Cách trị đau răng bằng rượu cau là mẹo chữa có nguồn gốc từ y học cổ truyền. Theo kinh nghiệm dân gian, rượu cau có tác dụng kháng khuẩn và tiêu viêm mạnh nên có thể giảm nhanh cơn đau và hỗ trợ cải thiện tình trạng nướu sưng, phù nề,…
Rượu cau trị đau răng có hiệu quả không?
Rượu cau là loại rượu ngâm được lưu truyền rộng rãi trong y học cổ truyền cổ truyền. Rượu cau thường được sử dụng để giảm đau nhức răng do nhiều nguyên nhân khác nhau như sâu răng, viêm nướu răng (viêm lợi), viêm nha chu, viêm tủy răng,…
Cây cau không chỉ là cây được trồng làm cảnh mà còn có tác dụng chữa bệnh. Quả cau, đặc biệt là hạt cau (binh lang) là vị thuốc quý cả trong Đông y và y học cổ truyền. Ngoài ra, vỏ và rễ cây cau cũng được sử dụng để làm thuốc chữa bệnh. Với nhiều công dụng tốt đối với sức khỏe, cây cau được trồng nhiều để làm cảnh và tận dụng làm thuốc mỗi khi cần.
Hiện nay, các bài thuốc chữa bệnh từ cây cau vẫn được áp dụng phổ biến, đặc biệt là cách chữa đau răng bằng rượu cau. Theo kinh nghiệm dân gian, rượu cau có vị cay, chát, tính ấm, tác dụng diệt khuẩn mạnh. Chính vì vậy, ngậm rượu cau có thể tiêu diệt hại khuẩn trong khoang miệng, qua đó giảm sưng đau răng và mô nướu.
Ngoài hạt cau, rượu cũng là nguyên liệu có tác dụng sát trùng và giảm đau. Kết hợp rượu và hạt cau giúp gia tăng hiệu quả kháng khuẩn, tiêu viêm, đặc biệt mang lại hiệu quả giảm đau rõ đối với những trường hợp viêm nhiễm răng miệng như viêm lợi, sâu răng và viêm nha chu.
Rượu cau có cách ngâm khá đơn giản và có thể bảo quản trong thời gian dài. Chính vì vậy, mẹo chữa đau răng bằng rượu cau được nhiều người thực hiện. Mỗi khi răng đau nhức, có thể dùng rượu cau ngậm và súc miệng để kiểm soát nhanh cơn đau cùng với một số triệu chứng đi kèm. Ngoài ra, ngậm rượu cau còn giúp làm săn mô nướu và tăng độ chắc chắn của răng trên cung hàm.
Mặc dù được áp dụng phổ biến nhưng mẹo trị đau răng bằng rượu cau chỉ là cách điều trị theo kinh nghiệm dân gian. Đến nay, hiệu quả chữa các bệnh nha khoa của rượu cau vẫn chưa được chứng minh trên cơ sở khoa học. Chính vì vậy để đảm bảo an toàn, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi áp dụng.
Hướng dẫn cách ngâm rượu cau chữa đau răng công hiệu
Rượu cau có tác dụng sát trùng và kháng khuẩn mạnh. Tuy nhiên để đảm bảo hiệu quả điều trị của rượu cau, cần phải ngâm rượu đúng cách. Những sai sót khi ngâm rượu như dùng rượu có độ cồn quá cao, hạt cau kém chất lượng, dược tính yếu,… sẽ làm giảm hiệu quả điều trị và thậm chí có thể gây ra một số tác dụng không mong muốn.
Dưới đây là cách ngâm rượu cau chữa đau nhức răng chuẩn bạn có thể áp dụng:
Chuẩn bị nguyên liệu
Chuẩn bị nguyên liệu là bước quan trọng ảnh hưởng đến chất lượng của rượu cau sau khi ngâm. Rượu cau có nguyên liệu khá đơn giản bao gồm cau tươi hoặc cau khô và rượu trắng.
Nếu lựa chọn cau khô, bạn nên tìm mua ở những cơ sở kinh doanh dược liệu uy tín và đáng tin cậy để đảm bảo hiệu quả. Có thể sử dụng múi cau khô hoặc hạt cau phơi khô/ sấy (hay còn gọi là vị thuốc binh lang). Trong trường hợp dùng cau tươi, nên lựa chọn những quả cau không quá già và quá non để đảm bảo có dược tính tốt nhất.
Đối với rượu trắng, cần dùng rượu loại tốt với nồng độ cồn từ 30 – 40 độ. Ngoài ra để hạn chế hiện tượng mòn men răng, nên lựa chọn rượu đã được khử chất độ andehit. Tương tự như hạt cau, cần lựa chọn rượu trắng có chất lượng tốt, tránh sử dụng rượu pha cồn dẫn đến nguy cơ kích ứng mô nướu và mòn men răng.
Cách ngâm rượu hạt cau trị đau răng
Rượu cau có cách thực hiện khá đơn giản. Bạn có thể ngâm rượu theo hướng dẫn sau:
- Rửa sạch cau và để ráo nước, sau đó dùng dao tước bỏ phần vỏ xanh bỏ đi.
- Sau đó, sử dụng dao tước phần túi trắng để sử dụng. Hạt có thể để nguyên hoặc chẻ đôi đều được.
- Cho tất cả cùi trắng và hạt cau vào bình thủy tinh đã được làm sạch và hong khô. Tiếp đến đổ phần rượu vào, đậy kín nắp đặt ở nơi khô ráo và thoáng mát.
- Ngâm trong khoảng 1 tháng đến khi rượu có màu cánh gián là có thể sử dụng.
- Nếu sử dụng hạt cau khô, thời gian ngâm có thể dài hơn (khoảng 1.5 – 2 tháng)
Để tiện cho việc sử dụng, bạn có thể ngâm thành từng chai nhỏ. Tránh tình trạng phải mở nắp chai liên tục để lấy rượu cau. Ngoài ra, chia thành từng phần nhỏ còn giúp bảo quản rượu tốt hơn.
Cách dùng rượu cau chữa đau nhức răng
Rượu cau có vị rất cay nên chỉ sử dụng cho người lớn và trẻ em trên 12 tuổi. Nếu khoang miệng bị kích ứng sau khi ngậm rượu cau, có thể pha loãng trước khi dùng để hạn chế tình trạng này.
Hướng dẫn sử dụng:
- Dùng cho người lớn: Sử dụng 1 ít rượu cau ngậm sau khi đánh răng. Ngậm trong khoảng 15 phút rồi nhổ đi. Thực hiện 2 lần/ ngày (sáng sớm và tối trước khi ngủ). Để đảm bảo hiệu quả, không nên súc miệng lại với nước sạch và tránh ăn uống trong ít nhất 30 phút để tinh chất từ hạt cau thẩm thấu vào bên trong mô nướu.
- Dùng cho trẻ em: Pha loãng rượu cau với nước sôi để nguội theo tỷ lệ 1:1. Dùng để súc miệng sau khi chải răng trong vòng 20 – 30 giây. Sau đó nhổ bỏ, không được nuốt và tránh ăn uống, súc miệng trong ít nhất khoảng 30 phút.
Nên dùng đều đặn 2 lần/ ngày trong khoảng 3 – 5 ngày để kiểm soát tình trạng đau nhức răng triệt để. Nếu cơn đau không thuyên giảm hoàn toàn, nên thăm khám để phát hiện và điều trị sớm các vấn đề nha khoa.
Lưu ý khi chữa đau nhức răng bằng rượu cau
Chữa đau răng bằng rượu cau là mẹo dân gian được áp dụng rất phổ biến. Hiện nay, mẹo chữa này vẫn được ưa chuộng nhờ cách thực hiện đơn giản và có thể bảo quản được trong thời gian lâu dài. Theo kinh nghiệm thực tế của nhiều người, ngậm rượu cau có thể giảm hôi miệng và cải thiện phần nào tình trạng đau nhức răng.
Tuy nhiên nếu có ý định chữa đau răng bằng rượu cau, bạn nên lưu ý một số vấn đề sau:
- Rượu cau có chứa độc tính. Vì vậy, chỉ sử dụng rượu cau ngậm và súc miệng, tuyệt đối không uống rượu cau. Nếu lỡ uống phải rượu cau, cần uống nhiều nước và đến ngay bệnh viện gần nhất để được xử trí kịp thời.
- Rượu cau có vị rất cay nên có thể gây ra tình trạng kích ứng và đỏ rát khoang miệng. Để phòng tránh tình trạng này, bạn nên pha loãng rượu cau trước khi sử dụng.
- Về bản chất, rượu cau có chứa cồn nên có thể gây mòn men răng nếu lạm dụng quá mức. Chính vì vậy, bạn chỉ nên áp dụng cách chữa đau răng bằng rượu cau 3 – 5 ngày/ đợt. Nếu cần thiết, có thể ngưng 7 – 10 ngày và dùng lại để tránh ảnh hưởng xấu đến sức khỏe răng miệng.
- Đau nhức răng là phản ứng xảy ra khi răng, nướu bị tổn thương. Do đó, cách chữa bằng rượu cau chỉ có thể giảm cơn đau tạm thời. Để có thể kiểm soát tình trạng dứt điểm, bạn nên xác định nguyên nhân gây đau răng và tiến hành điều trị từ căn nguyên.
- Ngoài ra để giảm nhanh tình trạng răng đau nhức, nên chú ý vệ sinh răng miệng đúng cách và ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý.
Cách trị đau nhức răng bằng rượu cau là mẹo dân gian chưa được kiểm chứng về độ an toàn và hiệu quả. Vì vậy trước khi áp dụng, bạn đọc nên tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa. Bên cạnh đó, cần kết hợp với chế độ chăm sóc và các biện pháp điều trị y tế để có thể kiểm soát cơn đau dứt điểm.
Tham khảo thêm:
Bài viết liên quan
10 Món Ăn Mềm Tốt Cho Người Bị Đau Răng Hỗ Trợ Giảm Đau
Đau Răng Có Ăn Được Rau Muống Không? Giải đáp
Đau Răng Hàm Trong Cùng (Răng Cấm) Có Nguy Hiểm Không?
Đau Răng Nên Ăn Cháo Gì Tốt? 7 món cháo giúp giảm đau bổ dưỡng
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!