Tại một số địa phương, dịch HIV/AIDS đang trẻ hóa, nhiều trẻ em mới 15 tuổi đã nhiễm HIV. Trong số các ca nhiễm mới, lứa tuổi 15-25 tăng nhanh và 99% là lây qua đường tình dục.
Nguy cơ nhiễm HIV có xu hướng trẻ hóa, hành vi ngày càng phức tạp
Nguy cơ nhiễm HIV có xu hướng trẻ hóa, hành vi nguy cơ của các nhóm nguy cơ cao ngày càng phức tạp như sử dụng ma túy tổng hợp, sử dụng chemsex… Khả năng tiếp cận triển khai can thiệp rất khó vì sự kỳ thị phân biệt đối xử với người nhiễm bệnh.
Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Tháp, những năm gần đây chiều hướng dịch HIV tại tỉnh cũng tập trung vào nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM), người chuyển giới và bạn tình của họ với giới tính chủ yếu là nam.
Tại một số địa phương, dịch HIV/AIDS đang trẻ hóa, có trường hợp mới 14 tuổi đã nhiễm HIV. Trong số các ca nhiễm mới, lứa tuổi 15-25 tăng nhanh và 99% là lây qua đường tình dục.
Bà Hà Thị Thùy Trang, cán bộ phụ trách chương trình HIV Trung tâm Y tế huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp cho biết, tại huyện Tam Nông, nhiễm HIV trong nhóm MSM có chiều hướng gia tăng mạnh, chiếm tới 50% số ca phát hiện những năm gần đây.
Còn tại Đồng Tháp, BS. Nguyễn Ngọc Quý, Phó Trưởng Khoa HIV, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Tháp cho biết, tại Đồng Tháp tỉ lệ nhiễm HIV theo nhóm tuổi tập trung khoảng gần 70% ở nhóm tuổi từ 25-49. Đặc biệt, tỉ lệ nhiễm HIV có xu hướng tăng lên ở nhóm 15-25 tuổi (tăng từ 15,8% vào năm 2011 đến hiện tại là 33,3%). Hiện tỉ lệ nhiễm HIV qua quan hệ tình dục chiếm 98%.
Tại An Giang, tính đến ngày 28/5/2024, trong số xét nghiệm phát hiện mới HIV năm 2023, có tới hơn 80% là nam giới và lây nhiễm qua đường tình dục là 78%.
Trong 5 năm trở lại đây, phát hiện nhiễm HIV trong nhóm MSM tăng cao gấp 10 lần (năm 2018 trong 401 ca nhiễm HIV mới có 31 ca là MSM. Năm 2023 trong 560 ca nhiễm mới có 205 ca nhiễm HIV là MSM).
Dữ liệu giám sát phát hiện giai đoạn 2000- 2023 cũng cho thấy, dịch HIV tại tỉnh An Giang có xu hướng tăng trở lại và gia tăng nhanh trong nhóm nam giới trẻ tuổi từ 15-30, đặc biệt là nhóm MSM trẻ; cảnh báo nguy cơ lây nhiễm HIV khó kiểm soát trong nhóm MSM do các yếu tố liên quan như sự di biến động, hành vi quan hệ tình dục không an toàn và thiếu các biện pháp can thiệp hiệu quả…
Sự kỳ thị và tự kỳ thị vì nhiễm HIV vẫn còn ở An Giang, đặc biệt trong nhóm MSM, khiến họ hạn chế tiếp cận các dịch vụ dự phòng lây nhiễm HIV, nhất là PrEP. BSCK2. Dương Anh Linh, Phó Giám đốc CDC tỉnh An Giang cho biết, địa phương có 2 khu công nghiệp với khoảng 20 nghìn công nhân tròn độ tuổi lao động, nhưng Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh không thể tiếp cận để truyền thông, do các doanh nghiệp xã hội chưa hợp tác. Vì thế, hoạt động phòng chống HIV/AIDS gần như bỏ trống ở các khu công nghiệp, trong khi đây là điểm nguy cơ lan truyền dịch HIV rất lớn.
Theo số liệu thống kê của Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế, tại Việt Nam, số người nhiễm HIV là gần 250.000 người. Số ca bệnh quản lý trên hệ thống là 321.000 người. Từ khi ca bệnh đầu tiên xuất hiện năm 1990 đến nay, số người tử vong do HIV là 113.698 người.
Số lượng ca nhiễm HIV có xu hướng giảm rõ ràng từ năm 2007 tới năm 2019. Tuy nhiên, từ năm 2020, tỉ lệ ca phát hiện mới tăng trở lại. Cụ thể, 9 tháng năm 2023, cả nước có 10.219 ca mới được phát hiện và 1.126 người tử vong. Trong số này hơn 60% người nhiễm HIV được phát hiện mới tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ, TPHCM. Hiện số người nhiễm HIV là nam giới chiếm đến 84,4%.
Những năm qua, tỉ lệ lây nhiễm HIV qua đường tình dục tiếp tục tăng, hiện chiếm tới 80% số ca nhiễm mới. Đáng báo động, tình trạng lây nhiễm HIV trong giới trẻ đang gia tăng, 50% ở nhóm tuổi 16 – 29 và tăng nhanh trong nhóm MSM.
Kết quả một chương trình giám sát trọng điểm cho thấy, tỉ lệ nhiễm HIV trong nhóm này là 13,3%. Điều này có nghĩa là cứ 100 MSM có hành vi nguy cơ thì có hơn 13 người nhiễm HIV.
Đẩy mạnh các sáng kiến dự phòng và hạn chế lây lan dịch HIV
Việt Nam đang nỗ lực đẩy mạnh các hoạt động trong phòng, chống HIV/AIDS để hướng tới chấm dứt bệnh AIDS vào năm 2030. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, dựa trên phân loại của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Việt Nam đang trong giai đoạn dịch tập trung ở các nhóm có hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV cao.
Đại diện Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho biết, Việt Nam đang tập trung vào 2 hướng để giảm thiểu HIV/AIDS là tạo hàng rào bảo vệ K=K (không phát hiện = không lây truyền virus HIV) và ngăn chặn HIV ở nhóm MSM. Tuy nhiên, công tác này đang gặp nhiều khó khăn về nguồn lực. Bên cạnh đó, HIV/AIDS đang có diễn biến phức tạp, xu hướng gia tăng nhiễm nhiều nhất ở nhóm thanh thiếu niên trẻ, nhóm MSM bởi quần thể này ẩn và rất khó tiếp cận.
Trước những nỗi lo về dịch HIV, theo các chuyên gia, ngoài hàng rào bảo vệ K=K thì lợi ích của điều trị ARV không chỉ giữ cho hệ miễn dịch của người mắc khỏe mạnh mà còn giảm lây truyền HIV.
ThS.Đỗ Hữu Thủy, Phó Trưởng Phòng Dự phòng lây nhiễm HIV, Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho biết, khi một người nhiễm HIV được điều trị ARV mà đạt đến mức ức chế virus, nghĩa là tải lượng virus dưới 200 bản sao/ml máu (hay còn gọi là dưới ngưỡng phát hiện), sẽ ngăn ngừa được lây truyền HIV qua đường tình dục (Không phát hiện = Không lây truyền hay K=K).
Theo ThS. Đỗ Hữu Thủy, điều quan trọng là cần phát hiện sớm và điều trị sớm. Chẳng hạn, tại Đồng Tháp, hơn 85% số người nhiễm HIV ở Đồng Tháp biết được tình trạng nhiễm HIV của mình. Hiện Đồng Tháp đang tiếp tục đẩy mạnh mở rộng tư vấn, xét nghiệm HIV tại các cơ sở y tế tư nhân, trạm y tế xã, phường, thị trấn, ngoài cộng đồng thông qua các đợt giám sát trọng điểm, xét nghiệm lưu động và xét nghiệm không chuyên, chú trọng nhóm MSM; củng cố mở rộng năng cao chất lượng chương trình điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) cho đối tượng nguy cơ (chủ yếu là MSM).
Về sáng kiến dự phòng và hạn chế lây lan dịch HIV, Phó Giám đốc CDC Đồng Tháp, ông Võ Công Đoàn cho hay, Đồng Tháp hiện đang có 12 phòng khám sàng lọc, trong đó có 2 phòng khám công lập và 10 cơ sở tư nhân; có 7 cơ sở y tế xét nghiệm khẳng định HIV gồm: Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Đồng Tháp, Bệnh viện đa khoa Sa Đéc, Bệnh viện khu vực Hồng Ngự, Bệnh viện khu vực Tháp Mười, Trung tâm y tế Thanh Bình, Trung tâm Y tế Tam Nông, Trung tâm Y tế Lấp Vò. Toàn tỉnh có 1 nhóm CBO (đồng đẳng viên) là nhóm S66_Lotus; 3 nhóm giáo dục viên đồng đẳng.
Hầu hết những người MSM có nguy cơ đang điều trị PrEP tại các cơ sở y tế tư nhân. Cụ thể, 80% khách hàng duy trì điều trị ở y tế tư nhân, cao hơn ở y tế công vì người dân có thể đi khám ngoài giờ, cuối tuần và họ không phải dè chừng sợ gặp người quen tại cơ sở y tế công. Tỉ lệ đóng góp vào điều trị Prep của y tế tư nhân là 66%.
Từ sự thay đổi mô hình lây nhiễm, tỉnh thay đổi chiến lược tìm ca nhiễm trong cộng đồng, chủ yếu dựa mạng lưới tổ chức dựa vào cộng đồng (CBO) như S66 Lotus và thành viên đồng đẳng các nhóm… bằng cách đẩy mạnh truyền thông tạo cầu trực tiếp, trên ứng dụng mạng xã hội…; thực hiện sáng kiến mới trong tìm ca, xét nghiệm cho bạn tình, bạn chích- PNS; tiếp cận mạng lưới-SNS.
Các CBO thường xuyên tham gia có chọn lọc các buổi gặp gỡ nhóm khách hàng, tạo mối liên hệ và kết bạn; đồng thời, tăng số buổi truyền thông nhóm nhỏ. Những cánh tay nối dài của cán bộ y tế cũng đã hỗ trợ trực tiếp, đưa khách hàng đi xét nghiệm khẳng định và điều trị ARV hoặc PrEP.
Về cách thức truyền thông, huy động cộng đồng cũng cần thay đổi, tập trung vào giới trẻ. Ông Huỳnh Minh Trí, Khoa Phòng, chống HIV/AIDS – Lao – Da Liễu – CDC tỉnh An Giang cho biết, các phương pháp tiếp cận truyền thông mới cần được chú trọng và đưa vào áp dụng trong thời gian tới như truyền thông qua mạng xã hội, hoặc livestream, tăng cường truyền thông trong trường học, trường đại học, cao đẳng và các khu công nghiệp trên địa bàn…
Nguồn: Soytethainguyen
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!