Bị viêm tủy răng nên uống thuốc gì là mối bận tâm của nhiều bệnh nhân. Được biết, sử dụng thuốc là biện pháp hỗ trợ bên cạnh các kỹ thuật nha khoa chuyên sâu. Tùy theo mức độ bệnh và tình trạng sức khỏe của từng trường hợp, bác sĩ có thể chỉ định dùng kháng sinh, thuốc giảm đau, chống viêm,…
Bị viêm tủy răng uống thuốc gì nhanh khỏi?
Tủy răng là cơ quan nằm sâu bên trong răng và được bảo vệ bởi ngà răng, men răng. Cơ quan này là tổ chức mô mềm gồm nhiều mạch máu và dây thần kinh. Tủy răng có thể bị viêm nhiễm do ảnh hưởng của chấn thương, viêm nha chu và bệnh sâu răng.
Viêm tủy răng được chia thành nhiều giai đoạn bao gồm viêm tủy răng có hồi phục và viêm tủy răng không hồi phục. Thuốc thường được chỉ định ở cả hai giai đoạn. Tuy nhiên tùy theo từng trường hợp cụ thể, bác sĩ sẽ xem xét sử dụng loại thuốc phù hợp nhất.
Dưới đây là một số loại thuốc trị viêm tủy răng được sử dụng phổ biến nhất:
1. Thuốc kháng sinh điều trị viêm tủy răng
Kháng sinh là nhóm thuốc có tác dụng ức chế và tiêu diệt vi khuẩn. Thuốc thường được sử dụng trong điều trị các bệnh viêm nhiễm răng miệng như áp xe quanh chóp răng, viêm quanh chân răng, viêm nha chu,… Đối với viêm tủy răng, kháng sinh được chỉ định trong giai đoạn tiền viêm tủy (viêm tủy răng có hồi phục).
Các loại thuốc kháng sinh điều trị viêm tủy răng bao gồm:
- Amoxicillin:
Amoxicillin là kháng sinh nhóm penicillin. Đây là loại kháng sinh được sử dụng phổ biến trong điều trị bệnh viêm tủy răng. Thuốc có tác dụng diệt khuẩn với phổ kháng khuẩn rộng. Nghiên cứu cho thấy, Amoxicillin hiệu quả với phần lớn các vi khuẩn gram âm và gram dương. Do đó, loại thuốc này thường được dùng trong điều trị viêm tủy răng và các bệnh viêm nhiễm răng miệng thường gặp khác.
Tuy nhiên, cần tránh sử dụng Amoxicillin nếu có tiền sử dị ứng với bất cứ kháng sinh nhóm penicillin nào. Trong thời gian sử dụng, thuốc có thể gây ngoại ban (thường xảy ra sau 7 ngày điều trị), buồn nôn, tiêu chảy, nôn mửa,… Để đảm bảo an toàn, nên thông báo với bác sĩ các tác dụng phụ gặp phải trong thời gian dùng thuốc.
- Clindamycin:
Clindamycin là kháng sinh thuộc nhóm lincosamid. Thuốc có tác dụng diệt khuẩn bằng cách liên kết với ribosom dẫn đến ức chế khả năng tổng hợp protein của vi khuẩn. Clindamycin có hiệu quả với các vi khuẩn gram âm và gram dương.
Tuy nhiên, Clindamycin là một trong những loại kháng sinh có nguy cơ gây viêm đại tràng giả mạc – một dạng viêm đại tràng cấp tính do loạn khuẩn ruột. Vì vậy nếu có tiền sử mắc bệnh lý này hoặc có các vấn đề về đường ruột, bạn nên trao đổi với bác sĩ trước khi sử dụng kháng sinh Clindamycin trong điều trị viêm tủy răng.
- Azithromycin:
Azithromycin là kháng sinh nhóm macrolid có phổ kháng khuẩn rộng. Tương tự như Clindamycin, loại thuốc này có tác dụng diệt khuẩn bằng cách gắn với ribosom của vi khuẩn gây nhiễm trùng, dẫn đến ức chế tổng hợp protein của vi khuẩn. Azithromycin có hiệu quả với nhiều chủng vi khuẩn gram âm và gram dương nên được sử dụng khá rộng rãi trong điều trị viêm tủy răng.
Đặc biệt, Azithromycin có thể được dùng thay thế cho Amoxicillin trong trường hợp dị ứng với penicillin. Tuy nhiên, loại thuốc này không phù hợp với trường hợp mẫn cảm với kháng sinh thuộc nhóm macrolid.
- Metronidazole:
Metronidazole là một trong những loại kháng sinh được sử dụng phổ biến trong điều trị các bệnh nhiễm khuẩn răng miệng. Thuốc có tác dụng trên vi khuẩn kỵ khí và động vật nguyên sinh. Ngoài viêm tủy răng, Metronidazole cũng được sử dụng để điều trị viêm nướu quanh thân răng và viêm lợi loét hoại tử cấp tính.
Trong thời gian sử dụng, Metronidazole có thể gây ra một số tác dụng phụ như tiêu chảy, đau bụng, chán ăn, buồn nôn, nôn mửa và miệng có vị kim loại khó chịu. Nếu xảy ra các tác dụng phụ có mức độ nặng như lú lẫn, mất điều hòa, chóng mặt,… cần chủ động ngưng thuốc và thông báo ngay với bác sĩ để được xử trí kịp thời.
2. Thuốc giảm đau chữa viêm tủy răng
Viêm tủy răng thường gây đau nhức nhiều, cơn đau thường bùng phát vào ban đêm hoặc xảy ra khi ăn uống. Để kiểm soát triệu chứng này, bác sĩ sẽ chỉ định dùng kháng sinh kết hợp với thuốc giảm đau. Loại thuốc giảm đau được sử dụng phổ biến nhất hiện nay là Paracetamol.
Paracetamol ức chế tổng hợp prostaglandin ở hệ thần kinh trung ương nhằm kiểm soát cơn đau có mức độ nhẹ đến trung bình. Ngoài ra, thuốc còn tác dụng đến vùng dưới dồi dẫn đến hạ thân nhiệt trong trường hợp sốt nhẹ đến sốt cao. Với tác dụng chính là hạ sốt và giảm đau, Paracetamol được sử dụng rất phổ biến trong điều trị các bệnh lý nha khoa.
Chống chỉ định:
- Tiền sử dị ứng, quá mẫn với Paracetamol
- Thiếu hụt men G6PD
- Thiếu máu nhiều lần
- Có vấn đề về gan, thận, phổi và tim
Paracetamol là loại thuốc giảm đau không kê toa tương đối an toàn ở liều điều trị. Thuốc ít gây tác dụng phụ khi sử dụng. Tuy nhiên ở một số trường hợp, loại thuốc này có thể gây ra các tác dụng không mong muốn như thiếu máu, buồn nôn, nôn mửa,…
Paracetamol chuyển hóa qua gan nên cần tránh dùng cùng lúc với rượu bia và thuốc chống co giật. Nếu sử dụng thuốc mà không có toa của bác sĩ, bạn chỉ nên dùng trong khoảng 3 – 5 ngày để đảm bảo an toàn.
3. Viêm tủy răng uống thuốc gì? Sử dụng các loại thuốc chống viêm
Ngoài cảm giác đau nhức, viêm tủy răng còn gây phù nề và sưng viêm mô nướu bao quanh răng. Vì vậy, bác sĩ cũng có thể chỉ định dùng thêm thuốc kháng viêm. Hiện nay, thuốc kháng viêm được sử dụng trong điều trị viêm tủy răng chủ yếu là corticoid (thường là Prenisone và Dexamethasone).
Thuốc chống viêm có tác dụng ức chế miễn dịch nhằm giảm hiện tượng viêm ở mô nướu bao xung quanh răng bị tổn thương. Mặc dù có hiệu quả kháng viêm tốt nhưng nhóm thuốc này tiềm ẩn nhiều rủi ro và nguy cơ nên chỉ được sử dụng trong thời gian ngắn với liều thấp nhất có đáp ứng.
4. Nước súc miệng sát khuẩn
Ngoài thuốc uống, điều trị viêm tủy răng còn bao gồm cả sử dụng nước súc miệng sát khuẩn (Chlorhexidine, Hexetidine,…). Các hoạt chất này có tác dụng tiêu diệt virus, nấm và các loại hại khuẩn có trong khoang miệng. Sử dụng nước súc miệng diệt khuẩn giúp kiểm soát phần nào hiện tượng viêm nhiễm ở tủy răng và ngăn ngừa vi khuẩn lây lan gây ra nhiều biến chứng nặng nề.
Các loại nước súc miệng sát khuẩn được khuyến cáo dùng 2 lần/ ngày trong thời gian điều trị viêm tủy răng. Thuốc chỉ cho tác dụng tại chỗ nên hầu như không gây ra tác dụng phụ có mức độ nặng. Ngoài ra, bạn cũng có thể sử dụng nước súc miệng chứa Chlorhexidine và Hexetidine,… để phòng ngừa sâu răng và các bệnh nha khoa thường gặp khác.
5. Thuốc giảm đau tại chỗ
Nếu chưa thể đến phòng khám, bạn có thể giảm đau bằng cách sử dụng thuốc giảm đau tại chỗ (Benzocaine và Lidocaine). Các loại thuốc này thường được bào chế ở dạng gel hoặc kem bôi và được sử dụng trực tiếp lên mô nướu bị sưng viêm.
Benzocaine và Lidocaine có tác dụng phong bế thần kinh dẫn đến giảm thụ cảm cơn đau và cảm giác ê buốt, khó chịu do viêm tủy răng gây ra. Loại thuốc này có thể dùng nhiều lần trong ngày để kiểm soát cơn đau và một số triệu chứng đi kèm.
6. Thuốc chữa viêm tủy răng do nhiễm khuẩn
Trong trường hợp bệnh nhân bị viêm tủy răng do các nhiễm khuẩn, nha sĩ sẽ chỉ định sử dụng các loại thuốc sau:
- Clindamycin: Đây là loại thuốc điều trị viêm tủy răng khá phổ biến có tác dụng ức chế và ngăn ngừa sự tấn công của vi khuẩn gây hại. Liều lượng chuẩn là uống 300 – 600 mg một lần, mỗi lần cách nhau 8 tiếng. Đối tượng chống chỉ định: Bệnh nhân mắc các bệnh liên quan đến hệ tiêu hóa, điển hình là viêm loét hoặc trào ngược dạ dày.
- Penicillin/Amoxicillin: Penicillin được biết đến là loại thuốc dùng để điều trị nhiễm trùng răng miệng. Amoxicillin cũng là loại thuốc chữa viêm tủy răng phổ biến trên thị trường, thuộc nhóm Penicillin. Hai loại thuốc này đều có tác dụng loại bỏ vi khuẩn gây viêm tủy răng và đẩy nhanh quá trình phục hồi. Tùy vào tình trạng sức khỏe răng miệng và mức độ viêm, nha sĩ sẽ chỉ định loại thuốc phù hợp nhất. Liều lượng sử dụng như sau: Mỗi lần uống 500mg cách nhau 8 tiếng hoặc uống 1000mg, cách nhau 12 tiếng. Nếu kết hợp cả Axit Clavulanic thì sử dụng 500 – 2000mg/lần và cách nhau khoảng 8 – 12 tiếng.
- Azithromycin: Thuốc Azithromycin được dùng cho những đối tượng bị viêm tủy răng cấp nhằm ức chế sự phát triển của vi khuẩn gây hại. Bên cạnh đó, loại thuốc này giúp giảm viêm, giảm sưng cho những người bị viêm tủy răng do hút thuốc lá. Liều dùng được khuyến cáo là 500mg, uống sau 24 giờ và lưu ý uống liên tục trong vòng 3 ngày.
- Metronidazole: Đây là dòng thuốc kháng sinh điều trị viêm tủy răng có tác dụng tiêu diệt các loại vi khuẩn kỵ khí. Việc dùng thuốc Metronidazole phải tuân thủ đúng chỉ định của bác sĩ, tránh tác dụng phụ gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe. Liều lượng an toàn là 7.5mg/lần, mỗi lần dùng cách nhau 6 tiếng.
Trong trường hợp bệnh nhân bị kích ứng với uống cần thông báo ngay với bác sĩ để có biện pháp xử lý kịp thời, tránh những biến chứng khó lường như suy gan, suy thận,…
Lưu ý khi dùng các loại thuốc trị viêm tủy răng
Dùng thuốc trị viêm tủy răng có thể kiểm soát nhiễm trùng và giảm cơn đau cùng với một số triệu chứng đi kèm. Tuy nhiên, sử dụng thuốc cũng có thể gây ra tác dụng phụ và những tình huống rủi ro.
Để đảm bảo an toàn khi dùng thuốc trị viêm tủy răng, bạn cần lưu ý những vấn đề sau:
- Nếu chưa thể đến phòng khám ngay, có thể sử dụng một số loại thuốc không kê toa để giảm cơn đau. Sau đó, nên sắp xếp thời gian đến nha khoa để được bác sĩ khám và điều trị bệnh dứt điểm.
- Thực tế, tất cả các trường hợp bị viêm tủy răng đều cần phải can thiệp các kỹ thuật nha khoa. Sử dụng thuốc chỉ là phương pháp hỗ trợ bên cạnh các biện pháp điều trị chính. Vì vậy, bạn không nên phụ thuộc hoàn toàn vào các loại thuốc được đề cập trong bài viết.
- Nếu có tiền sử dị ứng thuốc hoặc mắc các vấn đề sức khỏe, nên thông báo với bác sĩ để được cân nhắc khi dùng thuốc. Bởi nguy cơ gặp phải tác dụng phụ có thể tăng lên ở những người có bệnh lý nền.
- Dùng thuốc theo hướng dẫn, không tự ý tăng hoặc giảm liều khi chưa có chỉ định.
- Các loại thuốc trị viêm tủy răng có thể tương tác với một số loại thuốc khác. Vì vậy, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng phối hợp.
- Không dùng rượu bia trong thời gian sử dụng thuốc. Bởi cồn có thể ảnh hưởng sinh khả dụng của thuốc và làm tăng độc tính lên gan, thận.
- Chú ý các biểu hiện trong thời gian điều trị và thông báo ngay với bác sĩ để được xử trí kịp thời.
Bài viết đã tổng hợp các thông tin giải đáp “Bị viêm tủy răng uống thuốc gì giảm đau nhanh, chóng khỏi?”. Tuy nhiên, thông tin trên chỉ đề cập đến các loại thuốc thông dụng nhất. Trên thực tế, bác sĩ có thể chỉ định thêm một số loại thuốc khác tùy theo từng trường hợp cụ thể. Để được tư vấn cụ thể hơn, bạn nên trao đổi trực tiếp với bác sĩ chuyên khoa Răng hàm mặt.
Tham khảo thêm:
Bài viết liên quan
Viêm tủy răng hồi phục và không hồi phục có gì khác biệt?
Viêm tủy răng mãn tính là gì? Có nguy hiểm không?
Chữa Tủy Răng Bao Lâu Thì Hết Đau? Quy trình điều trị
Răng Chết Tủy Tồn Tại Được Bao Lâu? Giải đáp
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!