Viêm tủy răng để lâu có sao không là vấn đề rất được quan tâm. Trên thực tế, đây là bệnh lý có mức độ nặng và tiến triển nghiêm trọng dần theo thời gian. Nếu không được điều trị sớm, viêm tủy răng có thể gây hoại tử tủy, áp xe quanh chóp răng,…
Viêm tủy răng để lâu có sau không? Có gây biến chứng?
Viêm tủy răng là một trong những bệnh lý nha khoa thường gặp. Bệnh lý này xảy ra khi tủy răng bị viêm nhiễm do vi khuẩn (thường là các vi khuẩn thường trú trong khoang miệng). Tủy răng là cơ quan khép kín, được bảo vệ bởi men răng và ngà răng. Tuy nhiên, vi khuẩn có thể phá hủy răng, sau đó xâm nhập vào tủy hoặc có thể đi ngược vào tủy răng thông qua kẽ hở ở chóp răng (chân răng).
Viêm tủy răng thường gặp ở người bị viêm nha chu, sâu răng ăn vào tủy hoặc do chấn thương, nhiễm độc hóa chất (chì, thủy ngân). Là một trong những cơ quan chính của răng, tủy răng bị viêm nhiễm có thể gây ra nhiều ảnh hưởng nếu không được điều trị sớm. Vậy, bệnh viêm tủy răng để lâu có sao không?
Được biết, viêm tủy răng là bệnh lý nha khoa có tiến triển nhanh. Ban đầu, vi khuẩn chỉ gây viêm tủy răng nhẹ (có hồi phục), sau đó chuyển sang viêm tủy răng cấp tính, mãn tính và viêm tủy răng hoại tử (chết tủy). Vì vậy nếu không được điều trị sớm, vi khuẩn gây viêm nhiễm có thể lây lan sang những cơ quan khác, ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe răng miệng và thể trạng.
Thực tế, viêm tủy răng là một trong những bệnh lý răng miệng có thể gây ra nhiều biến chứng nếu không được điều trị. Do đó, bạn nên tránh tâm lý chủ quan trước những biểu hiện của cơ thể. Thay vào đó, cần chủ động khám chữa bệnh để kiểm soát viêm nhiễm và dự phòng các biến chứng nguy hiểm.
Các biến chứng nguy hiểm của bệnh viêm tủy răng
Viêm tủy răng không chỉ gây đau nhức, ê buốt răng mà còn có thể tiến triển xấu dẫn đến nhiều biến chứng như:
1. Hoại tử tủy (chết tủy)
Hoại tử tủy là giai đoạn cuối của bệnh viêm tủy răng. Ban đầu, vi khuẩn chỉ gây viêm nhiễm một phần nhỏ của tủy và hoàn toàn có khả năng hồi phục. Tuy nhiên nếu bỏ qua giai đoạn này, tủy răng bắt đầu bị hư hại nặng, các mạch máu và tế bào thần kinh bị phá hủy không còn khả năng tái tạo.
Nếu không được điều trị sớm, tủy răng có thể bị hoại tử hoàn toàn (giai đoạn viêm tủy răng hoại tử tủy). Khi tủy chết hoàn toàn, răng thường có màu xám đen, men răng yếu, dễ lung lay và khoang miệng có mùi hôi khó chịu.
2. Áp xe quanh chóp răng
Áp xe quanh chóp răng cũng là biến chứng thường gặp của bệnh viêm tủy răng. Biến chứng này xảy ra khi vi khuẩn di chuyển từ khoang tủy xuống chóp răng (chân răng) gây viêm nhiễm và hình thành túi mủ tại đây.
Áp xe quanh chóp răng gây đau nhức dữ dội, mô nướu sưng thành cục lớn, hôi miệng,… Nếu không điều trị sớm, ổ áp xe có thể vỡ khiến vi khuẩn lây lan sang những cơ quan khác như sàn miệng, vùng dưới lưỡi, niêm mạc má, nướu, dây chằng nha chu.
Có thể bạn quan tâm: Ổ mủ áp xe chân răng tự vỡ có nguy hiểm không?
3. Viêm nhiễm lan rộng
Tương tự như các bệnh viêm nhiễm răng miệng khác, viêm tủy răng không được điều trị sẽ tạo điều kiện để vi khuẩn lây lan rộng. So với nhiễm trùng khu trú ở tủy răng, những trường hợp viêm nhiễm lan rộng thường khó điều trị hơn.
4. Tăng nguy cơ viêm xoang hàm
Xoang hàm nằm ở vị trí liền kề với răng hàm trên. Trong một số trường hợp, vi khuẩn trong khoang tủy có thể lây lan và gây viêm nhiễm xoang hàm. Xoang hàm giữ chức năng dự trữ và dẫn lưu dưỡng chất nuôi dưỡng xương. Khi cơ quan này bị tổn thương, vùng mặt sẽ có hiện tượng đau nhức, luôn cảm thấy nặng ở vùng má, chảy dịch mũi sau, đau đầu, sốt, mệt mỏi,…
Viêm xoang hàm kéo dài, không được điều trị còn có thể gây viêm nhiễm xoang ở những vị trí khác như xoang trán, xoang bướm, xoang sàng,… Ở những trường hợp nặng, vi khuẩn có thể lây lan sang các cơ quan lân cận như tai, mũi, họng, thanh quản và thậm chí là phế quản.
5. Viêm tủy triển dưỡng (polyp tủy)
Viêm tủy triển dưỡng (polyp tủy) thường xảy ra ở răng đã bị chết tủy. Polyp tủy là hiện tượng tủy tăng sản bất thường khiến khoang tủy xuất hiện các khối u, cục có màu hồng đỏ như nướu. Viêm tủy triển dưỡng thường không có triệu chứng nhưng đôi khi có thể gây đau và chảy máu khi nhai.
Khối polyp thường đạt kích thước tối đa trong khoảng vài tháng. Sau đó, không thay đổi kích thước. Bệnh lý này thường là biến chứng do viêm tủy răng hoại tử, răng gãy, vỡ do chấn thương, tăng lưu lượng máu đến khoang tủy và ảnh hưởng của hormone. Với những trường nhẹ, phần tủy phì đại sẽ dễ dàng được loại bỏ. Tuy nhiên nếu không điều trị sớm, răng có thể bị hư hại nặng phải nhổ bỏ để tránh tổn thương các răng lân cận.
6. Mất răng vĩnh viễn
Mất răng vĩnh viễn là biến chứng nặng nề của viêm tủy răng. Khi mới khởi phát, vi khuẩn chỉ khu trú bên trong khoang tủy. Tuy nhiên theo thời gian, vi khuẩn có thể gây tổn thương chân răng và khiến răng hư hại trầm trọng.
Với những trường hợp viêm tủy răng tiến triển nặng, bác sĩ buộc phải nhổ bỏ răng để tránh tổn thương các răng lân cận. Ngoại trừ răng khôn (răng số 8), tất cả các trường hợp mất răng khác đều phải phục hình răng Implant để tránh tình trạng tiêu xương hàm và sai lệch khớp cắn.
7. Các biến chứng xa
Ngoài những biến chứng lân cận, viêm tủy răng cũng có thể gây ra các biến chứng xa như viêm nội tâm mạc, thấp khớp, áp xe não,… Các biến chứng này ít khi xảy ra nhưng có mức độ rất nguy hiểm, đe dọa trực tiếp đến tính mạng. Vì vậy ngay khi nhận thấy các triệu chứng của viêm tủy răng, bạn nên thăm khám và điều trị sớm để phòng ngừa các biến chứng nguy hiểm.
Phòng ngừa biến chứng của viêm tủy răng bằng cách nào?
Có thể thấy, viêm tủy răng là bệnh lý nha khoa gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Để phòng ngừa biến chứng của bệnh, bạn nên chủ động khám – điều trị ngay khi nhận thấy các triệu chứng bất thường. Ngoài ra sau khi điều trị, nên phòng ngừa bệnh để bảo vệ sức khỏe răng miệng.
1. Chủ động phòng ngừa bệnh
Phòng bệnh là biện pháp hiệu quả nhất để tránh các biến chứng của viêm tủy răng. Đây là bệnh lý có thể ngăn ngừa bằng các biện pháp đơn giản như:
- Chải răng 2 – 3 lần/ ngày để làm sạch mảng bám và thức ăn thừa bên trong khoang miệng. Nên chải răng sau khi ăn và trước khi đi ngủ để ngăn sự phát triển của vi khuẩn.
- Sau khi chải răng, nên súc miệng với dung dịch diệt khuẩn, sát trùng. Tuy nhiên khi dùng nước súc miệng, cần tránh ăn uống trong ít nhất 30 phút.
- Thường xuyên sử dụng chỉ nha khoa làm sạch kẽ răng nhằm ngăn ngừa mảng bám và hạn chế tình trạng vi khuẩn phát triển quá mức.
- Hạn chế dùng thực phẩm và đồ uống chứa quá nhiều đường như bánh kẹo, nước ngọt có gas,… Đường là nguồn dinh dưỡng ưa thích của vi khuẩn có hại trong khoang miệng. Vì vậy, hạn chế đường có thể ngăn ngừa vi khuẩn phát triển và phòng ngừa được các bệnh nha khoa thường gặp.
- Tăng cường bổ sung rau xanh, thực phẩm giàu probiotic (lợi khuẩn) và trái cây. Các loại thực phẩm này có khả năng làm sạch răng miệng tự nhiên và ngăn ngừa hình thành mảng bám.
- Dùng kem đánh răng, nước súc miệng chứa fluor để tăng cường men răng. Các nghiên cứu cho thấy, bổ sung fluor có thể phòng ngừa sâu răng, viêm tủy răng và các bệnh nha khoa thường gặp.
- Bổ sung khoáng chất thông qua chế độ dinh dưỡng cũng là cách đơn giản để phòng ngừa viêm tủy răng. Nên dùng các loại thực phẩm giàu canxi, magie, phốt pho,… như hàu, tôm, cua, cá và các loại hải sản khác để tăng cường sức khỏe và chức năng đề kháng của răng miệng.
- Lấy cao răng định kỳ 6 tháng/ lần để loại bỏ vôi răng và ngăn chặn sự phát triển quá mức của vi khuẩn. Ngoài ra, khám răng miệng thường xuyên còn giúp bác sĩ phát hiện và điều trị sớm các vấn đề nha khoa tiềm ẩn.
2. Khám và điều trị kịp thời
Viêm tủy răng gây ra các triệu chứng dễ nhận biết như răng đau nhức dữ dội, cơn đau bùng phát khi ăn uống hoặc đau tự phát vào ban đêm, răng ê buốt, lung lay, sưng hạch góc hàm, sốt,… Ngay khi nhận thấy các triệu chứng này, bạn nên tìm gặp nha sĩ để được khám và tư vấn điều trị.
Các phương pháp điều trị được áp dụng cho bệnh viêm tủy răng:
- Nạo phần ngà sâu, thay miếng trám và che tủy bằng Ca(OH)2 để tủy răng tự hồi phục. Sau đó khoảng vài tuần, có thể trám vĩnh viễn để bảo vệ răng và ngăn ngừa viêm nhiễm tái phát.
- Trong trường hợp viêm tủy răng không hồi phục, điều trị ưu tiên là chữa tủy (điều trị nội nha). Sau đó, trám bít ống tủy bằng vật liệu nhân tạo để ngăn ngừa vi khuẩn xâm nhập.
- Với những trường hợp răng hư hại nặng, có thể phải nhổ bỏ răng và phục hình bằng Implant.
Trên đây là những thông tin giải đáp “Viêm tủy răng để lâu có sao không?” và đề cập đến một số biến chứng thường gặp của bệnh lý này. Hy vọng qua bài viết trên, bạn đọc có thể nhận biết được mức độ nghiêm trọng của bệnh và chủ động hơn trong việc điều trị, phòng ngừa.
Tham khảo thêm:
Bài viết liên quan
Viêm Tủy Răng Gây Hôi Miệng Và Cách Khắc Phục
Lấy Tủy Răng Không Sạch: Hậu Quả Và Biện Pháp Xử Lý
Lấy tủy răng hàm có đau không? Mất bao lâu?
Viêm tủy răng hồi phục và không hồi phục có gì khác biệt?
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!