Lựa chọn giới tính khi sinh trên cơ sở định kiến giới vẫn đang tồn tại trong xã hội Việt Nam dẫn tới tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh (viết tắt là GTKS). Tình trạng mất cân bằng GTKS ở Việt Nam xuất hiện muộn hơn so với nhiều nước nhưng lại tăng rất nhanh, năm 2006 Việt Nam bắt đầu xuất hiện tình trạng mất cân bằng GTKS với tỷ số GTKS là 109; năm 2013 đã là 113 tăng 4,0 điểm %; và đến 2018 là 114,8; năm 2019 là 111,5 (mặc dù tỷ số GTKS năm 2019 đã giảm 3,3 điểm % so với năm 2018 nhưng vẫn ở mức cao so với tỷ số “tự nhiên” là 103-107 bé trai trên 100 bé gái sinh ra sống). Báo cáo thực trạng Dân số thế giới năm 2020 ước tính, tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 40.800 bé gái không có cơ hội chào đời vì giới tính của mình.
Đối với tỉnh Thái Nguyên, tình trạng mất cân bằng GTKS ở mức nghiêm trọng, tỷ số GTKS năm 2010 là 118,5; năm 2016 là 116,4; đến năm 2019 là 115,0. Tỷ số GTKS của tỉnh hàng năm tuy có giảm nhưng vẫn đang ở mức rất cao so với toàn quốc (111,5) (Năm 2019 giảm 3,5 điểm phần trăm so với năm 2010 và giảm 1,4 điểm phần trăm so với năm 2016). Theo số liệu báo cáo 8 tháng đầu năm 2020, tỷ số GTKS toàn tỉnh là 112,0. Trong đó, tỷ số GTKS của huyện có sự chênh lệch, cụ thể: Đồng Hỷ là 120,1; Định Hóa là 112,8; Phú Lương là 110,5; Phú Bình là 114,2; thị xã Phổ Yên là 117,0; Đại Từ là 111,5; Võ Nhai là 110,3; thành phố Sông Công là 104,6; thành phố Thái Nguyên là 107,4. Kết quả cho thấy, tỉnh Thái Nguyên đã bước đầu kiểm soát được mức tăng tỷ số GTKS, hàng năm đạt kế hoạch về tốc độ tăng tỷ số GTKS.
Nguyên nhân của tình trạng mất cân bằng GTKS vẫn ở mức cao được xác định do một số cấp ủy, chính quyền còn xem nhẹ công tác Dân số – Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ), chưa nhận thức đúng và đầy đủ về tầm quan trọng và ý nghĩa của công tác dân số và phát triển; lãnh đạo, chỉ đạo chưa quyết liệt, chưa hiệu quả. Tư tưởng muốn có nhiều con, trọng nam hơn nữ vẫn còn tồn tại trong một bộ phận nhân dân, kể cả cán bộ, đảng viên là nguyên nhân sâu xa và căn bản nhất dẫn tới tình trạng mất cân bằng GKTS.
Theo các chuyên gia dân số, mất cân bằng GTKS sẽ dẫn đến tình trạng thừa nam, thiếu nữ trong tương lai. Nam giới khó lấy vợ, thậm chí không thể kết hôn, làm biến đổi chỉ số nhân khẩu học, tác động đến cuộc sống gia đình và xã hội. Lựa chọn giới tính thai nhi dẫn tới việc phá thai, ảnh hưởng đến sức khỏe người phụ nữ, tăng bất bình đẳng giới. Thừa nam, thiếu nữ là nguyên nhân làm tăng tệ nạn xã hội như mại dâm, buôn bán phụ nữ và trẻ em…
Nhằm hạn chế tình trạng mất cân bằng GTKS, năm 2016, Uỷ ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên đã ban hành Kế hoạch số 115/KH-UBND ngày 28/12/2016 về thực hiện Đề án “Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh” đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Thực hiện Kế hoạch số 115, Sở Y tế đã phối hợp với các cấp, ngành nỗ lực không ngừng thực hiện các giải pháp nhằm hạn chế tình trạng mất cân bằng GTKS. Trong đó, chú trọng tăng cường công tác tuyên truyền về hệ lụy của mất cân bằng GTKS tới nhân dân dưới nhiều hình thức: Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng của tỉnh, của huyện, phát trên loa truyền thanh của xã, của xóm, tổ dân phố; nói chuyện chuyên đề; tuyên truyền nhóm nhỏ tại hộ gia đình; tại trạm y tế; tổ chức mít tinh, tọa đàm, diễu hành; căng treo băng zôn, khẩu hiệu, tờ rơi, tài liệu liên quan; tổ chức Chiến dịch truyền thông nhân ngày Quốc tế Trẻ em gái (11/10); vận động thực hiện bình đẳng nam, nữ không phân biệt con trai con gái vào hương ước, quy ước của thôn, xóm, bản, làng; tổ chức ký cam kết với các cơ sở y tế tư nhân, y tế công lập về không thông báo, lựa chọn giới tính thai nhi. Đồng thời, tiến hành kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi với các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh.
Đồng chí Hồ Thị Thanh Thủy, Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ cho biết: Năm 2020, kết thúc giai đoạn I thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh”, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh sẽ tham mưu cho ngành tổ chức sơ kết, đánh giá kết quả thực hiện đến năm 2020, đề xuất giải pháp thực hiện đến năm 2025, 2030 phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương đồng thời phấn đấu thực hiện mục tiêu đã được Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã đề ra trong Kế hoạch số 74 ngày 26/12/2017 thực hiện Nghị quyết số 21 của Ban Chấp hành TW Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới, đó là phấn đấu giảm tốc độ tăng tỷ số GTKS hàng năm để đến năm 2025 tỷ số GTKS của tỉnh ở mức dưới 112 trẻ trai/100 trẻ gái sinh ra sống và đến năm 2030 là dưới 109 trẻ trai/100 trẻ gái sinh ra sống.
Bích LêChi cuc Dân số & KHHGĐ
Nguồn: Soytethainguyen
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!