Răng giả tháo lắp là phương pháp phục hình răng phổ biến bên cạnh trồng răng Implant và làm cầu răng sứ. Phương pháp này sử dụng hàm giả có khả năng tháo lắp để phục hồi hình dáng và chức năng ăn nhai, thẩm mỹ vốn có của răng.
Răng giả tháo lắp là gì?
Răng giả tháo lắp (hàm giả tháo lắp) là một trong những kỹ thuật phục hình răng được sử dụng phổ biến. Như tên gọi, phương pháp này sử dụng răng giả có khả năng tháo lắp với nền nhựa hồng có gắn răng giả bên trên. Cấu tạo của răng giả tháo lắp tương tự như răng thật nên có thể khôi phục hình thể, chức năng ăn nhai và thẩm mỹ.
Tùy theo tình trạng răng miệng, bác sĩ có thể phục hình răng giả tháo lắp bán phần (trường hợp mất một hoặc vài răng) và làm răng giả toàn phần (răng giả tháo lắp nguyên hàm). Trước đây, răng giả tháo lắp chủ yếu được làm từ nhựa nhưng hiện nay dụng cụ này đã được cải tiến về chất liệu nhằm tăng hiệu quả và độ bền.
Răng giả tháo lắp là kỹ thuật phục hình răng ra đời đầu tiên và hiện nay đã được sử dụng khoảng hơn 100 năm. Mặc dù ra đời khá lâu nhưng đây vẫn là kỹ thuật phục hình được ưa chuộng bên cạnh cấy ghép Implant và các phương pháp hiện đại khác.
Răng giả tháo lắp loại nào tốt nhất?
Răng giả tháo lắp được làm từ nhiều chất liệu khác nhau. Mỗi chất liệu đều có những ưu điểm và hạn chế nhất định. Nếu đang băn khoăn về vấn đề “Răng giả tháo lắp loại nào tốt nhất?”, bạn đọc nên tìm hiểu đặc điểm, ưu điểm và hạn chế của từng loại để lựa chọn được loại răng giả tháo lắp phù hợp với nhu cầu.
Dưới đây là 4 loại răng giả tháo lắp được sử dụng phổ biến hiện nay:
1. Hàm giả tháo lắp bằng nhựa dẻo
Răng giả tháo lắp nhựa dẻo là dụng cụ được sử dụng đầu tiên trong kỹ thuật này. Hàm giả tháo lắp bằng nhựa bao gồm phần nền nướu được làm từ nhựa dẻo (Biosoft) và phần răng giả được làm từ nhựa nha khoa chuyên dụng. Chất liệu nhựa có độ mềm dẻo cao, lành tính và màu sắc tương tự như răng thật.
Hàm giả bằng nhựa có thể phục hình cho trường hợp mất nguyên hàm (răng giả tháo lắp toàn phần) và mất 1 vài răng (răng giả tháo lắp bán phần). Ưu điểm của loại răng giả tháo lắp này là chi phí thấp, thời gian thực hiện nhanh chóng và lành tính.
Tuy nhiên, vì được làm từ nhựa nên hàm giả dễ bị biến dạng, ố vàng và độ bền kém. Ngoài ra, răng tháo lắp bằng nhựa dẻo có khả năng chịu lực tương đối kém nên dễ bị bung bật nếu nhai thức ăn quá cứng.
2. Răng giả tháo lắp bằng nhựa cứng
Răng giả tháo lắp bằng nhựa cứng là một trong những loại răng giả tháo lắp được sử dụng phổ biến hiện nay. So với nhựa dẻo, nhựa cứng có độ đàn hồi kém hơn nhưng bù lại tính ổn định tương đối cao. Chất liệu nhựa cứng được sử dụng để chế tác hàm giả này cũng được đánh giá an toàn, lành tính và có thể phục hồi được phần nào chức năng ăn nhai.
Răng giả tháo lắp bằng nhựa cứng có chi phí thấp nhất nên vẫn được nhiều bệnh nhân lựa chọn mặc dù có nhiều hạn chế. Tuy nhiên về cơ bản, dụng cụ này có thể khôi phục được hình thể của răng trong nhiều trường hợp khác nhau.
3. Răng giả tháo lắp trên khung Titan, Inox
Răng giả tháo lắp trên khung Titan, Inox sử dung thêm khung kim loại để gia tăng độ chắc chắn và cải thiện khả năng cố định của răng. Chính vì vậy, loại răng giả tháo lắp này có khả năng ăn nhai tốt, ít bị bung bật và tuột lỏng hàm khi nhai các thức ăn dai.
Tuy nhiên, khung kim loại tạo ra lực tác động nhất định đến răng thật nên ít nhiều sẽ gây ra cảm giác đau nhức và ê buốt. Ngoài ra, khung kim loại cũng dễ bị lộ trong quá trình giao tiếp gây ảnh hưởng không nhỏ đến thẩm mỹ.
4. Hàm tháo lắp trên khung liên kết Attachment
Hàm tháo lắp trên khung liên kết Attachment thường được áp dụng cho những trường hợp muốn phục hình răng bán phần. Cấu tạo của hàm giả bao gồm khung kim loại phía trong, viền nướu và răng giả được làm từ nhựa. Sau đó, dùng các chốt Attachment gắn lên hàm răng để kết nối với hàm giả tháo lắp.
So với các loại hàm giả tháo lắp trên, hàm tháo lắp trên khung liên kết Attachment có tính thẩm mỹ cao hơn, đồng thời tính ổn định và chức năng ăn nhai cũng sẽ được cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, hạn chế của loại răng giả này là chi phí cao và khung kim loại có thể bị oxy hóa sau một thời gian sử dụng.
5. Răng sứ tháo lắp
Răng sứ tháo lắp là loại hàm giả tháo lắp được cải tiến và chỉ mới ra đời trong những năm gần đây. Phương pháp này sử dụng hàm giả được làm từ nền nhựa cùng với răng sứ được gắn ở phía trên. Hàm giả có thể có hoặc không có móc kim loại đi kèm tùy theo tình trạng cụ thể của từng trường hợp.
Răng sứ tháo lắp có khả năng ăn nhai tốt hơn so với răng bằng nhựa. Hơn nữa, răng sứ cũng ít bị ngả màu và mang lại hiệu quả thẩm mỹ cao. Tuy nhiên, răng sứ tháo lắp có chi phí cao hơn so với răng giả được làm từ nhựa cứng và nhựa dẻo.
Khi nào nên làm hàm giả tháo lắp?
Răng giả tháo lắp là giải pháp dành cho những trường hợp mất một, nhiều răng hoặc mất toàn bộ răng trên cung hàm. Đặc biệt, phương pháp này thích hợp với những đối tượng sau:
- Người có nguồn tài chính eo hẹp không thể bắc cầu răng sứ hay cấy ghép Implant
- Người cao tuổi mất hoàn toàn răng trên cung hàm và xương hàm bị tiêu hoàn toàn, không thể cấy ghép Implant
- Người mắc các bệnh lý nội khoa chống chỉ định tuyệt đối với trồng răng Implant
Ưu nhược điểm của răng giả tháo lắp
Răng giả tháo lắp có thể khôi phục hình dáng và chức năng thẩm mỹ, ăn nhai của răng đã bị mất hoàn toàn. Phương pháp này có thể áp dụng cho những trường hợp mất 1 răng, nhiều răng và mất toàn bộ răng trên cung hàm.
Đặc biệt, làm hàm giả tháo lắp có thể áp dụng cho tất cả các trường hợp mất răng nên những người không thể làm cầu răng sứ và cấy ghép Implant hoàn toàn có thể thực hiện. Tuy nhiên, răng giả tháo lắp là phương pháp phục hình ra đời đầu tiên nên có khá nhiều hạn chế. Chính vì vậy, nếu có ý định thực hiện phương pháp này, bạn nên cân nhắc giữa ưu nhược điểm để lựa chọn cho mình giải pháp thích hợp nhất.
1. Ưu điểm của làm răng giả tháo lắp
Răng giả tháo lắp sử dụng vật liệu lành tính với chi phí thấp để phục hồi hình dáng và chức năng của răng bị mất. Phương pháp này có những ưu điểm nổi trội như:
– Không xâm lấn:
Các phương pháp phục hình như cấy ghép Implant, làm cầu răng sứ đều phải xâm lấn vào răng, nướu và xương hàm. Trong khi đó, răng giả tháo lắp là kỹ thuật hoàn toàn không xâm lấn. Hàm giả sẽ được chế tác tương thích với cung hàm, sau đó được gắn lên hàm để khôi phục chức năng ăn nhai.
Vì không xâm lấn nên làm hàm giả tháo lắp phù hợp với tất cả các trường hợp cần phục hình răng. Trong khi đó, những phương pháp phục hình răng có xâm lấn thường không thể thực hiện cho bệnh nhân mắc các bệnh lý nội khoa.
– Dễ vệ sinh:
Đa phần hàm giả tháo lắp đều có thể tháo gỡ để làm sạch sau khi ăn. Chính vì vậy, phục hình răng bằng phương pháp này ít gặp phải tình trạng hôi miệng và tích tụ mảng bám, cao răng như các phương pháp còn lại. Ngoài ra, nhờ có khả năng tháo lắp nên bạn cũng có thể tháo hàm ra khi không cần thiết sử dụng.
– Chi phí thấp:
Trong tất cả các phương pháp phục hình, làm hàm giả tháo lắp là phương pháp có chi phí thấp nhất. Phương pháp này có quy trình khá đơn giản, không phải mài răng, cấy ghép trụ Implant và sử dụng vật liệu rẻ nên giá thành không cao. Cũng chính vì vậy mà răng giả tháo lắp vẫn là lựa chọn của nhiều khách hàng khi có nhu cầu phục hình răng bị mất.
– Khôi phục được chức năng ăn nhai, thẩm mỹ:
Mất răng đồng nghĩa với việc răng mất hoàn toàn chức năng ăn nhai và thẩm mỹ. Với hàm giả tháo lắp, chức năng ăn nhai của răng sẽ được khôi phục khoảng 60%. Ngoài ra, hàm giả cũng có hình dáng và màu sắc tương tự răng thật nên có thể khôi phục phần nào tính thẩm mỹ.
– Vật liệu an toàn, lành tính:
Các vật liệu được sử dụng trong chế tác hàm giả tháo lắp đều đã được kiểm định về độ an toàn, lành tính đối với cơ thể. Chính vì vậy, bạn hoàn toàn có thể an tâm khi dùng hàm giả tháo lắp để khôi phục chức năng của răng bị mất.
2. Nhược điểm của răng giả tháo lắp
Như đã đề cập, làm răng giả tháo lắp là kỹ thuật phục hình ra đời đầu tiên. Do đó, phương pháp này có khá nhiều hạn chế và nhược điểm.
– Độ bền kém:
Răng giả tháo lắp được làm từ nhựa cùng với kim loại nên độ bền kém hơn so với các phương pháp phục hình khác. Dưới tác động của lực ăn nhai, hàm giả có xu hướng biến dạng dần theo thời gian, thậm chí có thể bị vỡ, lỏng và nứt khi ăn nhai thực phẩm cứng, khô, dai.
Theo các chuyên gia, răng giả tháo lắp chỉ sử dụng được trong 3 – 5 năm thậm chí ít hơn nếu không biết cách chăm sóc. Trong khi đó, làm cầu răng sứ có thể dùng được 5 – 8 năm và răng Implant có thể sử dụng từ 15 – 20 năm. Có thể thấy, răng giả tháo lắp có độ bền kém hơn rất nhiều so với các phương pháp phục hình khác. Đây cũng là hạn chế lớn nhất của kỹ thuật này.
– Tính ổn định kém:
Hàm giả tháo lắp được gắn trực tiếp lên vùng hàm, không sử dụng khớp nối hay keo dán để cố định như cấy ghép Implant và làm cầu răng sứ. Chính vì vậy, tính ổn định của kỹ thuật này tương đối kém.
Khi ăn nhai, hàm giả tháo lắp rất dễ bị xô lệch, trượt và thậm chí bung tuột. Mặc dù có thể dễ dàng lắp vào nhưng tình trạng này gây ra không ít phiền toái khi ăn uống – đặc biệt là khi dùng bữa với người khác. Hơn nữa sau một thời gian, cấu trúc hàm giả dần trở nên lỏng lẻo khiến tần suất tuột lỏng, xô lệch hàm giả tăng lên đáng kể.
– Có thể gây đau nhức răng:
Đối với hàm giả tháo lắp có khung kim loại, nguy cơ xô lệch và tuột lỏng hàm khi ăn nhai sẽ được hạn chế đáng kể. Tuy nhiên, khung kim loại có thể di chuyển trong quá trình ăn nhai và tạo ra áp lực lên răng thật. Điều này dẫn đến tình trạng đau nhức, ê buốt và thậm chí có thể gây chảy máu chân răng.
– Không ngăn chặn được tình trạng tiêu xương hàm:
Tiêu xương hàm là tình trạng xương hàm (cơ quan nâng đỡ răng) bị suy giảm về mật độ và thể tích xương. Hiện tượng này thường xảy ra sau một thời gian mất răng. Tương tự như làm cầu răng sứ, sử dụng hàm giả tháo lắp hoàn toàn không thể ngăn chặn được tình trạng tiêu xương hàm.
Hiện nay, phương pháp duy nhất có thể ngăn ngừa được hiện tượng này là cấy ghép Implant. Tuy nhiên, phương pháp này có chi phí rất cao và không phù hợp với những người mắc các bệnh lý nội khoa. Chính vì vậy, làm răng giả tháo lắp vẫn là lựa chọn được nhiều người cân nhắc.
Quy trình làm răng giả tháo lắp
Làm răng giả tháo lắp là phương pháp có chi phí thấp và quy trình khá đơn giản. Phương pháp này có thể hoàn thiện chỉ trong 2 – 3 ngày.
Bước 1 – Thăm khám và tư vấn
Trước khi thực hiện bất cứ phương pháp nào, bác sĩ cũng sẽ tiến hành thăm khám lâm sàng và chụp X Quang để đánh giá chính xác tình trạng răng miệng. Đối với những trường hợp có nhu cầu làm răng giả tháo lắp, bác sĩ sẽ tư vấn ưu nhược điểm của từng loại răng giả tháo lắp, độ bền và chi phí để bạn có thể lựa chọn cho mình giải pháp phục hình tối ưu.
Bước 2 – Lấy dấu mẫu hàm
Răng giả tháo lắp là phương pháp không xâm lấn. Do đó, bác sĩ sẽ lấy dấu mẫu hàm trực tiếp mà không phải mài răng hay cấy ghép trụ Implant. Dấu mẫu hàm sẽ được lấy bằng máng hoặc máy quét 3D tùy theo cơ sở vật chất của từng nha khoa.
Thông số sẽ được chuyển sang hệ thống labo để chế tác hàm giả. Quá trình chế tác sẽ mất từ 2 – 3 ngày tùy theo tình trạng cụ thể của từng trường hợp.
Bước 3 – Phục hình răng tháo lắp cho khách hàng
Sau khi răng đã được chế tác, bạn cần quay lại phòng khám để được kiểm tra và phục hình răng. Đầu tiên, bác sĩ sẽ lắp và tháo để làm mẫu cho khách hàng. Sau đó, kiểm tra độ tương thích của răng giả với cung hàm và hướng dẫn cách ăn uống, chăm sóc răng miệng hợp lý.
Lưu ý khi làm răng giả tháo lắp
Làm răng giả tháo lắp là giải pháp cho trường hợp mất 1 răng, nhiều răng hoặc mất toàn bộ răng trên cung hàm. Đặc biệt, kỹ thuật này rất phù hợp với những người mắc các bệnh lý nội khoa không thể làm cầu răng sứ hay cấy ghép Implant.
Khi làm răng giả tháo lắp, bạn cần lưu ý một số vấn đề sau:
- Răng giả tháo lắp là kỹ thuật phục hình đơn giản nhưng để đảm bảo an toàn, bạn cần lựa chọn địa chỉ uy tín và đáng tin cậy nếu có ý định phục hình răng bằng kỹ thuật này.
- Răng giả tháo lắp có độ bền, khả năng chịu lực kém và dễ ngả màu. Do đó sau khi phục hình, cần tránh dùng thức ăn quá cứng, dai, đồ uống đậm màu và có nhiều axit. Thay vào đó, nên dùng các món ăn lỏng, mềm và nguội để giảm áp lực lên răng giả.
- Sau khi ăn uống, tháo gỡ hàm giả và vệ sinh bằng nước sạch/ kem đánh răng như thông thường. Sau đó, nên súc miệng để làm sạch thức ăn thừa và tiêu diệt vi khuẩn có hại bên trong khoang miệng. Nếu dùng hàm tháo lắp cố định, bạn nên thực hiện đầy đủ các biện pháp chăm sóc răng miệng như bình thường.
- Tuyệt đối không dùng chất tẩy rửa có độ pH quá cao hoặc quá thấp để làm sạch hàm giả. Các chất tẩy rửa này có thể khiến hàm giả bị hư hại và biến dạng chỉ sau một thời gian ngắn. Để làm sạch vi khuẩn bám trên hàm giả, cần ngâm hàm giả qua đêm trong dung dịch tẩy rửa chuyên dụng.
- Khám định kỳ 6 tháng/ lần để được kiểm tra tình trạng răng miệng, độ bền, tính trạng và mảng bám trên hàm giả. Ngoài ra, bạn cũng cần chủ động tìm gặp bác sĩ nếu nhận thấy hàm giả bị nứt, vỡ, gãy,…
Răng giả tháo lắp là một trong những phương pháp phục hình răng phổ biến. Hy vọng qua những thông tin trên, bạn đọc đã hiểu rõ hơn về phương pháp này và cân nhắc lựa chọn được kỹ thuật phù hợp nhất. Nếu có thắc mắc về làm hàm giả tháo lắp, bạn nên trao đổi với bác sĩ để được tư vấn cụ thể.
Tham khảo thêm:
Bài viết liên quan
Bắc cầu răng sứ là gì? Quy trình và chi phí thực hiện
Mất răng lâu năm có trồng răng được không? Giải đáp chi tiết
Cách chăm sóc răng miệng sau khi cấy Implant
Có nên trồng răng Implant không? Khi nào nên trồng?
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!