Với triệu chứng khó chịu và dễ tái phát, tổ đỉa ở tay chân cần được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Vậy nguyên nhân gây bệnh da liễu này là gì? Làm sao để nhận diện và kiểm soát tổ đỉa? Hãy cùng tìm hiểu trong bài viết này để nắm rõ những thông tin quan trọng giúp điều trị và phòng ngừa hiệu quả.

Tổ đỉa ở tay chân là gì? Có lây không?

Tổ đỉa ở tay chân còn gọi là chàm tổ đỉa, là một dạng viêm da đặc trưng bởi sự xuất hiện của các mụn nước nhỏ, chứa dịch trong suốt và gây ngứa ngáy dữ dội. Các mụn nước thường tập trung chủ yếu ở vùng da lòng bàn tay, lòng bàn chân và các kẽ ngón tay, ngón chân.

Y học phân chia tổ đỉa chân tay thành 4 thể, bao gồm:

  • Thể đơn giản: Đây là dạng phổ biến nhất với các tổn thương trên da ở mức độ nhẹ.
  • Thể nhiễm khuẩn: Vi khuẩn hoặc các tác nhân gây hại xâm nhập vào da gây mụn mủ.
  • Thể bọng nước: Nếu không chăm sóc da đúng cách hoặc tiếp xúc nhiều với hóa chất gây hình thành các bọng nước lớn.
  • Thể khô: Không có mụn nước, da chỉ bị kích ứng, đỏ rát kèm theo tình trạng bong tróc từng lớp nhỏ.

Tổ đỉa ở tay chân không phải là bệnh truyền nhiễm, do đó \không lây từ người này sang người khác thông qua tiếp xúc thông thường. Tuy nhiên, tổ đỉa có thể lan rộng trên vùng da của chính người bệnh nếu không điều trị đúng cách.

Tổ đỉa gây hình thành các nốt mụn nước ngứa ngáy trên da
Tổ đỉa gây hình thành các nốt mụn nước ngứa ngáy trên da

Triệu chứng tổ đỉa ở tay chân

Các triệu chứng tổ đỉa ở tay chân điển hình như:

  • Xuất hiện mụn nước: Các mụn nước nhỏ li ti, có kích thước từ 1 - 2 mm, chứa dịch trong, mọc sâu dưới da, vỏ dày và khó vỡ.
  • Ngứa ngáy: Cảm giác ngứa ngáy dữ dội, đặc biệt là vào ban đêm hoặc khi tiếp xúc với nước, xà phòng.
  • Da khô, bong tróc: Sau khi mụn nước vỡ, da có thể bị khô, bong tróc, nứt nẻ, để lộ lớp da mới mỏng và dễ kích ứng.
  • Nứt kẽ ngón: Ở những trường hợp nặng, các kẽ ngón tay, ngón chân có thể bị nứt, chảy máu, gây nhiễm trùng.

Nguyên nhân gây tổ đỉa ở tay chân

Mặc dù nguyên nhân chính xác gây ra tổ đỉa vẫn chưa được xác định rõ ràng, nhưng một số yếu tố được cho là có liên quan đến bệnh lý này bao gồm:

  • Di truyền: Bệnh tổ đỉa tay chân có xu hướng di truyền nên nếu người thân trong gia đình mắc bệnh này, bạn sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao.
  • Dị ứng: Tiếp xúc với các chất gây dị ứng như xà phòng, nước rửa bát, chất tẩy rửa, kim loại (niken, crom, coban), xi măng,... gây phản ứng dị ứng dẫn đến tổ đỉa ở tay chân.
  • Nhiễm nấm: Vi khuẩn và nấm có thể xâm nhập vào da, đặc biệt là khi da bị tổn thương hoặc tiếp xúc với môi trường ẩm ướt, bẩn, từ đó gây ra tổ đỉa.
  • Stress, căng thẳng: Stress tâm lý kéo dài có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh hoặc khiến bệnh nặng hơn.
  • Thay đổi thời tiết: Thời tiết nóng ẩm hoặc lạnh khô cũng có thể là yếu tố kích hoạt bệnh.
  • Yếu tố môi trường: Môi trường sống ô nhiễm, nguồn nước sinh hoạt không đảm bảo vệ sinh, khí hậu nóng ẩm cũng là những yếu tố thuận lợi cho bệnh tổ đỉa phát triển.
  • Một số yếu tố khác: Thay đổi nội tiết tố (ở thời kỳ kinh nguyệt, mang thai), tác dụng phụ của một số loại thuốc, hệ miễn dịch suy yếu.

Có nhiều nguyên nhân gây tổ đỉa ở tay chân
Có nhiều nguyên nhân gây tổ đỉa ở tay chân

Bệnh tổ đỉa ở tay chân gây nguy hiểm không? 

Tổ đỉa tuy là bệnh ngoài da không gây nguy hiểm đến tính mạng, nhưng nếu không được điều trị đúng cách sẽ gây biến chứng ảnh hưởng sức khỏe và chất lượng cuộc sống. 

  • Nhiễm trùng: Mụn nước do tổ đỉa khi vỡ ra tạo thành vết thương hở khiến vi khuẩn dễ dàng xâm nhập gây nhiễm trùng. Biểu hiện nhiễm trùng bao gồm sưng, đỏ, đau, nóng, chảy mủ, có thể kèm theo sốt.
  • Sẹo: Sau khi các mụn nước lành lại, đặc biệt là khi bị nhiễm trùng hoặc gãi nhiều, có thể để lại sẹo trên da như sẹo lõm, sẹo lồi hoặc sẹo thâm, ảnh hưởng đến thẩm mỹ.
  • Biến dạng móng: Trong trường hợp tổ đỉa ở tay chân nặng và kéo dài, viêm nhiễm có thể lan đến vùng móng, gây tổn thương móng tay, móng chân, khiến móng dày, giòn, dễ gãy, biến dạng, thậm chí rụng móng.
  • Rối loạn tâm lý: Ngứa ngáy kéo dài, khó chịu do tổ đỉa gây ra có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ, tâm trạng, gây căng thẳng, lo âu, trầm cảm.

Phương pháp chẩn đoán tổ đỉa ở tay chân

Chẩn đoán bệnh tổ đỉa ở tay chân chủ yếu dựa vào thăm khám lâm sàng, khai thác tiền sử bệnh và một số xét nghiệm bổ sung:

Khám lâm sàng: 

  • Bác sĩ quan sát triệu chứng trên da như vị trí mụn mọc, đặc điểm mụn, các triệu chứng kèm theo,... 
  • Bác sĩ trao đổi với bệnh nhân về tiền sử bệnh, sinh hoạt, các chất tiếp xúc gần đây,...

Khám cận lâm sàng:

  • Test KOH: Lấy mẫu tế bào từ vùng tổn thương để kiểm tra sự hiện diện của nấm, giúp loại trừ các bệnh nấm da có triệu chứng tương tự tổ đỉa.
  • Xét nghiệm dị ứng: Để xác định các dị nguyên gây bệnh.
  • Sinh thiết da: Lấy một mẫu nhỏ da để kiểm tra dưới kính hiển vi, giúp loại trừ các bệnh lý da khác như vảy nến, chàm bội nhiễm.
  • Xét nghiệm dị ứng: Thử nghiệm lẩy da (skin prick test) hoặc xét nghiệm máu để tìm nguyên nhân dị ứng.
  • Kiểm tra miễn dịch: Nếu nghi ngờ bệnh lý tự miễn, bác sĩ có thể chỉ định xét nghiệm các chỉ số miễn dịch.

Sinh thiết da được áp dụng trong chẩn đoán tổ đỉa
Sinh thiết da được áp dụng trong chẩn đoán tổ đỉa

Đối tượng có nguy cơ bị tổ đỉa ở tay chân

Một số đối tượng có nguy cơ mắc tổ đỉa cao hơn những người khác, bao gồm:

  • Thường khởi phát ở người trong độ tuổi từ 20 - 40.
  • Nếu có người thân trong gia đình bị tiền sử mắc tổ đỉa.
  • Người thường xuyên tiếp xúc các hoạt chất gây dị ứng.
  • Người bị dị ứng, hen suyễn hoặc bệnh về da như viêm da cơ địa.
  • Người có hệ miễn dịch yếu.
  • Phụ nữ mang thai.
  • Phụ nữ trong thời có kỳ kinh nguyệt.

Phòng ngừa tổ đỉa ở tay chân

Mặc dù không thể ngăn chặn hoàn toàn tổ đỉa, nhưng bạn có thể giảm nguy cơ mắc bệnh bằng cách:

  • Giữ vệ sinh da sạch sẽ: Rửa tay chân thường xuyên bằng nước sạch và xà phòng dịu nhẹ, đồng thời lau khô tay chân kỹ sau khi rửa.
  • Bảo vệ chân, tay: Mang giày dép thoáng khí, tránh đi chân trần ở nơi ẩm ướt hoặc đất bẩn. Tránh để tay và chân tiếp xúc nước bẩn hoặc môi trường nóng ẩm kéo dài.
  • Tránh tác nhân kích thích: Sử dụng găng tay khi rửa chén, giặt đồ hoặc làm việc với hóa chất. Hạn chế tiếp xúc với kim loại dễ gây dị ứng như nickel, cobalt.
  • Dưỡng ẩm cho da: Sử dụng kem dưỡng ẩm phù hợp để duy trì độ ẩm cho da, tránh tình trạng da khô và bong tróc.
  • Quản lý stress: Thực hiện các biện pháp thư giãn, giảm căng thẳng như yoga, thiền, nghe nhạc,...
  • Ăn uống lành mạnh: Bổ sung các thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất, như vitamin C, E và kẽm giúp tăng cường sức đề kháng cho da.
  • Khám định kỳ: Nếu có tiền sử tổ đỉa hoặc các bệnh viêm da cơ địa, nên khám định kỳ để kiểm soát tình trạng bệnh.

Giữ vệ sinh da sạch sẽ để phòng ngừa khởi phát tổ đỉa
Giữ vệ sinh da sạch sẽ để phòng ngừa khởi phát tổ đỉa

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Bạn nên đi khám bác sĩ da liễu ngay khi có các dấu hiệu của tổ đỉa, đặc biệt là khi:

  • Các triệu chứng tổ đỉa không cải thiện sau khi tự điều trị tại nhà.
  • Ngứa ngáy dữ dội, gây ảnh hưởng giấc ngủ và sinh hoạt.
  • Xuất hiện dấu hiệu nhiễm trùng ở chân tay như sưng, đỏ, đau, chảy mủ.
  • Tổ đỉa lan rộng ra các vùng da khác.

Cách điều trị tổ đỉa ở tay chân hiệu quả

Các phương pháp thường được chỉ định trong điều trị bệnh tổ đỉa chân tay như sau:

Sử dụng thuốc Tây

Việc điều trị tổ đỉa thường kết hợp nhiều loại thuốc khác nhau để đạt hiệu quả tốt nhất. 

Thuốc bôi ngoài da:

  • Corticosteroid dạng kem hoặc mỡ: Giúp giảm viêm, ngứa, thường dùng trong trường hợp tổ đỉa nhẹ và vừa. Ví dụ thuốc Clobetasol Propionate 0.05%, Betamethasone Dipropionate 0.05%.
  • Thuốc ức chế calcineurin: Có tác dụng giảm viêm, an toàn hơn corticosteroid, ít gây tác dụng phụ. Điển hình là Tacrolimus, Pimecrolimus.
  • Thuốc sát khuẩn: Dùng khi mụn nước tổ đỉa ở tay chân vỡ, có mủ, giúp ngăn ngừa nhiễm trùng, gồm dung dịch Castellani, xanh Methylen.

Điều trị toàn thân:

  • Thuốc kháng histamin: Giảm ngứa, dị ứng mức độ trung bình và nặng. Ví dụ thuốc Desloratadin, Fexofenadin, Loratadin, Cetirizin.
  • Corticosteroid đường uống: Dùng trong trường hợp tổ đỉa nặng, không đáp ứng với điều trị tại chỗ. Phổ biến là thuốc Prednisone.
  • Kháng sinh: Khi tổ đỉa bị nhiễm khuẩn, bác sĩ có thể chỉ định các loại kháng sinh như Amoxicillin, Doxycycline hoặc Cephalexin.
  • Thuốc kháng nấm: Được dùng khi có nhiễm nấm, bao gồm Clotrimazol, Ketoconazol.
  • Thuốc ức chế miễn dịch: Chỉ định trong trường hợp tổ đỉa nặng, dai dẳng, không đáp ứng với các phương pháp điều trị khác. Ví dụ Cyclosporine hoặc Methotrexate.
  • Thuốc bổ sung vitamin: Vitamin A hoặc các nhóm vitamin nhóm B giúp hỗ trợ phục hồi da.

Các loại thuốc bôi hoặc thuốc uống được chỉ định cho bệnh nhân
Các loại thuốc bôi hoặc thuốc uống được chỉ định cho bệnh nhân

Biện pháp ánh sáng 

Liệu pháp ánh sáng (quang trị liệu) là phương pháp dùng tia cực tím (UV) để tác động lên vùng da bị tổ đỉa, giúp kiểm soát triệu chứng và giảm tần suất tái phát.

Các loại ánh sáng được dùng trong điều trị tổ đỉa ở tay chân bao gồm:

  • Tia UVA: Được kết hợp với thuốc psoralen (PUVA) để tăng độ nhạy cảm của da với ánh sáng. Liệu pháp PUVA có hiệu quả trong điều trị tổ đỉa mạn tính, nhưng có thể gây cháy nắng, lão hóa da, tăng nguy cơ ung thư da.
  • Tia UVB: Tia UVB băng hẹp (narrowband UVB) được cho là an toàn và hiệu quả hơn so với tia UVA trong điều trị tổ đỉa. Tia UVB có tác dụng ức chế hệ thống miễn dịch, giảm viêm và ngứa.
  • Excimer laser: Là một loại tia UVB được chiếu tập trung vào vùng da bị tổn thương, giúp giảm thiểu tác dụng phụ lên vùng da lành xung quanh.

Tổ đỉa ở tay chân là một bệnh lý da liễu phổ biến, gây ra nhiều phiền toái cho người bệnh. Tuy nhiên, với việc chẩn đoán và điều trị kịp thời, đúng cách, bạn hoàn toàn có thể kiểm soát được bệnh và ngăn ngừa tái phát. Hãy chủ động chăm sóc sức khỏe làn da và đừng ngần ngại tìm đến sự tư vấn của bác sĩ chuyên khoa khi cần thiết.

Câu hỏi thường gặp

Bệnh tổ đỉa, dù gây khó chịu và mất thẩm mỹ, có thể được kiểm soát và cải thiện đáng kể với phương pháp điều trị phù hợp.

  • Điều trị triệu chứng: Giảm ngứa, viêm nhiễm và ngăn ngừa bội nhiễm bằng thuốc bôi, thuốc uống.
  • Điều trị nguyên nhân: Xác định và loại bỏ tác nhân gây bệnh (dị ứng, stress,...) để ngăn ngừa tái phát.
  • Chăm sóc da: Dưỡng ẩm, tránh kích ứng, giúp da phục hồi và khỏe mạnh.

Bệnh tổ đỉa, dù không đe dọa tính mạng, vẫn có thể gây ra nhiều phiền toái và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống:

  • Không lây nhiễm: Bệnh tổ đỉa không lây từ người sang người.
  • Gây khó chịu: Ngứa ngáy, đau rát do mụn nước vỡ, ảnh hưởng đến giấc ngủ và sinh hoạt hàng ngày.
  • Tâm lý căng thẳng: Mất thẩm mỹ, tự ti, ngại giao tiếp.
  • Biến chứng: Nhiễm trùng da, sẹo, biến dạng bàn tay, bàn chân nếu không điều trị kịp thời.

Bệnh tổ đỉa, dù gây khó chịu và mất thẩm mỹ, KHÔNG lây lan từ người sang người.

  • Nguyên nhân: Bệnh liên quan đến cơ địa, dị ứng, tiếp xúc hóa chất,... chứ không phải do vi khuẩn hay virus.
  • Lây lan trên cơ thể: Mụn nước có thể lan rộng trên da người bệnh, nhưng không lây cho người khác dù tiếp xúc trực tiếp.
  • Phòng tránh: Tránh các tác nhân gây dị ứng, giữ vệ sinh da, kiểm soát căng thẳng là cách tốt nhất để phòng ngừa và kiểm soát bệnh.

Hãy yên tâm: Bệnh tổ đỉa không ảnh hưởng đến sức khỏe người xung quanh, bạn vẫn có thể giao tiếp và sinh hoạt bình thường.


Chuyên khoa
Nhóm bệnh
Triệu chứng
Điều trị phòng ngừa

Danh sách Bác sĩ - Chuyên gia

Xem tất cả

Danh sách Cơ sở y tế

Xem tất cả

Bài viết liên quan