Ngày Thalassemia Thế giới ra đời cách đây 38 năm (08/5/1986). Hiện nay, Thalassemia đang là vấn đề quan tâm của rất nhiều nước trên Thế giới với hơn 7% dân số toàn cầu mang gen bệnh, có hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ chịu ảnh hưởng bởi căn bệnh này, trong đó có Việt Nam. Ngày Thalassemia Thế giới được tổ chức hàng năm vào ngày 8 tháng 5, là một cơ hội để giúp những người mắc bệnh này sống khỏe mạnh hơn, lâu hơn và hiệu quả hơn thông qua chia sẻ kiến thức, trao đổi thông tin, tổ chức các hoạt động nâng cao nhận thức có mục tiêu và giáo dục chất lượng về Bệnh Thalassemia.

Bệnh tan máu bẩm sinh (Thalassemia) được thế giới phát hiện và nghiên cứu từ năm 1925. Tại Việt Nam, bệnh được các nhà khoa học nghiên cứu từ năm 1960. Bệnh Tan máu bẩm sinh là do tan máu di truyền. Bệnh có hai biểu hiện nổi bật là thiếu máu và ứ sắt trong cơ thể, nên bệnh nhân phải điều trị suốt đời, nếu không được điều trị thường xuyên, đầy đủ, sẽ có nhiều biến chứng làm bệnh nhân chậm phát triển thể trạng, giảm sức học tập, lao động…

Tại Việt Nam, hiện có khoảng 13 triệu người mang gene bệnh tan máu bẩm sinh. Trong đó, tỷ lệ người dân đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ khá cao, từ 20-40%. Người bị bệnh và mang gene bệnh có ở tất cả các tỉnh, thành phố, dân tộc. Hiện nay, có hơn 20.000 người bệnh đang cần được điều trị. Mỗi năm, có thêm khoảng 8.000 trẻ sinh ra mắc bệnh, trong số này có khoảng 2.000 trẻ bị bệnh mức độ nặng, cần được điều trị cả đời. Người mắc bệnh tan máu bẩm sinh ở nước ta chủ yếu được điều trị tại các bệnh viện: Nhi, huyết học truyền máu, đa khoa các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Bệnh tan máu bẩm sinh là bệnh chưa thể chữa khỏi, ước tính mỗi năm Việt Nam cần hàng ngàn tỷ đồng và hàng triệu đơn vị máu an toàn để điều trị tối thiểu cho tất cả các bệnh nhân mang gene bệnh tan máu bẩm sinh. Hiện nay, số lượng bệnh nhân tan máu bẩm sinh đã làm các bệnh viện quá tải, tạo áp lực nặng nề lên ngân hàng máu cũng như gánh nặng về chi phí xã hội. Để giảm thiểu gánh nặng điều trị và chăm sóc người bệnh và có thể phòng bệnh hiệu quả bằng các biện pháp như tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn; tầm soát, chẩn đoán, điều trị sớm bệnh tật trước sinh và tầm soát sơ sinh; chẩn đoán, điều trị sớm bệnh tật trước sinh và sơ sinh từ đó giúp cho họ có sự lựa chọn đúng đắn về hôn nhân cũng như quyết định mang thai và sinh đẻ, nhằm sinh ra những đứa con không mắc bệnh tan máu bẩm sinh. Đẩy mạnh công tác phòng bệnh, tầm soát, chẩn đoán, điều trị sớm bệnh tan máu bẩm sinh, cần sự chung tay, vào cuộc của mỗi cá nhân, gia đình và toàn xã hội.

Ngày 24/4/2024, Sở Y tế tỉnh Thái Nguyên ban hành Kế hoạch tổ chức các hoạt động truyền thông hưởng ứng sự kiện ngày Thalassemia thế giới (8/5). Trên cơ sở những nội dung truyền thông được cung cấp về bệnh tan máu bẩm sinh nói riêng cũng như tư vấn, tầm soát, chẩn đoán, điều trị bệnh tật trước sinh và sơ sinh nói chung, đề nghị các đơn vị tổ chức tuyên truyền thông điệp ngày Thalassemia Thế giới 08/5/2024 với Chủ đề: “Tăng cường phổ cập thông tin và tiếp cận dịch vụ về bệnh tan máu bẩm sinh để góp phần nâng cao chất lượng giống nòi Việt”. Một số hoạt động truyền thông được khuyến nghị đẩy mạnh như treo băng rôn, khẩu hiệu, bảng tin điện tử, các trang thông tin điện tử của Sở Y tế, của các đơn vị, tuyên truyền trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, zalo, tiktok nơi có nhiều vị thành niên, thanh niên, nam giới, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ ưa thích và quan tâm về thông điệp Ngày Thalassemia Thế giới năm 2024. Phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Thái Nguyên, Trung tâm văn hoá các huyện, thành phố tăng cường phát sóng, phát thanh các tin bài, phóng sự về các nội dung truyền thông hưởng ứng Ngày Thalassemia thế giới. Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai có hiệu quả hoạt động của các Đề án/Chương trình nâng cao chất lượng dân số như Tư vấn và Khám sức khỏe tiền hôn nhân, Sàng lọc trước sinh và sơ sinh, trong đó cần tập trung tuyên truyền lợi ích của việc tầm soát, chẩn đoán và điều trị sớm các bệnh, tật trước sinh và sơ sinh đối với thai nhi cho các bà mẹ đang mang thai và sinh con, sàng lọc bệnh Thalassemia có ý nghĩa rất quan trọng trong việc hạn chế số trẻ em sinh ra bị dị tật bẩm sinh, thiểu năng trí tuệ, tàn tật…

Việc đẩy mạnh và tăng cường triển khai các hoạt động truyền thông hưởng ứng Ngày Thalassemia năm 2024 còn nhằm nâng cao nhận thức của lãnh đạo Đảng, Chính quyền, Đoàn thể các cấp; các chức sắc tôn giáo; những người có uy tín trong cộng đồng, các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, nam nữ thanh niên sắp kết hôn…về tầm quan trọng của việc tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn; tầm soát, chẩn đoán, điều trị sớm bệnh tật trước sinh và sơ sinh; nguyên nhân, hệ lụy của bệnh tan máu bẩm sinh đối với cộng đồng và xã hội; tuyên truyền, giáo dục thay đổi hành vi, góp phần nâng cao ý thức và trách nhiệm của mỗi cá nhân về quyền, nhu cầu chăm sóc sức khỏe đặc biệt về bệnh tan máu bẩm sinh, góp phần làm giảm gánh nặng về kinh tế và tinh thần của từng gia đình, cộng đồng, xã hội và nâng cao chất lượng dân số./.

Nguồn: Soytethainguyen

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết liên quan