Là huyện miền núi của tỉnh, đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn chiếm tỷ lệ lớn, đời sống người dân còn nhiều khó khăn. Do đó, để thực hiện tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ về công tác Dân số – Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) đòi hỏi sự vào cuộc tích cực, hiệu quả không chỉ của Trung Tâm DS-KHHGĐ mà đòi hỏi sự vào cuộc của cấp ủy chính quyền, các ban ngành đoàn thể từ huyện đến cơ sở.Huyện Định Hóa hiện có 24 xã, thị trấn với 25.771 hộ gia đình, 98.473 nhân khẩu, số phụ nữ 15 -49 tuổi là 25.348, phụ nữ 15-49 tuổi có chồng là 18.215 người. Số cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ hiện đang sử dụng biện pháp tránh thai là 14.048 cặp. Quy mô gia đình có hai con được chấp nhận ngày càng rộng rãi tại huyện vùng cao vốn có quan niệm sinh nhiều con. Chất lượng cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản đang từng bước được nâng lên, cơ bản đáp ứng nhu cầu thực hiện kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc sức khỏe sinh sản của người dân. Tính đến hết tháng 6 năm 2018, toàn huyện có 571 trẻ được sinh ra, giảm 31 trẻ so với cùng kỳ năm 2017; con thứ 3 là 37 trẻ tăng 5 trẻ so với cùng kỳ năm 2017; tỉ số giới tính khi sinh là 108,4% tăng 0,8% so với 6 tháng đầu năm 2017.Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Nguyễn Thanh Hiền, Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Định Hóa cho biết: Định Hóa là huyện miền núi, dân cư sống không tập trung, nhận thức của một bộ phận nhân dân về chính sách DS- KHHGĐ còn hạn chế, chưa hiểu hết tầm quan trọng của công tác này. Với vai trò là cơ quan tham mưu trực tiếp cho UBND huyện, Trung tâm DS-KHHGĐ huyện đã tham mưu cho UBND huyện củng cố, kiện toàn Ban chỉ đạo công tác DS-KHHGĐ hàng năm. Đồng thời, chỉ đạo Ban dân số 24 xã, thị trấn trên địa bàn phân công nhiệm vụ đối với các ban, ngành, đoàn thể cùng vào cuộc. Đối với công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện chính sách DS-KHHGĐ được thực hiện bằng nhiều hình thức phong phú, hấp dẫn như: Phát tờ rơi, băng rôn, khẩu hiệu, thông tin trên đài truyền thanh huyện, xã, tuyên truyền về hệ lụy mất cân bằng giới tính khi sinh; sự cần thiết của các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, dịch vụ sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh nhằm phát hiện sớm tật, bệnh ở thai nhi, tầm soát các dị dạng, bệnh, tật bẩm sinh; triển khai tốt hoạt động truyền thông, vận động lồng ghép với cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản – Kế hoạch hóa gia đình đến vùng khó khăn, vùng đông dân, vùng có mức sinh cao, giúp các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, lựa chọn thực hiện biện pháp tránh thai phù hợp.
Tại các địa phương nêu cao vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương, đơn vị trong lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện công tác dân số; nâng cao trách nhiệm và tăng cường sự phối hợp của các cấp, các ngành, tổ chức đoàn thể với nhân dân. Cùng với đó, đẩy mạnh và đa dạng hóa các hình thức giáo dục kiến thức về dân số, SKSS, bình đẳng giới trong các trường học, kết hợp giáo dục chính khóa với tổ chức các buổi sinh hoạt ngoại khóa, thu hút sự tham gia của vị thành niên/thanh niên, tạo sự gắn kết giữa gia đình, nhà trường. Tổ chức các buổi tọa đàm nâng cao nhận thức của chị em trong độ tuổi sinh đẻ vào các dịp gặp mặt ngày quốc tế phụ nữ 8/3, ngày phụ nữ Việt Nam 20/10, tạo điều kiện để chị em có cơ hội giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm trong xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng và hạnh phúc.Mặc dù đã đạt được những tín hiệu tích cực, song công tác DS-KHHGĐ của huyện vẫn còn nhiều khó khăn. Đó là, tư tưởng có “con trai nối dõi tông đường” và “trọng nam khinh nữ” vẫn còn ở một bộ phận nhân dân; sự chênh lệch giới tính khi sinh đang ngày càng tăng cao; tỷ lệ sinh con thứ 3 ở một số xã đang có chiều hướng tăng (theo số liệu báo cáo thống kê của Trung tâm DS-KHHGĐ huyện, đến hết tháng 6 năm 2018 số trẻ sinh ra là con thứ 3 trở lên là 37 trẻ, tăng 14 trẻ so với cùng kỳ; chiếm 7,5% trong tổng số trẻ sinh), các địa phương có tỷ lệ con thứ 3 trở lên cao như: Sơn Phú, Tân Thịnh, Trung Hội, Bình Thành; thực hiện chỉ tiêu biện pháp tránh thai đạt 65,4% kế hoạch (thấp hơn so với toàn tỉnh 2,5%.Nhằm giải quyết những khó khăn trên, Trung tâm DS-KHHGĐ đã đưa ra một số giải pháp cụ thể đó là: Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các xã, thị trấn triển khai tốt công tác DS-KHHGĐ theo kế hoạch, phấn đấu hoàn thành tốt chỉ tiêu năm được tỉnh, huyện giao; kiểm tra, đôn đốc, duy trì thường xuyên việc ký cam kết thực hiện chính sách DS-KHHGĐ đối với các tập thể, cá nhân cán bộ và các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ trên địa bàn huyện; Tăng cường truyền thông, tập huấn, nói chuyện chuyên đề… về các nội dung nâng cao chất lượng dân số, duy trì mức sinh hợp lý, giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên, thực hiện Đề án giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, tư vấn và chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên/thanh niên, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi…
Vân Khánh(Chi cục DS-KHHGĐ)
Nguồn: Soytethainguyen
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!