Xuất tinh ngược dòng là một hiện tượng sinh lý ít được biết đến, có thể gây ra những ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe sinh sản của nam giới. Vậy xuất tinh ngược là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị như thế nào? Hãy cùng tìm hiểu chi tiết trong nội dung bài viết này.

Xuất tinh ngược là gì?

Xuất tinh ngược là một hiện tượng rối loạn chức năng tình dục ở nam giới, xảy ra khi tinh dịch, thay vì xuất ra ngoài qua niệu đạo trong lúc đạt cực khoái, lại đi ngược vào bàng quang.

Thông thường, trong quá trình xuất tinh, cơ vòng bàng quang sẽ co thắt để ngăn tinh dịch đi vào bàng quang. Tuy nhiên, khi cơ vòng này bị suy yếu hoặc không hoạt động đúng cách, tinh dịch sẽ bị đẩy ngược vào bàng quang.

Xuất tinh ngược là một hiện tượng rối loạn chức năng tình dục ở nam giới
Xuất tinh ngược là một hiện tượng rối loạn chức năng tình dục ở nam giới

Nguyên nhân gây xuất tinh ngược dòng

Tổn thương do phẫu thuật

Một số phẫu thuật có thể gây tổn thương đến các cơ hoặc dây thần kinh kiểm soát cơ thắt cổ bàng quang và niệu đạo, làm tăng nguy cơ xuất tinh ngược dòng.

  • Phẫu thuật tuyến tiền liệt: Cắt bỏ tuyến tiền liệt qua niệu đạo (TURP) có thể gây tổn thương cơ thắt cổ bàng quang, dẫn đến xuất tinh ngược dòng. Tỷ lệ xuất tinh ngược sau TURP khoảng 10-15%.
  • Phẫu thuật vùng chậu: Các phẫu thuật mở rộng vùng chậu, đặc biệt là phẫu thuật ung thư tuyến tiền liệt, tinh hoàn, đại tràng, trực tràng, có thể gây tổn thương thần kinh hoặc cơ thắt, dẫn đến xuất tinh ngược dòng.

Tổn thương thần kinh do bệnh lý

Một số bệnh lý mạn tính có thể gây tổn thương thần kinh, ảnh hưởng đến khả năng kiểm soát cơ thắt cổ bàng quang và niệu đạo.

  • Bệnh tiểu đường: Tiểu đường gây tổn thương dây thần kinh tự chủ, ảnh hưởng đến khả năng kiểm soát cơ bàng quang và niệu đạo.
  • Đa xơ cứng: Bệnh lý này cũng gây tổn thương thần kinh, ảnh hưởng đến chức năng co thắt của cơ cổ bàng quang và niệu đạo.

Tác dụng phụ của thuốc

  • Thuốc điều trị tăng huyết áp: Một số loại thuốc alpha-blocker dùng để điều trị tăng huyết áp có thể gây giãn cơ cổ bàng quang, dẫn đến xuất tinh ngược dòng.
  • Thuốc điều trị phì đại tuyến tiền liệt: Thuốc alpha-blocker và thuốc ức chế 5-alpha reductase cũng có thể gây xuất tinh ngược.
  • Thuốc tâm thần: Một số loại thuốc chống trầm cảm, thuốc chống lo âu có thể ảnh hưởng đến chức năng thần kinh kiểm soát xuất tinh.

Yếu tố bẩm sinh

Dị tật bẩm sinh ở niệu đạo hoặc cổ bàng quang có thể gây rối loạn co thắt cơ, dẫn đến xuất tinh ngược dòng.

Các yếu tố khác

  • Tuổi tác: Lão hóa làm suy giảm chức năng cơ và thần kinh, tăng nguy cơ xuất tinh ngược.
  • Lạm dụng rượu bia, thuốc lá: Các thói quen này có thể gây tổn thương thần kinh và ảnh hưởng đến chức năng sinh lý.
Việc lạm dụng rượu bia, thuốc lá có thể là nguyên nhân gây bệnh
Việc lạm dụng rượu bia, thuốc lá có thể là nguyên nhân gây bệnh

Triệu chứng điển hình của bệnh

  • Cực khoái khô: Đây là triệu chứng rõ ràng nhất. Nam giới vẫn đạt được cực khoái, nhưng không có hoặc có rất ít tinh dịch xuất ra ngoài. Lượng tinh dịch có thể chỉ là vài giọt hoặc thậm chí không có.
  • Nước tiểu đục sau khi quan hệ: Tinh dịch đi ngược vào bàng quang sẽ làm nước tiểu trở nên đục sau khi quan hệ tình dục. Triệu chứng này có thể dễ nhận thấy hơn vào lần đi tiểu đầu tiên sau khi quan hệ.
  • Vô sinh: Xuất tinh ngược là một trong những nguyên nhân gây vô sinh ở nam giới. Do tinh trùng không thể đến gặp trứng để thụ tinh.
  • Các triệu chứng khác:
    • Một số nam giới có thể cảm thấy khó chịu ở vùng bụng dưới sau khi quan hệ.
    • Trong một số trường hợp, xuất tinh ngược có thể kèm theo các triệu chứng của bệnh lý tiềm ẩn như tiểu đường, bệnh tuyến tiền liệt…

Đối tượng nguy cơ bệnh xuất tinh ngược

  • Nam giới trên 50 tuổi.
  • Nam giới mắc bệnh tiểu đường.
  • Nam giới mắc bệnh đa xơ cứng.
  • Nam giới đang gặp phải tình trạng phì đại tuyến tiền liệt.
  • Nam giới đã trải qua phẫu thuật bàng quang.
  • Nam giới từng bị chấn thương tủy sống.
  • Nam giới đang sử dụng một số loại thuốc điều trị tăng huyết áp, rối loạn tâm lý, phì đại tuyến tiền liệt.

Xuất tinh ngược dòng có nguy hiểm không?

Tuy không gây đau đớn ngay, xuất tinh ngược có thể gây ra những vấn đề sau:

Xuất tinh ngược dòng ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe, tinh thần nam giới
Xuất tinh ngược dòng ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe, tinh thần nam giới
  •  Ảnh hưởng đến khả năng sinh sản: Tinh dịch không thể ra ngoài bình thường khiến tinh trùng không thể gặp trứng, gây khó khăn trong việc thụ thai tự nhiên.
  • Gây khó chịu về mặt tâm lý: Nam giới cảm thấy lo lắng, tự ti, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và hạnh phúc lứa đôi.
  • Tăng nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu: Tinh dịch đọng lại trong bàng quang có thể tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển, gây viêm đường tiết niệu.
  • Ảnh hưởng đến chất lượng tinh trùng: Môi trường acid trong bàng quang có thể ảnh hưởng đến sức khỏe và khả năng di chuyển của tinh trùng.
  • Một số biến chứng khác: Viêm tuyến tiền liệt, giãn niệu quản…

Phòng ngừa bệnh xuất tinh ngược

Mặc dù không phải lúc nào cũng có thể ngăn ngừa hoàn toàn xuất tinh ngược dòng, nhưng bạn có thể giảm thiểu nguy cơ mắc phải tình trạng này bằng cách thực hiện các biện pháp sau:

  • Kiểm soát tốt các bệnh lý mạn tính: Nếu bạn mắc bệnh tiểu đường hoặc đa xơ cứng, hãy kiểm soát tốt lượng đường trong máu và tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ để ngăn ngừa tổn thương thần kinh.
  • Thận trọng khi sử dụng thuốc: Tuyệt đối không tự ý mua và sử dụng thuốc, đặc biệt là thuốc tăng huyết áp, thuốc tâm thần.
  • Lối sống lành mạnh:
    • Hạn chế rượu bia, thuốc lá vì có thể gây tổn thương thần kinh và ảnh hưởng đến chức năng sinh lý.
    • Bổ sung đầy đủ dinh dưỡng, ưu tiên các thực phẩm tốt cho sức khỏe sinh sản như hải sản, rau xanh, trái cây…
    • Vận động thể lực giúp cải thiện tuần hoàn máu và tăng cường sức khỏe tổng thể.
    • Kiểm soát cân nặng là cách ngăn ngừa nguy cơ của nhiều bệnh lý, bao gồm cả xuất tinh ngược.
    • Thực hành các bài tập Kegel giúp củng cố cơ sàn chậu, cải thiện khả năng kiểm soát bàng quang và niệu đạo.
  • Khám sức khỏe định kỳ: Giúp phát hiện sớm các bệnh lý có thể gây xuất tinh ngược và có biện pháp can thiệp kịp thời.

Biện pháp chẩn đoán xuất tinh ngược

Để chẩn đoán chính xác bệnh lý, bác sĩ sẽ kết hợp khai thác bệnh sử, thăm khám lâm sàng và chỉ định một số xét nghiệm cần thiết.

  • Hỏi bệnh sử: Tìm hiểu về các bệnh lý, thuốc đang dùng, triệu chứng, lối sống…
  • Khám lâm sàng: Kiểm tra bộ phận sinh dục, tuyến tiền liệt.
  • Xét nghiệm:
    • Phân tích nước tiểu sau xuất tinh: Xét nghiệm quan trọng nhất, tìm tinh trùng trong nước tiểu.
    • Xét nghiệm khác (nếu cần): Đo đường huyết, xét nghiệm thần kinh, siêu âm, chụp X-quang, MRI…
Việc thăm khám, chẩn đoán cùng bác sĩ chuyên khoa là vô cùng quan trọng
Việc thăm khám, chẩn đoán cùng bác sĩ chuyên khoa là vô cùng quan trọng

Cần phân biệt bệnh lý với xuất tinh ít và không xuất tinh. Việc chẩn đoán chính xác nguyên nhân giúp đưa ra phương án điều trị phù hợp.

Các biện pháp điều trị bệnh xuất tinh ngược

Việc điều trị bệnh cần dựa trên nguyên nhân gây bệnh và mức độ ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm lý người bệnh.

Điều trị nguyên nhân gây bệnh

  • Điều trị bệnh lý nền: Nếu xuất tinh ngược dòng do bệnh lý như tiểu đường, đa xơ cứng, cần kiểm soát tốt bệnh lý nền. Điều này có thể giúp cải thiện chức năng thần kinh và cơ, từ đó giảm triệu chứng xuất tinh ngược.
  • Thay đổi thuốc: Nếu xuất tinh ngược dòng là do tác dụng phụ của thuốc, bác sĩ có thể xem xét thay đổi loại thuốc hoặc điều chỉnh liều lượng. Tuy nhiên, không tự ý ngừng thuốc hoặc thay đổi liều lượng mà không có sự chỉ định của bác sĩ.
  • Phẫu thuật: Trong trường hợp xuất tinh ngược dòng do dị tật bẩm sinh hoặc tổn thương sau phẫu thuật, phẫu thuật có thể là một lựa chọn để khắc phục tình trạng này.

Điều trị triệu chứng

  • Thuốc: Các loại thuốc điều trị bệnh có thể gây ra tác dụng phụ, cần sử dụng theo chỉ định của bác sĩ. Dưới đây là một số loại thuốc phổ biến:
    • Thuốc cường giao cảm: Nhóm thuốc này giúp tăng cường hoạt động của cơ thắt cổ bàng quang, ngăn tinh dịch đi vào bàng quang khi xuất tinh. Ví dụ: Pseudoephedrine, imipramine, midodrine.
    • Thuốc kháng cholinergic: Nhóm thuốc này giúp giảm co bóp bàng quang, hỗ trợ việc đẩy tinh dịch ra ngoài. Ví dụ: Brompheniramine.
  • Thụ tinh nhân tạo: Nếu xuất tinh ngược dòng ảnh hưởng đến khả năng sinh sản, các phương pháp hỗ trợ sinh sản như IUI hoặc IVF có thể được cân nhắc.

Xuất tinh ngược dòng tuy là một vấn đề tế nhị, nhưng hoàn toàn có thể điều trị được nếu được phát hiện và can thiệp kịp thời. Bằng cách tìm hiểu kỹ về nguyên nhân, triệu chứng và phương pháp điều trị, nam giới có thể chủ động bảo vệ sức khỏe sinh sản của mình và vượt qua nỗi lo lắng do xuất tinh ngược dòng gây ra.

Nguồn: Soytethainguyen

Bài viết liên quan