Rối loạn sắc tố da ở trẻ là bệnh gây ra bởi sự thiếu hụt hoặc vượt quá sắc tố melanin trong cơ thể trẻ em. Nó có thể gây ra một số vấn đề ảnh hưởng tới cuộc sống của trẻ như suy giảm thính giác, thị giác và mất tự tin do thiếu thẩm mỹ. Vậy, nguyên nhân từ đâu dẫn tới hiện tượng này và cách điều trị như thế nào hiệu quả nhất? Câu trả lời sẽ có trong bài viết dưới đây.

Rối loạn sắc tố da ở trẻ là gì?

Màu da được xác định bởi một sắc tố được gọi là melanin được tạo ra bởi các tế bào chuyên biệt trong da, được gọi là tế bào biểu bì tạo hắc tố. Số lượng và loại melanin quyết định màu da của một người. Melanin tạo màu cho tóc, da và con ngươi mắt. Mức độ melanin phụ thuộc vào một số yếu tố, bao gồm chủng tộc và thay đổi nội tiết tố. Melanin cũng bảo vệ da khỏi tia cực tím có hại, do đó, lượng melanin được cơ thể sản sinh nhiều hơn khi tiếp xúc với ánh sáng mặt trời.

Sắc tố melanin và ảnh hưởng của nó
Sắc tố melanin và ảnh hưởng của nó

Dù da trắng hay sẫm màu, hầu hết trẻ em có màu da giống nhau trên toàn bộ cơ thể. Nhưng trong một số trường hợp, trẻ mắc bệnh rối loạn sắc tố da khiến cho tại một số vùng trên cơ thể, làn da có màu sắc không tương đồng với những chỗ khác. 

Rối loạn sắc tố da ở trẻ là một chứng rối loạn da ảnh hưởng đến các tế bào hắc tố, tế bào nằm sâu trong lớp biểu bì (lớp ngoài cùng của da) có chức năng sản xuất melanin

Màu da của trẻ nhỏ không được xác định bởi số lượng tế bào hắc tố, mà bởi mức độ hoạt động của chúng. Những người da sẫm màu có các tế bào tự nhiên sản sinh ra nhiều hắc tố, trong khi những người da sáng sản xuất ít tế bào hắc tố hơn nhiều.

Tuy nhiên, đôi khi, các tế bào da đột ngột ngừng sản xuất melanin. Lúc đầu, điều này có thể gây ra một đốm, có màu nhạt hơn nhiều so với vùng da xung quanh. Nhưng theo thời gian, những mảng sáng này có thể lan rộng và phát triển để che phủ một phần lớn hơn của cơ thể. Đôi khi sự lây lan xảy ra nhanh chóng, và sau đó vẫn ổn định trong một số năm; cũng có trường hợp, bệnh xảy ra chậm rồi kéo dài trong một khoảng thời gian.

Một số hậu quả trẻ có thể phải chịu khi bị rối loạn sắc tố da:

  • Cháy nắng (do thiếu hụt melanin - chất bảo vệ da khỏi tia nắng mặt trời)
  • Một số vấn đề về thính giác và thị giác
  • Mất thẩm mỹ nơi da bị rối loạn sắc tố

Triệu chứng rối loạn sắc tố da ở trẻ em và phân loại

Mặc dù bệnh rối loạn sắc tố da ở trẻ có thể xuất hiện ở bất cứ đâu trên cơ thể, nhưng nhiều khả năng sẽ xảy ra ở những bộ phận sau:

  • Các bộ phận cơ thể tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, chẳng hạn như mặt hoặc tay
  • Da có nếp gấp, chẳng hạn như khuỷu tay, đầu gối hoặc bẹn
  • Da xung quanh lỗ cơ thể, chẳng hạn như mắt, lỗ mũi, rốn và vùng sinh dục

Mặc dù trẻ em thuộc mọi chủng tộc đều bị ảnh hưởng như nhau, nhưng các đốm có xu hướng rõ ràng hơn ở những trẻ có làn da sẫm màu
Mặc dù trẻ em thuộc mọi chủng tộc đều bị ảnh hưởng như nhau, nhưng các đốm có xu hướng rõ ràng hơn ở những trẻ có làn da sẫm màu

Đôi khi trẻ em bị rối loạn sắc tố da có các triệu chứng khác, chẳng hạn như tóc bạc sớm hoặc mất sắc tố trên môi, vì tế bào sắc tố cũng được tìm thấy ở những nơi này.

Rối loạn sắc tố da ở trẻ em xuất hiện do sự rối loạn sản xuất melanin và ảnh hưởng đến màu da. Ở trẻ, thường có hai dạng rối loạn sắc tố da: Rối loạn sắc tố tiên phát và rối loạn sắc tố thứ phát.

Rối loạn sắc tố tiên phát

Đây là dạng rối loạn sắc tố mang tính chất di truyền hoặc tự xuất hiện mà không vì lý do thứ phát, bao gồm tăng sắc tố và giảm sắc tố.

  • Tăng sắc tố: Rối loạn sắc tố này bao gồm tàn nhang ở trẻ, đốm chàm, tăng sắc tố không kiểm soát
  • Giảm sắc tố/Mất sắc tố: Biểu hiện rõ ràng là các bệnh bạch tạng, bạch biến. Những dạng này chiếm 1% trẻ em đi cùng các vấn đề về tuyến giáp, thiếu máu, tiểu đường và suy giảm thị lực. 

Tàn nhang - một biểu hiện của tăng sắc tố da ở trẻ em
Tàn nhang - một biểu hiện của tăng sắc tố da ở trẻ em

Rối loạn sắc tố thứ phát

Rối loạn này thường đi theo sau một chấn thương da như dị ứng, bỏng, nhiễm khuẩn, tiếp xúc với hóa chất. Tương tự rối loạn sắc tố tiên phát, rối loạn sắc tố thứ phát cũng bao gồm tăng hoặc giảm sắc tố.

  • Tăng sắc tố: Bao gồm tăng sắc tố sau viêm (sau khi bị trứng cá); Sạm da ở phụ nữ mang thai do sự tác động lên tế bào sắc tố của hormone estrogen, steroid, progesterone; Tăng sắc tố Berloque do tiếp xúc với các loại hóa chất có trong vỏ cây chanh hoặc cam, quýt.
  • Giảm sắc tố: Có thể là kết quả của bệnh viêm da dị ứng, viêm da thần kinh, vảy nến, lupus ban đỏ dạng đĩa, nhiễm độc tuyến giáp, giang mai,... Ngoài ra, việc tiếp xúc với đồ dùng cao su có chứa monobenzyl, hydroquinone hoặc tiếp xúc với nitơ lỏng cũng có thể là nguyên nhân gây ra việc rối loạn sắc tố ở da. 

Dựa vào độ phủ của bệnh, có thể phân chia thành những dạng rối loạn sắc tố da như sau:

  • Thể toàn thân (universal vitiligo): Với loại này, được gọi là bạch biến phổ quát, sự đổi màu ảnh hưởng đến gần như tất cả các bề mặt da.
  • Thể tổng quát (generalized vitiligo): Đây là dạng chiếm đa số. Các mảng đổi màu thường xuất hiện đối xứng trên các phần cơ thể.
  • Thể phân đoạn (Segmental vitiligo): Loại này chỉ xuất hiện rối loạn tại một phần cơ thể. Thể này chủ yếu gặp ở trẻ em. Bệnh tiến triển trong một hoặc hai năm rồi sau đó dừng lại.
  • Thể bạch biến khu trú (Focal vitiligo): Xảy ra tại một hoặc chỉ một vài vùng trên cơ thể.
  • Thể ở các cực (Acrofacial vitiligo): Với loại này, vùng da bị ảnh hưởng là trên mặt và bàn tay. Bên cạnh đó, các lỗ trên cơ thể như: mắt, mũi và tai cũng xuất hiện vùng da bị bệnh.

Nguyên nhân gây rối loạn sắc tố da

Như trình bày ở trên, rối loạn sắc tố da bao gồm việc tăng hoặc giảm bất thường sắc tố da. Đối với mỗi biểu hiện lại có những nguyên nhân khác nhau.

Tăng sắc tố da

Một dạng tăng sắc tố da phổ biến là sạm da. Sạm da biểu hiện bằng việc xuất hiện những đốm nhỏ tối màu trên tay, mặt hoặc những vị trí cơ thể tiếp xúc lâu với ánh sáng mặt trời.

Sạm da mặt ở nữ mang lại nhiều phiền toái
Sạm da mặt ở nữ mang lại nhiều phiền toái

Rám má có hiểu hiện tương tự như sạm da nhưng mảng da bị tối nhiều hơn và rộng hơn. Nguyên nhân của rám má thường xuất hiện do biến đổi nội tiết tố. Chứng bệnh này thường xuất hiện tại phụ nữ đang mang thai hoặc sử dụng thuốc tránh thai

Thâm da do mụn xuất hiện vì nguyên nhân vùng da tổn thương.

Tình trạng rối loạn tăng sắc tố da cũng xuất hiện ở những người mắc bệnh Addison, xơ gan ứ mật. Những bệnh trên tạo nên tình trạng gia tăng bất thường melanin gây sạm da.

Việc tiếp xúc với kim loại và hóa chất cũng có thể trở thành nguyên nhân gây ra tình trạng rối loạn sắc tố da. Ngoài ra, răng, tóc, móng tay, móng chân, lỗ cơ thể cũng là những nơi dễ bị rối loạn sắc tố.

Tổng kết lại, một số nguyên nhân sau có thể trở thành nguyên nhân gây tăng sắc tố da:

  • Tiếp xúc lâu với ánh nắng mặt trời
  • Sự thay đổi nội tiết tố trong cơ thể kích thích sạm da hoặc rám má
  • Tình trạng viêm da hoặc chấn thương da
  • Tình trạng nội bệnh (bệnh Addison)
  • Nguyên nhân di truyền (tàn nhang, đồi mồi)
  • Tiếp xúc với hóa chất, kim loại nặng

Giảm sắc tố da

Bao gồm:

  • Bệnh bạch tạng: Đây là rối loạn di truyền hiếm gặp này được đặc trưng bởi sự thiếu hụt toàn bộ hoặc một phần sắc tố melanin trên da, so với sắc tố của cha mẹ trẻ. Hầu hết những người mắc bệnh bạch tạng đều có mắt xanh, và một số có mắt màu nâu hoặc hổ phách. Thị lực đôi khi có thể bị ảnh hưởng do bệnh bạch tạng. Người bị bệnh bạch tạng nên tránh tiếp xúc với ánh nắng mặt trời vì thiếu sắc tố melanin, là chất bảo vệ tự nhiên khỏi ánh nắng mặt trời.

Bệnh bạch tạng ở trẻ em
Bệnh bạch tạng ở trẻ em

  • Bệnh bạch biến: Bệnh bạch biến được đặc trưng bởi các mảng trắng, mịn trên da. Đôi khi là việc trẻ nhỏ bạc tóc hoặc lông mi, lông mày sớm. Nguyên nhân là do các tế bào sản xuất melanin chết hoặc ngừng hoạt động. Phần da bị rối loạn sắc tố rất nhạy cảm với ánh sáng mặt trời.

Nhìn chung, nguyên nhân của rối loạn sắc tố da ở trẻ là do rối loạn hoạt động tế bào sản sinh melanin. Việc rối loạn đó có thể đến từ những lý do sau:

  • Rối loạn hệ thống miễn dịch (khi đó, hệ thống miễn dịch tấn công nhầm các tế bào hắc tố khỏe mạnh)
  • Yếu tố di truyền
  • Một chấn thương da (ví dụ như trẻ tiếp xúc với hóa chất hoặc bị bỏng,…)

Cần lưu ý rằng, bệnh rối loạn sắc tố da ở trẻ không phải là bệnh lây nhiễm. Có nghĩa rằng, bệnh này không có khả năng lây từ người này sang người khác

Cách điều trị rối loạn sắc tố da ở trẻ

Một cách tổng quan, không có phương pháp chữa khỏi hoàn toàn bệnh rối loạn sắc tố da ở trẻ. Đôi khi, một số vùng da bị bệnh có khả năng tự khỏi sau một khoảng thời gian nhất định. Trong trường hợp không tự khỏi, cha mẹ trẻ có thể cân nhắc một số phương pháp điều trị sau:

Cách điều trị đối với tăng sắc tố da

Xuất phát từ những nguyên nhân hình thành rối loạn tăng sắc tố ở trẻ, có thể tổng hợp một số nguyên tắc cơ bản phòng tránh như sau: tránh để trẻ tiếp xúc quá lâu dưới ánh nắng mặt trời gay gắt, chăm sóc kỹ vết thương ngoài da của trẻ để tránh tình trạng viêm nhiễm và sẹo, tránh để trẻ tiếp xúc với hóa chất và kim loại nặng khi còn quá nhỏ.

Ngoài ra, để điều trị tăng sắc tố da, có những phương pháp sau:

Điều trị bằng tại chỗ:

  • Tránh cho trẻ tiếp xúc lâu với ánh sáng mặt trời. Cha mẹ có thể cho trẻ sử dụng kem chống nắng có chỉ số SPF từ 30 trở lên để tránh tình trạng nám da.
  • Ngăn chặn việc tăng sắc tố bằng dược phẩm hoặc thảo dược có aloin như cây lô hội hoặc các loại kem bôi da hàng ngày.
  • Sử dụng dược phẩm hoặc thảo dược có chứa glabridin cũng có tác dụng làm trắng da, chống lão hóa, chống viêm. Từ đó điều trị chứng rối loạn tăng sắc tố da ở trẻ.
  • Trà xanh cũng là phương thức hữu hiệu chống lão hóa và chống viêm. Tuy nhiên tác dụng của trà xanh lên vùng da nám và sạm là tương đối hạn chế.

Điều trị công nghệ cao:

  • Laser xâm lấn: Phương pháp này sử dụng laser cường độ cao nhằm điều trị nám chân sâu. Vì sử dụng laser cường độ cao nên phương pháp này có khả năng gây ra nhiều biến chứng nặng như sẹo rỗ hoặc tổn thương da lâu dài nên không thực sự an toàn
  • Laser không xâm lấn: Phương pháp này sử dụng laser cường độ thấp hơn và tác động có chọn lọc tới những tác nhân gây nám và sạm da. Phương pháp này chỉ tác động tới tế bào hắc tố mà không phá vỡ tế bào lân cận nên an toàn và hiệu quả hơn nhiều so với phương pháp laser xâm lấn. Laser không xâm lấn ít có khả năng để lại biến chứng sẹo hoặc tổn thương vĩnh viễn tế bào sắc tố da.
     

Điều trị rối loạn sắc tố bằng phương pháp laser
Điều trị rối loạn sắc tố bằng phương pháp laser

Cách điều trị đối với giảm sắc tố da

Điều trị bằng thuốc

Do bệnh rối loạn sắc tố da ở trẻ xuất phát từ nguyên nhân thiếu hụt melanin, nên việc điều trị bằng thuốc nhằm bổ sung chất melanin cho trẻ, đồng thời bảo vệ da trước ánh nắng mặt trời

  • Người bị bệnh có thể sử dụng nhóm thuốc có psoralen như meladinin, melagenin. Tác dụng phụ của nhóm thuốc này có thể bao gồm tăng men gan, vàng da, chán ăn. Thuốc chỉ dùng cho bệnh nhân từ 12 tuổi trở lên.
  • Ngoài ra, có thể sử dụng thuốc bôi Corticosteroid. Thuốc bôi này rất hiệu quả cho các vùng da bạch biến khu trú. Nên sử dụng thuốc này trong giai đoạn đầu của bệnh. Chúng làm giảm tình trạng viêm gây mất sắc tố để các tế bào sắc tố có thể quay trở lại da. Tuy nhiên, thuốc hạn chế sử dụng cho trẻ em và không nên kéo dài trên 2 tháng.
  • Bôi kem chống nắng: Đây là một trong những điều cơ bản nhất nên làm đối với trẻ em bị rối loạn sắc tố da. Việc sử dụng kem chống nắng giúp trẻ tránh được việc cháy năng hay thậm chí ung thư da. Ngoài ra, các vùng rám nắng trên cơ thể càng làm nổi bật vùng da bị bệnh, từ đó gây mất thẩm mỹ cho trẻ mắc bệnh rối loạn sắc tố da.

Điều trị bằng các phương pháp công nghệ cao

Ngoài việc sử dụng thuốc, người bệnh có thể sử dụng một số phương pháp điều trị bằng công nghệ cao. Các phương pháp này đem lại khả năng chữa trị tốt hơn cho trẻ bị rối loạn sắc tố da. Cụ thể như sau:

  • Quang hóa trị liệu với tia cực tím A (còn gọi là PUVA): PUVA có hai bước: Đầu tiên, bôi thuốc có psoralen lên các mảng da trắng (một số trường hợp là uống thuốc); sau đó, để da tiếp xúc với tia cực tím (Có thể từ ánh nắng mặt trời nhưng thường là từ nguồn nhân tạo là đèn UVA). Điều này làm cho vùng da bị ảnh hưởng có màu hồng, theo thời gian có xu hướng mờ dần sang màu tự nhiên hơn (thường hơi sẫm hơn).
  • Liệu pháp tia cực tím B (UVB) dải hẹp: Phương pháp điều trị này được sử dụng rộng rãi hơn PUVA. Nó tương tự như PUVA, ngoại trừ tia cực tím được sử dụng là UVB thay vì UVA. Ngoài ra, bệnh nhân không cần sử dụng thuốc có chứa psoralen, giúp loại bỏ một số tác dụng phụ.
  • Cấy ghép tế bào hắc tố: Trong một vài năm gần đây, phương pháp này được xem là cơ hội mới trị dứt điểm bệnh rối loạn sắc tố da ở trẻ. Đây là phương pháp dùng tế bào thượng bì (tế bào gai, tế bào hắc tố, một số tế bào gốc của chính mình ghép vào vùng da bị rối loạn sắc tố. Bác sĩ lấy da ở vùng đùi hoặc hông theo tỷ lệ 1/5 hoặc 1/10 đối với tổn thương rộng. Sau đó, miếng da này sẽ được tách lấy tế bào thượng bì, nuôi dưỡng và ghép vào vùng da bị bệnh. Tế bào ghép vào sẽ được cố định lại và tháo ra trong vòng 7-10 ngày. Theo lời Bác sĩ Hoàng Văn Tâm (Phó trưởng Khoa Điều trị nội trú ban ngày, Bệnh viện Da liễu Trung ương), phương pháp này khá an toàn và hiếm tác dụng phụ.

Điều trị tâm lý cho trẻ nhỏ

Với sự tiến bộ của y học, việc chữa trị bệnh rối loạn sắc tố ở trẻ là khả thi với các phương pháp công nghệ cao. Tuy nhiên, không phải trẻ nào khi mắc bệnh cũng có điều kiện sử dụng các biện pháp công nghệ cao để chữa trị do chi phí tương đối đắt đỏ. Bên cạnh đó, dù bệnh rối loạn sắc tố da không thực sự nguy hiểm cho sức khỏe thể chất nhưng lại ảnh hưởng rất nhiều đến tâm lý của trẻ do các em cảm thấy mình khác biệt, mất thẩm mỹ với các bạn cùng trang lứa.

Vì vậy, phụ huynh cần hỗ trợ tâm lý cho trẻ thông qua một số biện pháp sau:

  • Không nên tạo áp lực cho trẻ bằng cách che đậy hoặc giấu những phần da bị bệnh của trẻ.
  • Nhắc nhở trẻ về những phẩm chất tốt đẹp của trẻ bất kể màu da. Điều này sẽ giúp con không tự ti với bạn bè.
  • Cung cấp cho trẻ thông tin đầy đủ và chính xác về bệnh rối loạn sắc tố da. Điều này giúp trẻ hiểu về căn bệnh này, từ đó có thể giúp trẻ tự tin nói chuyện với bạn bè mà không lo sợ mình sẽ lây nhiễm bệnh cho người khác
  • Khuyến khích trẻ tham gia các chuyến đi thực tế, bữa tiệc hồ bơi hoặc bất kỳ trải nghiệm xã hội nào khác để trẻ có thể tự tin phát triển bản thân bất kể căn bệnh rối loạn sắc tố da
  • Khuyến khích trẻ tham gia hoạt động tình nguyện và công đồng. Điều này sẽ giúp trẻ tìm thấy sự mạnh mẽ nhằm đối phó với bệnh rối loạn sắc tố da.
  • Tham gia các câu lạc bộ hoặc hội nhóm dành cho người bị rối loạn sắc tố da. Việc này sẽ giúp phụ huynh và trẻ nhỏ cập nhật thường xuyên các cách phòng tránh và trị liệu bệnh. Đồng thời cũng sẽ giúp trẻ nhận được sự hỗ trợ kịp thời từ cộng đồng những người mắc bệnh rối loạn sắc tố da.
     

Phụ huynh cần khuyến khích sự tự của trẻ em bị rối loạn sắc tố da
Phụ huynh cần khuyến khích sự tự tin của trẻ em bị rối loạn sắc tố da

Nhìn chung, rối loạn sắc tố da ở trẻ em không phải là căn bệnh nguy hiểm đến sức khỏe thể chất nhưng lại ảnh hưởng tới tinh thần của trẻ nhỏ vì yếu tố thẩm mỹ. Ngày nay, nhờ sự tiến bộ của khoa học, căn bệnh này có thể phần nào đó được điều trị hiệu quả thông qua các biện pháp công nghệ cao. Tuy nhiên, vai trò của phụ huynh là không thể thiếu trong việc hỗ trợ con nhận thức đúng tình hình và từ đó có thể tự tin, mạnh mẽ vượt qua bệnh rối loạn sắc tố da ở trẻ.


Chuyên khoa
Nhóm bệnh
Triệu chứng
Điều trị phòng ngừa

Danh sách Bác sĩ - Chuyên gia

Xem tất cả

Danh sách Cơ sở y tế

Xem tất cả

Bài viết liên quan