Nếu không cần thiết phải dùng thuốc, có thể tận dụng rau diếp cá chữa nhiệt miệng để giảm nhanh tình trạng đau rát, vết loét sưng đỏ và khó chịu. Các bài thuốc từ thảo dược này đều rất dễ thực hiện, an toàn nên có thể áp dụng cho cả người lớn và trẻ em.
Vì sao rau diếp cá có thể chữa nhiệt miệng?
Nhiệt miệng (loét áp tơ, loét miệng) là bệnh về răng miệng phổ biến ở mọi lứa tuổi. Trong quan niệm dân gian, bệnh lý này thường xảy ra do chứng nóng trong, dùng thức ăn cay nóng, thói quen dùng rượu bia và hút thuốc lá. Do đó, dân gian thường tận dụng các thảo dược có tính mát để chữa chứng nhiệt miệng như rau ngót, chè vằng, nha đam và rau diếp cá.
Hiện nay, các nghiên cứu khoa học cho thấy, nguyên nhân gây nhiệt miệng không phải do chứng nóng trong mà có liên quan đến tình trạng thiếu hụt vi chất dinh dưỡng, stress, hệ miễn dịch kém, kích ứng với các sản phẩm chăm sóc răng miệng, ảnh hưởng của các bệnh lý nha khoa,… Mặc dù vậy, việc sử dụng các loại thảo dược có tính mát nói chung và diếp cá nói riêng có thể làm dịu vết loét, giảm sưng đau và khó chịu.
Nhiệt miệng là bệnh lành tính và vết loét thường có thể tự thuyên giảm sau 5 – 14 ngày mà không cần điều trị. Ảnh hưởng duy nhất của bệnh lý này là gây đau rát, sưng nóng và khó chịu khi trò chuyện, ăn uống. Bằng cách tận dụng lá diếp cá và các loại thảo dược có tính mát, bạn có thể tự cải thiện chứng nhiệt miệng tại nhà mà không cần sử dụng thuốc.
Theo Đông y, diếp cá có vị chua, cay, mùi hơi tanh, tính mát, tác dụng sát khuẩn, kháng viêm, giải độc và thanh nhiệt. Từ lâu, thảo dược này đã được sử dụng để chữa chứng loét miệng, mụn nhọt sưng đau, sốt cao,… Theo kinh nghiệm dân gian, diếp cá có hiệu quả trong việc giảm sưng đau và đẩy nhanh tốc độ lành vết loét do nhiệt miệng gây ra.
Nghiên cứu của y học hiện đại cho thấy, lá diếp cá có chứa decanoyl-acetaldehyde – hoạt chất có đặc tính kháng sinh mạnh. Hoạt chất này hiệu quả với nhiều loại vi khuẩn thường gây bệnh ở người. Bên cạnh đó, diếp cá còn chứa chất chống oxy hóa quercetin và dioxy-flavonon có tác dụng làm bền thành mạch, cải thiện tình trạng chảy máu, kháng viêm và tăng cường sức đề kháng.
Các bài thuốc chữa nhiệt miệng bằng rau diếp cá có thể giảm nhanh cảm giác sưng, đau ở vết loét và ngăn ngừa viêm nhiễm. Ngoài ra, với nhiều chất chống oxy hóa, bài thuốc từ thảo dược này cũng giúp vết loét nhanh lành hơn. Không chỉ là vị thuốc có công năng đa dạng, diếp cá còn là loại rau ăn tốt cho sức khỏe có tác dụng tăng cường miễn dịch và cải thiện hệ tiêu hóa.
Các bài thuốc chữa nhiệt miệng bằng rau diếp cá
Diếp cá là loại rau ăn quen thuộc trong bữa ăn hằng ngày của người Việt. Do đó, các bài thuốc chữa nhiệt miệng bằng rau diếp cá tương đối lành tính và an toàn. Nếu đang bị nhiệt miệng, bạn có thể áp dụng một số cách đơn giản sau để cải thiện triệu chứng:
1. Ăn sống rau diếp cá
Cách đơn giản nhất để chữa chứng nhiệt miệng là ăn sống rau diếp cá. Diếp cá là loại rau sống được yêu thích với vị chua cay và mùi thơm đặc trưng. Tuy nhiên, khá nhiều người không ăn được loại rau này do có mùi tanh. Rau diếp cá có tính mát nên khi ăn vào sẽ giúp làm mát cơ thể, góp phần giảm đau và sưng ở vùng niêm mạc xung quanh vết loét.
Ngoài ra, diếp cá còn là loại rau giàu khoáng chất và vitamin. Thông thường, nhiệt miệng hay tái phát ở những người thiếu vitamin B, sắt và vitamin C. Do đó, đa dạng chế độ ăn uống có vai trò quan trọng trong việc cải thiện và phòng ngừa chứng loét miệng. Nếu nghi ngờ nhiệt miệng có liên quan đến tình trạng thiếu chất, bạn nên bổ sung diếp cá vào chế độ ăn hằng ngày. Diếp cá tươi có thể ăn kèm với cá kho, tôm khô hoặc dùng ăn sống cùng với các loại rau khác.
2. Dùng trà diếp cá trị nhiệt miệng
Diếp cá có mùi thơm đặc trưng nhưng với nhiều người, mùi của loại rau này có thể gây khó chịu. Trong trường hợp không thể ăn sống, bạn có thể dùng trà diếp cá trị nhiệt miệng. Diếp cá có tính mát, tác dụng kháng viêm, sát khuẩn và thanh nhiệt nên có thể giảm nhanh cảm giác sưng nóng, đau rát ở niêm mạc miệng.
Hơn nữa, trà diếp cá còn có tác dụng giải độc và lợi tiểu tiện. Vì vậy, vào những ngày nắng nóng, bạn nên dùng 1 tách trà diếp cá mỗi ngày để thanh lọc cơ thể và phòng ngừa chứng nóng trong, nhiệt miệng, mụn nhọt, sốt,…
Hướng dẫn làm trà diếp cá trị nhiệt miệng đơn giản tại nhà:
- Chuẩn bị diếp cá tươi, đem rửa sạch với nước muối pha loãng và phơi cho khô
- Bảo quản trong lọ thủy tinh và sử dụng khi cần
- Mỗi lần dùng một lượng diếp cá khô cho vào bình thủy tinh
- Tráng sơ qua với một ít nước sôi để loại bỏ bụi bẩn
- Đổ nước sôi vào và đậy kín nắp trong 10 – 15 phút
- Dùng trà diếp cá uống hằng ngày rất tốt cho chứng nhiệt miệng, nổi mụn nhọt, nóng trong,…
3. Nước lá diếp cá tươi chữa nhiệt miệng nhanh chóng
Theo kinh nghiệm dân gian, cách nhanh nhất để loại bỏ vết loét do nhiệt miệng gây ra là uống nước lá diếp cá tươi. Nước lá diếp cá tươi thường có mùi khá khó chịu nhưng mát hơn so với trà. Chỉ sau một vài lần áp dụng, vết loét ở niêm mạc miệng sẽ lành lại và giảm sưng đau nhanh chóng.
Cách làm nước lá diếp cá tươi chữa chứng nhiệt miệng:
- Rửa sạch 1 nắm lá diếp cá tươi và để ráo nước
- Sau đó, giã nát và cho thêm vào 200ml nước sôi để nguội
- Uống 1 lần/ ngày để chữa chứng nhiệt miệng, táo bón và các vấn đề sức khỏe có liên quan đến tình trạng nóng trong.
4. Đắp lá diếp cá lên vết loét
Nếu vết loét có kích thước khá lớn và gây đau nhiều, bạn có thể dùng bã diếp cá tươi đắp lên. Các khoáng chất và chất chống oxy hóa trong thảo dược này sẽ giúp giảm nhanh chóng cảm giác sưng đau, rát và khó chịu. Ngoài ra, chất decanoyl-acetaldehyde cũng giúp ngăn chặn tình trạng viêm nhiễm và đẩy nhanh tốc độ tái tạo vết loét.
Cách này cũng có hiệu quả đối với chảy máu chân răng và nướu bị xước do chải răng quá mạnh. Với tính mát và tác dụng làm dịu, bã diếp cá sẽ giúp giảm nhanh các triệu chứng khó chịu. Để đẩy lùi chứng nhiệt miệng nhanh chóng, bạn có thể kết hợp các bài thuốc uống và cách dùng này.
Cách thực hiện:
- Chuẩn bị vài nhánh lá diếp cá và đem rửa sạch nhiều lần với nước muối để loại bỏ bụi bẩn, vi khuẩn
- Giã nát lá diếp cá và dùng bã đắp lên vết loét
- Đắp trong 5 – 7 phút sẽ giúp vết loét giảm sưng đau và khó chịu
- Có thể thực hiện cách này nhiều lần trong ngày để giảm đau và dễ chịu hơn khi ăn uống, sinh hoạt.
5. Sử dụng bột diếp cá
Nếu không có diếp cá tươi, bạn cũng có thể dùng bột diếp cá chữa chứng nhiệt miệng. Bột diếp cá hầu như không có mùi tanh nên không gây khó chịu khi sử dụng. Hơn nữa, ngoài cách pha với nước, bạn cũng có thể cho bột diếp cá vào nhiều món ăn để cung cấp thêm chất xơ và làm mát cơ thể.
Một số cách dùng bột diếp cá chữa nhiệt miệng đơn giản:
- Cách đơn nhất là dùng 2 thìa bột diếp cá pha với nước ấm, khuấy đều và dùng uống trực tiếp. Nên uống 1 ly/ ngày, nhất là khi bị nhiệt miệng và thời tiết nóng bức.
- Ngoài ra, có thể thêm bột diếp cá vào các loại thức uống khác như nước dừa, nước ép cần tây, các loại nước ép, sinh tố từ hoa quả tươi,… Cách này sẽ giúp lấn át mùi tanh từ bột diếp cá và đồng thời tăng hương vị cho thức uống.
Nếu có chế độ ăn ít chất xơ, bạn cũng có thể dùng bột diếp cá uống hằng ngày. Cách này vừa giúp cung cấp chất xơ, vitamin và khoáng chất cho cơ thể vừa có thể phòng ngừa nhiệt miệng tái phát.
Lưu ý khi dùng rau diếp cá chữa nhiệt miệng
Dùng rau diếp cá chữa nhiệt miệng là bài thuốc được lưu truyền rộng rãi trong dân gian. Diếp cá là loại rau ăn quen thuộc và lành tính nên có thể an tâm khi sử dụng để chữa bệnh. Tuy nhiên khi áp dụng công thức chữa nhiệt miệng bằng thảo dược này, bạn nên lưu ý một số vấn đề sau:
- Nhiệt miệng là một dạng viêm loét niêm mạc miệng lành tính. Vết loét do bệnh lý này có thể tự thuyên giảm mà không cần điều trị. Tuy nhiên, nếu áp dụng các bài thuốc từ rau diếp cá, vết loét sẽ nhanh lành hơn và giảm bớt phần nào cảm giác sưng đau, rát, chảy máu,…
- Tương tự như các thảo dược tự nhiên khác, cách chữa nhiệt miệng bằng rau diếp cá chỉ mang lại hiệu quả với những trường hợp không quá nghiêm trọng. Đối với vết loét sâu, nên sử dụng thuốc bôi trị nhiệt miệng để ngăn ngừa nhiễm trùng và giảm nhanh các triệu chứng khó chịu.
- Trong quá trình thực hiện các bài thuốc chữa nhiệt miệng, cần vệ sinh nguyên liệu và các vật dụng kỹ lưỡng. Nếu sơ suất trong quá trình này, vết loét có thể bị viêm nhiễm và tấy đỏ nặng hơn.
- Khi điều trị nhiệt miệng, phải thực hiện đầy đủ các bước vệ sinh răng miệng và có chế độ ăn uống phù hợp. Bên cạnh đó, nên thay đổi các sản phẩm chăm sóc răng miệng chứa thành phần dễ gây kích ứng và nghỉ ngơi hợp lý để tránh căng thẳng thần kinh.
Trên đây là một số bài thuốc chữa bệnh nhiệt miệng bằng rau diếp cá. Các bài thuốc này khá đơn giản và an toàn nên bạn có thể xem xét áp dụng để cải thiện tình trạng đau rát, khó chịu khi ăn uống. Nếu vết loét sâu và sưng đau nhiều, nên xem xét sử dụng thuốc hoặc tìm gặp bác sĩ khi cần thiết.
Tham khảo thêm:
Bài viết liên quan
Bà Bầu Bị Nhiệt Miệng: Nguyên Nhân Và Cách Xử Lý An Toàn
Nhiệt Miệng Có Mủ Có Nguy Hiểm Không? Cách Chữa Trị Nhanh Khỏi
Nhiệt Miệng Nên Ăn Gì, Kiêng Gì Để Giảm Đau Và Nhanh Khỏi Bệnh?
Top 10 Loại Thuốc Bôi Nhiệt Miệng An Toàn, Hiệu Quả Nhanh
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!