Lời ru trên non và những giấc mơ dang dở
Ngôi nhà nhỏ bên sườn đồi của ông Triệu T.H (dân tộc Dao, sinh năm 1974, ở thôn Nà Khoan, xã Phương Giao, huyện Võ Nhai) mấy năm nay luôn có tiếng trẻ con khóc. Hai cô con dâu Đ.H.B (sinh năm 2001) và Đ.T.H (sinh năm 2005) đều được hỏi về làm dâu khi mới 17 tuổi. Lấy chồng nên phải bỏ học dở chừng, ở nhà chồng vào cái tuổi “ ăn chưa no, lo chưa tới” còn rất nhiều bỡ ngỡ, đã thế lại liên tục sinh con, chăm con, trong khi gia đình nằm trong diện hộ nghèo của thôn.
Em Đ.T.H tâm sự:“Em quen chồng từ khi bắt đầu học cấp 3, chưa hết lớp 11 em bỏ học lấy chồng. Lúc ấy em chưa đủ 18 tuổi nên chưa được đăng ký kết hôn.”
Hỏi về chồng và những ước mơ thời con gái, H chia sẻ trong nghẹn ngào: “Từ ngày lấy chồng, quanh quẩn xó nhà chăm con, chồng đi làm ở Công ty Samsung thi thoảng mới về. Trước đây em đã từng mơ ước sau khi tốt nghiệp sẽ đi xuất khẩu lao động nước này, nước kia, cho biết đây biết đó và phụ giúp gia đình. Nay xa chồng, con nhỏ hay ốm đau, nhiều khi muốn đưa con đi khám hay tiêm phòng cũng không có tiền. Xin tiền thì ngại vì hoàn cảnh ông bà nội rất khó khăn.”
Tủi thân và nước mắt đã rơi, H cảm thấy hối hận khi bước chân vào cuộc sống hôn nhân quá sớm. Bên cạnh em còn có chị dâu Đ.H.B cùng chung cảnh ngộ và được bố mẹ chồng thương yêu, phụ giúp trông con nên cuộc sống cũng được an ủi phần nào.
Cùng lứa tuổi với H và B, tại thôn Na Bả có em B.T.M.S (sinh năm 2006) kết hôn đầu năm 2023, em M.T.P.S (sinh năm 2005) kết hôn năm 2022; thôn Nà Canh có em Kpakhmen (sinh năm 2005) kết hôn năm 2022 cũng bỏ lại đăng sau những giấc mơ, dự định để lấy chồng, sinh con…Những đứa trẻ đang vừa chớm bước vào tuổi thanh niên- tuổi đẹp nhất của đời người, tuổi 16-17 “trăng bắt đầu tròn” đã vội tìm về ở với nhau, vội “khuyết” cùng nhau, vội bước vào cuộc sống gia đinh vỡi những nỗi lo “cơm, áo, gạo, tiền” phải làm cha, làm mẹ và gánh vác kinh tế cho cả gia đình. Khi cái đói, cái nghèo bủa vây, con cái nheo nhóc, nhiều em ân hận khi từ bỏ ước mơ của mình, dang dở cả một đời người và trên miền non cao này không biết đến bao giờ mới thôi vọng những lời ru thật buồn.
Tảo hôn- Nguyên nhân do đâu?
Xã Phương Giao là một xã nghèo của huyện Võ Nhai. Trên địa bàn có hơn 1.000 hộ dân với gần 5 nghìn nhân khẩu, nhưng đến 70%- 80% hộ nghèo. Xã có 4 dân tộc là: Dao, Mông, Tày, Kinh sinh sống. Mặc dù chính quyền các cấp đã triển khai nhiều giải pháp để hạn chế tình trạng tảo hôn, thế nhưng tình trạng lấy vợ gả chồng chưa đủ tuổi đăng ký kết hôn vẫn đang diễn ra ở một vài thôn bản vùng sâu, vùng xa như Nà Canh, Na Bả, Nà Khoan, …
Ông Đặng Văn Đang, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Phương Giao cho biết: “Toàn xã có 8 người kết hôn tảo hôn, do nhận thức của người dân còn nhiều hạn chế, chủ yếu là thuần nông- trồng ngô trên núi đá nên tình trạng tảo hôn vẫn còn. Đa số do bố mẹ trước đây tảo hôn rồi đến các con cũng tảo hôn. Mặc dù cán bộ y tế, dân số xuống từng hộ dân vận động tuyên truyền. Đồng thời tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của các em, để các em coi như là nơi tin cậy có thể nói ra những tâm tư, suy nghĩ, chia sẻ những khó khăn trong tâm lý, hướng dẫn các em sử dụng biện pháp tránh thai, sinh hoạt tình dục lành mạnh… nhưng hầu hết lấy vợ, lấy chồng xong cũng sinh con luôn”.
Kinh tế khó khăn, trình độ dân trí thấp, chưa nhận thức đầy đủ và đúng đắn các chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước về Luật hôn nhân và gia đình đã khiến cho các bậc cha mẹ đã kết hôn sớm nay lại dễ dàng chấp thuận hoặc vẫn tạo điều kiện cho con cái khi các con yêu nhau mà chưa đủ tuổi kết hôn.
Ngoài những trường hợp do quan niệm và phong tục, tập quán, nhiều bậc cha mẹ đã biết là vi phạm pháp luật nhưng lại chưa nhìn nhận đến hệ lụy của tảo hôn: Việc xây dựng gia đình khi chưa đủ tuổi trưởng thành, thể chất chưa phát triển toàn diện, nhận thức còn nhiều hạn chế, điều kiện kinh tế lại khó khăn nên cuộc sống hôn nhân của các em khó bền vững, gây ảnh hưởng đến đời sống xã hội, làm giảm chất lượng dân số, chất lượng giống nòi…
Nguyên nhân nữa là do một phần chính các em tiếp thu kiến thức chậm, học lực giảm, học không tốt chỉ muốn ở nhà lấy chồng sớm, hoặc lấy vợ cho sớm ổn định. Nhưng khi bước chân vào cuộc sống gia đình các em mới thấy hết được mọi khó khăn, vất vả, cuộc sống gia đình khó khăn dẫn đến càng buồn tủi, hối hận hơn.
Xã hội ngày càng phát triển, giao thông thuận tiện, thanh niên trong xã đi làm, đi chơi có điều kiện để tiếp xúc, giao lưu nhiều hơn nên không tránh khỏi việc các em yêu sớm. Nhiều trường hợp đã ăn nằm với nhau, sinh con đẻ cái ở chỗ học, chỗ làm mới về địa phương báo cáo hoặc đợi đủ tuổi mới làm thủ tục kết hôn sau nên chính quyền khó có thể nắm bắt được.
Một số giải pháp hạn chế tình trạng tảo hôn tại xã Phương Giao
Không thể phủ nhận, so với hơn 10 năm trước, vấn nạn tảo hôn ở xã Phương Giao, huyện Võ Nhai đã giảm rõ rệt. Một trong những giải pháp hạn chế tảo hôn của xã là sự phối hợp vào cuộc, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ và các tổ chức chính trị – xã hội giữa các cơ quan, đơn vị, các ban ngành đã được chú trọng để làm tốt hơn công tác chỉ đạo, điều hành.Trao đổi với chúng tôi, ông Tô Văn Khải- Phó Chủ tịch UBND xã Phương Giao cho biết: “Trong nhiều năm qua, các cấp Ủy Đảng chính quyền địa phương đã phối hợp với các ban ngành đoàn thể nâng cao trách nhiệm, phối hợp của các cấp, ngành trong công tác truyên truyền, vận động, xử lý vi phạm hành chính về vấn đề tảo hôn, đánh giá gia đình văn hóa; yêu cầu các gia đình ký cam kết… Đồng thời mở các hội nghị của xóm, xã giúp học viên nắm bắt được thông tin cơ bản về Luật hôn nhân và gia đình, tác hại của tảo hôn đến sức khỏe và đời sống. Chính quyền xã cũng vận động những người có uy tín, tích cực động viên đội ngũ cộng tác viên dân số đến từng hộ gia đình truyền thông trực tiếp các giải pháp nâng cao chất lượng dân số vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn… Nhờ đó mà tảo hôn đã từng bước giảm dần.”
Tuy nhiên với hoàn cảnh khó khăn về cơ sở vật chất, và mặc dù xã tăng cường công tác tuyên truyền trực tiếp đến các thôn, bản, cụm dân cư, lồng ghép với các hoạt động giao lưu văn hóa, lễ hội nhưng chưa thể đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng, chống tảo hôn, qua các phương tiện nghe nhìn phát thanh, truyền hình, chưa có nhiều kinh phí để in pano, áp phích, phát tờ rơi… nhưng đâu đó ở các bản vùng núi cao, xa xôi của Phương Giao vẫn văng vẳng những lời ru buồn.
Chương trình “Nâng cao chất lượng dân số vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi” thuộc Dự án 7 “Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021- 2030” được huyện Võ Nhai xây dựng và có kế hoạch cụ thể với nhiều giải pháp đa dạng triển khai đến từng xã, xóm, thôn, bản. Tuy nhiên, để đi sâu vào từng ngôi nhà, từng xóm núi, để phù hợp, gắn với tình hình thực tiễn cần có thời gian và những nỗ lực của đội ngũ làm công tác y tế thôn bản và sự vào cuộc của các cấp chính quyền và cộng đồng dân cư. Thời gian tới, xã Phương Giao sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động đồng bào về chính sách, pháp luật, các chính sách ưu tiên cho vùng dân tộc thiểu số để nâng cao đời sống; xây dựng các mô hình điểm và đưa các tiêu chí này vào hương ước quy ước của thôn bản để cùng hướng tới mục tiêu “nói không với tảo hôn”.
Giải pháp đã có và đang được triển khai, thực hiện, nhưng để giải được bài toán “không mới mà vẫn nóng” này ở vùng cao chắc vẫn còn phải đợi một thời gian.
Soytethainguyen
Nguồn: Soytethainguyen
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!