Thực hiện các chương trình, chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước và quyết tâm thư Đại hội đại biểu các DTTS lần thứ II (năm 2019), trong 5 năm qua, kinh tế – xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi TP. Thái Nguyên đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, đời sống người dân được nâng lên rõ rệt.
Ông Phạm Đức Giang, Phó Chủ tịch UBND TP. Thái Nguyên cho biết, TP. Thái Nguyên có 18 dân tộc anh em cùng sinh sống. Những năm qua, để triển khai hiệu quả công tác dân tộc, chính sách dân tộc, cấp ủy Thành phố đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể từ Thành phố đến cơ sở quán triệt, triển khai các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc và chính sách dân tộc; xây dựng củng cố hệ thống chính trị cơ sở vùng đồng bào DTTS; kiện toàn cơ quan tham mưu công tác dân tộc; phát huy vai trò của Người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS…
Theo đó, đối với lĩnh vực triển khai công tác dân tộc, chính sách dân tộc, Thành phố xác định trọng tâm là đẩy mạnh thực hiện hiệu quả các chương trình MTQG trên địa bàn. Cụ thể, đối với Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025, Thành phố đã triển khai 5/10 dự án, ưu tiên giải quyết những vấn đề bức thiết nhất trong vùng đồng bào DTTS và miền núi như: Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; giải quyết việc làm cho người lao động vùng đồng bào DTTS và miền núi; ngăn chặn, đẩy lùi giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS và miền núi… nhằm tạo điều kiện tốt nhất để đồng bào DTTS ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo.
Đến nay, Thành phố đã xây dựng 3 công trình nước sinh hoạt tập trung cho đồng bào DTTS tại các xã Phúc Trìu, Phúc Hà; hỗ trợ 48 hộ đồng bào nước sinh hoạt phân tán; phê duyệt danh sách 42 hộ đồng bào được hỗ trợ chuyển đổi nghề… với tổng số tiền trên 3 tỷ đồng. Thành phố cũng quan tâm đẩy mạnh giải quyết việc làm cho người lao động vùng đồng bào DTTS và miền núi. Với nguồn vốn sự nghiệp được giao năm 2022 -2023 là 899,7 triệu đồng, Thành phố đã tổ chức 7 lớp đào tạo nghề trình độ sơ cấp cho 210 học viên. Các nghề được đào tạo là: Trồng và chế biến chè xanh; kỹ thuật trồng rau an toàn; kỹ thuật chế biến món ăn; kỹ thuật nuôi và trị bệnh cho Gà…Đồng thời, tổ chức 8 hội nghị tuyên truyền, tư vấn hướng nghiệp, khởi nghiệp, học nghề, việc làm và các dịch vụ hỗ trợ việc làm, đi làm việc ở nước ngoài cho đồng bào DTTS với nguồn vốn năm 2022-2023 là 205,5 triệu đồng… Năm 2024, trên cơ sở nguồn vốn được giao là 1.150 triệu đồng, Thành phố tiếp tục tổ chức 8 lớp đào tạo nghề cho lao động thuộc vùng đồng bào DTTS…
Đối với công tác giảm nghèo, Thành phố lồng ghép các các Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững và Chương trình xây dựng Nông thôn mới để tăng hiệu quả nguồn lực đầu tư hỗ trợ. Từ năm 2019 đến tháng 5/2024, TP. Thái Nguyên đã đầu tư trên 6.000 tỷ đồng để phát triển kết cấu hạ tầng. Đến nay. cơ sở hạ tầng thiết yếu vùng DTTS&MN trên địa bàn thành phố đã được đầu tư hoàn thiện, tạo điều kiện tốt nhất để đồng bào khu vực miền núi, vùng DTTS phát triển sản xuất.
Cùng với đó, các chương trình, chính sách hỗ trợ hộ nghèo như: Chính sách hỗ trợ sửa chữa nhà dột nát, hỗ trợ đào tạo nghề, hỗ trợ sử dụng viễn thông, hỗ trợ tiền điện, nước sinh hoạt; Chính sách vay vốn tín dụng ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội trong 5 năm qua được triển khai thực hiện có hiệu quả… giúp các hộ nghèo, cận nghèo trong đó có đồng bào DTTS từng bước vươn lên. Đặc biệt, Thành phố đã hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà đại đoàn kết cho 401 hộ gia đình (làm nhà ở mới cho 83 hộ nghèo, sửa chữa nhà cho 318 hộ nghèo, hộ cận nghèo) với tổng kinh phí là 21,979 tỷ đồng…
Nhờ đó, đời sống Nhân dân trên địa bàn Thành phố và vùng DTTS và miền núi đã có những thay đổi rõ nét. Năm 2019 tỷ lệ hộ nghèo của các xã, phường vùng DTTS và miền núi là: 2,09%; hộ cận nghèo: 1,79%; đến năm 2024 giảm tỷ lệ hộ nghèo đồng bào DTTS là: 0,4%; hộ cận nghèo: 0,4%. Đời sống người dân được cải thiện, thu nhập bình quân đầu người tại khu vực nông thôn đạt 57,4 triệu đồng/người/năm. Người dân phấn khởi tin tưởng, tích cực hưởng ứng tham gia phong trào xây dựng nông thôn mới. Đến năm 2025 TP. Thái Nguyên phấn đấu có 05/11 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao 06/11 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
Đời sống vật chất ổn định, từng bước nâng cao, công tác văn hoá, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp các dân tộc trên địa bàn Thành phố cũng được chú trọng, quan tâm. Hiện nay, Thành phố có 01 điểm du lịch vùng dân tộc được công nhận là điểm du lịch địa phương đó là: Khu bảo tồn làng nhà sàn du lịch sinh thái Thái Hải tại xóm Mỹ Hào, xã Thịnh Đức. Các lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc và các hoạt động tín ngưỡng tôn giáo trong đồng bào DTTS luôn được Thành phố quan tâm chỉ đạo, từ đó tạo không khí vui tươi, phấn khởi đoàn kết, phát huy, giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc như: Lễ hội truyền thống của dân tộc Sán Dìu ở xóm Khuôn xã Phúc Trìu, Câu lạc bộ hát Soọng Cô của dân tộc Sán Dìu tại xã Sơn Cẩm, Lễ hội đình Làng Trà, Đền làng Sơn Cẩm xã Sơn Cẩm, Lễ hội Đình Quan Triều phường Quan Triều…
Nguồn: Soytethainguyen