Ngày 18/9/2020, Chính phủ ban hành Nghị định 112/2020/NĐ-CP về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức, có hiệu lực 20/9/2020 và thay thế cho Nghị định 34/2011/NĐ-CP về xử lý kỷ luật công chức, quy định về kỷ luật viên chức theo Nghị định 27/2012/NĐ-CP về xử lý kỷ luật viên chức và trách nhiệm bồi thường, hoàn trả của viên chức, chương 6 Nghị định 112/2011/NĐ-CP về công chức xã, phường, thị trấn; nội dung liên quan đến kỷ luật cán bộ được quy định tại Nghị định 35/2005/NĐ-CP về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức.
1. Về đối tượng áp dụng
– Nghị định 112/2020/NĐ-CP lần đầu tiên đã gộp các quy định về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức ở 4 nghị định khác nhau về chung một nghị định, tạo sự thống nhất, thuận tiện cho việc áp dụng pháp luật.
– Áp dụng thống nhất đối với cán bộ, công chức, viên chức từ Trung ương tới địa phương; kể cả đối với cán bộ, công chức, viên chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu.
2. Về nguyên tắc xử lý kỷ luật
Bên cạnh kế thừa các nguyên tắc xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức trước đây đã quy định, Nghị định 112 bổ sung thêm một số nguyên tắc trong xử lý kỷ luật CBCCVC như:
– Nguyên tắc “công khai, minh bạch”;
– Không tách riêng từng nội dung vi phạm của cán bộ, công chức, viên chức để xử lý kỷ luật nhiều lần với các hình thức kỷ luật khác nhau.
– Trường hợp cán bộ, công chức, viên chức đã bị xử lý kỷ luật đảng thì hình thức xử lý kỷ luật hành chính phải đảm bảo ở mức độ tương xứng với kỷ luật đảng.
– Cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm lần đầu đã bị xử lý kỷ luật mà trong thời hạn 24 tháng kể từ ngày quyết định xử lý kỷ luật có hiệu lực có cùng hành vi vi phạm thì bị coi là tái phạm; ngoài thời hạn 24 tháng thì hành vi vi phạm đó được coi là vi phạm lần đầu nhưng được tính là tình tiết tăng nặng khi xem xét xử lý kỷ luật.
3. Các trường hợp chưa xem xét xử lý kỷ luật
Nghị định 112 bổ sung và làm rõ thêm các trường hợp chưa xem xét xử lý kỷ luật như:
– Cán bộ, công chức, viên chức đang trong thời gian điều trị bệnh hiểm nghèo hoặc đang mất khả năng nhận thức, bị ốm nặng đang điều trị nội trú tại bệnh viện có xác nhận của cơ quan y tế có thẩm quyền.
– Cán bộ, công chức, viên chức là nam giới (trong trường hợp vợ chết hoặc vì lý do khách quan, bất khả kháng khác) đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.
4. Những trường hợp được miễn trách nhiệm kỷ luật
Nghị định 112/2020/NĐ-CP bổ sung cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm đến mức bị xử lý kỷ luật nhưng đã qua đời.
5. Thời hiệu, thời hạn xử lý kỷ luật
5.1. Thời hạn: Nghị định 112/2020/NĐ-CP đã tăng thời hạn từ 2 tháng lên 90 ngày (tăng 30 ngày) và trường hợp kéo dài thì được 150 ngày.
5.2. Thời hiệu: Thời hiệu, thời hạn xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức được thực hiện theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức 2019, cụ thể:
+ 02 năm đối với hành vi vi phạm ít nghiêm trọng đến mức phải kỷ luật bằng hình thức khiển trách;
+ 05 năm đối với hành vi vi phạm không thuộc trường hợp nêu trên;
+ Đối với các hành vi vi phạm sau đây thì không áp dụng thời hiệu xử lý kỷ luật:
– Cán bộ, công chức, viên chức là đảng viên có hành vi vi phạm đến mức phải kỷ luật bằng hình thức khai trừ;
– Có hành vi vi phạm quy định về công tác bảo vệ chính trị nội bộ;
– Có hành vi xâm hại đến lợi ích quốc gia trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, đối ngoại;
– Sử dụng văn bằng, chứng chỉ, giấy chứng nhận, xác nhận giả hoặc không hợp pháp.
Như vậy, so với các quy định của Nghị định 34, nghị định 27 thì thời hiệu xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức đã có sự thay đổi rất lớn. Trước đây thời hiệu xử lý kỷ luật chỉ 24 tháng, theo quy định của Nghị định 112/2020/NĐ-CP thì thời hiệu xử lý kỷ luật là 2 năm, 5 năm hoặc không tính thời hiệu đối với từng mức độ vi phạm của cán bộ, công chức, viên chức.
6. Các hành vi bị xử lý kỷ luật
Nghị định 112/2020/NĐ-CP đã bổ sung quy định các hành vi bị xử lý kỷ luật gồm: Cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm các quy định về nghĩa vụ của cán bộ, công chức, viên chức; những việc cán bộ, công chức, viên chức không được làm; nội quy, quy chế của cơ quan, tổ chức, đơn vị; vi phạm đạo đức, lối sống hoặc vi phạm pháp luật khác khi thi hành công vụ thì bị xem xét xử lý kỷ luật.
– Quy định cụ thể mức độ của hành vi vi phạm được xác định như sau:
+ Vi phạm gây hậu quả ít nghiêm trọng là vi phạm có tính chất, mức độ tác hại không lớn, tác động trong phạm vi nội bộ , làm ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan, đơn vị công tác.
+ Vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng là vi phạm có tính chất, mức độ tác hại lớn, tác động ngoài phạm vi nội bộ, gây dư luận xấu trong cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân, làm giảm uy tín của cơ quan, đơn vị công tác…
7. Các hình thức xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức
7.1. Đối với cán bộ
Có 04 hình thức xử lý kỷ luật gồm: Khiển trách, cảnh cáo, cách chức, bãi nhiệm.
7.2. Đối với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý
Có 04 hình thức xử lý kỷ luật gồm: Khiển trách; Cảnh cáo; Hạ bậc lương; Buộc thôi việc.
7.3. Đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý
Có 05 hình thức xử lý kỷ luật gồm: Khiển trách; Cảnh cáo; Giáng chức; Cách chức; Buộc thôi việc. Nghị định 112/2020/NĐ-CP đã bỏ hình thức kỷ luật “Hạ bậc lương” đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý.
7.4. Đối với viên chức
a) Đối với với chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý: Có 03 hình thức kỷ luật: Khiển trách; Cảnh cáo; Buộc thôi việc.
b) Đối với viên chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý: Có 04 hình thức kỷ luật: Khiển trách; Cảnh cáo; Cách chức; Buộc thôi việc.
Nghị định 112/2020/NĐ-CP bổ sung quy định: Viên chức bị kỷ luật có thể bị hạn chế thực hiện hoạt động nghề nghiệp theo quy định của pháp luật có liên quan.
8. Về áp dụng các hình thức xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức
Nghị định 112/2020/NĐ-CP cơ bản kế thừa các Nghị định trước đây về áp dụng các hình thức kỷ luật đối với từng mức độ vi phạm của cán bộ, công chức. Tuy nhiên, có bổ sung một số điểm mới trong Hình thức khiển trách áp dụng đối với cán bộ, công chức và Hình thức cảnh cáo, hạ bậc lương giáng chức, buộc thôi việc
9. Áp dụng hình thức kỷ luật đối với viên chức
Hình thức kỷ luật khiển trách và Hình thức buộc thôi việc
10. Quy định rõ Thẩm quyền xử lý kỷ luật
Bổ sung việc xử lý kỷ luật đối với người đã nghỉ việc, về hưu, đây là quy định hoàn toàn mới của Nghị định 112.
11. Nghị định 112 bổ sung quy định: Trường hợp cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý bị tạm đình chỉ chức vụ thì không được hưởng phụ cấp chức vụ lãnh đạo, quản lý./.
Nguồn: Soytethainguyen