Da tay chân khô và bong tróc là hiện tượng thường xuất hiện do thời tiết thay đổi đột ngột, thói quen rửa tay thường xuyên, cháy nắng hoặc có thể là dấu hiệu một số bệnh da liễu như á sừng, vảy nến, chàm khô,… Để cải thiện tình trạng này, cần chăm sóc da đúng cách, áp dụng mẹo chữa tại nhà và sử dụng thuốc khi cần thiết.
Da tay, da chân khô và bong tróc do đâu?
Da tay và da chân nếu tiếp xúc nhiều sẽ dễ khô và bong tróc nếu không được chăm sóc và dưỡng ẩm đúng cách.
Tình trạng này tuy không ảnh hưởng đến sức khỏe, nhưng có thể gây tác động tiêu cực đến ngoại hình và vẻ đẹp thẩm mỹ. Hơn nữa, da tay, chân khô và bong tróc liên tục còn có thể là biểu hiện của một số bệnh da liễu mãn tính.
Để kịp thời chăm sóc và xử lý, bạn nên xác định nguyên nhân gây ra tình trạng này. Dưới đây là một số nguyên có khả năng gây khô và bong tróc vùng da tay, da chân.
1. Do nhiệt độ và độ ẩm giảm thấp
Môi trường là một trong những yếu tố tác động trực tiếp lên da – đặc biệt là những vùng da hở như da mặt, da tay và chân. Khi nhiệt độ và độ ẩm xuống thấp, da có thể bị mất nước, dẫn đến tình trạng thô ráp, nứt nẻ và bong tróc.
Nếu không kịp thời dưỡng ẩm, quá trình thoát hơi nước có thể diễn ra mạnh khiến da bị nứt nẻ sâu, chảy máu và tăng nguy cơ bùng phát các bệnh da liễu mãn tính.
2. Thường xuyên rửa tay
Rửa tay thường xuyên là biện pháp phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm ở đường hô hấp và tiêu hóa. Tuy nhiên tiếp xúc với xà phòng trong thời gian dài có thể khiến lớp sừng của da bị hư hại, dẫn đến hiện tượng da mất độ ẩm, thoát hơi nước và gây ra tình trạng da tay khô và bong tróc.
3. Cháy nắng
Cháy nắng cũng có thể là nguyên nhân khiến da bị bong tróc, đen sạm và thô ráp. Tiếp xúc với ánh nắng trong thời gian dài có thể mô da bị hư tổn và kích ứng.
Sau khoảng vài ngày, vùng da này sẽ có hiện tượng khô, đen sạm và bong tróc thành từng mảng lớn.
4. Thói quen mút tay ở trẻ nhỏ
Mút tay là thói quen thường gặp ở trẻ nhỏ - đặc biệt là trẻ đang mọc răng. Ngoài nguy cơ làm tăng tỷ lệ mắc các bệnh truyền nhiễm, thói quen này còn thúc đẩy quá trình thoát hơi nước khiến da khô và nứt nẻ.
5. Dấu hiệu của một số bệnh da liễu
Ngoài những nguyên nhân kể trên, tình trạng da tay, chân bị khô và bong tróc có thể là biểu hiện của một số bệnh da liễu như sau:
- Bệnh á sừng: Á sừng là tình trạng da tăng tế bào sừng, đặc trưng bởi tình trạng da thô ráp, nứt nẻ, ngứa ngáy và bong tróc. Bệnh lý này thường gây triệu chứng ở gót chân, ngón chân và bàn tay.
- Bệnh chàm khô tróc vảy: Chàm khô tróc vảy cũng có thể là nguyên nhân khiến da tay và da chân khô, nứt nẻ và bong tróc. Ngoài tổn thương da, bệnh lý này còn gây ngứa ngáy và đau rát.
- Bệnh vảy nến: Vảy nến là một dạng rối loạn da mãn tính, điển hình bởi tình trạng da dày sừng, viêm đỏ, nổi cộm, bề mặt khô và bong nhiều vảy trắng. Bệnh lý này có thể gây tổn thương ở da đầu, mặt, cánh tay, tay và chân. Thương tổn do vảy nến thường không gây ngứa, đau hay nóng rát.
- Viêm da tiếp xúc: Viêm da tiếp xúc là tình trạng da bị viêm và tổn thương do tiếp xúc với hóa chất, côn trùng, thực vật, kim loại hoặc có thể khởi phát do ma sát. Trong giai đoạn đầu, bệnh thường gây đỏ, viêm và nổi mụn nước trên da. Tuy nhiên theo thời gian, tổn thương da có xu hướng khô lại, dày sừng, nứt nẻ, ngứa và bong tróc.
Da tay chân khô và bong tróc có sao không?
Da tay, da chân khô và bong tróc chủ yếu khởi phát do một số nguyên nhân thường gặp hoặc do các bệnh da liễu lành tính. Do đó tình trạng này thường không gây ảnh hưởng đến sức khỏe và hiếm khi phát sinh biến chứng nguy hiểm.
Tuy nhiên tổn thương ở vùng da tay và da chân có thể tác động tiêu cực đến chức năng thẩm mỹ, ngoại hình và gây tâm lý thiếu tự tin. Ngoài ra nếu không can thiệp điều trị, tình trạng này có thể tiến triển xấu và gây ra các ảnh hưởng nghiêm trọng như:
- Tăng nguy cơ nhiễm trùng da: Da khô và bong tróc gây phá vỡ màng lipid – hàng rào bảo vệ da. Do đó tình trạng này kéo dài có thể tạo điều kiện cho virus, vi khuẩn, nấm men xâm nhập và gây viêm nhiễm.
- Biến dạng móng: Nếu xảy ra do các bệnh da liễu mãn tính, tổn thương da có thể lây lan đến vùng da bên dưới móng khiến móng đổi màu, nứt nẻ và biến dạng.
Ngoài ra, tình trạng ngứa ngáy kéo dài còn tác động không nhỏ đến giấc ngủ, hoạt động học tập, làm việc, sinh hoạt và gây suy giảm chất lượng cuộc sống.
Phòng ngừa da tay, da chân khô và bong tróc
Da tay, da chân khô và bong tróc có thể tái phát khi gặp điều kiện thuận lợi. Tình trạng tái phát thường xuyên không chỉ khiến da hư tổn, ngứa ngáy, thâm sạm mà còn tăng nguy cơ nhiễm nấm, virus, vi khuẩn và gây biến dạng móng.
Do đó sau khi tổn thương da thuyên giảm, bạn nên ngăn ngừa tình trạng tái phát với một số biện pháp như sau:
- Ưu tiên lựa chọn dung dịch rửa tay và sữa tắm có độ pH cân bằng, thành phần lành tính và an toàn.
- Không nên tắm với nước quá nóng/ quá lạnh và chỉ tắm trong khoảng 15 phút.
- Dưỡng ẩm da thường xuyên – đặc biệt là khi thời tiết thay đổi đột ngột.
- Tránh tiếp xúc với dị nguyên và hạn chế mang giày dép quá chật.
- Sử dụng máy tạo độ ẩm và giữ ấm cơ thể khi nhiệt độ và độ ẩm giảm thấp.
- Xây dựng chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt điều độ nhằm nâng cao thể trạng, cải thiện chức năng miễn dịch và hỗ trợ làm giảm nguy cơ bùng phát các bệnh da liễu mãn tính.
- Hạn chế tiếp xúc với ánh nắng trong thời gian dài và cần sử dụng kem chống nắng để bảo vệ da.
Cách khắc phục da tay, da chân khô và bong tróc
Để áp dụng biện pháp khắc phục tình trạng da tay, da chân khô và bong tróc phù hợp, nên xác định nguyên nhân cụ thể và mức độ tổn thương da. Dưới đây là một số cách cải thiện và xử lý bạn có thể thực hiện:
1. Chăm sóc và dưỡng ẩm da
Nguyên nhân chính gây ra tình trạng da tay và da chân khô, bong tróc là do da bị mất nước và thiếu độ ẩm. Vì vậy, cần tập trung vào các biện pháp dưỡng ẩm, giảm thiểu sự thoát hơi nước, làm mềm bề mặt da và cải thiện tình trạng khô ráp.
Các biện pháp chăm sóc da khô và bong tróc bao gồm:
- Thay đổi nước rửa tay và sữa tắm nếu chúng chứa nhiều xà phòng, hương liệu, hoặc có độ pH cao.
- Sử dụng kem dưỡng từ 2 đến 4 lần mỗi ngày, tùy theo mức độ khô và bong tróc của da. Trong thời tiết khô lạnh, nên mang bao tay và vớ để giảm thiểu sự thoát hơi nước và khô ráp.
- Đối với trẻ nhỏ, cần cắt ngắn móng tay, thường xuyên sử dụng kem dưỡng ẩm và mang bao tay để ngăn chặn thói quen mút tay.
- Đeo găng tay cao su khi làm vườn, tắm cho thú cưng, rửa chén hoặc tiếp xúc với các yếu tố có thể gây kích ứng.
- Tuyệt đối không gãi cào hoặc bóc mảng da khô ở tay, chân. Thói quen này có thể khiến da tổn thương sâu, xây xước, chảy máu và làm tăng nguy cơ viêm nhiễm.
- Uống nhiều nước và sử dụng máy tạo độ ẩm cũng có thể duy trì độ ẩm và hỗ trợ làm giảm tình trạng da tay, da chân khô ráp và bong tróc.
- Hạn chế chà xát mạnh vào da khi tắm. Thay vào đó nên sử dụng bông tắm có chất liệu mềm để làm sạch dầu thừa và bụi bẩn trên da.
- Chỉ nên tắm 1 lần/ ngày và hạn chế tắm quá 15 phút. Tắm thường xuyên hoặc tắm quá lâu có thể khiến da mất độ ẩm và khiến tình trạng khô ráp trở nên nghiêm trọng hơn.
- Điều chỉnh chế độ ăn uống – tập trung vào các nhóm thực phẩm tốt cho da như rau xanh, củ, trái cây, ngũ cốc,…. Đồng thời hạn chế các loại đồ uống và thực phẩm có hại cho da như cà phê, rượu bia, thức ăn chứa nhiều đường, muối và gia vị cay nóng.
2. Mẹo chữa da tay chân khô và bong tróc tại nhà
Các biện pháp chăm sóc chỉ có tác dụng làm giảm mức độ tổn thương, ngăn ngừa tình trạng da nứt nẻ và chảy máu. Để cải thiện triệt để hiện tượng bong tróc, khô ráp ở da tay và da chân, bạn có thể áp dụng một số mẹo chữa tại nhà như:
- Sử dụng dầu ô liu: Dầu ô liu chứa axit oleic và axit linoleic, có tác dụng dưỡng ẩm, phục hồi màng lipid và tăng cường sản sinh collagen trong thành phần cấu trúc của da. Thoa dầu ô liu sau khi dùng kem dưỡng có thể tăng khả năng dưỡng ẩm và giúp cải thiện tổn thương da trong một thời gian ngắn.
- Ngâm tay chân với dầu dừa: Với những mảng da bong tróc, không nên dùng tay bóc hoặc chà xát lên da. Thay vào đó nên ngâm tay chân với nước ấm và dầu dừa (cho 4 thìa dầu dừa vào 2 lít nước ấm) để làm dịu và giảm viêm. Sau khoảng 5 – 10 phút, có thể dùng tay massage nhẹ để loại bỏ các vảy bong mà không gây xây xước hay chảy máu da.
- Dùng vitamin E: Vitamin E không chỉ có tác dụng dưỡng ẩm mà còn giúp chống oxy hóa và bảo vệ da. Do đó bạn có thể sử dụng dịch từ viên vitamin E tổng hợp thoa lên vùng da tổn thương từ 2 – 4 lần/ ngày (thoa trước khi sử dụng kem dưỡng ẩm).
3. Sử dụng thuốc trong trường hợp cần thiết
Nếu khởi phát do các bệnh lý da liễu mãn tính, bạn nên tìm gặp bác sĩ để được thăm khám và thực hiện các chẩn đoán cần thiết. Tổn thương dạng khô và bong tróc thường xảy ra ở giai đoạn mãn tính. Trong giai đoạn này, điều trị chủ yếu là các loại thuốc sau:
- Thuốc mỡ corticoid: Thuốc mỡ corticoid có tác dụng giữ ẩm cho da, hạn chế tình trạng dày sừng và nứt nẻ. Ngoài ra hoạt chất corticoid còn ức chế hoạt động miễn dịch, từ đó giúp giảm viêm, kháng dị ứng và ngăn ngừa tổn thương lan tỏa rộng.
- Thuốc ức chế calcineurin: Nếu sau 14 ngày sử dụng corticoid mà triệu chứng vẫn chưa được cải thiện hoàn toàn, bác sĩ có thể đề xuất thuốc ức chế calcineurin. Loại thuốc này có hiệu quả tương tự corticoid nhưng không gây ra tình trạng mỏng da, teo da, hay giãn mao mạch.
- Kem bôi chứa Kẽm: Kem bôi chứa kẽm được sử dụng nhằm giữ ẩm cho da, hạn chế tình trạng khô ráp, bong tróc và giảm ngứa nhẹ. Ngoài ra, kẽm còn có tác dụng làm dịu, sát trùng và ngăn ngừa viêm nhiễm.
- Thuốc kháng histamine H1: Trong trường hợp tổn thương da gây ngứa nhiều, có thể sử dụng thuốc kháng histamine H1. Ngoài tác dụng giảm ngứa, loại thuốc này còn giúp kiểm soát và hạn chế hình thành tổn thương mới.
Da tay chân khô, bong tróc có thể thuyên giảm sau khi chăm sóc và khắc phục tại nhà. Tuy nhiên đối với những trường hợp bùng phát do các bệnh da liễu, bạn nên tìm gặp bác sĩ để được chẩn đoán, xác định mức độ tổn thương và sử dụng các loại thuốc phù hợp.
Bệnh á sừng, dù gây khó chịu và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, không thể chữa khỏi hoàn toàn. Tuy nhiên, với phương pháp điều trị phù hợp và kiên trì, người bệnh có thể kiểm soát triệu chứng, ngăn ngừa tái phát, và tận hưởng cuộc sống thoải mái hơn.
- Điều trị sớm là chìa khóa: Can thiệp sớm giúp kiểm soát triệu chứng và ngăn ngừa biến chứng.
- Tùy chỉnh phác đồ điều trị: Bác sĩ sẽ đánh giá tình trạng bệnh và đưa ra phác đồ phù hợp, bao gồm thuốc bôi, thuốc uống, và thay đổi lối sống.
- Kiên trì và tuân thủ: Điều trị á sừng đòi hỏi sự kiên nhẫn và tuân thủ phác đồ của bác sĩ.
- Chăm sóc da đúng cách: Dưỡng ẩm thường xuyên và tránh các tác nhân kích ứng giúp giảm triệu chứng và ngăn ngừa tái phát.
Câu trả lời là CÓ.
- Yếu tố di truyền: đóng vai trò quan trọng trong việc quyết định nguy cơ mắc bệnh á sừng. Nếu trong gia đình có người thân mắc bệnh, khả năng bạn cũng bị á sừng sẽ cao hơn.
- Tuy nhiên, di truyền không phải là yếu tố duy nhất: Các yếu tố môi trường và lối sống cũng góp phần gây bệnh.
Hiểu rõ về tính di truyền của bệnh á sừng giúp bạn:
- Chủ động phòng ngừa: Nếu có tiền sử gia đình mắc bệnh, bạn cần chăm sóc da cẩn thận hơn và tránh các tác nhân kích ứng.
- Tìm kiếm sự hỗ trợ y tế sớm: Khi có dấu hiệu nghi ngờ, hãy đi khám để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.