỗi khi trẻ có dấu hiệu hô hấp khó khăn.
Lưu ý: Không nên bịt bên mũi còn lại khi hút đờm để tránh gây ảnh hưởng đến việc đào thải đờm ra bên ngoài.
Vỗ rung long đờm
Vào buổi sáng sớm sau khi trẻ ngủ dậy mẹ nên thực hiện vỗ rung long đờm cho trẻ, do đây là thời điểm đờm ứ đọng bên trong rất nhiều. Ngoài ra, cách này cũng thể thực hiện sau khi cho trẻ khí dung. Tuyệt đối không được vỗ rung long đờm cho trẻ sau khi ăn để tránh tình trạng nôn ói.- Cách thực hiện:
- Mẹ nên để trẻ ngồi cúi đầu về phía trước, sau đó dùng tay vỗ nhẹ từ vùng phổi (vị trí ngang lưng) lên đến miệng họng.
- Tay vỗ rung nên khum lại để tạo thành khoảng trống có không khí, khi vỗ sẽ không khiến trẻ bị đau. Vỗ đúng kỹ thuật sẽ phát ra tiếng kêu lộp bộp, quan sát thấy lồng ngực trẻ rung theo nhịp.
- Sau khoảng 10 - 15 phút thực hiện trẻ sẽ ho hoặc nôn ra đờm, lúc này mẹ nên quan sát tính chất của đờm để có thể báo với bác sĩ.
Loại bỏ đờm cho trẻ bằng mẹo dân gian
Dùng mẹo dân gian cũng là cách loại bỏ đờm cho trẻ khá an toàn và hiệu quả. Thành phần dược tính trong các nguyên liệu tự nhiên khi đi vào cơ thể sẽ có tác dụng làm tan đờm tự nhiên, giúp trẻ cảm thấy thoải mái hơn. Dưới đây là hướng dẫn chi tiết về cách thực hiện mẹ có thể tham khảo:
+ Lê và củ cải trắng
- Người bệnh cần chuẩn bị 1 kg lê, 1 kg củ cải trắng, 250 gram gừng và mật ong nguyên chất. Lê, củ cải trắng và gừng tươi đem rửa sạch, gọt bỏ vỏ rồi ép lấy nước.
- Cho nước lê và nước củ cải trắng vào nồi, bắc lên bếp đun sôi. Khi nước sôi thì vặn nhỏ lửa lại, tiếp tục đun cho đến khi hỗn hợp quánh lại thì cho nước cốt gừng và mật ong vào. Dùng thìa đảo đều rồi đun tiếp cho đến khi hỗn hợp sôi trở lại thì tắt bếp.
- Đợi cho hỗn hợp nguội thì đổ vào lọ thủy tinh, đậy kín nắp lại rồi bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh dùng dần. Mỗi ngày, mẹ chỉ cần lấy khoảng 1 thìa hỗn hợp trên pha với 1 cốc nước ấm rồi cho bé uống.
+ Hành tây và đường phèn
- Hành tây đem gọt bỏ lớp vỏ bên ngoài, rửa sạch rồi để cho ráo nước. Dùng dao thái nhỏ hành tây, cho vào bát sạch rồi thêm đường phèn vào.
- Đem hỗn hợp trên đi hấp cách thủy khoảng 45 phút, sau đó chắt lấy nước cho bé uống.
- Mẹ chỉ nên cho bé sử dụng mỗi lần 1 thìa cà phê với tần suất 2 - 3 lần/ngày. Sau khoảng 2 ngày bạn sẽ thấy triệu chứng trên thuyên giảm hẳn.
+ Mật ong chanh
- Mẹ lấy 2 thìa mật ong nguyên chất cho vào cốc sạch cùng với 5 thìa nước lọc, sau đó nặn thêm 1/4 quả chanh tươi vào rồi trộn đều lên.
- Cho bé uống khoảng 100ml nước ấm trước đó rồi đem hỗn hợp trên cho bé uống. Thời điểm sử dụng tốt nhất là buổi sáng sau khi ngủ dậy, lúc trẻ chưa ăn gì.
- Lưu ý không cho trẻ sơ sinh dưới 1 tuổi uống mật ong chanh để làm tiêu đờm
Trên đây là những thông tin cần biết về tình trạng bé có đờm không ho mẹ có thể tham khảo. Hy vọng chúng sẽ giúp mẹ có thêm những kiến thức cần thiết cho việc chăm sóc trẻ nhỏ. Nếu thấy sức khỏe trẻ ngày càng chuyển biến xấu hoặc xuất hiện triệu chứng bất thường thì mẹ nên nhanh chóng đưa bé đến bệnh viện thăm khám.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!