Các loại thuốc bôi nhiệt miệng thường được sử dụng để giảm sưng, đau rát và đẩy nhanh tốc độ làm lành vết loét. Tuy nhiên, cần phải lựa chọn loại thuốc phù hợp để hạn chế những can thiệp không cần thiết và giảm thiểu tác dụng phụ khi dùng.
Top 10 loại thuốc bôi nhiệt miệng hiệu quả nhất
Nhiệt miệng – loét áp tơ là bệnh lý răng miệng có thể gặp ở mọi lứa tuổi. Bệnh lý này đặc trưng bởi sự xuất hiện các mụn nước, mụn mủ ở niêm mạc miệng, sau đó mụn vỡ tạo thành vết loét nông gây đau rát và khó chịu nhiều – nhất là khi ăn uống và trò chuyện.
Thông thường, nhiệt miệng có thể tự thuyên giảm sau 7 – 14 ngày mà không cần điều trị. Tuy nhiên, trong thời gian này, vết loét có thể gây đau rát và khó chịu nhiều. Nếu cần thiết, bạn có thể sử dụng một số loại thuốc bôi trị nhiệt miệng để giảm triệu chứng và giúp vết loét nhanh lành hơn.
Thuốc bôi trị nhiệt miệng thường chứa các thành phần làm dịu, sát khuẩn, giảm đau, kháng viêm và tăng tái tạo vết loét. Nếu kiên trì sử dụng, các triệu chứng khó chịu như cảm giác đau rát, sưng viêm sẽ giảm đi chỉ sau vài ngày. Phần lớn những trường hợp bị nhiệt miệng sẽ thuyên giảm sau khi dùng thuốc bôi. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp phải kết hợp thêm thuốc uống nếu vết loét nặng và đã có dấu hiệu viêm nhiễm thứ phát.
Nếu đang tìm kiếm thuốc bôi trị nhiệt miệng có chất lượng tốt và hiệu quả nhanh, bạn đọc có thể tham khảo danh sách 10 loại thuốc thông dụng sau:
1. Thuốc bôi nhiệt miệng Kamistad
Kamistad là thuốc bôi lở miệng được sử dụng phổ biến nhất hiện nay. Loại thuốc này còn được dùng để điều trị viêm lợi, nhiệt lưỡi, xây xước niêm mạc miệng do chải răng quá mạnh, chấn thương trong quá trình niềng răng và thực hiện các kỹ thuật nha khoa như trám răng, lấy tủy răng, bọc răng sứ,… Thành phần chính của thuốc bôi Kamistad là hoạt chất Lidocain HCl 20mg – hoạt chất có tác dụng giảm đau và gây tê tại chỗ.
Bên cạnh đó, loại thuốc này còn chứa dịch chiết hoa cúc có tác dụng làm dịu vết loét và giảm sưng hiệu quả. Chất chống oxy hóa trong dịch chiết hoa cúc còn đẩy nhanh tốc độ tái tạo và làm lành vết loét. Vì vậy, thuốc bôi Kamistad rất được ưa chuộng vì vừa có tác dụng giảm đau vừa giúp làm lành vết loét do nhiệt miệng.
Cách dùng – liều dùng:
- Mỗi lần dùng ¼ cm (trẻ em) và ½ cm (người lớn) thoa lên vết loét
- Sử dụng 3 lần trong vòng 24 giờ
- Dùng đều đặn trong vài ngày cho đến khi vết loét lành hẳn và hết đau rát, khó chịu
Khi thoa thuốc Kamistad, vết loét có thể bị bỏng rát nhẹ nhưng tình trạng này sẽ nhanh chóng thuyên giảm. Mặc dù là thuốc bôi ngoài nhưng bạn không nên dùng thuốc tùy tiện và tránh sử dụng dài ngày nếu không có sự cho phép của bác sĩ.
2. Thuốc bôi nhiệt miệng Oracortia
Vết loét do nhiệt miệng gây ra có thể khiến niêm mạc bị sưng viêm và đau rát nhiều. Trong trường hợp này, bạn có thể dùng các loại thuốc bôi chứa corticoid như Oracortia. Loại thuốc này chứa hoạt chất Triamcinolone acetonide 0.1g với khả năng kháng viêm. Thuốc có tác dụng giảm sưng, cảm giác rát và nóng đỏ ở vùng niêm mạc bị nhiệt miệng.
Oracortia không chỉ được dùng để điều trị nhiệt miệng mà còn được dùng để giảm đau tạm thời cho các dạng viêm loét niêm mạc miệng thường gặp khác. Tuy nhiên, cần tránh sử dụng các loại thuốc chứa corticoid, bao gồm Oracortia dài ngày vì có thể gia tăng nguy cơ nhiễm nấm và viêm nhiễm thứ phát. Tốt nhất, chỉ nên dùng thốc bôi nhiệt miệng Oracortia với liều thấp trong thời gian ngắn nhất có thể.
Hướng dẫn sử dụng:
- Súc miệng và rửa tay sạch sẽ
- Sử dụng một lượng thuốc nhỏ thoa lên vết loét
- Dùng 2 – 3 lần/ ngày để nhận thấy hiệu quả rõ rệt.
- Nên dùng sau bữa ăn và trước khi đi ngủ để tối ưu hiệu quả thuốc.
3. Thuốc bôi Zytee RB Gel
Zytee RB Gel là gel sát trùng, giảm đau được sử dụng trong nhiều trường hợp khác nhau như nhiệt miệng, viêm miệng, viêm lưỡi và đau nhức răng. Thành phần chính của thuốc là Choline salicylate B.P có tác dụng giảm đau và Clorua benzalkonium có đặc tính sát trùng, kháng khuẩn.
Zytee RB Gel là loại thuốc giảm đau được sử dụng ở dạng bôi ngoài nên khá an toàn. Nếu nhiệt miệng gây đau rát nhiều, ảnh hưởng đến quá trình ăn uống và sinh hoạt, bạn có thể dùng loại thuốc này để cải thiện. Thuốc sẽ phát huy tác dụng trong 3 – 4 phút sau khi dùng và hiệu quả có thể kéo dài được từ 3 – 4 giờ tùy theo cơ địa của từng người.
Hướng dẫn sử dụng:
- Súc miệng để làm sạch khoang miệng
- Dùng hai giọt gel chấm nhẹ lên vết loét
- Sử dụng 3 lần/ ngày, mỗi lần cách nhau 3 – 4 giờ nếu cần thiết
4. Thuốc bôi nhiệt miệng Mouthpaste
Thuốc bôi trị nhiệt miệng Mouthpaste là dược phẩm của Công ty cổ phần dược phẩm Medipharco. Thành phần chính của thuốc là hoạt chất Triamcinolon có tác dụng kháng viêm và chống dị ứng. Thuốc được sử dụng trong điều trị nhiệt miệng, đau nhức lợi do các bệnh nha khoa hoặc chấn thương, viêm lưỡi, viêm môi,…
Các hoạt chất corticoid nói chung và Triamcinolon có tác dụng ức chế miễn dịch. Do đó, thuốc có thể tăng nguy cơ nhiễm nấm và vi khuẩn nếu dùng dài ngày. Thông thường, Mouthpaste chỉ được sử dụng khi nhiệt miệng gây sưng niêm mạc và đau rát nhiều. Để đảm bảo an toàn, chỉ nên dùng thuốc khi cần thiết và cần giới hạn liều lượng, thời gian sử dụng.
Hướng dẫn sử dụng:
- Súc miệng sạch và rửa tay bằng xà phòng trước khi dùng thuốc
- Thoa một ít thuốc lên vết loét để giảm đau rát và sưng viêm
- Ngày dùng 2 – 3 lần và nên hạn chế sử dụng khi không cần thiết
5. Gel bôi nhiệt miệng VNP
Gel bôi VNP thường được dùng để điều trị nhiệt miệng, viêm quanh chân răng, phòng ngừa bệnh viêm lợi và sát khuẩn trước – sau khi thực hiện các thủ thuật nha khoa. Thành phần chính của thuốc là hoạt chất Chlorhexidine digluconate 0.2% có tác dụng sát trùng và kháng khuẩn. Nhờ vậy có thể ngăn ngừa viêm nhiễm và giúp cho vết loét nhanh lành hơn.
Trong trường hợp nhiệt miệng nhẹ nhưng hay tái phát, bạn nên dùng gel bôi VNP để giúp vết loét nhanh lành hơn. Ngoài ra, sử dụng loại thuốc này còn giúp tiêu diệt vi khuẩn có hại trong khoang miệng và hỗ trợ phòng ngừa các bệnh về răng miệng thường gặp.
Hướng dẫn sử dụng:
- Vệ sinh răng miệng và rửa tay bằng xà phòng trước khi dùng
- Sử dụng một lượng gel vừa đủ thoa lên vết loét
- Không ăn uống trong vòng 30 – 60 phút sau khi dùng (tốt nhất là dùng vào buổi tối trước khi đi ngủ)
- Ngày sử dụng 2 – 3 lần để ngăn ngừa viêm nhiễm và giúp vết loét nhanh lành
6. Gel trị nhiệt miệng Urgo cho trẻ em
Urgo Mouth Ulcers là sản phẩm dạng bôi ngoài được sử dụng để điều trị vết thương nhỏ và các vết loét bên trong khoang miệng. Sản phẩm được có màu nâu với hương cam đặc trưng, có thể sử dụng cho cả người lớn và trẻ nhỏ.
Gel trị nhiệt miệng Urgo chứa thành phần tạo màng ngăn là dẫn xuất Cellulose giúp bảo vệ vết loét, tránh tình trạng vết loét tiếp xúc với nước bọt và thức ăn. Qua đó giảm nhanh triệu chứng đau rát, khó chịu và giúp vết loét nhanh lành hơn.
Sản phẩm mang lại hiệu quả làm dịu và giảm cơn đau tức thì, tạo màng ngăn liên tục trong 4 giờ đồng hồ giúp hạn chế nguy cơ viêm nhiễm và đẩy nhanh tốc độ lành thương. Tuy nhiên, nên tránh dùng sản phẩm cho vết loét có đường kính hơn 1cm và những trường hợp đã bị nhiễm khuẩn.
Cách sử dụng:
- Thoa một lượng gel vừa đủ lên vết loét, để khô trong 10 – 15 giây và ngậm miệng lại
- Màng phim được tạo ra từ sản phẩm này có hiệu quả trong vòng 4 tiếng đồng hồ. Sau thời gian này, nên sử dụng lại để giúp vết loét nhanh lành và giảm cảm giác đau rát, khó chịu do tiếp xúc với thức ăn.
- Sử dụng tối đa 4 lần/ ngày và nên dùng liên tục trong 3 – 5 ngày
- Tốt nhất nên dùng sản phẩm trước khi ăn để bảo vệ vết loét, tránh cảm giác khó chịu và rát khi tiếp xúc với các loại gia vị trong thức ăn
7. Emofluor – Gel bôi trị nhiệt miệng, tụt lợi
Emofluor là gel bôi trị tụt lợi, nhiệt miệng được sử dụng phổ biến. Sản phẩm này được sản xuất bởi Công ty Dược phẩm Dr. Wild & Co. AG – Thụy Sỹ với thành phần chính là Stannous Fluoride. Hoạt chất này có tác dụng kháng khuẩn và tái khoáng men răng, rất tốt cho người bị mòn men, tụt lợi và nhiệt miệng (loét miệng).
Bên cạnh đó, gel bôi Emofluor còn chứa các thành phần có tác dụng kháng khuẩn. Sản phẩm này thường được dùng để ngăn ngừa viêm nhiễm thứ phát và giúp vết loét do nhiệt miệng nhanh lành hơn. Ngoài ra, bạn cũng có thể sử dụng Emofluor để tăng cường sức khỏe cho nướu và men răng – nhất là trong trường hợp bị nhiệt miệng tái phát nhiều lần.
Hướng dẫn sử dụng:
- Sử dụng 1 lượng gel vừa đủ thoa trực tiếp lên vết loét
- Giữ nguyên trong khoảng 1 – 2 phút để gel thẩm thấu sâu vào bên trong
- Sau đó, sử dụng khăn vải mềm lau sạch phần gel
- Dùng đều đặn 3 – 4 lần/ ngày cho đến khi vết loét lành hẳn
8. Thuốc thoa nhiệt miệng Gengigel
Thuốc bôi nhiệt miệng Gengigel được bào chế ở dạng gel với thành phần chính là Axit hyaluronic. Công thức của hoạt chất này có nhiều nét tương đồng với Axit hyaluronic bên trong mô nướu. Nhờ vậy, hoạt chất này có thể kháng viêm, giảm sưng đau và đẩy nhanh tốc độ tái tạo, phục hồi vết loét.
Thuốc bôi Gengigel thường được dùng để điều trị nhiệt miệng, viêm nướu, tụt nướu và loét niêm mạc miệng do chấn thương (chải răng mạnh, tổn thương nướu sau khi can thiệp các kỹ thuật nha khoa,…). Trong trường hợp nhiệt miệng nhẹ, bạn có thể dùng loại thuốc này để làm dịu vết loét, giảm cảm giác sưng đau và đẩy nhanh tốc độ tái tạo, phục hồi.
Hướng dẫn sử dụng:
- Vệ sinh răng miệng và rửa sạch tay bằng xà phòng
- Dùng một lượng gel vừa đủ thoa lên vết loét
- Sử dụng đều đặn 3 – 4 lần/ ngày trong vài ngày đến khi vết loét lành hẳn
9. Gel trị nhiệt miệng Orajel
Gel trị nhiệt miệng Orajel là sản phẩm an toàn cho cả người lớn và trẻ em. Thành phần chính của sản phẩm là hoạt chất Benzocaine có nồng độ 20% có tác dụng gây tê và giảm đau. Bên cạnh đó, công thức của sản phẩm còn được bổ sung hoạt chất sát khuẩn để ngăn ngừa viêm nhiễm thứ phát.
Sau khi sử dụng, các hoạt chất trong sản phẩm sẽ phát huy tác dụng giúp giảm đau nhanh chóng. Nếu kiên trì sử dụng, các triệu chứng đau rát và khó chịu do nhiệt miệng gây ra sẽ thuyên giảm nhanh sau khoảng 3 – 5 ngày. Trong trường hợp không có chỉ định từ bác sĩ, không nên dùng gel trị nhiệt miệng Orajel quá 7 ngày.
Hướng dẫn sử dụng:
- Sử dụng tay hoặc tăm bông lấy một phần gel thoa lên vết loét do nhiệt miệng gây ra
- Để trong khoảng 1 – 2 phút cho thuốc khô hoàn toàn
- Ngày sử dụng 3 – 4 lần trong vài ngày cho đến khi vết loét lành hoàn toàn
10. Kem bôi nhiệt miệng Taisho của Nhật Bản
Kem bôi nhiệt miệng Taisho là sản phẩm có xuất xứ từ Nhật Bản. Sản phẩm chứa thành phần chính là Triamcinolon acetonide với hàm lượng 0.1g có tác dụng kháng viêm và giảm đau. Loại thuốc này thường được dùng để điều trị nhiệt miệng, tưa lưỡi (nấm lưỡi), viêm nướu và các dạng viêm loét niêm mạc miệng thường gặp khác.
Sản phẩm chứa corticoid nên cần tránh sử dụng lâu ngày. Nếu không cần thiết, chỉ nên dùng kem bôi Taisho trong 3 – 5 ngày với liều lượng thấp nhất để đảm bảo an toàn. Để vết loét nhanh lành, nên kết hợp dùng thuốc với chăm sóc răng miệng và ăn uống hợp lý.
Hướng dẫn sử dụng:
- Làm sạch khoang miệng bằng cách súc miệng
- Rửa sạch tay bằng xà phòng, sau đó thoa một lượng gel vừa đủ lên vết loét
- Để sản phẩm khô hoàn toàn trước khi ngậm miệng lại
- Dùng 3 lần/ ngày trong khoảng vài ngày cho đến khi vết loét giảm sưng đau, khó chịu
Lưu ý khi dùng thuốc bôi nhiệt miệng
Thuốc bôi trị nhiệt miệng có tác dụng giảm cảm giác đau rát, sưng đỏ và ngăn ngừa viêm nhiễm. Đồng thời các loại thuốc này còn giúp thúc đẩy tốc độ tái tạo và làm lành vết loét. Tuy nhiên khi dùng các loại thuốc này, bạn nên lưu ý một số vấn đề sau:
- Nhiệt miệng là một dạng viêm loét niêm mạc miệng lành tính có thể tự thuyên giảm sau 7 – 14 ngày. Vì vậy nếu không cần thiết, bạn có thể áp dụng các cách trị nhiệt miệng tại nhà để giảm nhẹ triệu chứng thay vì dùng thuốc.
- Thuốc bôi vẫn có thể gây ra tác dụng phụ khi dùng. Do đó, bạn chỉ nên sử dụng thuốc khi có chỉ định từ dược sĩ và nên đọc kỹ hướng dẫn sử dụng in trên bao bì – đặc biệt là với những loại thuốc chứa hoạt chất corticoid.
- Nếu không có chỉ định của dược sĩ, chỉ nên dùng thuốc trong 3 – 5 ngày và tránh sử dụng quá 7 ngày. Ngoài ra trong thời gian sử dụng, nên chú ý các biểu hiện bất thường và thông báo với dược sĩ/ bác sĩ để được tư vấn cách xử trí, khắc phục.
- Tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng thuốc bôi trị nhiệt miệng trong trường hợp đang mang thai, cho con bú và người dưới 12 tuổi.
- Trong thời gian điều trị nhiệt miệng, nên có chế độ ăn uống và sinh hoạt điều độ để nâng đỡ thể trạng. Qua đó đẩy nhanh tốc độ lành vết loét và hỗ trợ phòng ngừa nhiệt miệng tái phát.
Các loại thuốc bôi nhiệt miệng thường có bán tại các nhà thuốc tây trên toàn quốc. Tuy nhiên, chỉ nên sử dụng thuốc khi cần thiết để hạn chế tối đa tác dụng phụ. Ngoài việc dùng thuốc, nên kết hợp với các biện pháp chăm sóc nhằm giảm nhẹ triệu chứng và đẩy nhanh tốc độ phục hồi vết loét.
Tham khảo thêm:
Bài viết liên quan
Nhiệt Miệng Chân Răng Là Gì? Triệu Chứng Và Cách Chữa Trị
Top 5 Thuốc Nhiệt Miệng Của Nhật Tốt Nhất Và Được Tin Dùng
Nhiệt Miệng Có Mủ Có Nguy Hiểm Không? Cách Chữa Trị Nhanh Khỏi
2 Mẹo Chữa Nhiệt Miệng Bằng Bột Sắn Dây Hay Nên Biết
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!