Trẻ bị sâu răng vào tủy thường do vệ sinh răng miệng kém và sâu răng không được điều trị sớm. Tình trạng này khiến trẻ thường xuyên đau nhức và ê buốt răng ảnh hưởng, răng yếu và dễ gãy rụng. Để khắc phục, việc thăm khám sớm và điều trị tủy là điều cần thiết.
Thế nào là trẻ bị sâu răng vào tủy?
Sâu răng là bệnh nha khoa thường gặp, thể hiện cho tình trạng các mô cứng của răng (men răng, ngà răng) mất dần do quá trình hủy khoáng. Điều này được gây ra bởi vi khuẩn phát triển trong mảng bám, thường gặp ở người lớn và trẻ em ăn nhiều độ ngọt, vệ sinh răng miệng không đúng cách.
Trẻ bị sâu răng vào tủy là tình trạng răng sâu làm lộ buồng tủy ở trẻ. Từ đó tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập và gây viêm tủy răng. Trong thời gian đầu, vi khuẩn phát triển và làm hỏng men răng. Sau đó xâm nhập và làm hỏng ngà răng, tiếp xúc với buồng tủy và gây nhiễm trùng tủy răng.
Ở giai đoạn đầu, sâu răng ở trẻ em thường không gây đau hoặc chỉ ê buốt nhẹ cho đến khi tủy răng bị tổn thương. Đây là cơ quan chứa các tế bào thần kinh, mạch máu và nhiều chất hưu cơ. Chính vì thế mà trẻ bị sâu răng vào tủy thường có cảm giác đau nhức, ê buốt nghiêm trọng và kéo dài, giảm chức năng của răng.
Dấu hiệu nhận biết trẻ bị sâu răng vào tủy
Tùy thuộc vào từng giai đoạn, trẻ bị sâu răng vào tủy sẽ có những triệu chứng nhẹ hoặc rất nghiêm trọng. Cụ thể:
Giai đoạn đầu
- Đau răng hoặc ê buốt nhẹ
- Triệu chứng bùng phát hoặc nghiêm trọng hơn khi dùng thức ăn quá lạnh, quá nóng, chua hoặc ngọt, cay…
- Đau và ê buốt khi chải răng hoặc có tác động vật lý khác.
Giai đoạn cấp (viêm tủy răng cấp)
- Ê buốt
- Đau nhức dữ dội và kéo dài, ảnh hưởng đến hoạt động sinh hoạt và chất lượng giấc ngủ
- Cơn đau thường khởi phát hoặc nghiêm trọng hơn vào ban đêm
- Đau nhức và ê buốt răng ngày càng tăng
- Sưng hàm
- Sốt
- Nổi hạch bạch huyết
- Mệt mỏi
Giai đoạn chết tủy răng (viêm tủy răng hoại tử)
- Không có cảm giác đau hay khó chịu do tủy đã chết hoặc mạch máu và các dây thần kinh bên trong đã bị phá hủy hoàn toàn
- Hôi miệng
- Răng lung lay.
Trẻ bị sâu răng vào tủy do đâu?
Sâu răng không được điều trị sớm là nguyên nhân chính khiến trẻ bị sâu răng vào tủy. Sâu răng thường có diễn tiến chậm, được nhận biết bằng những điểm nâu hoặc đen trên bề mặt răng.
Khi không được điều trị, vi khuẩn phát triển khiến men răng bị phá hủy và lỗ sâu gia tăng kích thước. Lâu ngày dẫn đến tình trạng sâu ngà răng và nhiễm trùng tủy.
So với người lớn, sâu răng vào tủy thường diễn ra nhanh và nghiêm trọng hơn ở trẻ nhỏ. Đặc biệt là khi có sự tác động của những yếu tố dưới đây:
- Vệ sinh răng miệng không đúng cách. Mảng bám chứa vi khuẩn và vụn thức ăn còn dính vào kẽ răng và trên bề mặt răng, chưa được làm sạch hoàn toàn.
- Nhiều cao răng (vôi răng) bám chắc trên răng.
- Thường xuyên ăn nhiều món ăn chứa nhiều đường. Chẳng hạn như bánh kẹo ngọt, đồ uống có gas…
- Ăn những món ăn quá nóng hoặc quá lạnh gây tổn thương men răng, tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập và phát triển nhanh hơn.
- Răng sữa có kết cấu mềm, dễ bị sâu. Quá trình sâu răng vào tủy cũng diễn ra nhanh hơn so với răng vĩnh viễn.
- Răng chưa được ổn định, mọc khấp khểnh/ lệch lạc khiến thức ăn dễ bám vào và khó vệ sinh. Từ đó tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển nhanh, gây sâu răng và tổn thương tủy.
- Không cung cấp đủ fluor khiến răng yếu, men răng không chắc khỏe và dễ bị hỏng. Khi được cung cấp đây đủ hydroxyapatite của răng và fluor gặp nhau tạo thành fluorapatite rắn chắc, có khả năng chống lại sự phân hủy của axit được tiết ra từ vi khuẩn.
Trẻ bị sâu răng vào tủy có nguy hiểm không?
Trẻ bị sâu răng vào tủy cần được áp dụng các biện pháp chăm sóc và điều trị thích hợp. Điều trị sớm có thể ngăn hỏng răng hoàn toàn, hoại tử tủy và nhiều tình trạng nghiêm trọng khác.
Ngược lại những trường hợp không được điều trị sớm và đúng cách có thể gặp những vấn đề nghiêm trọng sau:
- Hoại tử tủy (chết tủy)
- Mất cảm giác ở răng
- Răng yếu, giảm chức năng nhai
- Răng lung lay và dễ gãy rụng
- Mất răng sớm, ảnh hưởng đến quá trình phát triển răng vĩnh viễn (răng mọc lệch hoặc khấp khểnh)
- Áp xe quanh chóp răng
- Viêm nha chu
- Tổn thường và hỏng các răng lân cận
- Hôi miệng
Điều trị trẻ bị sâu răng vào tủy
Khi bị sâu răng vào tủy, trẻ được khám và kiểm tra đầy đủ để đánh giá tình trạng. Bao gồm lỗ sâu, mức độ đau răng các biểu hiện lâm sàng khác. Ngoài ra trẻ có thể được chụp X-quang để tạo ra hình ảnh chi tiết của răng và các mô bên trong. Từ đó đánh giá mức độ hỏng răng và xác định phương pháp điều trị thích hợp nhất.
Dưới đây là những phương pháp thường được dùng trong điều trị trẻ bị sâu răng vào tủy:
1. Thuốc
Nếu đau nhức nhiều do viêm tủy cấp, trẻ được hướng dẫn sử dụng một số loại thuốc để giảm nhẹ triệu chứng và điều trị viêm nhiễm.
- Thuốc giảm đau: Paracetamol thường được dùng để giảm đau răng từ nhẹ đến vừa cho trẻ bị sâu răng vào tủy. Thuốc có tác dụng hạ sốt và giảm đau. Ở liều thích hợp, Paracetamol mang đến hiệu quả giảm đau nhanh chóng.
- Thuốc kháng sinh: Một số loại thuốc kháng sinh như Amoxicillin… được chỉ định để tiêu diệt vi khuẩn. Từ đó ngăn sâu răng vào tủy thêm nghiêm trọng và lây lan sang nhiều răng khác.
- Thuốc kháng viêm: Nếu trẻ bị sâu răng vào tủy kèm theo sưng viêm tổ chức mô nướu, bác sĩ có thể chỉ định một loại thuốc kháng viêm phù hợp. Chẳng hạn như Dexamethason. Nhóm thuốc này có tác dụng giảm sưng, giảm viêm và làm dịu cảm giác đau nhức.
Lưu ý khi dùng thuốc cho trẻ:
- Chỉ dùng thuốc khi có chỉ định của bác sĩ.
- Dùng thuốc đúng liều và đúng cách theo yêu cầu của bác sĩ. Không tự ý thay đổi thuốc hoặc điều chỉnh liều dùng thuốc.
- Không tự ý ngừng sử dụng thuốc.
Sau khi điều trị viêm nhiễm và giảm các triệu chứng, điều trị nội nha (điều trị tủy răng) hoặc che tủy bằng Hydroxit canxi có thể được áp dụng.
2. Che tủy bằng Hydroxit canxi
Che tủy bằng Hydroxit canxi thường được chỉ định cho những trẻ bị sâu răng vào tủy ở mức độ nhẹ, có khả năng phục hồi, chưa hở tủy. Đây là một phương pháp điều trị bảo tồn, trong đó Hydroxit canxi được sử dụng để che chở và bảo vệ mô tủy, ngăn vi khuẩn xâm nhập. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho mô tủy bị thương lành lại và phục hồi.
Trong khi thực hiện, bác sĩ sử dụng máy khoan làm lộ rõ xoang sâu, loại bỏ ngà bị hoại tử. Sau đó dùng nước muối làm sạch xoang hàn và lau khô. Lấy một lượng vừa đủ Hydroxit canxi phủ từng lớp trong đáy xoang. Cuối cùng dùng vật liệu thích hợp (chẳng hạn như Composite GIC) để trám bít phần còn lại của xoang hàn và kiểm tra khớp cắn.
3. Điều trị tủy răng
Phần lớn trẻ bị sâu răng vào tủy được yêu cầu lấy tủy răng. Phương pháp này phù hợp với những bệnh nhi bị viêm tủy nặng hoặc hoại tử tủy, điều trị bảo tồn không hiệu quả.
Trong quá trình điều trị, tủy viêm hoặc hoại tử được làm sạch hoàn toàn. Sau đó tiến hành sát khuẩn, làm sạch đáy xoang. Cuối cùng sử dụng vật liệu thích hợp để trám bít khoang tủy và lỗ sâu răng.
Điều trị tủy răng mang đến những lợi ích sau:
- Loại bỏ tủy hoại tử và ổ viêm nhiễm
- Khắc phục đau và ê buốt ở răng hỏng
- Duy trì chức năng của răng
- Phục hồi hình dáng của răng
Tuy nhiên sau khi điều trị tủy, răng không còn tủy để nuôi dưỡng và phục hồi cảm giác. Điều này khiến răng ố vàng và yếu dần theo thời gian.
Tham khảo thêm: Lấy tủy răng sữa ở trẻ có ảnh hưởng đến răng vĩnh viễn không?
4. Nhổ răng
Ít khi nhổ răng được chỉ định cho những trẻ bị sâu răng vào tủy. Phương pháp này chỉ được thực hiện cho những trẻ đang trong giai đoạn thay răng sữa, răng lung lay, răng vỡ, nhiễm trùng nhiều, chữa tủy và dùng thuốc không hiệu quả.
Trong quá trình điều trị, răng hỏng sẽ bị loại bỏ hoàn toàn. Sau nhổ răng, một số phương pháp phục hình răng sẽ được cân nhắc lựa chọn. Chẳng hạn như cấy ghép implant. Những trẻ bị viêm tủy răng sữa không cần phục hình răng sau nhổ răng.
Phương pháp phòng ngừa trẻ bị sâu răng vào tủy
So với người lớn, sâu răng vào tủy ở trẻ thường diễn ra nhanh và nghiêm trọng hơn. Các phương pháp điều trị cần được áp dụng kịp thời để ngăn ngừa biến chứng. Ngoài ra mất răng sữa sớm do viêm tủy răng có thể ảnh hưởng đến quá trình mọc răng vĩnh viễn, giảm khả năng nhai và thay đổi cách phát âm.
Chính vì thế việc phòng ngừa trẻ bị sâu răng vào tủy là điều cần thiết. Điều này giúp hạn chế rủi ro, ổn định quá trình phát triển răng miệng và duy trì chức năng răng. Để phòng ngừa, hãy áp dụng những biện pháp cơ bản dưới đây:
- Phát hiện và điều trị sâu răng càng sớm càng tốt.
- Trám răng theo chỉ định của bác sĩ. Làm sạch và dùng vật liệu thích hợp để trám bít lỗ sâu. Từ đó ngăn vi khuẩn phát triển và tình trạng sâu răng thêm nghiêm trọng.
- Cho trẻ khám nha định kỳ 6 tháng/ lần, đặc biệt là trong giai đoạn thay răng.
- Thông báo với bác sĩ nếu trẻ thường xuyên có cảm giác nhói buốt, ê buốt, đau nhức, nhạy cảm với nhiệt độ và thức ăn, bề mặt răng hoặc kẽ răng hình thành một lỗ sâu lớn…
- Hạn chế cho trẻ ăn nhiều bánh kẹo, nước ngọt có gas, sôcôla và những món ăn nhiều đường khác.
- Cung cấp flour cho răng thông qua chế độ ăn uống, dùng nước súc miệng hoặc kem đánh răng chứa nhiều flour. Đây là một khoáng chất quan trọng, cần thiết cho quá trình củng cố men răng và xây dựng răng chắc khỏe. Đồng thời tạo một lớp màng bảo vệ ngăn vi khuẩn gây sâu răng.
- Cho trẻ ăn nhiều rau xanh. Bởi nhóm thực phẩm này có độ pH kiềm, có khả năng trung hòa hàm lượng axit do vi khuẩn tiết ra. Bên cạnh đó chất xơ trong rau xanh giúp làm sạch vụn thức ăn, ngăn sự phát triển của vi khuẩn và giảm nguy cơ gây hôi miệng. Ngoài ra nên cho trẻ ăn nhiều thực phẩm giàu vitamin C, canxi và các khoáng chất khác để tăng khả năng kháng viêm, tăng độ cứng của men răng và giúp răng miệng chắc khỏe.
- Vệ sinh răng miệng đúng cách
- Súc miệng với kem đánh răng chứa flour, mỗi ngày chải răng từ 2 – 3 lần.
- Dùng bàn chải có lông chải mảnh, mềm, đầu chải có kích thước vừa phải. Chải răng theo chiều kim đồng hồ và chải lên xuống để làm sạch toàn bộ bề mặt của răng.
- Thay bàn chải mỗi 3 tháng 1 lần.
- Vệ sinh khoang miệng và làm sạch vụn thức ăn sau khi ăn xong.
- Dùng thêm nước súc miệng diệt khuẩn hoặc chỉ nha khoa để đảm bảo vụn thức ăn và vi khuẩn được làm sạch hoàn toàn. Từ đó ngăn ngừa trẻ bị sâu răng vào tủy.
- Cho trẻ nhai sing-gum. Đây là cách tăng tiết nước bọt, giúp trung hòa axit, hạn chế vi khuẩn phát triển và gây sâu răng.
Trẻ bị sâu răng vào tủy là một tình trạng nghiêm trọng, có thể gây mất răng sữa sớm, áp xe quanh chóp răng, giảm chức năng nhai và nhiều biến chứng nghiêm trọng khác. Chính vì thế việc phòng ngừa và điều trị sớm là điều cần thiết. Phụ huynh cần đưa trẻ đến nha khoa ngay khi có dấu hiệu sâu răng hoặc bị đau nhức.
Tham khảo thêm:
Bài viết liên quan
Hội chứng sâu răng do bú bình và cách phòng ngừa
Răng vĩnh viễn bị sâu nên xử lý thế nào hiệu quả?
Bị sâu răng nên kiêng gì tốt nhất? (Ăn uống + Sinh hoạt)
Cách chữa sâu răng bằng lá trầu không giảm đau cấp tốc
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!