Cúc hoa là thảo dược quen thuộc được sử dụng rất phổ biến trong các bài thuốc của dân gian. Quan trọng hơn, đây cũng là loại dược liệu được Đông y lựa chọn trong rất nhiều bài thuốc. Vậy thật sự loại dược liệu này có những công dụng gì?
Tổng quan về cúc hoa
Thực tế cúc hoa có rất nhiều tên gọi khác nhau có thể kể đến như: Cúc diệp, cam cúc hoa, tiết hoa, dược cúc, mẫu cúc. Trong khoa học, loại hoa này được các nhà khoa học đặt tên là Chrysanthemum morifolium Ramat, cây thuộc họ hoa khúc với phân nhóm là cúc hoa vàng và cúc hoa trắng.
Đặc điểm sinh trưởng của cây
Tại Việt Nam, cúc hoa được trồng phân bố tại nhiều nơi ở một số tính khu vực phía Bắc như: Hà Nội, Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh. Cây có đặc tính ưa sáng và ẩm, loại dược cúc này thường được trồng để làm nguyên liệu ướp chè, nấu rượu hoặc sử dụng làm dược liệu. Cúc diệp là loại cúc có hoa quanh năm và khá hiếm có hạt.
Loại hoa này thường được trồng vào khoảng thời gian tháng 5, tháng 6 là mùa hoa phát triển tốt nhất. Hoa sau khoảng 4 đến 5 tháng sẽ được thu hoạch, số lượng hoa thu được nhiều hay ít sẽ thu hoạch tùy theo từng đợt chăm sóc.
Thông thường, hoa sau khi được hái đem về sẽ được quay cót và sấy diêm sinh độ từ 2 đến 3 giờ. Khi thấy hoa đã chín mềm là được, nếu để hoa còn sống sẽ làm hỏng hoa. Qua bước sấy diêm, hoa sẽ được đem đi nén chặt 1 đêm và tiếp tục phơi nắng 3 - 4 ngày là được. Khoảng 5 tới 6kg hoa tươi sẽ thu được 1kg hoa khô.
Mô tả thực vật của cúc hoa
Đây là loại thực vật thuộc nhóm dược liệu quý và sống dai. Thân hoa đứng và có các rãnh chạy dọc theo thân hoa. Phần lá có màu nâu xanh thẫm, bên dưới mặt lá có lớp lông và trắng hơn so với mặt lá trên.
Ở mỗi lá cúc diệp sẽ có 3 đến 5 thùy trái xoan, phần đầu lá có dáng tròn và hơi nhọn, méo lá là các răng cưa, ở gốc cuống lá có tai. Cánh hoa có màu trắng với hình lưỡi, ở phần giữa sẽ có màu cam nhạt hoặc vàng nhạt. Quả cúc có hình trái xoan.
Cây cúc có chiều cao trung bình khoảng 90cm, hoa có chất nhẹ, vị đắng và mùi rất thơm. Trong cúc hoa có chứa thành phần hóa học là các chất: Stachydrin, Adenin, vitamin A, tinh dầu, Cholin.
Công dụng của cây cúc hoa
Cúc hoa không chỉ được y học cổ truyền ghi nhận có nhiều tác dụng chữa bệnh, y học hiện đại cũng đã chỉ ra rất nhiều công dụng tuyệt vời của dược liệu này đối với sức khỏe.
Theo y học hiện đại
Cúc hoa có khá nhiều công dụng trong việc kháng khuẩn, cải thiện sức khỏe, chữa một số bệnh lý thường gặp sau:
- Khả năng kháng khuẩn: Theo các thí nghiệm khoa học, nước sắc của hoa có khả năng ức chế các tụ cầu trùng vàng, các liên cầu trùng dung huyết beta, trực trùng thương hàn hay lỵ trực trùng Sonnei. Ngoài ra, dược liệu này còn được sử dụng để làm nhuận tràng cũng như dễ tiêu.
- Điều trị tăng huyết áp: Các hoạt chất có trong cúc hoa vàng còn có khả năng điều chỉ huyết áp, hạ huyết áp nhờ ức chế phản xạ vận mạch có nguồn gốc trung tâm. Đồng thời, hoa cúc này còn có thể ức chế Adrenaline mà không làm ảnh hưởng tới sự truyền dẫn thần kinh ở hạch cũng như lưu lượng tim.
- Làm mờ sẹo và chống phát ban: Trong dược cúc có lượng vitamin A khá dồi dào, nhờ đó, hoa cúc có thể sử dụng làm tái tạo cấu trúc của da. Đồng thời hỗ trợ việc kích thích sản sinh collagen trên da, làm giảm các dấu hiệu sẹo trên da rất hiệu quả. Bên cạnh đó, loại hoa cúc này cũng được dùng trong các trường hợp người bệnh bị bỏng, phát ban thông qua tinh dầu hoa cúc để làm da ổn định tốt hơn.
- Hạ cơn sốt do nhiễm cảm lạnh: Cách chữa bệnh này được sử dụng rất phổ biến và cho thấy hiệu quả tương đối cao. Có đến khoảng 80% bệnh nhân hạ sốt hiệu quả thông qua sử dụng cúc hoa.
Theo y học cổ truyền
Trong y học cổ truyền, từ lâu loại hoa này đã được biết đến với vô số công dụng trị bệnh phải kể đến như:
- Minh mục, thanh nhiệt, bình can, giảm nóng nảy, giải độc
- Làm sáng mắt, phòng một số bệnh lý về mắt
- Hỗ trợ trừ phong các khớp xương, chủ yếu là phong hàn
- Hoa có khả năng chữa trị chứng nhức trong đầu, một số bệnh lý về tai, thông lợi huyết mạch.
Một số bài thuốc sử dụng cây cúc hoa phổ biến hiện nay
Với nhiều công dụng tuyệt vời như trên, chúng ta cũng có không ít các bài thuốc sử dụng nguyên liệu là dược cúc.
Bài thuốc chữa chóng mặt và cải thiện nhan sắc
Hoa cúc nên được hái vào ngày 9 - 9 âm lịch, sử dụng 2 cân hoa cúc kết hợp với 1 cân phục linh, nguyên liệu đem đi tán thành bột mịn. Mỗi lần, người bệnh sử dụng khoảng 8g bột mịn uống với rượu nóng. Sử dụng thuốc 3 lần mỗi ngày.
Bài thuốc trị cảm lạnh, chóng mặt, đỏ mắt
Bệnh nhân có thể kết hợp cúc hoa với các vị thuốc như: Liên kiều, xa tiền tử, câu đằng, cát cánh, tang diệp để sắc uống đều đặn mỗi ngày.
Hoặc sử dụng cúc hoa với phòng phong, hương phụ, xuyên khung, cam thảo, khương tầm. Các nguyên liệu sử dụng khối lượng bằng nhau đem trộn đều và tán nhỏ. Người bệnh sử dụng thuốc sau mỗi bữa cơm, mỗi lần dùng từ 4 tới 6g bột.
Bài thuốc trị ho và sốt
Người bệnh sử dụng cúc vàng, bạc hà, liên kiều, cát cánh và cam thảo đem sắc với khoảng 600ml nước. Phần nước thuốc thu về khoảng 200ml, chia đều thành 3 bữa và uống hết trong ngày.
Bài thuốc trị ống tai ngoài và nhọt
Nguyên liệu được sử dụng cho bài thuốc này gồm các vị thuốc: Cúc hoa, kê huyết đằng, chi tử, bồ công anh, hoàng liên, sinh địa, kim ngân hoa. Các vị thuốc đem sắc lấy nước và uống thành các bữa nhỏ. Thuốc không để qua đêm.
Bài thuốc trị mắt có màng mộng
Để chữa chứng bệnh này, người bệnh sử dụng cúc cùng dược liệu thuyền thoái, hai vị thuốc dùng lượng bằng nhau và mang đi tán bột. Mỗi lần uống, bệnh nhân dùng khoảng 2 tới 12g bột trộn với một ít mật và đem sắc để uống.
Bài thuốc can thận đều hư
Bài thuốc cải thiện chứng thận hư sử dụng các vị thuốc gồm: Thục địa, sơn thù du, sơn dược, cúc hoa, câu kỷ, phục linh. Các vị thuốc được tán bột sau đó trộn mật để làm viên cho người bệnh sử dụng.
Bài thuốc trị mụn nhọt có mủ
Với những trường hợp người bệnh thường bị nổi mụn kèm mủ, bạn có thể sử dụng bạch cúc kết hợp với cam thảo, rửa sạch và đem sắc nước uống sẽ thấy hiệu quả rõ rệt.
Bài thuốc trị nhức đầu do huyết hư
Bệnh nhân sử dụng các vị thuốc gồm: Cúc diệp, đương quy, đồng tiện, tế tân, cảo bản, cam thảo, thiên môn, thục địa hoàng. Các vị thuốc đều đem sắc uống để có thể cải thiện bệnh một cách tốt nhất.
Một số cách sử dụng khác của cúc hoa trong đời sống
Thông thường, phương pháp chúng ta thường sử dụng chính là pha trà cúc hoa. Đây là thức uống mang đến rất nhiều lợi ích cho sức khỏe, hoa cúc có thể pha cùng với cam thảo, mật ong hoặc atiso,... Cách pha trà đơn giản nhất là sử dụng 2 thìa nhỏ cúc pha cùng một tách nước nóng, ủ trong vòng 10 phút, sau đó bạn với cúc ra để thưởng thức trà. Mỗi ngày uống 3 tách trà hoa cúc nhỏ sẽ có được rất nhiều lợi ích cho sức khỏe.
Bên cạnh những đơn thuốc truyền thống, các bác sĩ còn khuyến khích sử dụng lá cúc tươi để tăng sự hấp thụ dinh dưỡng cho cơ thể. Lá cúc hay hoa cúc đều có vị ngon, có thể kết hợp để ăn kèm với nhiều món ăn khác nhau. Phần lá có thể sử dụng để làm món ăn kèm với các thực phẩm cây me đất hoặc lá bồ công anh, làm món xà lách trộn. Ngoài ra, cụm hoa còn có thể sử dụng để chế biến nước sốt, làm giấm hoặc thậm chí sử dụng hoa để trang trí bánh, đặc biệt là bánh mì hoa cúc.
Một số lưu ý khi sử dụng cúc hoa là gì?
Có thể thấy rằng, loại hoa này có rất nhiều công dụng, vậy nên việc sử dụng hoa để cải thiện sức khỏe là rất tốt. Tuy nhiên, không vì vậy người bệnh sử dụng tùy tiện, lạm dụng dược cúc sẽ gây ra những tác dụng phụ cho cơ thể.
- Khi người bệnh vị vị hàn, khí hư, tiêu chảy hay ăn ít, bệnh nhân không sử dụng hoa cúc hoa.
- Dược liệu này cũng không áp dụng cho các bệnh nhân trong trường hợp dương hư hoặc đau đầu sợ lạnh.
- Không sử dụng hoa cho người bị tỳ vị hư hàn
Trên đây là các thông tin quan trọng nhất về dược liệu cúc hoa. Chúng tôi hy vọng rằng các thông tin này sẽ giúp ích cho bạn đọc để từ đó có những sự lựa chọn phù hợp cho các bài thuốc trị bệnh. Tuy nhiên, bệnh nhân vẫn cần đến thăm khám tại bệnh viện để được các bác sĩ tư vấn, sử dụng cúc hoa sao cho phù hợp.