Nên niềng răng hay bọc sứ để cải thiện răng hô là thắc mắc của khá nhiều bạn đọc. Trên thực tế, cả hai phương pháp này đều có thể khắc phục răng hô vẩu và hỗ trợ hoàn thiện chức năng ăn nhai. Tuy nhiên, mỗi phương pháp sẽ được áp dụng trong một số trường hợp cụ thể.
Răng hô nên niềng răng hay bọc sứ?
Răng hô (vẩu) là tình trạng răng hàm trên chìa ra bên ngoài nhiều khiến một phần thân răng của hàm dưới bị che phủ. Tình trạng này có thể xảy ra do di truyền, thói quen xấu hoặc do chấn thương. Hô vẩu không chỉ ảnh hưởng đến thẩm mỹ còn gây sai lệch khớp cắn (khớp cắn sâu) và tác động không nhỏ đến chức năng ăn nhai.
Về lâu dài, tình trạng hô vẩu có thể gây lệch khớp cắn, tăng nguy cơ mòn men và viêm khớp thái dương hàm. Chính vì vậy, những trường hợp gặp phải khuyết điểm này nên có biện pháp khắc phục sớm. Hiện nay, có khá nhiều phương pháp được áp dụng trong trường hợp răng bị hô (vẩu). Trong đó, niềng răng và bọc sứ là 2 phương pháp được áp dụng phổ biến nhất. Vậy, răng bị hô nên niềng răng hay bọc sứ tốt hơn?
Bản thân niềng răng và bọc sứ đều được thực hiện nhằm cải thiện tính thẩm mỹ và chức năng sinh lý của răng. Tuy nhiên về cơ chế, hai phương pháp này có nguyên lý hoàn toàn khác nhau.
Niềng răng (chỉnh nha) sử dụng khay niềng/ mắc cài để nắn chỉnh và kéo răng về đúng vị trí. Từ đó cải thiện tính cân đối, hài hòa và tăng độ thẩm mỹ cho khuôn miệng, nụ cười. Trong khi đó, bọc răng sứ sử dụng mão răng có màu sắc và hình dáng tương tự răng thật. Sau đó, mài nhỏ cùi răng và đặt phần mão sứ lên. Răng sứ mang lại hiệu quả thẩm mỹ cao và cảm giác ăn nhai tương tự răng thật.
Để lựa chọn nên niềng răng hay bọc sứ trong trường hợp răng hô vẩu, bạn cần phải xem xét tình trạng răng miệng cụ thể.
1. Trường hợp nên niềng răng
Như đã đề cập, niềng răng là phương pháp sử dụng các khí cụ chuyên dụng như mắc cài và khay niềng để nắn chỉnh răng về đúng vị trí. Thông qua lực siết hàm từ các khí cụ, tình trạng răng hô, răng mọc lệch và chen chúc sẽ được cải thiện hoàn toàn. Đặc biệt, niềng răng có thể điều chỉnh khớp cắn bị lệch và cải thiện tình trạng cười hở lợi.
Tuy nhiên, hạn chế của phương pháp này là thời gian thực hiện khá lâu (khoảng 1 – 3 năm) và chi phí cao (20 – 140 triệu đồng tùy phương pháp, mức độ lệch lạc của răng,…). Hơn nữa, những trường hợp viêm nha chu nặng, đã trồng răng Implant, bọc nhiều hơn 2 răng sứ trên cung hàm và mắc các bệnh lý toàn thân đều không được chỉ định niềng răng.
Những trường hợp răng hô vẩu nên niềng răng – chỉnh nha:
- Niềng răng có thể khắc phục tình trạng hô vẩu với tất cả các mức độ (nhẹ – trung bình – nặng)
- Niềng răng (chỉnh nha) được ưu tiên trong trường hợp hô vẩu nặng đi kèm với nhiều khuyết điểm như cười hở lợi, răng chen chúc, lệch lạc và sai khớp cắn nghiêm trọng
Với những trường hợp răng hô vẩu do cấu trúc hàm + răng, cần kết hợp niềng răng với phẫu thuật chỉnh hàm để đạt kết quả tốt nhất.
2. Trường hợp răng hô nên bọc răng
Bọc răng sứ là giải pháp phục hình răng được áp dụng trong nhiều trường hợp khác nhau. Tuy nhiên đối với tình trạng răng hô vẩu, phương pháp này chỉ được xem xét thực hiện trong một số trường hợp như:
- Trường hợp răng hô nhẹ hoặc chỉ hô 2 răng cửa (răng thỏ) có thể bọc răng sứ để cải thiện. Bác sĩ sẽ mài nhỏ cùi răng và ép cung răng, sau đó dùng mão sứ chụp lên phía trên để cải thiện răng hô, vẩu và tăng tính thẩm mỹ cho hàm răng.
- Đặc biệt, bọc răng sứ chỉnh hô được ưu tiên trong những trường hợp răng bị ngả màu, răng thưa, răng nứt, mẻ, chân răng ngắn hoặc không đồng đều.
Bọc răng sứ chỉ sử dụng mão răng bọc ở bên ngoài cùi răng thật. Do đó, phương pháp này chỉ có thể cải thiện hô vẩu nhẹ bằng cách mài lớp men răng và sử dụng mão răng sứ để phục hình. Với những trường hợp hô vẩu nặng và răng có nhiều khuyết điểm khác như răng chen chúc, lệch lạc, bọc răng sứ hầu như không mang lại hiệu quả.
Đối với răng hô vẩu, bọc răng sứ có chỉ định hạn chế hơn so với niềng răng – chỉnh nha. Tuy nhiên, phương pháp này chỉ can thiệp đến lớp men mỏng ở bên ngoài, hầu như không xâm lấn vào mô nướu hay xương hàm nên có thể áp dụng cho hầu hết các đối tượng.
Bọc răng sứ chỉ có chống chỉ định với người có chân răng bị lung lay và viêm nha chu nặng. Hơn nữa, phương pháp này có thể hoàn thiện sau 2 – 3 buổi hẹn, mỗi buổi kéo dài từ 1 – 3 giờ đồng hồ. Trong khi đó, chỉnh nha mất từ 1 – 3 năm hoặc hơn tùy theo khuyết điểm của răng.
3. Trường hợp răng hô nên kết hợp niềng răng + bọc sứ
Trong một số trường hợp, bác sĩ sẽ khuyến khích niềng răng kết hợp với bọc sứ để mang lại hiệu quả cao. Răng sau khi bọc sứ không thể gắn khí cụ chỉnh nha. Do đó, bác sĩ sẽ yêu cầu niềng răng trước. Sau đó, làm răng sứ để cải thiện các khuyết điểm còn lại.
Niềng răng kết hợp với bọc sứ thường được chỉ định trong những trường hợp sau:
- Răng hô vẩu nặng đi kèm với nhiều khuyết điểm khác như răng mọc lệch, chen chúc, răng thưa, sai khớp cắn,…
- Răng hô vẩu trung bình đến nặng và men răng bị nhiễm màu nặng, răng nứt, mẻ, chiều dài các răng không đồng đều, răng thưa,…
Trước tiên, bác sĩ sẽ chỉ định chỉnh nha để nắn chỉnh các răng về đúng vị trí nhằm khắc phục tình trạng răng hô vẩu, răng mọc lệch, chen chúc và thưa kẽ. Sau đó, phục hình bằng răng sứ để cải thiện tình trạng răng nứt mẻ, chiều dài răng quá ngắn/ không đồng đều, răng ngả màu và mòn men.
Để quyết định nên niềng răng hay bọc sứ trong trường hợp răng hô vẩu, bạn nên xem xét tình trạng răng miệng. Với những trường hợp có thể can thiệp cả 2 phương pháp, nên xem xét về nhu cầu và khả năng tài chính để chọn được giải pháp thích hợp nhất. Ngoài ra, bạn đọc cũng có thể tham khảo ý kiến bác sĩ để được cho lời khuyên hữu ích.
Tham khảo thêm:
Bài viết liên quan
Có nên bọc sứ cho răng cấm không?
Bọc Răng Sứ Mất Bao Lâu Thì Hoàn Thiện? Chuyên Gia Giải Đáp
Dán sứ Veneer Emax có tốt không? Giá bao nhiêu?
Răng Sứ Cercon Có Tốt Không? Có Mấy Loại? Giá Bao Nhiêu?
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!