Tụt lợi khiến phần cổ răng và chân răng lộ ra bên ngoài gây ê buốt, đau nhức khi ăn uống. Để tránh tình trạng chuyển biến xấu, cần thăm khám và điều trị trong thời gian sớm nhất. Ngoài các phương pháp y tế, nên phối hợp với thói quen vệ sinh răng miệng đúng cách và tổ chức lại lối sống để đạt được kết quả tối ưu.
Vì sao tụt lợi gây ê buốt răng?
Răng có cấu tạo từ 3 phần chính là men răng, ngà răng và tủy răng. Trong đó chỉ có thân răng lộ ra bên ngoài còn chân răng được bao bọc bởi cement, dây chằng nha chu và mô nướu. Chân răng cắm sâu vào xương ổ răng giúp răng cố định trên cung hàm và dễ dàng khi ăn nhai, giao tiếp,…
Khi gặp phải tình trạng tụt lợi (tụt nướu) – nướu dịch chuyển về phía dưới khiến chân răng và cổ răng lộ ra bên ngoài, răng dễ gặp phải tình trạng ê buốt. Khác với thân răng, chân răng không được bao bọc bởi lớp men răng cứng chắc mà chỉ được phủ một lớp cement mỏng.
Khi dùng đồ ăn nóng, lạnh và chua, các tế bào của ngà răng sẽ dẫn truyền cảm giác đến tủy răng và đưa về não bộ. Chính vì vậy khi bị tụt lợi, răng thường bị ê buốt và đau nhức khi ăn uống. Ngoài ra, tụt nướu còn khiến chân răng lỏng lẻo, lung lay, gây ra không ít phiền toái trong quá trình ăn uống và sinh hoạt.
Tụt lợi là tình trạng nha khoa khá phổ biến. Tình trạng này có thể bắt nguồn từ thói quen chải răng quá mạnh, đánh răng hơn 3 lần/ ngày, thay đổi nội tiết tố hoặc do ảnh hưởng của các bệnh nha khoa như viêm lợi (viêm nướu răng), viêm nha chu, viêm quanh chân răng,… Tụt lợi không cải thiện còn tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập vào tổ chức nâng đỡ răng gây tiêu hủy xương ổ răng, chân răng trở nên lỏng lẻo và dễ gãy, rụng khi có tác động.
Cách xử lý tụt lợi gây ê buốt răng an toàn, hiệu quả
Tụt lợi gây ê buốt răng ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động ăn uống và gây ra nhiều phiền toái trong đời sống sinh hoạt. Hơn nữa, tình trạng này còn có thể nặng dần theo thời gian khiến răng lung lay, lỏng lẻo và chức năng nhai bị suy giảm đáng kể.
Để khắc phục tình trạng tụt lợi gây ê buốt răng, bạn có thể áp dụng một số phương pháp sau:
1. Vệ sinh răng miệng đúng cách
Vệ sinh răng miệng đúng cách là biện pháp quan trọng trong điều trị các bệnh nha khoa nói chung và tụt lợi gây ê buốt răng nói riêng. Khoang miệng được làm sạch giúp tái tạo, phục hồi mô nướu và giảm mức độ nhạy cảm của răng đáng kể.
Cách vệ sinh răng miệng giúp cải thiện tình trạng tụt lợi gây ê buốt răng:
- Tụt nướu răng thường bắt nguồn từ thói quen chải răng sai cách (chải răng theo chiều ngang thay vì chiều dọc, chải răng quá mạnh và đánh răng quá 3 lần/ ngày). Vì vậy, bạn nên học cách chải răng đúng cách để bảo vệ sức khỏe răng miệng.
- Cần chải răng 2 – 3 lần/ ngày sau các bữa ăn và trước khi đi ngủ để làm sạch thức ăn thừa và mảng bám.
- Không dùng tăm và các vật dụng cứng để lấy thức ăn ở kẽ răng. Để làm sạch mảng bám và thức ăn thừa ở các kẽ, bạn nên sử dụng chỉ tơ nha khoa ngay sau các bữa ăn.
- Súc miệng với nước muối ấm hoặc các dung dịch sát khuẩn để làm sạch khoang miệng, ngăn không cho vi khuẩn, virus và nấm men phát triển quá mức. Nên súc miệng ngay sau khi chải răng với tần suất 2 lần/ ngày.
- Nên lấy cao răng định kỳ 6 tháng/ lần để ngăn sự phát triển của vi khuẩn và phòng ngừa các bệnh nha khoa thường gặp. Đa phần các bệnh lý liên quan đến tổ chức nâng đỡ răng đều khởi nguồn từ sự tích tụ cao răng và mảng bám.
Vệ sinh răng miệng đúng cách có thể giảm phần nào tình trạng tụt lợi gây ê buốt răng. Ngoài ra, khoang miệng được làm sạch còn tạo môi trường thuận lợi để mô nướu phục hồi hoàn toàn.
2. Điều trị triệt để các bệnh nha khoa
Tụt lợi không chỉ bắt nguồn từ thói quen vệ sinh răng mà còn là dấu hiệu của các bệnh nha khoa như viêm nướu răng (viêm lợi), viêm nha chu, viêm quanh chân răng,… Các bệnh lý này đều gây hư hại tổ chức nâng đỡ răng dẫn đến tụt nướu và lung lay răng. Vì vậy để khắc phục tình trạng răng ê buốt do tụt nướu, bạn nên điều trị triệt để các bệnh nha khoa thường gặp.
Sau khi các bệnh lý này được kiểm soát, tình trạng tụt lợi sẽ dần được cải thiện và cảm giác ê buốt khi ăn uống sẽ giảm đi đáng kể. Ngoài ra, điều trị kịp thời còn ngăn ngừa bệnh tiến triển nặng gây ra nhiều ảnh hưởng đối với sức khỏe răng miệng.
3. Trám cổ chân răng
Tụt nướu khiến cổ và chân răng bị lộ ra bên ngoài. Vì không có men răng bao bọc như thân răng nên khi ăn uống, răng dễ bị ê buốt và đau nhức. Trong trường hợp này, bác sĩ có thể xem xét trám cổ chân răng để cải thiện các triệu chứng khó chịu.
Trám cổ chân răng thường sử dụng nhựa composite để phủ một lớp mỏng lên cổ và chân răng bị lộ ra bên ngoài. Chất liệu này có màu sắc tương tự răng thật nên mang lại hiệu quả thẩm mỹ cao, không bị lộ khi ăn uống và giao tiếp. Lớp trám bên ngoài có vai trò ngăn cách ngà răng với thức ăn chua, đồ ăn nóng và lạnh, qua đó cải thiện tình trạng răng ê buốt và đau nhức hiệu quả.
4. Thay đổi một số thói quen
Tụt lợi gây ê buốt răng có thể trở nên nghiêm trọng hơn nếu tiếp tục duy trì các thói quen xấu. Do đó ngoài các phương pháp trên, bạn cần thay đổi một số thói quen để bảo vệ răng miệng và giúp mô nướu lành hoàn toàn.
Để cải thiện tình trạng tụt lợi gây ê buốt răng, cần thay đổi các thói quen sau:
- Tránh dùng thức ăn nóng, lạnh và thức ăn có nhiều vị chua. Đây đều là những tác nhân kích thích cảm giác ê buốt và đau nhức bùng phát. Ngoài ra, các món ăn và thức uống trên còn khiến men răng bị mài mòn theo thời gian, răng lộ ngà và nhạy cảm hơn bình thường.
- Hạn chế sử dụng các thực phẩm cứng, khô và dai. Để nghiền nát các món ăn này, răng phải chịu tác động mạnh. Tác động cơ học có thể khiến chân răng trở nên lỏng lẻo, răng đau nhức và tình trạng tụt lợi trở nên nghiêm trọng hơn.
- Thay đổi thói quen nghiến răng khi ngủ bằng cách giảm căng thẳng và sử dụng máng đeo để bảo vệ răng.
- Hút thuốc lá là một trong những thói quen làm nghiêm trọng tình trạng tụt lợi hở chân răng. Do đó, nên thay đổi thói quen này để mô nướu nhanh chóng hồi phục, tránh tình trạng nướu bị tụt nhiều khiến chân răng lung lay.
- Bên cạnh việc thay đổi các thói quen xấu, bạn cũng nên thiết lập các thói quen khoa học như dùng món ăn mềm, dễ tiêu hóa, nguội để giảm áp lực lên răng, tăng cường bổ sung thực phẩm giàu khoáng chất, chất xơ và uống nhiều nước.
5. Áp dụng mẹo chữa tại nhà
Trong một số trường hợp (viêm nha chu, mang thai…), tụt lợi gây ê buốt răng có thể tiến triển dai dẳng trong thời gian dài. Để đối phó với cảm giác ê buốt và đau nhức, bạn có thể áp dụng một số mẹo chữa tại nhà như:
- Sử dụng dầu dừa súc miệng: Dầu dừa là nguyên liệu tự nhiên có nhiều công dụng và được sử dụng để chữa trị một số bệnh nha khoa thường gặp. Với đặc tính làm dịu mô nướu và kháng khuẩn mạnh, súc miệng với 5 – 10ml dầu dừa 2 lần/ ngày có thể làm sạch mùi hôi miệng và giảm tình trạng ê buốt răng do tụt lợi.
- Gel nha đam: Aloin và Emodin trong nha đam đã được chứng minh có tác dụng kháng sinh và giảm đau. Ngoài ra, các amino acid và enzymes trong thảo dược này còn giúp da và niêm mạc nhanh lành hơn. Vì vậy, thoa gel nha đam lên phần nướu bị tụt trong 5 – 10 phút từ 2 – 3 lần/ ngày có thể cải thiện tình trạng tụt lợi hiệu quả.
- Ngậm nước muối ấm: Nếu không có sẵn các nguyên liệu trên, có thể dùng 1 ít muối biển hòa với 200ml nước ấm ngậm trong 2 – 3 phút. Nhiệt độ ấm sẽ giúp làm dịu cảm giác ê buốt và đau nhức rõ rệt. Ngoài ra, khoáng chất bên trong muối biển còn giúp săn se niêm mạc và tăng độ bám dính của nướu với chân răng.
Tụt lợi gây ê buốt răng ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống. Nếu không khắc phục sớm, tình trạng này có thể chuyển biến nặng khiến răng lung lay, lỏng lẻo và gãy, rụng. Vì vậy ngay khi nhận thấy các dấu hiệu bất thường, bạn nên đến gặp bác sĩ để được thăm khám và điều trị kịp thời.
Tham khảo thêm:
Bài viết liên quan
Bị tụt lợi chân răng có bọc răng sứ được không?
Bị tụt lợi nên ăn gì và kiêng gì tốt nhất?
Hướng dẫn Cách Đánh Răng Không Bị Tụt Lợi đơn giản cần biết
Emofluor Gel trị tụt lợi, hở chân răng có tốt không? Giá bao nhiêu?
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!