Thành phố Thái Nguyên là đô thị loại I trực thuộc tỉnh với dân số là 340.403 người, gồm 21 phường, 11 xã. Là địa phương có địa bàn rộng, dân cư đông, có nhiều cơ quan, đơn vị, trường học, bệnh viện đóng trên địa bàn. Số hộ sống tại các vùng nông thôn cũng khá đông, để xây dựng một nhà tiêu hợp vệ sinh cũng tốn kém một khoản kinh phí, đây cũng là một khó khăn đối với một số hộ dân, nhất là những hộ thuộc diện hộ nghèo.
Tuy nhiên, xác định hộ gia đình sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh (HVS) là một trong những tiêu chí quan trọng trong xây dựng nông thôn mới. Sử dụng nhà tiêu HVS không chỉ giúp người dân sống trong môi trường trong sạch mà còn giúp cho việc phòng, chống dịch bệnh được thực hiện ngày càng có hiệu quả. Thời gian qua, công tác vận động các hộ gia đình thực hiện sử dụng nhà tiêu HVS tại các địa phương trên địa bàn thành phố đã được trung tâm Y tế triển khai có kết quả.
Qua nhiều giai đoạn với sự đầu tư, hỗ trợ từ các chương trình, dự án khác nhau trung tâm y tế làm đầu mối phối hợp với các ban ngành, đoàn thể, các đơn vị, tổ chức, triển khai các hoạt động xây dựng nhà tiêu HVS trên địa bàn. Theo đó, tỷ lệ hộ gia đình sử dụng nhà tiêu HVS tăng lên theo thời gian. Theo số liệu báo cáo của trung tâm Y tế thành phố, tính đến hết tháng 9/2020 toàn thành phố có 80.328/82.644 hộ gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh đạt 97,2%. Trong đó, tỷ lệ hộ gia đình sống tại các phường, thị trấn có nhà tiêu hợp vệ sinh là 60.280/61.324 hộ đạt 98,3%. Tỷ lệ hộ gia đình ở nông thôn có nhà tiêu hợp vệ sinh là 20.048/21.320 hộ đạt 94,0%.
Đồng chí Phan Bích Hoà, Phó Giám đốc trung tâm Y tế thành phố cho biết: Quá trình thực hiện, Trung tâm đã tập huấn nâng cao năng lực truyền thông thay đổi hành vi cho cán bộ y tế xã, phường, lãnh đạo các khu dân cư, xóm, phố cũng như nhân viên y tế thôn bản được triển khai, qua đó hướng dẫn người dân các kỹ thuật xây dựng nhà tiêu và cách sử dụng nhà tiêu HVS. Bên cạnh đó, cũng chỉ ra cho người dân biết việc sử dụng nhà tiêu không hợp vệ chính là nguyên nhân gây nên một số bệnh dịch tiêu hoá ảnh hưởng đến sức khoẻ gia đình và cộng đồng. Trung tâm còn đẩy mạnh công tác tuyên truyền các hộ gia đình thực hiện tốt vệ sinh môi trường. Các nội dung được thông qua nhiều hình thức như tuyên truyền trên các cụm loa xã, phường, lồng ghép các buổi họp xóm, tổ dân cư, sinh hoạt các chi hội…Nhờ làm tốt công tác truyền thông đã phát huy nội lực trong dân, đẩy lùi một số tập quán, thói quen không có lợi.
Gia đình anh Nguyễn Trọng Khôi ở xóm Y Na xã Tân Cương nhiều năm qua vẫn phải sử dụng nhà tiêu tạm do điều kiện kinh tế còn eo hẹp, nhưng được nhân viên y tế thường xuyên tới nhà tuyên truyền về lợi ích của nhà hợp vệ sinh nên đầu năm 2020 gia đình đã làm được nhà và có nhà vệ sinh mới. Từ khi có nhà tiêu HVS, môi trường sạch sẽ, không còn mùi hôi nữa. Có lẽ không chỉ có gia đình anh Khôi mà còn rất nhiều hộ dân cư đã có thay đổi trong nhận thức về việc sử dụng nhà tiêu HVS.
Đến thời điểm hiện tại, 100% trạm Y tế của thành phố Thái Nguyên đạt chuẩn Quốc gia về Y tế xã; 32/32 xã, phường đã được công nhận đạt Bộ tiêu chí Quốc gia về Y tế xã. Đầu năm 2020 thành phố có 9 xã, phường đăng ký Trạm Y tế xã đề nghị công nhận lại đạt Bộ tiêu chí Quốc gia về Y tế xã gồm: Trưng Vương, Đồng Quang, Thính Đức, Hương Sơn, Thịnh Đán, Cao Ngạn, Huống Thượng, Sơn Cẩm, Đồng Liên. Các Trạm này đã được Trung tâm Y tế đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực để củng cố nội dung của Bộ tiêu chí Quốc gia về Y tế xã./.
Vân Khánh
Trung tâm KSBT
Nguồn: Soytethainguyen
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!