Chế độ Bảo hiểm y tế (BHYT) cho người nhiễm HIV/AIDS được xem là chỗ dựa cho bệnh nhân tiếp tục được chăm sóc, điều trị khi các nguồn tài trợ quốc tế cắt giảm hoàn toàn vào năm 2017. Thái Nguyên là một trong những tỉnh thành đã bước đầu thực hiện chuyển đổi nguồn tài chính cho chăm sóc và điều trị HIV/AIDS sang chi trả qua BHYT.

LỘ TRÌNH CHUYỂN ĐỔI

Tỉnh Thái Nguyên hiện có 3.494 bệnh nhân HIV/AIDS đang được điều trị bằng thuốc kháng vi rút (ARV) trên tổng số 4.041 bệnh nhân HIV/AIDS được quản lý tại địa phương. Phần lớn các hoạt động chăm sóc, điều trị bệnh nhân này đều do Dự án Quỹ toàn cầu tài trợ. Nguồn tài trợ này sẽ kết thúc vào năm 2017 nên hoạt động chăm sóc điều trị cho bệnh nhân HIV/AIDS tại Thái nguyên sẽ phải chuyển sang hình thức BHYT đồng chi trả.

Hiện nay, ngành y tế Thái Nguyên đã và đang thực hiện lộ trình tiếp nhận và chuyển giao các hoạt động phòng chống HIV/AIDS từ dự án, trong đó có các công việc cụ thể: ngành y tế đã thực hiện chuyển giao 7 phòng khám ngoại trú thuộc các trung tâm y tế huyện, thị (trừ 2 phòng khám ngoại trú của TPTN và Sông Công) sang các bệnh viện đa khoa của 7 huyện, thị để thực hiện KCB BHYT, phối hợp với BHXH tổ chức ký hợp đồng KCB BHYT cho bệnh nhân HIV/AIDS; xây dựng quy trình KCB cho bệnh nhân HIV/AIDS lồng ghép với quy trình KCB của các bệnh viện; tại các khoa khám bệnh đang thực hiện việc KCB điều trị HIV/AIDS, bổ sung nhiệm vụ KCB HIV/AIDS theo quy chế bệnh viện về KCB ngoại trú, để được BHYT thanh toán; các đơn vị cung cấp dịch vụ và quản lý KCB HIV/AIDS sử dụng hệ thống quản trị mạng từ khâu tiếp nhận, khám bệnh, chẩn đoán, chỉ định xét nghiệm, kê đơn, cấp phát thuốc; tổ chức tư vấn cho bệnh nhân sự cần thiết của thẻ BHYT và việc thực hiện cung cấp dịch vụ KCB HIV/AIDS qua BHYT; từng bước chuyển bệnh nhân HIV/AIDS từ bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh về tuyến huyện, thành phố theo nơi cư trú, tạo điều kiện thuận lợi cho người bệnh mua và sử dụng BHYT, tiến tới mở điểm cấp phát thuốc kháng vi rút ARV tại phường, xã, thị trấn và lồng ghép với các chương trình y tế địa phương.

81% BỆNH NHÂN HIV/AIDS THAM GIA BHYT

Theo bác sĩ Nguyễn Văn Thắng, Phó Giám đốc Trung tâm phòng chống HIV/AIDS, sở dĩ phải chuyển giao phòng khám ngoại trú HIV/AIDS từ TTYT sang bệnh viện đa khoa huyện nhằm thực hiện việc chi trả bằng quỹ BHYT cho bệnh nhân HIV/AIDS. Hiện các bệnh viện đa khoa huyện của tỉnh khi tiếp nhận điều trị HIV/AIDS đã đáp ứng được các điều kiện để có thể ký hợp đồng và thanh toán với BHXH (gồm các quy định về cơ sở điều trị, năng lực xét nghiệm và bác sĩ điều trị…). 

Bác sĩ Nguyễn Văn Thắng cũng cho biết tính đến thời điểm hiện nay, toàn tỉnh có 81% số bệnh nhân HIV/AIDS có thẻ BHYT. Rất nhiều người trong số họ là gia đình nghèo và cận nghèo hoặc thuộc vùng khó khăn được nhà nước cấp miễn phí thẻ BHYT. Tuy nhiên còn đến gần đến 20% người nhiễm HIV/AIDS  chưa có thẻ BHYT, trong khi đa số họ có hoàn cảnh khó khăn, việc làm không ổn định, thu nhập bếp bênh. Tiền thuốc ARV hiện vẫn được cấp miễn phí, người bệnh chỉ phải chi trả tiền khám và làm các xét nghiệm định kỳ, xong đây cũng là khó khăn cho không ít bệnh nhân nếu không có thẻ BHYT, chưa nói đến trong thời gian tới, khi nguồn tài trợ bị cắt giảm, người bệnh sẽ phải chi trả thêm tiền thuốc ARV, đây sẽ là một trở ngại lớn đối với người bệnh nếu không tham gia BHYT.

Về phía bệnh nhân HIV/AIDS, nhiều người lo lắng về sự bí mật của thông tin cá nhân khi chuyển sang điều trị HIV/AIDS sử dụng thẻ BHYT. Anh Trịnh Nhật H., một bệnh nhân HIV/AIDS cho rằng: “Vấn đề mà tôi ngại nhất là phải đăng ký, khai báo thông tin cá nhân, công khai tình trạng bệnh khi tham gia KCB BHYT. Nếu không bảo đảm bí mật thông tin bệnh nhân, việc tham gia BHYT sẽ là bất lợi đối với tôi”. Theo quy định, bệnh nhân HIV/AIDS khi đến KCB bằng BHYT thì khâu tiếp nhận ban đầu phải kiểm tra giấy tờ tùy thân và thông tin bệnh tình của bệnh nhân trên phần mềm khám bệnh chung nên việc đảm bảo bí mật thông tin cá nhân là khó khăn, vướng mắc cần có biện pháp giải quyết trong thời gian tới để người bệnh yên tâm điều trị.

Ngoài ra, theo yêu cầu của BHXH về thanh toán, bác sĩ chỉ định điều trị ngoài chứng chỉ hành nghề còn phải ghi rõ chứng chỉ phạm vi hoạt động. Như vậy, bác sĩ chỉ định thuốc và điều trị HIV/AIDS phải bổ sung phạm vi hoạt động HIV/AIDS vào chứng chỉ hành nghề thì mới được BHXH thanh toán. Đây là một vấn đề hoàn toàn mới, hầu hết các bệnh viện mới chỉ có một hoặc 2 bác sỹ có đủ điều kiện đó. Bác sỹ CKI Hà Đức Tô – Phó khoa nội nhi, bệnh viện đa khoa huyện Phổ Yên được giao phụ trách phòng khám ngoại trú cho biết: Hiện nay chúng tôi đang tiếp nhận điều trị cho 422 bệnh nhân HIV/AIDS, trong đó 100% bệnh nhân điều trị ARV. Phòng khám có 5 cán bộ, trong đó chỉ có 1 bác sỹ được đào tạo và bổ sung phạm vi hoạt động HIV/AIDS theo quy định, số lượng bệnh nhân đông nên chúng tôi vẫn chưa áp dụng thu phí theo BHYT. Tất cả bệnh nhân hiện vẫn được khám và cấp thuốc miễn phí, chưa chỉ định làm các xét nghiệm liên quan. Bệnh viện đang cử thêm 2 bác sỹ đi đào tạo để có đủ nhân lực cũng như đủ điều kiện điều trị theo BHYT cho bệnh nhân HIV. Đến cuối tháng 8, tất cả bệnh nhân có thẻ BHYT sẽ được thanh quyết toán theo quy định trong các khâu khám bệnh và làm các xét nghiệm kiểm tra định kỳ. 

Lợi ích của BHYT là thiết thực với mỗi người và là xu hướng tất yếu trong tiến trình tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân. Đặc biệt, BHYT càng cần thiết đối với người nhiễm HIV/AIDS trong thời gian tới, khi dự án tài trợ kết thúc, người nhiễm HIV sẽ phải chi trả toàn bộ cho quá trình điều trị từ tiền thuốc đến các chi phí liên quan. Nếu phải đóng tiền mua bảo hiểm y tế thì với người nhiễm HIV cũng chỉ đóng góp một phần nhỏ cho chi phí khám và điều trị bệnh lâu dài cho chính bản thân mình. Do vậy, người nhiễm HIV nếu chưa có bảo hiểm y tế cần tham gia bảo hiểm y tế ngay từ bây giờ.

Nguồn: Soytethainguyen

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết liên quan