Lao là một bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn lao gây nên. Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới, mặc dù đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể trong công tác phòng chống bệnh lao, nhưng bệnh lao vẫn là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 2 trong các bệnh nhiễm trùng, với khoảng 10 triệu bệnh nhân lao mới hàng năm và khoảng 1,4 triệu người tử vong do lao trên toàn cầu. Trong chiến lược chấm dứt bệnh lao đã được ban hành, Tổ chức Y tế thế giới đã đưa ra mục tiêu phát triển thiên niên kỷ trên toàn cầu đến năm 2020 là giảm 20% số người bệnh lao mới mắc và 35% số người tử vong vì lao so với năm 2015, đến năm 2025 sẽ giảm tương ứng là 50% và 75%. Như vậy, tốc độ giảm mới mắc sẽ cần phải tăng lên từ 4-5% mỗi năm vào năm 2020 và tăng lên 10% vào năm 2025.
Việt Nam hiện vẫn là nước có gánh nặng bệnh lao cao, là một trong 30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới. Theo báo cáo cửa tổ chức y tế thế giới ước tính tại Việt Nam mỗi năm có 170.000 ca mắc mới, trong đó 63% bệnh nhân lao thường, 98% bệnh nhân lao kháng thuốc và gia đình đối mặt với những chi phí thảm họa – nghĩa là chi phí cho việc chẩn đoán và điều trị bệnh lao vượt quá 20% thu nhập hàng năm của cả hộ gia đình. 70% người mắc lao ở trong độ tuổi lao động. Vì vậy, lao thực sự là một vấn đề ảnh hưởng đến kinh tế từng gia đình nói riêng và đất nước nói chung. Đầu tư cho chấm dứt bệnh lao là đầu tư cho phát triển bền vững.
Năm 2020, do tác động nghiêm trọng bởi đại dịch Covid-19, công tác phát hiện bệnh nhân lao trong cộng đồng tại nước ta giảm 03%. Tuy nhiên, thông qua các hoạt động phòng chống Covid-19, người dân đã có ý thức rất cao về phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm qua đường hô hấp, trong đó có bệnh lao. Đây chính là cơ hội để Việt Nam thực hiện mục tiêu từng bước chấm dứt bệnh lao. Chương trình chống lao quốc gia đã chọn chủ đề ngày thế giới phòng chống lao tại Việt Nam năm nay là “Việt nam Chiến thắng COVID – Chấm dứt bệnh Lao”.
Thái Nguyên là một tỉnh trung du miền núi, là trung tâm vùng của các tỉnh khu vực Việt Bắc. Được sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự phối hợp có hiệu quả của các ban, ngành, đoàn thể của tỉnh và chính quyền các địa phương. Năm 2020, mặc dù phải đối mặt với đại dịch Covid-19, tuy nhiên công tác phòng, chống bệnh lao của tỉnh đã đạt được những kết quả rất đáng khích lệ. Mạng lưới phòng, chống bệnh lao được duy trì từ tỉnh đến huyện đến xã. Các hoạt động phòng chống bệnh lao được triển khai đồng đều và có hiệu quả. Hoạt động khám sàng lọc chủ động phát hiện bệnh nhân lao tại cộng đồng được đẩy mạnh. Hoạt động điều trị lao tiềm ẩn được triển khai, tiếp tục duy trì các hoạt động về lao kháng thuốc, lao trẻ em, lao/HIV… Theo báo cáo của Bệnh viện Lao và Bệnh phổi, năm 2020, Thái Nguyên đã phát hiện và thu nhận điều trị 958 bệnh nhân lao mọi thể đạt 106.4% kế hoạch năm, số bệnh nhân lao có bằng chứng vi khuẩn học là 378 bệnh nhân đạt 111,2% kế hoạch năm, cao hơn so với cùng kỳ năm 2019. Tỷ lệ điều trị thành công bệnh nhân lao mọi thể là 96.4% và tỷ lệ điều trị khỏi bệnh nhân AFB dương tính là 90.0%. Các hoạt động truyền thông được được lồng ghép trong hoạt động phòng chống Covid-19, đồng thời tỉnh đã áp dụng đa dạng các loại hình truyền thông như làm phóng sự phát trên đài truyền thanh, truyền hình, các ấn phẩm báo chí, đăng tải trên trang Web của Sở Y tế và của bệnh viện, phát tờ rơi, treo băng zon…vv
Tiếp tục phát huy các kết quả đã đạt được, trong năm 2021 và những năm tiếp theo Thái Nguyên tiếp tục tăng cường sự quan tâm, ưu tiên cho công tác phòng, chống lao, từng bước làm giảm bệnh lao, tiến tới mục tiêu chấm dứt bệnh lao vào năm 2030./.
Phạm Hồng Thép
Bệnh viện Lao và bệnh phổi
Nguồn: Soytethainguyen
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!