Xây dựng hệ thống y tế phát triển đồng bộ, công bằng, chất lượng, hiệu quả

Cập nhật: 10/07/2024 Theo dõi trên goole news

Tại kỳ họp thứ 2, HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV tổ chức từ ngày 10/8 đến 12/8 vừa qua, HĐND tỉnh đã thông qua Nghị quyết về Chương trình phát triển y tế, chăm sóc sức khỏe Nhân dân tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 – 2025.

Theo Nghị quyết mới được HĐND tỉnh ban hành, trong giai đoạn từ nay đến năm 2025, Ngành y tế Thái Nguyên hướng tới mục tiêu xây dựng hệ thống y tế phát triển đồng bộ, công bằng, chất lượng, hiệu quả và hội nhập quốc tế, phát triển hệ thống y tế theo hướng ưu tiên phát triển một số trung tâm chuyên sâu chất lượng cao, bệnh viện chuyên khoa, phấn đấu đến năm 2025 toàn tỉnh đạt tỷ lệ ít nhất từ 17,5 bác sỹ/10.000 dân trở lên, 100% trạm y tế xã/phường/thị trấn có bác sỹ làm việc, duy trì trên 95% xã đạt tiêu chí Quốc gia về y tế xã, trên 90% dân số được quản lý sức khỏe, tỷ lệ hài lòng của người dân với dịch vụ y tế đạt trên 85%… Toàn ngành nâng cao năng lực, hiệu quả kiểm soát dịch, bệnh, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; khống chế kịp thời các bệnh truyền nhiễm, các bệnh gây dịch nguy hiểm mới nổi, không để dịch xảy ra trên diện rộng; cải tiến, nâng cao chất lượng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh và phục hồi chức năng; tăng cường tự chủ tài chính; Giải quyết toàn diện, đồng bộ các vấn đề về quy mô dân số, cơ cấu dân số, phân bố, chất lượng dân số trong tình hình mới; đến năm 2025 đạt và duy trì mức sinh thay thế…

          Theo định hướng này, Bệnh viện A Thái Nguyên sẽ được đổi tên thành Bệnh viện đa khoa tỉnh Thái Nguyên với quy mô 900 giường bệnh vào năm 2025 và 1200 giường vào năm 2030. Tại bệnh viện này hiện đang được đầu tư cải tạo, nâng cấp để thành lập 4 trung tâm chuyên sâu gồm: nhi khoa, sản phụ khoa, y học sinh sản, phẫu thuật chấn thương chỉnh hình và thẩm mỹ. Bên cạnh đó, Bệnh viện còn thành lập một số khoa, phòng như: khoa cấp cứu; khoa Nội cơ xương khớp; khoa vi sinh – sinh học phân tử… Bệnh viện lao và bệnh phổi Thái Nguyên cũng đổi tên thành Bệnh viện phổi Thái Nguyên quy mô 300 giường bệnh vào năm 2025. Đối với Bệnh viện tâm Thần Thái Nguyên xây dựng trở thành Bệnh viện sức khỏe tâm thần Thái Nguyên quy mô 200 giường bệnh vào năm 2025 và có thêm khoa Tâm lý trị liệu. Bệnh viện Y học cổ truyền Thái Nguyên được đổi tên thành Bệnh viện Y dược cổ truyền tỉnh Thái Nguyên, đồng thời xây dựng bệnh viện tại địa điểm mới, quy mô đạt 350 giường bệnh, phát triển theo hướng khám chữa bệnh đa khoa và phục hồi chức năng bằng y học cổ truyền, kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại, chuẩn bị các điều kiện để thành lập khoa lão, khoa hồi sức tích cực, đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ được giao…. Tại Bệnh viện C Thái Nguyên duy trì mô hình bệnh viện đa khoa, quy mô 700 giường bệnh và thành lập 2 trung tâm chuyên sâu gồm Trung tâm tim mạch và Trung tâm ung bướu. Bệnh viện Gang Thép cũng được duy trì mô hình bệnh viện đa khoa và nâng quy mô 600 giường bệnh vào năm 2025, đồng thời thành lập trung tâm chuyên sâu về nội tiết – bệnh nhiệt đới. Bệnh viện mắt tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, phát triển các kỹ thuật chuyên sâu về mắt, xây dựng mới khoa khám bệnh, chuẩn bị các điều kiện để thành lập thêm khoa mắt trẻ em và thẩm mỹ, nâng quy mô giường bệnh phù hợp với tình hình nhân lực và nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân, phấn đấu trở thành bệnh viện hạng II trước 2025….

Đối với y tế tuyến huyện, tiếp tục mở rộng quy mô giường bệnh của các bệnh viện, trung tâm y tế có giường bệnh phù hợp với tình hình nhân lực, quy mô dân số và nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân trên địa bàn, thực hiện tốt các danh mục kỹ thuật của tuyến huyện, khuyến khích triển khai kỹ thuật mới để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao của nhân dân, củng cố, nâng cao năng lực công tác y tế dự phòng, truyền thông giáo dục sức khỏe. Các trung tâm y tế duy trì các cơ sở điều trị, cơ sở cấp phát thuốc Methadone tại các địa điểm hiện có; xem xét mở rộng cơ sở điều trị, bổ sung các điểm cấp phát thuốc phù hợp nhu cầu thực tế và nhân lực của ngành nhằm đảm bảo thuận lợi cho người sử dụng, giảm tỷ lệ bỏ điều trị…

Đối với y tế tuyến xã tập trung triển khai thực hiện Đề án Xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở theo Quyết định số 2348/QĐ-TTg ngày 05/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ, duy trì và nâng cao chất lượng các Tiêu chí quốc gia về y tế xã, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý Y tế – Dân số, đặc biệt là quản lý hồ sơ sức khỏe cá nhân, củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của các trạm y tế xã, phường, thị trấn trong công tác y tế dự phòng và chăm sóc sức khỏe ban đầu.

Theo đánh giá của Sở Y tế Thái Nguyên, hiện cơ sở vật chất khám, chữa bệnh tại tỉnh Thái Nguyên đã được quan tâm, đầu tư theo hướng đồng bộ, hiện đại, nhiều kỹ thuật mới trong khám, chữa bệnh được triển khai thành công  góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh chăm sóc sức khỏe nhân dân, giảm tải cho tuyến trên. Trên bình diện chung, y tế Thái Nguyên đã và đang khẳng định vị thế của một trong các trung tâm y tế chất lượng cao của vùng trung du và miền núi phía Bắc và vùng Thủ đô Hà Nội. Tuy vậy, trong giai đoạn mới, mô hình bệnh tật đã có sự chuyển hướng mạnh từ các bệnh nhiễm trùng là chủ yếu sang các bệnh không lây nhiễm như: bệnh tim mạch, đái tháo đường, ung thư, tâm thần, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản… Do vậy, nhu cầu của người dân về tư vấn, chăm sóc sức khỏe, điều trị phục hồi chức năng sau biến chứng, di chứng, khám chữa bệnh chất lượng cao, khám chữa bệnh theo yêu cầu ngày càng tăng, đòi hỏi định hướng đầu tư y tế, phát triển các trung tâm, bệnh viện chuyên sâu, đào tạo nguồn nhân lực phải có sự chuyển hướng rõ rệt để người dân được tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ y tế có chất lượng ngay tại tỉnh, giảm tỷ lệ chuyển tuyến, giảm chi phí của người bệnh và giảm tải cho các bệnh viện tuyến Trung ương./.

Soytethainguyen

Bài viết liên quan

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Your email address will not be published. Required fields are marked *

EMC Đã kết nối EMC