Sử dụng thuốc giảm đau răng có thể kiểm soát nhanh các triệu chứng. Tùy theo mức độ cơn đau và tình trạng sức khỏe của từng trường hợp, bác sĩ sẽ xem xét dùng Acetaminophen, thuốc chống viêm không steroid (NSAID), thuốc gây tê tại chỗ,…
Top 6 loại thuốc giảm đau răng hiệu quả nhanh nhất
Đau răng là triệu chứng thường gặp khi mọc răng, sau khi nhổ răng, chấn thương,… Ngoài ra, tình trạng này còn là triệu chứng của các bệnh lý nha khoa như sâu răng, viêm tủy răng, áp xe răng và các bệnh nha chu.
Đau nhức răng không chỉ gây ra cảm giác khó chịu mà còn ảnh hưởng đến quá trình ăn uống, sinh hoạt và tác động không nhỏ đến chất lượng giấc ngủ. Tình trạng này kéo dài còn làm giảm hiệu suất lao động và học tập. Chính vì vậy, sử dụng thuốc giảm đau là giải pháp được nhiều người lựa chọn nhằm kiểm soát tình trạng răng đau nhức, ê buốt.
Hiện nay, có nhiều loại thuốc giảm đau nhức răng được sử dụng với cơ chế và đặc tính hoàn toàn khác biệt. Tùy theo từng trường hợp, bác sĩ có thể chỉ định dùng đơn lẻ một số loại thuốc hoặc sử dụng phối hợp để tăng hiệu quả giảm đau và kiểm soát viêm nhiễm.
Dưới đây là một số loại thuốc giảm đau được sử dụng phổ biến trong điều trị đau nhức răng:
1. Paracetamol (Acetaminophen) – Thuốc giảm đau răng thông dụng
Acetaminophen (Paracetamol) là loại thuốc giảm đau, hạ sốt được sử dụng phổ biến trên lâm sàng. Thuốc được dùng trong nhiều trường hợp như cảm lạnh, cảm cúm, viêm họng, đau răng, đau khớp, đau đầu,… Acetaminophen tương đối an toàn ở liều điều trị nên có thể dùng cho cả trẻ em và người trưởng thành.
Loại thuốc này tác động đến cyclooxygenase ở hệ thần kinh trung ương nhằm giảm sinh tổng hợp prostaglandin – thành phần trung gian trong phản ứng gây viêm. Với cơ chế này, Acetaminophen có thể giảm cơn đau có mức độ từ nhẹ đến trung bình. Vì thuốc không ảnh hưởng đến prostaglandin ở cơ quan tiêu hóa, không tác dụng trên tiểu cầu, hệ hô hấp và tim mạch nên có phạm vi chỉ định rộng.
Chống chỉ định của thuốc giảm đau răng Acetaminophen:
- Mẫn cảm với Acetaminophen
- Thiếu máu nhiều lần
- Có bệnh thận, phổi, tim, gan
- Thiếu hụt men glucose – 6 – phosphate dehydro genase
Acetaminophen chuyển hóa qua gan nên có thể gây độc cho cơ quan này. Để hạn chế tác dụng phụ, nên tránh sử dụng rượu bia và các loại thuốc gây độc cho gan trong thời gian điều trị đau răng bằng Paracetamol.
2. NSAID (thuốc chống viêm không steroid)
NSAID (thuốc chống viêm không steroid) là một trong những nhóm thuốc giảm đau răng được sử dụng phổ biến. Nhóm thuốc này bao gồm nhiều loại thuốc, trong đó có một số loại thuốc có thể sử dụng mà không cần kê toa như Diclofenac, Ibuprofen, Aspirin,… NSAID có 3 tác dụng chính là chống viêm, hạ sốt và giảm đau.
Thuốc chống viêm không steroid gây ức chế cyclooxygenase toàn thân, qua đó giảm sinh tổng hợp prostaglandin và cải thiện tình trạng viêm hiệu quả. Ngoài ra, hiệu quả kháng viêm của nhóm thuốc này còn dựa trên cơ chế ức chế các kinin (chất trung gian trong phản ứng gây viêm).
NSAID ức chế PGF2 alpha, qua đó làm giảm tính thụ cảm của các dây thần kinh với serotonin, histamine. Nhờ vậy có thể cải thiện cơn đau ở nhiều cơ quan khác nhau như đau đầu, đau khớp và đau răng. So với Acetaminophen, thuốc chống viêm không steroid có hiệu quả giảm đau mạnh hơn. Tuy nhiên, NSAID có thể gây ra nhiều rủi ro và tác dụng phụ khi sử dụng nên chỉ được dùng ngắn hạn.
Chống chỉ định dùng NSAID để giảm đau nhức răng:
- Suy thận
- Suy gan mức độ nặng
- Loét dạ dày tá tràng tiến triển
- Rối loạn đông máu và mắc các bệnh lý gây chảy máu không kiểm soát
- Phụ nữ mang thai và cho con bú
- Dị ứng với bất cứ thành phần nào trong thuốc
Thuốc chống viêm không steroid (NSAID) có thể gây viêm loét, chảy máu dạ dày và làm tăng biến cố tim mạch. Do đó nếu có các vấn đề sức khỏe đặc biệt, bạn nên thông báo với bác sĩ để được đánh giá nguy cơ trước khi dùng nhóm thuốc này. Ngoài ra, người bị hen phế quản cũng nên thận trọng khi dùng NSAID do nguy cơ dị ứng cao.
3. Thuốc chống viêm chứa steroid (corticoid đường uống)
Thuốc chống viêm chứa steroid (corticoid) là loại thuốc được sử dụng khá phổ biến. Corticoid có cơ chế tương tự như hormone cortisol được tuyến thượng thận bài tiết với 3 tác dụng chính là kháng viêm, chống dị ứng và ức chế miễn dịch.
Trên thực tế, corticoid rất ít khi được chỉ định trong điều trị đau nhức răng. Tuy nhiên trong trường hợp mô nướu sưng viêm và phù nề nghiêm trọng, bác sĩ có thể xem xét dùng loại thuốc này bên cạnh thuốc giảm đau thông thường. Corticoid ức chế hoạt tính của phospholipase A2 và kích thích tổng hợp Lipocortin, qua đó làm giảm tổng hợp các chất trung gian gây viêm leucotrien và prostaglandin (PG).
Bên cạnh đó, thuốc chống viêm chứa steroid còn có hiệu quả ức chế khả năng tập trung và vận chuyển của bạch cầu, ức chế sản xuất kháng thể, hạn chế giải phóng enzyme ty lạp thể và cản trở thực bào. Với cơ chế này, corticoid có khả năng chống viêm mạnh.
Tuy nhiên, thuốc chống viêm không steroid có thể gây ra nhiều tác dụng phụ nên chỉ được xem xét trong những trường hợp cần thiết. Trong thời gian sử dụng, nhóm thuốc này có thể gây ra một số tác dụng phụ như loãng xương, tăng đường huyết, tăng huyết áp, mỏng da, rạn da,… Các corticoid được dùng để giảm đau răng thường là Dexamethasone, Prednisolon,…
4. Thuốc gây tê tại chỗ
Với trường hợp đau nhức răng do tổn thương mô nướu (viêm nướu răng, áp xe răng), bạn có thể dùng thuốc gây tê tại chỗ để giảm cơn đau. Các loại thuốc này thường chứa hoạt chất Lidocaine hoặc Benzocaine. Các hoạt chất gây tê có khả năng phong bế thần kinh và làm gián đoạn quá trình dẫn truyền tín hiệu về não bộ, qua đó làm giảm cơn đau hiệu quả.
Các loại thuốc gây tê tại chỗ thường được dùng trực tiếp lên mô nướu sưng viêm với tần suất 2 – 3 lần/ ngày. Trước khi sử dụng, cần làm sạch khoang miệng và rửa tay với xà phòng. Ngoài ra, nên tránh súc miệng và ăn uống trong ít nhất 30 phút sau khi dùng thuốc.
5. Các loại thuốc kháng khuẩn (uống, bôi, súc miệng)
Ngoài các loại thuốc trên, các loại thuốc kháng khuẩn cũng có thể được sử dụng để giảm đau nhức răng. Bởi sự phát triển quá mức của vi khuẩn trong khoang miệng chính là nguyên nhân gây viêm nhiễm, tổn thương mô nướu và răng.
Khi bị đau nhức răng, nên sử dụng dung dịch súc miệng sát khuẩn chứa hoạt chất Hexetidine, Chlorhexidine, Zinc gluconate, Hydrogen peroxide,… Các loại thuốc này có tác dụng tiêu diệt virus, vi khuẩn trong khoang miệng. Qua đó làm giảm tình trạng viêm nhiễm và giảm đau nhức răng hiệu quả.
Nếu cần thiết, bác sĩ có thể chỉ định dùng thêm một số kháng sinh dạng bôi và uống như Metronidazole, Spiramycin, Doxycyclin, Tetracyclin, Amoxicilin,… Các loại thuốc kháng khuẩn không có hiệu quả giảm đau trực tiếp. Tuy nhiên, thông qua hoạt động tiêu diệt vi khuẩn và kiểm soát viêm nhiễm, tình trạng đau nhức răng sẽ được cải thiện đáng kể.
6. Thuốc kháng sinh điều trị đau răng do nhiễm khuẩn
Một số trường hợp bệnh nhân bị đau răng do nhiễm khuẩn, bác sĩ sẽ kê thêm loại thuốc kháng sinh nhằm hạn chế tình trạng nhiễm trùng hoặc áp xe răng. Một số thuốc kháng sinh điều trị đau răng thường được sử dụng bao gồm:
- Clindamycin: Các chuyên gia đã ứng dụng Clindamycin để loại bỏ vi khuẩn gây nhiễm trùng răng. Loại thuốc này được sử dụng cho những đối tượng bị đau răng hàm hoặc mọc răng khôn. Clindamycin được sản xuất ở dạng dạng bôi, dạng viên uống với liều lượng sử dụng như sau: Người lớn uống 150 – 300mg/lần, cách nhau 6 tiếng; Trẻ em uống 3 – 6mg/lần, cách nhau 6 tiếng. Với dạng bôi cần để thuốc ngấm 30 phút, sau đó mới được ăn uống.
- Metronidazole: Đây là loại thuốc kháng sinh chữa đau nhức răng do vi khuẩn kỵ khí gây ra. Thông thường, nha sĩ sẽ chỉ định bệnh nhân sử dụng Metronidazole với các loại thuốc kháng sinh khác để tăng hiệu quả giảm đau. Sản phẩm này được bào chế dưới dạng viên nang và viên nén với liều lượng như sau: Người lớn dùng 500 – 750mg/lần, cách nhau 6 tiếng; Trẻ em chỉ uống 250mg/lần và mỗi lần cũng cách nhau 6 tiếng.
- Azithromycin: Loại thuốc này có khả năng ức chế sự phát triển của vi khuẩn, từ đó cải thiện tình trạng đau nhức răng. Sản phẩm này có thể sử dụng cho cả người lớn và trẻ em tuy nhiên bạn phải tuyệt đối tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ. Liều lượng an toàn với người lớn là 2 viên, uống sau ăn và liên tục trong vòng 3 này. Đối với trẻ em, tùy vào thể trạng mà nha sĩ sẽ kê đơn thuốc phù hợp.
- Spiramycin: Đây cũng là loại thuốc được chuyên gia khuyến khích sử dụng khi bị đau răng do nhiễm trùng. Tuy nhiên sản phẩm này chỉ dùng cho người lớn với liều lượng là 1 – 2g/lần, mỗi ngày dùng 1 – 2 lần để giảm cơn đau nhức nhanh chóng. Đối với trường hợp bị nhiễm trùng nặng có thể uống từ 2 – 2.5g/lần, mỗi ngày dùng 2 lần để mang lại hiệu quả tốt nhất. Spiramycin không dùng cho phụ nữ mang thai hoặc cho con bú nên bệnh nhân cần hết sức lưu ý.
Lưu ý khi dùng thuốc giảm đau nhức răng
Các loại thuốc giảm đau nhức răng được sử dụng để kiểm soát cơn đau và một số triệu chứng đi kèm. Tuy nhiên trước khi sử dụng các loại thuốc này, bạn nên lưu ý một số vấn đề sau:
- Tham khảo ý kiến dược sĩ/ bác sĩ trước khi sử dụng các loại thuốc giảm đau răng. Với những loại thuốc không kê toa, chỉ dùng trong 3 – 5 ngày nếu không có chỉ định của bác sĩ.
- Thông báo với bác sĩ tiền sử dị ứng, tình trạng sức khỏe và một số vấn đề quan trọng (đang mang thai, cho con bú, đang sử dụng thuốc,…) để được chỉ định loại thuốc phù hợp. Bởi những vấn đề này có thể làm tăng nguy cơ gặp phải tác dụng phụ khi dùng thuốc giảm đau nhức răng.
- Không tự ý phối hợp các loại thuốc giảm đau nhức răng nếu không có chỉ định. Tự ý phối hợp thuốc có thể gây ra nhiều rủi ro và tác dụng không mong muốn.
- Nguy cơ gặp phải tác dụng phụ khi dùng thuốc có thể tăng lên đáng kể nếu sử dụng rượu bia. Do đó khi dùng thuốc giảm đau răng, bạn nên tránh dùng đồ uống chứa cồn.
- Nếu cơn đau có mức độ nhẹ, nên áp dụng các mẹo giảm đau nhức răng tại nhà thay vì sử dụng thuốc. Tình trạng đau nhức răng có thể thuyên giảm đáng kể sau khi chườm lạnh, ngậm nước muối ấm, súc miệng với tinh dầu đinh hương,…
- Ngoài sử dụng thuốc giảm đau răng, nên thực hiện tốt các biện pháp vệ sinh răng miệng để giảm viêm nhiễm và tạo điều kiện cho răng, mô nướu hồi phục. Nếu có chỉ định, nên can thiệp các phương pháp điều trị chuyên sâu để kiểm soát đau răng dứt điểm.
- Nếu nhận thấy các biểu hiện bất thường trong thời gian dùng thuốc, nên thông báo với bác sĩ để được tư vấn cách khắc phục.
Thuốc giảm đau răng được sử dụng để cải thiện cơn đau và một số triệu chứng đi kèm. Tuy nhiên, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng để đảm bảo hiệu quả và hạn chế tối đa rủi ro, tác dụng phụ phát sinh.
Tham khảo thêm:
Bài viết liên quan
Bị đau răng có nên ăn thịt gà không?
Răng hàm bị ê ẩm và đau nhức khi nhai phải làm sao?
Bị đau răng uống thuốc giảm đau nhưng không đỡ phải làm sao?
10 Cách Giảm Đau Răng Tại Nhà Đơn Giản, Hiệu Quả Nhanh
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!