Tăng huyết áp (THA) là một bệnh lý tim mạch thường gặp trong cộng đồng. Tăng huyết áp là căn bệnh diễn tiến âm thầm và ít có dấu hiệu cảnh báo. Một người có huyết áp khỏe mạnh ở độ tuổi 50 có tới 90% nguy cơ phát triển bệnh cao huyết áp trong khoảng thời gian còn lại của cuộc đời. Theo thống kê, có khoảng 60% – 80% người cao tuổi bị tăng huyết áp. Tuy nhiên, tại Việt Nam tỷ lệ người mắc bệnh được phát hiện và quản lý tại cộng đồng còn rất thấp.

Vậy làm thế nào để phòng và phát hiện sớm bệnh Tăng huyết áp ở người cao tuổi chưa mắc bệnh huyết áp?

Người cao tuổi từ 60 tuổi trở lên nên thực hiện các biện pháp phòng bệnh sau:

  1. Kiểm tra huyết áp thường xuyên
    • Điều quan trọng đầu tiên để phòng ngừa được tăng huyết áp là phát hiện sớm ngay khi huyết áp mới tăng hoặc sắp sửa tăng để điều trị kịp thời và có hiệu quả. Điều này rất đơn giản và dễ làm, đó là kiểm tra huyết áp thường xuyên. Tầm soát tăng HA bằng cách đo HA tại phòng khám được khuyến cáo cho tất cả người ≥ 18 tuổi.
    • Nếu số đo huyết áp nằm trong giới hạn bình thường (thấp hơn 130/85mmHg) đồng thời bạn không có yếu tố “nguy cơ tim mạch” nào đáng kể, tiền sử bệnh của bản thân hoặc tiền sử mọi người trong gia đình không liên quan đến tăng huyết áp thì bạn nên kiểm tra huyết áp ít nhất 2 năm 1 lần và trong bất kỳ lúc nào gặp bác sĩ (khám sức khỏe định kỳ hoặc vì một bệnh gì đó). Nếu có nhiều yếu tố “nguy cơ tim mạch” như béo phì, ít vận động, nhiều căng thẳng, uống nhiều rượu, hút thuốc, ăn mặn hoặc có một tiền sử gia đình liên quan đến tăng huyết áp hoặc các bệnh tim mạch khác (như tai biến mạch não, nhồi máu cơ tim…) thì tốt nhất nên kiểm tra huyết áp thường xuyên hơn, tối thiểu cũng từ 6 tháng đến 1 năm một lần đồng thời nên thay đổi thành lối sống tích cực.
  2. Khám sức khoẻ định kỳ
    • Chăm sóc sức khoẻ cho người cao tuổi đã được hướng dẫn chi tiết tại Thông tư 35/2011/TT-BYT ngày 15/10/2011, trong đó quy định công tác khám sức khoẻ  định kỳ cho người cao tuổi nên được thực hiện ít nhất 01 lần/năm.
    • Xây dựng thói quen khám sức khoẻ cho người cao tuổi sẽ giúp phòng tránh những bệnh nguy hiểm và phát hiện bệnh ngay ở giai đoạn sớm.
    • Ngoài các thăm khám lâm sàng như: Đo huyết áp, kiểm tra chỉ số BMI, khám hệ tim mạch, hệ tiêu hoá, hệ hô hấp, cơ xương khớp,… thì tuỳ vào tiền sử gia đình và các yếu tố khác mà người cao tuổi cần thực hiện các cận lâm sàng liên quan: Xét nghiệm mỡ máu, điện tim, siêu âm ổ bụng, hệ tiết niệu,…
  3. Tích cực thay đổi lối sống lành mạnh:
    • Chế độ ăn hợp lý: Giảm ăn mặn (dưới 5g muối/ngày); tăng cường ăn rau xanh, hoa quả tươi; hạn chế thức ăn có nhiều cholesterol và axit béo no; đảm bảo đủ kali và các yếu tố vi lượng.
    • Duy trì cân nặng phù hợp

Duy trì cân nặng lý tưởng với chỉ số khối cơ thể (BMI) từ 18,5 đến 22,9; cố gắng duy trì vòng bụng dưới 90cm ở nam và dưới 80cm ở nữ.

            Đối với những người thừa cân, béo phì thì giảm cân và duy trì cân nặng ở ngưỡng thích hợp làm một bước quan trọng để giảm nguy cơ xuất hiện tăng huyết áp và/hoặc giảm tốc độ tiến triển của số đo huyết áp.

Giảm cân được khuyến cáo cho huyết áp bình thường cao (tiền THA) và Tăng huyết áp cho những người có thừa cân hoặc béo phì, duy trì BMI 20-25Kg/m2,  vòng eo <94 ở nam và < 80 ở nữ.

  1.  iểm tra chỉ số khối cơ trên cơ thể và số đo vòng eo khoảng 2 năm/lần. Đối với đối tượng có nguy cơ mắc bệnh béo phì cao, nên kiểm tra thường xuyên hơn.
    • Hạn chế uống rượu, bia: Số lượng ít hơn 3 cốc chuẩn/ngày (nam), ít hơn 2 cốc chuẩn/ngày (nữ) và tổng cộng ít hơn 14 cốc chuẩn/tuần (nam), ít hơn 9 cốc chuẩn/tuần (nữ). 1 cốc chuẩn chứa 10g ethanol tương đương với 330ml bia hoặc 120ml rượu vang (12 độ), hoặc 30ml rượu mạnh (40 độ).
    • Ngừng hoàn toàn việc hút thuốc lá hoặc thuốc lào: Việc hút thuốc lá quá mức lâu ngày sẽ dễn đến bệnh cao huyết áp, đồng thời làm tăng nguy cơ xuất hiện những biến chứng tim mạch nguy hiểm khác như đột quỵ, nhồi máu cơ tim,..
    • Tăng cường hoạt động thể lực ở mức thích hợp: Tập thể dục, đi bộ, đi xe đạp hoặc vận động ở mức độ vừa phải, đều đặn khoảng 30-60 phút mỗi ngày.
    • Tránh lo âu, căng thẳng thần kinh; cần chú ý đến việc thư giãn, nghỉ ngơi hợp lý; tránh bị lạnh đột ngột.

Các nghiên cứu chỉ ra rằng stress là nguyên nhân dẫn đến những thói quen không lành mạnh như chế độ ăn bừa bãi, lạm dụng rượu bia, thuốc lá…gây ảnh hưởng trực tiêp tới chỉ số huyết áp. Do đó, để phòng tránh cao huyết áp, cách tốt nhất là bạn không nên thức quá khuya, làm việc quá căng thẳng, nên ngủ đúng giờ và tối thiểu là 7 giờ/ngày.

Bs Ngô Thị Huế – Trung tâm Y tế Phú Lương

Nguồn: Soytethainguyen

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết liên quan