Bệnh hắc lào ở vùng kín là một dạng tổn thương da nông do vi nấm. Bệnh lý này thường gây ngứa ngáy âm ỉ đến dữ dội – đặc biệt là khi cơ thể đổ nhiều mồ hôi. Nếu được thăm khám và điều trị sớm, bệnh có thể thuyên giảm chỉ sau vài tuần. Ngược lại tình trạng chậm trễ và chủ quan có thể khiến tổn thương lan rộng, tiến triển mãn tính và tăng nguy cơ nhiễm khuẩn.
Bệnh hắc lào ở vùng kín là gì?
Bệnh hắc lào ở vùng kín là một dạng tổn thương da nông do nhiễm vi nấm Microsporum, Trychophyton hoặc Epidermophyton. Khi có điều kiện thuận lợi, các loại nấm men này phát triển mạnh, đào thải chất chuyển hóa, gây tổn thương lớp thượng bì và làm phát sinh triệu chứng lâm sàng.
Tổn thương do hắc lào thường gây ngứa âm ỉ nhưng mức độ ngứa có thể tăng lên khi cơ thể đổ nhiều mồ hôi. Bệnh có đáp ứng tốt với điều trị và nhanh chóng thuyên giảm nếu xử lý kịp thời. Tuy nhiên ở một số trường hợp, hắc lào có thể phát triển mãn tính, dễ tái phát và có nguy cơ nhiễm khuẩn cao.
Triệu chứng nhận biết hắc lào vùng kín
Triệu chứng của bệnh hắc lào vùng kín tương đối điển hình và dễ nhận biết. Thống kê cho thấy, bệnh bùng phát mạnh vào mùa hè, thường xuất hiện ở vùng kín và những vùng da có nếp gấp lớn như quanh thắt lưng, kẽ mông và kẽ bẹn 2 bên.
Dấu hiệu nhận biết bệnh hắc lào ở vùng kín ở nam giới và nữ giới:
- Vùng kín xuất hiện đám da đỏ, hơi phù nề hoặc bằng phẳng với những vùng da xung quanh
- Đám tổn thương có hình tròn như đồng xu, ranh giới rõ, ở giữa có hiện tượng bong vảy nhẹ và có mụn nước li ti bao xung quanh
- Tổn thương có xu hướng lan tỏa lớn theo thời gian
- Một số đám tổn thương có thể liên kết tạo thành mảng lớn hình đa cung
- Tổn thương không đau nhưng thường gây ngứa – đặc biệt khi da đổ nhiều mồ hôi
Nguyên nhân & Điều kiện thuận lợi
Nguyên nhân trực tiếp gây bệnh hắc lào ở vùng kín là do nhiễm nấm Trychophyton, Microsporum và Epidermophyton. Các loại nấm này không tự tổng hợp chất hữu cơ mà buộc phải ký sinh vào vật chủ (động vật và con người).
Một số nguồn lây nhiễm thường gặp:
- Từ người mắc bệnh sang người khỏe mạnh: Các loại vi nấm trên có khả năng lây từ người mắc bệnh sang người khỏe mạnh qua hoạt động quan hệ tình dục, sử dụng chung vật dụng cá nhân (khăn tắm), tiếp xúc trực tiếp với vùng da nhiễm bệnh,…
- Từ động vật sang người: Ngoài con người, nấm men còn ký sinh vào một số loại động vật khác như ngựa, chó, mèo,… Do đó bạn có thể bị hắc lào ở vùng kín do tiếp xúc với một số loại động vật nhiễm nấm men.
- Từ môi trường: Thống kê cho thấy, chỉ có khoảng một số ít trường hợp bị lây nhiễm vi nấm từ môi trường (không khí, đất, cây cối).
Các điều kiện thuận lợi làm tăng nguy cơ mắc bệnh hắc lào:
- Đặc điểm của vùng kín: Vùng kín là vị trí da tiết nhiều mồ hôi, có nhiệt độ cao và ẩm ướt hơn so với những vùng da khác. Đây là những điều kiện thuận lợi để vi nấm phát triển và gây tổn thương da.
- Vệ sinh cơ thể kém: Vệ sinh cơ thể kém khiến da tích tụ bụi bẩn, dầu thừa và mồ hôi, tạo điều kiện cho nấm men xâm nhập, phát triển và gây hư hại lớp thượng bì.
- Sinh sống ở vùng khí hậu nóng ẩm: Nấm Microsporum, Trychophyton và Epidermophyton có xu hướng phát triển mạnh trong nhiệt độ từ 27 – 35 độ C. Chính vì vậy bệnh hắc lào ở vùng kín thường gặp ở những người sinh sống trong điều kiện thời tiết nóng ẩm.
- Giảm sức đề kháng: Các yếu tố làm giảm sức đề kháng (dùng thuốc ức chế miễn dịch, rối loạn nội tiết, suy nhược cơ thể, dùng kháng sinh dài ngày,…) có thể là nguyên nhân gián tiếp khiến hàng rào da suy giảm, tạo điều kiện cho nấm men phát triển và gây tổn thương da ở vùng kín.
- Lạm dụng xà phòng: Vùng da ở vùng kín thường mỏng, nhạy cảm và dễ kích ứng hơn so với những vùng da khác. Vì vậy lạm dụng xà phòng có thể khiến hàng rào bảo vệ da có thể bị phá vỡ, tạo điều kiện cho nấm men xâm nhập và gây tổn thương lâm sàng.
- Các yếu tố khác: Ngoài ra, bệnh hắc lào ở vùng kín còn có thể khởi phát do một số yếu tố như mặc quần áo chật/ ẩm ướt, sử dụng nguồn nước nhiễm bẩn,…
Hắc lào ở vùng kín nam giới/ nữ giới có nguy hiểm không?
Khác với bệnh chàm và các vấn đề da liễu mãn tính, bệnh hắc lào thường có tiến triển lành tính và đáp ứng tốt với điều trị. Nếu kịp thời khắc phục và chăm sóc đúng cách, tổn thương da có thể thuyên giảm chỉ sau một thời gian ngắn.
Đối với những trường hợp chủ quan và chậm trễ trong việc điều trị, bệnh có thể tiến triển mãn tính, tái phát thường xuyên và gây ra các ảnh hưởng nặng nề như:
- Ảnh hưởng đến đời sống tình dục: Hắc lào vùng kín có thể lây nhiễm thông qua hoạt động tình dục. Vì vậy người mắc bệnh đều phải hạn chế quan hệ trong suốt thời gian điều trị để tránh lây nhiễm cho bạn tình.
- Viêm da nhiễm khuẩn: Bệnh hắc lào chỉ gây tổn thương da nông, hiếm khi gây trợt loét hay hình thành mụn nước sâu. Tuy nhiên bệnh có thể gây ngứa ngáy âm ỉ đến dữ dội, kích thích phản ứng gãi cào và tăng nguy cơ nhiễm khuẩn da.
- Làm giảm chất lượng cuộc sống: Hắc lào vùng kín hiếm khi ảnh hưởng đến ngoại hình. Tuy nhiên bệnh lý này có thể gây ngứa ngáy dai dẳng, tạo tâm lý khó chịu, bứt rứt, dẫn đến tình trạng giảm hiệu suất học tập, làm việc và chất lượng giấc ngủ.
- Dễ lây cho người khác: Hắc lào và các bệnh da liễu do nấm đều có khả năng lây lan nhanh chóng – đặc biệt là trong điều kiện không khí nóng ẩm. Nếu không chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa, nấm men có thể lây lan và phát triển mạnh.
Phòng ngừa bệnh hắc lào ở vùng kín
Vùng kín là vị trí ẩm ướt, có nhiệt độ cao và dễ đổ mồ hôi. Nếu không chủ động phòng ngừa, tình trạng nhiễm nấm men có thể tái phát nhiều lần và phát triển mãn tính.
Do đó sau khi điều trị, bạn nên ngăn ngừa bệnh tái phát với một số biện pháp đơn giản sau:
- Giữ vệ sinh cơ thể – đặc biệt là những vùng da có hoạt động bài tiết mồ hôi mạnh như nách, vùng kín, kẽ ngón tay và ngón chân.
- Nên mặc quần áo rộng rãi, có chất liệu mềm, mỏng và thấm hút. Hạn chế mặc trang phục bó sát, có chất liệu dày cứng và bí bách.
- Tránh lạm dụng xà phòng, sữa tắm và dung dịch vệ sinh vùng kín. Chỉ nên sử dụng các sản phẩm này 1 lần/ ngày.
- Cách ly với một số nguồn lây nhiễm như chó, mèo, ngựa,…
- Tắm cho thú cưng thường xuyên để hạn chế sự phát triển quá mức của vi nấm và các loại ký sinh trùng.
- Không mặc chung quần áo, sử dụng khăn tắm, quan hệ tình dục,… với người nhiễm bệnh.
- Cải thiện hệ miễn dịch bằng cách ăn uống điều độ, dành thời gian nghỉ ngơi và tập thể dục thường xuyên.
- Người phải sử dụng thuốc kháng sinh và ức chế miễn dịch trong thời gian dài nên thông báo với bác sĩ tiền sử bệnh lý để được chỉ định các biện pháp dự phòng tái phát.
Điều trị bệnh hắc lào ở vùng kín bằng cách nào?
Bệnh hắc lào ở vùng kín không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống mà còn tác động tiêu cực đến đời sống tình dục. Vì vậy bạn nên chủ động thăm khám và điều trị bệnh lý này trong thời gian sớm nhất.
Trên thực tế, những trường hợp can thiệp sớm đều có đáp ứng tốt và thuyên giảm nhanh. Ngược lại tình trạng chủ quan và lơ là có thể khiến tổn thương da lan rộng, phát triển thành mãn tính và tái phát nhiều lần.
1. Sử dụng thuốc Tây
Thuốc Tây thường được chỉ định ngay sau khi có kết quả chẩn đoán. Bác sĩ thường ưu tiên chỉ định thuốc bôi tại chỗ. Tuy nhiên với những trường hợp đáp ứng kém, cần kết hợp cả thuốc bôi và thuốc uống toàn thân để kiểm soát triệt để sự phát triển của vi nấm.
Các loại thuốc điều trị bệnh hắc lào ở vùng kín, bao gồm:
- Thuốc bôi ASA: ASA là dung dịch chứa Aspirin, Ethanol và Natri salicylat, có tác dụng giảm viêm, đau nhức và loại bỏ tế bào thượng bì da. Thuốc được sử dụng nhằm giảm tổn thương do hắc lào và hỗ trợ ức chế hoạt động của nấm men.
- Cồn BSI: BSI là dung dịch bao gồm Axit salicylic, Iodine và Axit benzoic. Thuốc được dùng trực tiếp lên vùng da tổn thương nhằm sát trùng, ngăn ngừa nhiễm khuẩn, làm mềm da và ngăn chặn sự phát triển của vi nấm.
- Thuốc mỡ Benzosali: Benzosali chứa thành phần chính là Axit salicylic và Axit benzoic, có tác dụng sát trùng, chống viêm, loại bỏ tế bào thượng bì và ngăn chặn nấm men phát triển quá mức. Có thể phối hợp loại thuốc này với BSI hoặc ASA để tăng tác dụng điều trị.
- Thuốc bôi Nizoral: Thuốc bôi Nizoral chứa hoạt chất kháng nấm Ketoconazole, có tác dụng ức chế vi nấm Epidermophyton, Trichophyton, Microsporum, Mentagrophytes,… Thuốc được sử dụng trong điều trị các bệnh da liễu do nấm như hắc lào, lang ben,…
- Thuốc bôi Lamisil: Lamisil chứa thành phần chính là Terbinafine có tác dụng ức chế và kìm hãm sự phát triển của các loại vi nấm như Candida, Trichophyton, Pityrosporum,… Hoạt chất này hoạt động bằng cách ức chế tổng hợp sterol ở nấm, dẫn đến tình trạng thiếu hụt squalene và ergosterol nội bào khiến nấm bị tiêu diệt.
- Thuốc kháng nấm dạng uống: Các loại thuốc kháng nấm dạng uống (Itraconazol, Ketoconazol) được chỉ định khi hắc lào ở vùng kín không có đáp ứng tốt với điều trị tại chỗ và có nguy cơ lan tỏa rộng. Thuốc có tác dụng ức chế vi nấm mạnh nhưng có thể gây độc gan và ảnh hưởng đến chức năng sinh lý nam. Loại thuốc này chống chỉ định với trẻ em, người cao tuổi, phụ nữ mang thai, cho con người, người suy giảm chức năng gan và thận.
- Thuốc histamine chống ngứa: Hắc lào ở vùng kín có thể gây ngứa ngáy dai dẳng, tạo cảm giác khó chịu và bứt rứt. Để làm giảm triệu chứng này, bác sĩ có thể chỉ định một số loại thuốc kháng histamine như Chlorpheniramine, Cetirizin, Loratadin,…
Da ở vùng kín thường mỏng và dễ phát sinh tác dụng phụ khi dùng thuốc bôi tại chỗ. Vì vậy bạn chỉ nên sử dụng thuốc với liều lượng và tần suất được bác sĩ chỉ định. Tùy tiện dùng thuốc có thể làm tăng hàm lượng thuốc được hấp thu, gây kích ứng da và phát sinh các tác dụng phụ nghiêm trọng khác.
2. Chữa bằng phương pháp tự nhiên
Bên cạnh sử dụng thuốc, bạn cũng có thể tận dụng một số thảo dược tự nhiên có đặc tính kháng nấm và giảm viêm để cải thiện thương tổn do hắc lào gây ra.
Một số biện pháp tự nhiên hỗ trợ điều trị bệnh hắc lào ở vùng kín, bao gồm:
- Sử dụng gel nha đam: Thoa gel nha đam lên vùng da bị ảnh hưởng có tác dụng làm mát, giảm viêm và ngứa ngáy. Ngoài ra, thảo dược này còn có đặc tính kháng khuẩn và ức chế nấm men.
- Dùng dầu dừa: Axit lauric từ dầu dừa có đặc tính kháng nấm tốt, giúp kìm hãm và hạn chế sự phát triển quá mức của nấm men. Ngoài ra, dầu dừa còn chứa nhiều axit béo, có tác dụng dưỡng ẩm, giảm viêm và làm dịu vùng da tổn thương. Đối với bệnh hắc lào ở vùng kín, nên thoa dầu dừa lên da từ 1 – 2 lần/ ngày, để trong 5 phút và rửa lại với nước sạch.
- Ngâm rửa với nước sắc lá trầu không: Lá trầu không có đặc tính kháng virus, nấm và vi khuẩn. Ngoài ra thảo dược này còn giúp giảm ngứa, cải thiện tình trạng viêm và sưng đỏ. Do đó, bạn có thể dùng 1 nắm lá trầu không đun với nước, để nguội bớt rồi ngâm rửa vùng kín đến khi nước nguội hẳn nhằm hỗ trợ điều trị bệnh hắc lào và các vấn đề do nấm khác.
Các phương pháp tự nhiên chỉ có tác dụng hỗ trợ điều trị bệnh hắc lào. Vì vậy nên kết hợp với việc sử dụng thuốc để kiểm soát hoàn toàn hoạt động của vi nấm, điều trị tổn thương da triệt để và ngăn ngừa tình trạng tái phát.
Chữa bệnh toàn diện với bài thuốc Đông y
Theo quan điểm Đông y, hắc lào ở vùng kín thuộc phạm trù "Tầm ma", do phong tà và thấp nhiệt xâm nhập vào cơ thể, gây tổn thương da. Cơ chế điều trị tập trung vào khu phong, táo thấp, sát khuẩn, thanh nhiệt giải độc và bồi bổ cơ thể.
Các bài thuốc Đông y thường kết hợp các vị thuốc có tính kháng nấm, kháng khuẩn, giảm ngứa và tiêu viêm, đồng thời nâng cao sức đề kháng của cơ thể để đẩy lùi bệnh tật.
Bài thuốc Hoàng liên giải độc thang:
- Thành phần: Hoàng liên 12g, Hoàng cầm 10g, Chi tử 10g, Hoàng bá 10g, Thạch cao 20g, Cam thảo 6g.
- Cách dùng: Mỗi ngày dùng 1 thang ở dạng sắc uống, nước thuốc thu được chia nhỏ thành 2-3 phần, uống hết trong ngày.
Bài thuốc Long đởm tả can thang:
- Thành phần: Long đởm thảo 12g, Sài hồ 10g, Hoàng cầm 10g, Chi tử 10g, Trạch tả 12g, Mộc thông 10g, Xa tiền tử 10g, Sinh địa 16g, Cam thảo 6g.
- Cách dùng: Mỗi ngày dùng 1 thang ở dạng sắc uống, nước thuốc thu được chia nhỏ thành 2-3 phần, uống hết trong ngày.
Bài thuốc Bát vị hoàn:
- Thành phần: Thục địa 24g, Sơn thù 12g, Sơn dược 12g, Phục linh 12g, Đơn bì 9g, Trạch tả 9g, Bạch linh 9g, Quế chi 6g.
- Cách dùng: Ngày uống 2 lần, mỗi lần 12g, chiêu với nước ấm.
Bệnh hắc lào ở vùng kín nam giới có thể ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và đời sống tình dục. Do đó bạn cần tiến hành thăm khám và điều trị trong thời gian sớm nhất. Nếu để kéo dài, bệnh có thể tiến triển mãn tính, lan tỏa rộng và tái phát nhiều lần
Bệnh hắc lào, do vi nấm gây ra, là một bệnh ngoài da phổ biến và có khả năng lây lan cao.
- Lây truyền trực tiếp: Qua tiếp xúc da kề da với người bị nhiễm bệnh.
- Lây truyền gián tiếp: Qua việc dùng chung đồ dùng cá nhân như khăn tắm, quần áo, hoặc tiếp xúc với bề mặt bị nhiễm nấm.
Để phòng ngừa lây lan:
- Tránh tiếp xúc trực tiếp với vùng da bị tổn thương của người bệnh.
- Vệ sinh cá nhân sạch sẽ, không dùng chung đồ dùng cá nhân.
- Giữ da luôn khô thoáng, đặc biệt là ở những vùng dễ bị ẩm ướt như nếp gấp da.
Nếu nghi ngờ bị hắc lào, hãy đi khám bác sĩ da liễu để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Bệnh hắc lào, dù gây khó chịu và mất thẩm mỹ, không thể tự khỏi nếu không có can thiệp y tế.
- Nguyên nhân: Do nhiễm nấm, bệnh dễ lây lan và gây tổn thương da.
- Triệu chứng: Vùng da đỏ, ngứa, có vảy, hình tròn hoặc bầu dục.
- Nguy cơ: Nếu không điều trị, bệnh có thể lan rộng, gây biến chứng, để lại sẹo.
- Điều trị: Sử dụng thuốc chống nấm theo chỉ định của bác sĩ.
- Phòng ngừa: Vệ sinh cá nhân tốt, tránh tiếp xúc trực tiếp với người bệnh.
Đừng chủ quan với hắc lào! Hãy thăm khám bác sĩ ngay để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, tránh biến chứng đáng tiếc.
Bệnh hắc lào tuy là bệnh ngoài da phổ biến, nhưng nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách, có thể dẫn đến những biến chứng không mong muốn.
- Lây lan: Hắc lào có khả năng lây lan nhanh chóng sang các vùng da khác trên cơ thể và lây sang người khác qua tiếp xúc trực tiếp hoặc dùng chung đồ dùng cá nhân.
- Tổn thương da: Hắc lào nặng có thể gây viêm da, phồng rộp, đau rát, thậm chí để lại sẹo.
- Ảnh hưởng tâm lý: Ngứa ngáy và tổn thương da do hắc lào có thể gây khó chịu, mất tự tin, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.
Tuy nhiên, hắc lào hoàn toàn có thể điều trị khỏi nếu được phát hiện và xử lý sớm. Hãy thăm khám bác sĩ da liễu để được tư vấn và điều trị kịp thời, tránh những biến chứng đáng tiếc.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!