Tủy răng bị nhiễm trùng thường gây đau nhức và ê buốt nhiều – đặc biệt là khi ăn uống. Nếu không được điều trị sớm, tủy răng có thể bị hoại tử hoàn toàn dẫn đến nhiều biến chứng nặng nề. Dựa vào mức độ nhiễm trùng của mô tủy, bác sĩ sẽ xem xét điều trị bảo tồn, lấy tủy hoặc nhổ bỏ răng.
Tủy răng bị nhiễm trùng – Dấu hiệu nhận biết
Tủy răng là cơ quan nằm bên trong ngà răng chứa nhiều mạch máu và dây thần kinh. Vì nằm sâu bên trong nên cơ quan này ít bị viêm nhiễm và tổn thương hơn so với ngà răng, men răng. Tuy nhiên khi có điều kiện thích hợp, vi khuẩn cũng có thể xâm nhập vào bên trong tủy răng gây nhiễm trùng cơ quan này.
Tủy răng bị nhiễm trùng gây ra các triệu chứng rất rõ rệt ở giai đoạn đầu. Nếu không được điều trị sớm, toàn bộ mô tủy sẽ bị phá hủy nặng dẫn đến viêm tủy răng mãn tính và thậm chí là chết tủy (hoại tử tủy). Ngoài ra, tình trạng chậm trễ trong điều trị nhiễm trùng tủy răng còn khiến vi khuẩn lây lan rộng gây ra nhiều ảnh hưởng và biến chứng nặng nề.
Để phát hiện và điều trị sớm tủy răng bị nhiễm trùng, bạn có thể nhận biết tình trạng này thông qua một số triệu chứng như:
- Khi tủy răng mới bị nhiễm trùng, răng thường có hiện tượng ê buốt và đau nhức nhẹ. Sau đó theo thời gian, mức độ đau và ê buốt tăng lên.
- Cơn đau thường bùng phát khi ăn uống nhưng cũng có thể tự phát vào ban đêm gây ảnh hưởng đến giấc ngủ và sinh hoạt.
- Nếu không điều trị sớm, nhiễm trùng tủy răng sẽ chuyển sang giai đoạn mãn tính và hoại tử tủy. Ở những giai đoạn này, răng chỉ bị đau nhức thoáng qua hoặc thậm chí không gây ra bất cứ triệu chứng nào.
- Quan sát răng bị nhiễm trùng tủy kinh niên nhận thấy men răng ngả màu, khoang miệng có mùi hôi, chất răng giòn, suy yếu và dễ lung lay.
- Trong một số trường hợp, tủy răng nhiễm trùng còn có thể đi kèm với hiện tượng răng mẻ, nứt, bong miếng trám, răng xuất hiện lỗ sâu lớn, mô nướu sưng đỏ, chảy máu,… tùy theo nguyên nhân cụ thể
Nhiễm trùng tủy răng có triệu chứng khá đa dạng, phụ thuộc vào giai đoạn phát triển của bệnh. Ở những giai đoạn sau, tủy răng bị hư hại nặng nên không còn chức năng thụ cảm và dẫn truyền cảm giác về não bộ. Mức độ nhiễm trùng tủy răng càng tăng thì triệu chứng càng mờ nhạt, nghèo nàn. Điều này gây ra nhiều khó khăn trong việc phát hiện và điều trị.
Nguyên nhân gây nhiễm trùng tủy răng
Nguyên nhân trực tiếp gây nhiễm trùng tủy răng là do vi khuẩn. Vi khuẩn gây ra bệnh lý này chủ yếu là các chủng vi khuẩn thường trú trong khoang miệng. Như đã đề cập, tủy răng nằm sâu bên trong nên vi khuẩn rất hiếm khi có thể xâm nhập vào nếu không có yếu tố thuận lợi.
Các nguyên nhân có thể khiến tủy răng bị nhiễm trùng:
1. Vi khuẩn (do sâu răng, viêm nha chu,…)
Vi khuẩn là tác nhân trực tiếp gây viêm nhiễm khoang tủy. Tuy nhiên, tủy răng được bao bọc bởi mô nướu, ngà răng và men răng nên ít khi hại khuẩn có thể xâm nhập vào. Vi khuẩn chỉ có thể đi vào buồng tủy và gây nhiễm trùng tủy răng khi có những điều kiện sau đây:
- Viêm nha chu: Viêm nha chu là tình trạng nhiễm trùng các tổ chức nâng đỡ răng bao gồm dây chằng nha chu, cement, mô nướu và xương ổ răng. Nếu không được kiểm soát, vi khuẩn trong các cơ quan này có thể đi qua kẽ hở nhỏ ở chân răng vào bên trong buồng tủy dẫn đến nhiễm trùng tủy răng. Tủy răng bị nhiễm trùng do viêm nha chu thường có những biểu hiện như hôi miệng, tụt lợi, tích tụ nhiều cao răng, mô lợi sưng, sẫm màu, dễ chảy máu,…
- Sâu răng ăn vào tủy: Sâu răng là tình trạng mất các mô cứng của men răng, ngà răng do quá trình hủy khoáng gây ra bởi vi khuẩn. Bệnh lý này có tiến triển chậm và hoàn toàn có thể khắc phục nếu điều trị sớm. Trong trường hợp chủ quan, vi khuẩn có thể ăn vào ngà răng và tủy răng dẫn đến nhiễm trùng tủy.
- Do vi khuẩn khu trú trong máu: Ở một số trường hợp, vi khuẩn có thể khu trú trong máu và di chuyển đến tủy răng gây viêm nhiễm mô tủy. Tuy nhiên, nguyên nhân này ít khi xảy ra hơn so với viêm nha chu và sâu răng.
2. Nguyên nhân tự tạo
Nguyên nhân tự tạo đề cập đến các yếu tố tự tạo khiến vi khuẩn dễ dàng xâm nhập vào khoang tủy gây tổn thương cơ quan này.
Các nguyên nhân tự tạo có thể gặp phải bao gồm:
- Mài răng: Mài răng không đúng kỹ thuật như mài răng khô, nóng quá mức,… có thể gây hư hại men răng. Tạo điều kiện thuận lợi để vi khuẩn xâm nhập vào bên trong buồng tủy gây nhiễm trùng, hư hại tủy răng.
- Miếng trám cộm, bong: Miếng trám có vai trò phục hình răng và ngăn chặn vi khuẩn xâm nhập vào bên trong khoang tủy. Tuy nhiên nếu miếng trám bong và cộm (thường do thực hiện ở những cơ sở kém chất lượng), vi khuẩn có thể đi vào khoang tủy và gây nhiễm trùng tủy răng.
Đa phần các nguyên nhân tự tạo đều bắt nguồn từ việc thực hiện các kỹ thuật nha khoa ở những cơ sở không đảm bảo, bác sĩ tay nghề yếu kém,…
3. Chấn thương, tai nạn
Chấn thương, tai nạn có thể gây đứt mạch máu nuôi dưỡng tủy, kích thích phản ứng viêm và gây hoại tử tủy. Đối với nguyên nhân này, tủy thường bị nhiễm trùng trong thời gian ngắn. Sau đó, chuyển sang giai đoạn chết tủy (hoại tử tủy) nên rất khó nhận biết do triệu chứng mờ nhạt.
4. Không rõ nguồn gốc
Ở một số trường hợp, nhiễm trùng tủy răng không thể phát hiện được nguyên nhân cụ thể. Tuy nhiên trên thực tế, tình trạng này thường gặp nhiều ở những đối tượng sau:
- Người mắc các bệnh nha khoa như sâu răng, viêm nha chu, viêm quanh chóp răng,…
- Người có thói quen vệ sinh răng miệng kém
- Hút thuốc lá lâu năm
- Thường xuyên sử dụng rượu bia
- Răng nứt, mẻ do chấn thương
Tủy răng bị nhiễm trùng có nguy hiểm không?
Tủy răng bị nhiễm trùng gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe răng miệng. Tủy là một trong ba cơ quan chính của răng bên cạnh men răng và ngà răng. Tủy răng nắm giữ vai trò nuôi dưỡng ngà răng, tái tạo, phục hồi các mô răng bị hư tổn và dẫn truyền cảm giác về não bộ. Khi tủy răng bị nhiễm trùng, sức đề kháng của răng sẽ suy giảm dần theo thời gian.
Nếu không được điều trị sớm, tủy răng bị nhiễm trùng có thể gây ra những biến chứng, ảnh hưởng như:
- Viêm nhiễm lan tỏa: Vi khuẩn gây nhiễm trùng tủy răng có thể đi qua kẽ hở của chóp răng (chân răng) và lây lan đến các cơ quan khỏe mạnh như mô nướu, răng lân cận, sàn miệng, vùng dưới lưỡi, niêm mạc má, mô xoang, amidan, hầu họng,… Một số trường hợp nặng còn có thể bị áp xe não và viêm nội tâm mạc do nhiễm trùng tủy răng không được kiểm soát.
- Chết tủy (hoại tử tủy): Nếu không xử lý sớm, vi khuẩn có thể phá hủy toàn bộ mạch máu và tế bào thần kinh bên trong khoang tủy gây chết tủy (hoại tử tủy). Răng bị chết tủy thường không có cảm giác – ngay cả khi dùng thức ăn nóng, lạnh. Hoại tử tủy khiến răng giảm tuổi thọ, chất răng giòn, suy yếu và ngả màu theo thời gian.
- Hôi miệng: Tủy răng là cơ quan chứa nhiều chất hữu cơ nên vi khuẩn phát triển nhanh và mạnh hơn so với men răng và ngà răng. Khi phá hủy mạch máu và tế bào thần kinh trong khoang tủy, vi khuẩn sẽ tiết ra dịch mủ và mùi hôi khó chịu. Hôi miệng do nhiễm trùng tủy răng có đặc tính dai dẳng, mãn tính và hầu như không có cải thiện ngay khi vệ sinh răng miệng đúng cách.
- Viêm tủy triển dưỡng: Viêm tủy triển dưỡng (polyp tủy) là biến chứng khi nhiễm trùng tủy răng không được điều trị khiến răng chết tủy trong thời gian dài. Polyp tủy là sự tăng sinh của khoang tủy với biểu hiện là các mô màu hồng, đỏ nằm bên trong tủy răng. Viêm tủy triển dưỡng có thể gây đau, chảy máu khi ăn, nhai và gây hư hại cấu trúc răng nặng nếu không được xử lý sớm.
- Mất răng: Mất răng là hậu quả do không điều trị sớm các vấn đề nha khoa. Đối với nhiễm trùng tủy răng, vi khuẩn không được kiểm soát có thể phá hủy chân răng, khoang tủy khiến răng bị mất chất, trở nên giòn và suy yếu. Mất răng khiến răng ở vị trí này mất hoàn toàn chức năng nhai, nghiền nát thức ăn và thẩm mỹ.
Cách chữa tủy răng bị nhiễm trùng theo từng giai đoạn
Tủy răng bị nhiễm trùng tiến triển theo từng giai đoạn. Bác sĩ sẽ dựa vào giai đoạn cụ thể để đưa ra phương án điều trị phù hợp nhất.
1. Chữa tủy răng bị nhiễm trùng có hồi phục
Tủy răng bị nhiễm trùng có hồi phục là giai đoạn mới phát. Lúc này, tủy răng chỉ mới bị viêm nhiễm nhẹ và có khả năng hồi phục bằng các phương pháp bảo tồn. Ở giai đoạn có hồi phục, răng thường bị đau nhức do kích thích (ăn đồ chua, ngọt, lạnh), cơn đau nhói lên và chỉ khu trú ở một vị trí.
Đối với nhiễm trùng tủy răng có hồi phục, lựa chọn ưu tiên là các phương pháp bảo tồn. Nếu thăm khám và điều trị kịp thời, tủy răng sẽ hồi phục hoàn toàn sau một thời gian ngắn. Ngoài khám lâm sàng, bác sĩ sẽ yêu cầu chụp X-Quang để xác định đúng mức độ tổn thương của khoang tủy.
Cách điều trị tủy răng bị nhiễm trùng có hồi phục:
- Loại bỏ toàn bộ phần ngà bị viêm nhiễm để tránh vi khuẩn xâm nhập và gây tổn thương khoang tủy.
- Trám tủy bằng Ca(OH)2 hoặc Eugenol + Oxyd kẽm. Các thành phần này có khả năng sát trùng, kháng khuẩn giúp tiêu diệt vi khuẩn và tạo điều kiện để tủy răng phục hồi.
- Sau khi trám tạm bằng các loại thuốc, hóa chất sát trùng, bạn sẽ được theo dõi từ 1 – 2 tuần. Nếu tủy răng tái tạo tốt, răng hết đau nhức và ê buốt, bác sĩ sẽ tiến hành trám phục hồi bằng một số vật liệu như composite lỏng, GIC,…
Trong trường hợp tủy răng không hồi phục sau 1 – 2 tuần, bác sĩ sẽ xem xét điều trị như nhiễm trùng tủy răng không hồi phục.
2. Điều trị tủy răng bị nhiễm trùng không hồi phục
Trong trường hợp tủy răng bị nhiễm trùng nặng, không còn khả năng hồi phục, điều trị ưu tiên là lấy tủy răng (điều trị nội nha). Trong kỹ thuật này, bác sĩ sẽ mở khoang tủy và loại bỏ toàn bộ các mô tủy bị viêm nhiễm, hoại tử để ngăn không cho vi khuẩn lây lan sang các cơ quan khác. Ngoài ra, loại bỏ tủy bị nhiễm trùng kịp thời còn giúp bảo tồn răng, ngăn ngừa tình trạng răng bị phá hủy trầm trọng.
Quá trình điều trị nội nha trong chữa nhiễm trùng tủy răng không hồi phục:
- Bước 1: Đầu tiên, bác sĩ sẽ chụp X-Quang để quan sát ống tủy của răng bị tổn thương và đưa ra phác đồ điều trị cụ thể nhất. Ngoài ra, hình ảnh từ X-Quang còn giúp phân biệt nhiễm trùng tủy răng với các bệnh lý có triệu chứng tương tự như viêm quanh chóp răng.
- Bước 2: Sau đó, bác sĩ sẽ vệ sinh khoang miệng để đảm bảo quá trình lấy tủy diễn ra thuận lợi và ngăn không cho vi khuẩn lây nhiễm vào mô tủy. Đối với những trường hợp tủy răng chưa hoại tử, bác sĩ sẽ sử dụng thuốc gây tê để giảm đau nhức trong quá trình lấy tủy.
- Bước 3: Đặt đê cao su bao xung quanh răng cần điều trị để tránh nước bọt và vi khuẩn bám vào răng. Dụng cụ này còn có tác dụng ngăn không cho vụn từ ngà răng, miếng trám và các dụng cụ y tế rơi vào bên trong cổ họng.
- Bước 4: Sau khi thuốc tê đã phát huy tác dụng, bác sĩ sẽ mở tủy và tạo hình khoang tủy để thuận tiện cho việc làm sạch và trám bít. Khi lấy tủy, bác sĩ sẽ sử dụng trâm máy hoặc trâm tay kết hợp với bơm rửa với nước ấm nhiều lần để tránh hiện tượng sót tủy – nguyên nhân gây đau nhức sau khi chữa tủy răng.
- Bước 5: Sử dụng thuốc sát khuẩn khoang tủy, làm khô và trám bít bằng chất liệu nhân tạo. Khi trám buồng tủy, bác sĩ sẽ chụp X-Quang để đảm bảo khoang tủy được trám bít hoàn toàn, tránh tình trạng vi khuẩn có cơ hội xâm nhập gây tổn thương ngà răng và chóp răng.
- Bước 6: Tùy theo mức độ tổn thương của răng, bạn có thể yêu cầu bác sĩ phục hình bằng cách hàn trám hoặc bọc mão sứ. Đối với răng đã bị lấy tủy, men răng thường có xu hướng ngả màu và tuổi thọ ngắn hơn bình thường. Vì vậy, lựa chọn tối ưu trong trường hợp này là bọc mão sứ để phục hồi màu sắc, hình dáng răng và ngăn chặn vi khuẩn xâm nhập vào bên trong khoang tủy.
Loại bỏ tủy răng kịp thời giúp kiểm soát nhiễm trùng, ngăn ngừa tình trạng vi khuẩn lây lan sang các cơ quan kế cận và những cơ quan xa. Trong trường hợp chủ quan, vi khuẩn có thể phá hủy buồng tủy, chân răng khiến răng hư hại nặng. Nếu răng bị tổn thương nghiêm trọng, bác sĩ sẽ chỉ định nhổ bỏ răng thay vì điều trị nội nha.
Phòng ngừa nhiễm trùng tủy răng
Tủy răng là cơ quan quan trọng bên cạnh men răng và ngà răng. Nhiễm trùng tủy răng khiến răng mất nguồn nuôi dưỡng, tổn thương và suy yếu dần theo thời gian. Hơn nữa, bệnh lý này cũng gây ra triệu chứng đau nhức, ê buốt, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống và sức khỏe tổng thể.
Để bảo vệ sức khỏe, bạn có thể phòng ngừa nhiễm trùng tủy răng với các biện pháp đơn giản sau:
- Chải răng 2 – 3 lần/ ngày, sử dụng nước súc miệng và chỉ nha khoa để làm sạch răng miệng, loại bỏ thức ăn thừa và ngăn ngừa hình thành cao răng. Đây là biện pháp hiệu quả nhất trong phòng ngừa các bệnh nha khoa nói chung và nhiễm trùng tủy răng nói riêng.
- Lấy vôi răng định kỳ 2 – 3 lần/ năm. Vôi răng là nơi cư trú của hại khuẩn, tạo điều kiện để vi khuẩn phát triển gây viêm nướu răng, viêm nha chu, sâu răng, viêm tủy răng và áp xe chân răng. Bằng cách làm sạch vôi răng thường xuyên, bạn có thể bảo vệ sức khỏe răng miệng và giảm thiểu nguy cơ mắc các bệnh lý kể trên.
- Nhiễm trùng tủy răng thường là biến chứng do sâu răng, viêm nha chu, răng bị chấn thương gây nứt, mẻ,… không được điều trị. Vì vậy, thăm khám và điều trị sớm các bệnh lý này có thể phòng ngừa nhiễm trùng tủy răng hiệu quả.
- Lựa chọn các nha khoa, bệnh viện uy tín khi thực hiện các thủ thuật nha khoa. Thực hiện ở những cơ sở kém chất lượng là nguyên nhân gây nhiễm trùng tủy răng và làm phát sinh nhiều vấn đề răng miệng khác.
- Thay đổi các thói quen gây hại cho răng như hút thuốc lá, sử dụng nước ngọt có gas, đồ uống có màu, thực phẩm chứa nhiều axit, dùng răng cắn, xé các vật cứng, nhọn,…
- Chủ động thăm khám ngay khi nhận thấy răng bị đau nhức và ê buốt. Nếu được kiểm soát kịp thời, hầu hết các vấn đề nha khoa đều không tiến triển nặng dẫn đến viêm nhiễm và hoại tử tủy răng.
Tủy răng bị nhiễm trùng có thể bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Để tránh tình trạng chuyển biến nặng gây ra nhiều biến chứng, bạn nên thăm khám ngay khi nhận thấy các dấu hiệu khác thường.
Tham khảo thêm:
Bài viết liên quan
Các Dấu Hiệu Bình Thường Và Bất Thường Sau Khi Lấy Tủy Răng
Chữa Tủy Răng Bao Lâu Thì Hết Đau? Quy trình điều trị
Lấy Tủy Răng Có Chích Thuốc Tê Không?
Có Nên Lấy Tủy Răng Ở Trẻ Em Không? Khi Nào Nên Lấy?
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!