Năm 1878, Robert Koch (người tìm ra vi khuẩn Lao) phát hiện TCV từ mủ mụn nhọt và phân lập được TCV. Vi khuẩn tụ cầu có 3 loại (tụ cầu vàng, tụ cầu da và tụ cầu hoại sinh), trong 3 loại đó thì tụ cầu vàng (S.aureus) là loại gây nhiều bệnh nhiễm khuẩn ở cộng đồng cũng như trong bệnh viện (nhiễm khuẩn bệnh viện), đặc biệt gây nhiều bệnh cấp tính, nặng. Tụ cầu vàng kháng lại nhiều loại kháng sinh thông dụng, đặc biệt kháng lại kháng sinh methicilin.

Trong cộng đồng cũng như trong bệnh viện thì tụ cầu đặc biệt là loại tụ cầu vàng (TCV) có thể gây rất nhiều bệnh nhiễm khuẩn, trong đó có một số bệnh rất nặng và có thể dẫn đến tử vong nếu không được phát hiện sớm và điều trị tích cực. Theo một báo cáo tại hội thảo về chống nhiễm khuẩn thì ở các bệnh viện lớn hằng năm có 13,9% số trường hợp mắc bệnh nhiễm khuẩn là do vi khuẩn TCV nhập viện điều trị. Trong các bệnh nhiễm khuẩn do TCV gây ra thì bệnh nhiễm khuẩn huyết và viêm nội tâm mạc là những bệnh rất nặng. Hai bệnh này thường có liên quan với nhau, có diễn biến lâm sàng rất nặng và phức tạp, chiếm tỷ lệ khoảng 30 – 40% các trường hợp. Đây là những bệnh cấp tính, nặng có thể gây tử vong; nặng nhất là nhiễm khuẩn máu gây tử vong cao do suy đa tạng, nếu không được chẩn đoán, điều trị kịp thời.

 Những thực phẩm dễ bị nhiễm TCV nhất là trứng, thịt gia súc, gia cầm (gà), cá ngừ, salad, khoai tây, các loại bánh nướng có kem và các sản phẩm từ sữa…Thời gian ủ bệnh khi ăn phải thức ăn có TCV rất ngắn, khoảng từ 1-6 giờ, trung bình là 3 giờ. TCV không gây ra dịch, nhưng vẫn thường xảy ra những vụ ngộ độc thực phẩm cho nhiều người. Độc tố TCV khá bền với nhiệt: Nhiệt độ 100 độ C trong 15 phút chưa bị phá hủy. Vì vậy, thức ăn nấu chín, dù TCV chết hết nhưng độc tố vẫn tồn tại. Muốn khử hoàn toàn độc tố TCV, phải đun sôi liên tục ít nhất 2 giờ.

Nhiễm khuẩn huyết do TCV thường xuất phát từ một ổ nhiễm trùng nào đó trên cơ thể (áp-xe, mụn nhọt, chốc đầu hoặc vết mổ nhiễm khuẩn, vết thương, bỏng, nhiễm khuẩn sau nạo phá thai, sót rau sau đẻ – quen gọi là sốt hậu sản…). Khoảng 25-30% người mang TCV ở da, mũi và hầu họng. Khi da hay đường hô hấp bị tổn thương hoặc cơ thể suy yếu, TCV sẽ xâm nhập mô hay vào máu gây bệnh hoặc gây bệnh đường thở.

Triệu chứng phổ biến là sốt cao, mạch nhanh, thở nhanh, khó thở, ho và có thể suy hô hấp gây khó thở dữ dội hoặc bị sốc nhiễm khuẩn, nhiễm độc và nếu không điều trị kịp thời có thể hình thành ổ áp-xe ở phổi. Viêm phổi và áp-xe phổi do tụ cầu có thể gây nên biến chứng như tràn dịch màng phổi và mủ màng phổi. Viêm phổi do TCV cũng có thể xuất phát từ nhiễm khuẩn huyết do tụ cầu.

Gây ra nhiều ca bệnh hiểm nghèo nhưng TCV lại có khả năng kháng lại nhiều loại thuốc kháng sinh (KS), kể cả những loại KS rất mạnh thuộc thế hệ mới.
Khởi đầu, từ những năm 60 của thế kỷ trước, người ta phát hiện ra TCV kháng lại các KS Penicillin, rồi sau này đến Ampicillin, Amoxicillin, Oxacillin… và tình trạng TCV kháng thuốc KS thực sự trầm trọng từ giữa thập niên 80. Y học phát hiện ra rằng TCV có khả năng tiết ra men penicillinase (hay betalactamase) có tác dụng phá hủy vòng betalactam – cấu trúc cơ bản của các KS nói trên – làm cho các KS này mất tác dụng.

Để “chạy đua” với các loại vi khuẩn kháng KS (không chỉ có TCV), các nhà khoa học luôn luôn nghiên cứu, điều chế ra những KS rất mạnh, như Vancomycin, Colistin, Telavancin, Linezoid… được coi như “bảo bối” để đặc trị những vi khuẩn cứng đầu. Tuy nhiên, những “bảo bối” này không nhiều và không sớm thì muộn cũng bị vi khuẩn kháng lại.

Hiện nay, nhiễm trùng bệnh viện – nhiễm trùng ở bệnh nhân điều trị nội trú tại viện – là một vấn đề lớn của y tế toàn cầu, một thách thức lớn, nan giải trong điều trị nhiễm khuẩn. Bởi nhiễm trùng BV hầu hết do các loại vi khuẩn kháng KS gây ra, trong đó có vai trò lớn của TCV.


Ca điều trị nhiễm khuẩn đường hô hấp tại Bệnh viện A Thái Nguyên

Phòng mắc bệnh do tụ cầu gây ra nên vệ sinh cá nhân sạch sẽ hằng ngày để phòng bệnh về nhiễm khuẩn da và nhiễm khuẩn đường hô hấp. Vệ sinh an toàn thực phẩm là một khâu hết sức quan trọng, vừa phòng ngộ độc thực phẩm do TCV gây ra, vừa phòng ngộ độc thực phẩm do các vi sinh vật khác. Để hạn chế sự kháng thuốc kháng sinh của vi khuẩn nói chung và TCV nói riêng, không nên tự mua thuốc kháng sinh để điều trị khi chưa có chỉ định của bác sĩ. Với đội ngũ bác sĩ khám chữa bệnh cần tuân thủ đúng các quy định sử dụng kháng sinh hợp lý của Bộ Y tế đề ra./.

Nguyễn Thị Khánh Hiệp
(Phòng Nghiệp vụ Y – Sở Y tế Thái Nguyên)

Nguồn: Soytethainguyen

Bài viết liên quan