Về cơ bản, trồng răng Implant gần như không ra nguy hiểm nếu được thực hiện đúng kỹ thuật. Tuy nhiên, một số trường hợp có thể gặp phải biến chứng và rủi ro do cấy ghép Implant ở những phòng khám nhỏ, kém chất lượng.
Trồng răng Implant có nguy hiểm không?
Trồng răng Implant (cấy ghép Implant) là phương pháp trồng răng giả được ưa chuộng trong những năm gần đây. Sự ra đời của kỹ thuật này đánh dấu bước tiến vượt bậc của lĩnh vực Nha khoa.
So với các phương pháp trồng răng giả truyền thống, răng Implant có thể phục hồi gần như 100% chức năng của răng, độ bền cao từ 20 – 25 năm và có thể ngăn chặn hiện tượng tiêu xương răng. Với những ưu điểm nổi trội này, cấy ghép Implant được các bác sĩ khuyến khích thực hiện thay vì sử dụng hàm giả tháo lắp và làm cầu răng sứ.
Tuy nhiên để phục hình răng Implant, bác sĩ phải tiến hành cấy trụ Implant vào xương hàm nên nhiều người lo ngại về nguy cơ gặp phải các rủi ro và tình huống ngoài ý muốn. Vậy, làm răng Implant có nguy hiểm không?
Được biết, trồng răng Implant cần phải tiểu phẫu cắm trụ vào bên trong xương hàm (khoảng 3mm) để thay thế cho chân răng thật. Sau khi trụ ổn định, bác sĩ mới tiến hành phục hình mão sứ trên trụ Implant thông qua khớp nối Abutment.
Mặc dù phải tiểu phẫu nhưng mức độ xâm lấn mô khi cấy ghép Implant thường không đáng kể. Với những bác sĩ lành nghề, quá trình này chỉ diễn ra trong khoảng 5 – 10 phút/ mỗi trụ. Hơn nữa trước khi tiến hành, bác sĩ sẽ khám sức khỏe răng miệng, chụp X quang và sàng lọc các nguy cơ nên gần như không gặp phải các biến chứng hậu phẫu.
Các biến chứng có thể gặp phải khi làm răng Implant
Trên thực tế, cấy ghép Implant là kỹ thuật nha khoa khá an toàn với mức độ xâm lấn thấp. Tuy nhiên, đây là phương pháp nha khoa phức tạp đòi hỏi bác sĩ thực hiện phải là người được đào tạo bài bản, có chuyên môn và kinh nghiệm thực hành. Những trường hợp cấy ghép Implant tại các cơ sở kém chất lượng, bác sĩ không có đủ năng lực có thể gặp phải những biến chứng sau:
1. Viêm nhiễm vùng cấy trụ Implant
Nhiễm trùng là biến chứng thường gặp sau khi thực hiện một số tiểu phẫu nha khoa, bao gồm cả cấy ghép trụ Implant. Như đã đề cập, trụ Implant sẽ được cắm vào bên trong xương hàm nên phải xâm lấn vào mô nướu và cấu trúc xương bên dưới.
Nếu vô trùng dụng cụ sơ sài, không dùng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ và chăm sóc sai cách, vi khuẩn có hại trong khoang miệng sẽ xâm nhập vào bên trong vết thương hở dẫn đến tình trạng viêm nhiễm. Nhiễm trùng vùng cấy trụ Implant đặc trưng bởi tình trạng mô nướu sưng, phù nề, mưng mủ, chảy máu và rỉ dịch kéo dài. Ngoài ra, những trường hợp viêm nhiễm nặng có thể bị sốt, đau nhức hàm và khó khăn khi ăn uống.
2. Chảy máu kéo dài
Chảy máu kéo dài cũng là biến chứng thường gặp sau khi trồng răng Implant. Tình trạng này có thể xảy ra do chăm sóc không đúng cách khiến vết thương bị kích thích liên tục, chảy máu kéo dài trong vài ngày. Ngoài ra, hiện tượng chảy máu không thể kiểm soát cũng có thể gặp ở những đối tượng có nguy cơ cao như nghiện rượu, hút thuốc lá lâu năm và mắc bệnh tiểu đường không thể kiểm soát.
3. Tổn thương, đau nhức các mô lân cận
Về bản chất, trụ Implant là chân răng giả nên sẽ có hiện tượng kích ứng mô và xương lân cận. Do đó trong vài ngày đầu, toàn bộ vùng nướu có thể bị viêm và phù nề. Nếu chăm sóc đúng cách, các triệu chứng này có thể thuyên giảm nhanh chỉ sau vài ngày.
Tuy nhiên với những bác sĩ kỹ thuật kém, quá trình đặt trụ Implant có thể gây tổn thương mô nướu và các răng lân cận. Trong trường hợp này, mức độ đau nhức, phù nề sẽ tăng lên và cần nhiều thời gian hơn để phục hồi.
4. Viêm quanh trụ Implant
Viêm quanh trụ Implant là tình trạng các mô nướu bao xung quanh trụ bị viêm, phù nề. Tình trạng này thường xảy ra do vệ sinh răng miệng kém, tạo điều kiện để thức ăn thừa bám dính xung quanh trụ khiến cho mô nướu bị viêm nhiễm. Viêm quanh trụ Implant là biến chứng cần được khắc phục sớm để tránh tình trạng trụ Implant lung lay và lỏng lẻo.
5. Gãy, nứt trụ Implant
Các loại trụ Implant được sử dụng đều được làm từ vật liệu Titanium tinh khiết. Vật liệu này có độ bền cao, khả năng chịu lực tốt và an toàn với cơ thể. Tuy nhiên để tăng lợi nhuận, không ít nha khoa sử dụng trụ Implant kém chất lượng cho khách hàng. Sử dụng dụng cụ nha khoa không an toàn có thể gây hại cho cơ thể, giảm tính tương hợp sinh hoạt và thậm chí có thể gây gãy, nứt trụ Implant sau một thời gian.
6. Trụ Implant chèn ép dây thần kinh
Trước khi cấy trụ Implant, bác sĩ sẽ chỉ định chụp X quang toàn cảnh để đánh giá chính xác tình trạng răng miệng và chất lượng xương hàm. Với những trường hợp tiêu xương răng, bác sĩ sẽ chỉ định cấy ghép xương trước khi cắm trụ Implant.
Trụ Implant thường được cắm vào xương hàm khoảng 3mm để tạo độ chắc chắn và ổn định. Tuy nhiên nếu bác sĩ thực hiện sai kỹ thuật, cắm trụ quá sâu, trụ Implant có thể chèn ép các dây thần kinh dẫn đến đau nhức dữ dội và kéo dài.
7. Lây nhiễm chéo bệnh lý
Trồng răng Implant bắt buộc phải xâm lấn vào mô nướu và xương hàm. Do đó, các dụng cụ được sử dụng phải đảm bảo vô trùng tuyệt đối. Ở những phòng khám nhỏ, kém chất lượng, quá trình vô khuẩn dụng cụ nha khoa được thực hiện sơ sài. Đây chính là nguyên nhân làm lây nhiễm chéo bệnh lý giữa các khách hàng như viêm gan B, C, vi khuẩn Helicobacter pylori (Hp) và thậm chí là HIV.
8. Trụ Implant bị đào thải
Trụ Implant bị đào thải cũng là một trong những biến chứng có thể gặp phải khi trồng răng Implant. Tuy nhiên với sự cải tiến về cấu tạo trụ, hiện nay tỷ lệ gặp phải biến chứng này đã giảm đi đáng kể (chỉ khoảng 1.6%). Về cơ bản, trụ Implant được làm từ vật liệu nhân tạo nên một số người có cơ địa nhạy cảm có thể đào thải vật liệu này sau khi cấy ghép.
Ngoài ra, hiện tượng đào thải trụ Implant cũng có thể xảy ra do bác sĩ thực hiện sai kỹ thuật, nha khoa sử dụng trụ Implant kém chất lượng, va chạm mạnh vào vị trí cấy ghép trụ, chăm sóc không đúng cách và viêm quanh trụ Implant không được xử trí sớm.
Những trường hợp bị đào thải trụ Implant cần thăm khám kịp thời để được đánh giá xem có khả năng cấy ghép trụ lần 2 được không. Tình trạng này không chỉ gây mất thời gian mà còn làm hao tốn chi phí do trụ Implant có giá khá cao, dao động từ 12 – 35 triệu đồng tùy theo thương hiệu.
9. Các biến chứng khác
Ngoài những biến chứng kể trên, cấy ghép Implant cũng có thể gây ra một số biến chứng khác như:
- Sốc phản vệ (thường do dị ứng thuốc gây tê/ thuốc mê)
- Răng Implant có tuổi thọ ngắn do sử dụng trụ có chất liệu kém
- Trụ Implant bị lộ ra bên ngoài, mão sứ chênh, cộm và hở do cấy ghép sai kỹ thuật
Cách phòng ngừa biến chứng khi trồng răng Implant
Về cơ bản, trồng răng Implant là phương pháp an toàn nếu được thực hiện đúng kỹ thuật và chăm sóc đúng cách. Những trường hợp gặp phải biến chứng đều xảy ra do thực hiện ở những phòng khám nhỏ, kém chất lượng. Để hạn chế biến chứng khi trồng răng Implant, bạn có thể áp dụng một số biện pháp sau:
1. Lựa chọn nha khoa uy tín
Lựa chọn địa chỉ trồng răng Implant uy tín là biện pháp hiệu quả nhất giúp phòng ngừa rủi ro và biến chứng. Ở các bệnh viện/ phòng khám uy tín, các bác sĩ sẽ thăm khám kỹ và sàng lọc nguy cơ trước khi chỉ định làm răng Implant. Trong khi đó, những cơ sở kém chất lượng thường thăm khám sơ sài do không có đủ máy móc, thiết bị và đội ngũ bác sĩ năng lực kém.
Trồng răng Implant ở những địa chỉ uy tín được thực hiện bởi đội ngũ bác sĩ có kinh nghiệm cùng với sự hỗ trợ của máy móc và thiết bị hiện đại. Các bác sĩ đều được trang bị kỹ năng xử lý sốc phản vệ để phòng tránh tai biến khi tiểu phẫu cắm trụ Implant.
Ngoài ra, các nha khoa uy tín luôn cam kết sử dụng trụ Implant, mão sứ và khớp nối được nhập khẩu chính hãng từ Mỹ, Đức, Hàn Quốc và Thụy Sỹ. Khi sử dụng dịch vụ tại đây, bạn sẽ được phát thẻ bảo hành từ chính thương hiệu cung cấp trụ Implant.
2. Thông báo với bác sĩ tình trạng sức khỏe trước khi cấy ghép Implant
Trồng răng Implant có thể áp dụng cho những trường hợp mất 1 răng, nhiều răng và thậm chí là mất toàn bộ răng trên cả 2 cung hàm. Tuy nhiên, do xâm lấn vào mô nướu và xương hàm nên phương pháp này không phù hợp với tất cả các trường hợp.
Vì vậy trước khi làm răng Implant, bạn nên thông báo với bác sĩ những vấn đề sức khỏe như dị ứng thuốc, dị ứng thực phẩm/ vật liệu, tiểu đường, cao huyết áp, rối loạn tuyến giáp, mang thai, ung thư hoặc tiền sử ung thư,… Ngoài ra, bạn cũng nên trao đổi với bác sĩ lịch sử dùng thuốc để hạn chế nguy cơ viêm nhiễm và chảy máu kéo dài.
3. Chăm sóc đúng cách sau khi làm răng Implant
Chăm sóc sai cách là nguyên nhân làm gia tăng nguy cơ gặp phải các biến chứng sau khi làm răng Implant. Vì vậy, bạn nên thực hiện các biện pháp chăm sóc theo hướng dẫn của bác sĩ để hạn chế phần nào các biến chứng và rủi ro phát sinh.
Cách chăm sóc sau khi cấy ghép Implant:
- Sử dụng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ để giảm đau, sưng viêm và phòng ngừa viêm nhiễm. Tuyệt đối không tự ý ngưng dùng thuốc hoặc thay đổi loại thuốc mà chưa tham khảo ý kiến bác sĩ.
- Sau khi cắm trụ Implant, cần cắn bông gòn để cầm máu. Sau đó, có thể chườm đá để giảm sưng và đẩy nhanh tốc độ đông máu.
- Trong vài ngày đầu, nên chải răng nhẹ nhàng và súc miệng với nước muối sinh lý để làm sạch răng, đồng thời tránh kích thích lên vết thương để hạn chế nguy cơ viêm nhiễm và chảy máu.
- Không hút thuốc lá bởi nicotin có thể khiến vết thương chậm lành và chậm đông máu. Ngoài ra, khí carbon monoxide trong khói thuốc cũng có thể làm giảm lưu lượng máu đến mô nướu. Kết quả là làm gián đoạn tốc độ phục hồi, tái tạo vết thương và gia tăng hình thành các cục máu đông.
- Không ăn nhai và tránh tác động trực tiếp lên vết thương sau khi cấy ghép Implant. Bên cạnh đó, bạn cũng nên hạn chế vận động mạnh cho đến khi vết thương lành hẳn.
- Dùng thức ăn mềm, lỏng, nguội, tránh thức ăn cứng, khô, nhiều gia vị, quá nóng và quá lạnh. Duy trì chế độ ăn hợp lý trong 5 – 10 ngày để vết thương lành hẳn.
- Uống nhiều nước, bổ sung đầy đủ vi chất dinh dưỡng để nâng cao thể trạng và thúc đẩy tốc độ lành thương – đặc biệt là với người cao tuổi và có sức khỏe kém.
4. Tái khám theo lịch hẹn và khi cần thiết
Sau khi cấy ghép Implant, bạn cần quay lại phòng khám sau 7 – 10 ngày để được kiểm tra tình trạng tụ Implant. Quá trình tái khám sẽ diễn ra liên tục trong 2 – 3 tháng cho đến khi có hiện tượng tích hợp xương. Khi trụ Implant đã cố định trên cung hàm, bác sĩ sẽ tiến hành phục hình mão sứ thông qua khớp nối (Abutment).
Ngoài ra, nếu có các vấn đề phát sinh như cộm, khó chịu khi ăn uống, răng đau nhức, chảy máu và rỉ dịch, bạn cũng nên chủ động đến phòng khám để được kiểm tra. Trong trường hợp để kéo dài, trụ Implant có thể bị đào thải dẫn đến tốn chi phí để thực hiện cấy ghép trụ lần 2. Những người có xương hàm quá yếu có thể không đủ điều kiện để cắm ghép trụ Implant lần nữa và buộc phải can thiệp các phương pháp trồng răng giả truyền thống.
Trên đây là những thông tin giải đáp “Trồng răng Implant có nguy hiểm không?” và các biến chứng có thể gặp phải khi can thiệp phương pháp này. Hy vọng qua bài viết, bạn đọc đã hiểu rõ về kỹ thuật cấy ghép Implant và chủ động hơn trong việc phòng ngừa các biến chứng, rủi ro.
Tham khảo thêm:
- Có nên trồng răng Implant không? Khi nào nên trồng?
- Trồng răng giả cố định Giá bao nhiêu?
- Trồng răng giả vĩnh viễn loại nào tốt nhất hiện nay? Giá bao nhiêu?
Bài viết liên quan
Cầu răng sứ là gì? Các loại cầu răng sứ phổ biến hiện nay
Trồng răng giả cố định là gì? Giá bao nhiêu?
Ghép Xương Trong Cấy Ghép Implant: Quy trình và lưu ý cần biết
Trồng răng Implant xong nên ăn gì và kiêng ăn gì?
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!