HIV là đại dịch của toàn thế giới và nó vẫn tiếp tục âm thầm lây lan từ người này sang người khác. HIV là tên viết tắt của cụm từ tiếng Anh Human Immuno-deficiency Virus (Virus gây suy giảm miễn dịch ở người). HIV có thể lây truyền qua quan hệ tình dục, qua đường máu hoặc truyền từ mẹ sang con trong thời kỳ mang thai, sinh đẻ và cho con bú.

 AIDS là một bệnh mạn tính do HIV gây ra. T CD4 là những tế bào quan trọng để bảo vệ cơ thể chống lại các loại vi khuẩn, virus và các mầm bệnh khác. HIV phá huỷ các tế bào T CD4 của hệ miễn dịch, khiến cơ thể không còn khả năng chống lại các virus, vi khuẩn và nấm gây bệnh. HIV nhân lên trong các tế bào CD4 và không bị tiêu diệt bởi các tế bào bạch cầu nhờ việc thay đổi không ngừng vỏ bọc bên ngoài. Do đó, bệnh nhân dễ mắc một số loại ung thư và nhiễm trùng cơ hội mà bình thường có thể đề kháng được.

 Thuật ngữ AIDS được dùng để chỉ giai đoạn muộn hơn của bệnh. Khi mới bị nhiễm HIV, thông thường sau một vài năm kể từ lúc bị nhiễm HIV, bệnh mới tiến triển đến giai đoạn AIDS vì phải mất vài năm số lượng tế bào T CD4 giảm đến một mức độ mà hệ thống miễn dịch bị yếu đi, cơ thể dễ bị nhiễm trùng và mắc những bệnh lý cơ hội.

 Góp phần không nhỏ vào thành công trong cuộc chiến với đại dịch HIV/AIDS của nước ta là chăm sóc người nhiễm HIV và điều trị bằng thuốc kháng vi rút HIV (ARV). Hiện nay, các chi phí điều trị cho bệnh nhân HIV/AIDS chủ yếu dựa vào nguồn tài trợ của Quỹ Toàn cầu và từ Chương trình mục tiêu Quốc gia Phòng, Chống HIV/AIDS. Tuy nhiên, từ năm 2017, các nguồn viện trợ điều trị thuốc kháng virus (ARV) cho người nhiễm HIV từ các dự án Quốc tế bị cắt giảm khiến công tác phòng, chống HIV/AIDS gặp nhiều khó khăn, thách thức. Vì vậy, từ tháng 7/2017, Việt Nam bắt đầu thực hiện chi trả tiền thuốc ARV từ nguồn Bảo hiểm Y tế và sẽ tăng dần trong những năm tiếp theo, nhằm phấn đấu đạt 70% bệnh nhân điều trị HIV/AIDS được thanh toán qua BHYT.

Ngày 15/11/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 2188/QĐ-TTg về thanh toán thuốc ARV và hỗ trợ người sử dụng thuốc ARV từ nguồn BHYT. Quyết định này là giải pháp ứng phó kịp thời với tình trạng nguồn viện trợ thuốc ARV bị cắt giảm. Quyết định quy định cụ thể: Các địa phương tùy vào khả năng ngân sách để tính toán hỗ trợ chi phí cùng chi trả đối với thuốc kháng virus HIV cho người nhiễm HIV/AIDS có thẻ BHYT thông qua Quỹ Khám chữa bệnh người nghèo, Quỹ Hỗ trợ người nhiễm HIV; các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh BHYT có điều trị thuốc kháng virus HIV cho người nhiễm HIV sử dụng các nguồn quỹ khác (nếu có) của đơn vị theo quy định tại Điều 12 Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập để hỗ trợ chi trả thuốc kháng virus HIV cho người nhiễm HIV. Đặc biệt, Quyết định quy định trách nhiệm của UBND tỉnh, thành phố bố trí kinh phí mua thẻ BHYT cho 100% người nhiễm HIV.

Theo các nghiên cứu của Tổ chức Y tế thế giới đã chỉ ra người nhiễm HIV điều trị ARV sớm và duy trì điều trị tốt cũng có tuổi thọ không thua kém người bình thường. Việc điều trị bằng ARV kịp thời giúp cải thiện chất lượng sống cho người bệnh. Khi người nhiễm HIV khỏe mạnh, họ có khả năng lao động và làm việc như người bình thường và tự tin sống hòa nhập với cộng đồng. Điều trị ARV kịp thời sẽ giảm nguy cơ tiến triển AIDS (mắc các nhiễm trùng cơ hội) và tử vong ở người nhiễm HIV.

Vì vậy, các cấp, các ngành cần tuyên truyền cho người nhiễm HIV chủ động tham gia BHYT để được hưởng những lợi ích do BHYT mang lại, giúp giảm gánh nặng tài chính khi khám, chữa bệnh và yên tâm điều trị HIV bằng thuốc ARV liên tục, suốt đời./.

Nguồn: Soytethainguyen

Bài viết liên quan