Ngoài các biện pháp vệ sinh răng miệng, chế độ ăn uống cũng là yếu tố cần phải chú ý sau khi làm răng sứ. Những thông tin giải đáp về vấn đề Sau khi bọc răng sứ nên ăn gì và kiêng gì? sẽ giúp bạn đọc dễ dàng xây dựng chế độ ăn hợp lý giúp bảo vệ sức khỏe răng miệng và kéo dài tuổi thọ của răng sứ.
Tầm quan trọng của chế độ ăn sau khi bọc răng sứ
Bọc răng sứ là kỹ thuật phục hình răng bị nứt mẻ, răng gãy, tổn thương và ngả màu nặng. Kỹ thuật này sử dụng mão răng có hình dáng và kích thước tương tự như răng thật với phần bên trong rỗng. Sau khi chế tác, mão răng sẽ được chụp trực tiếp lên cùi răng thật để khôi phục hình dáng và chức năng ăn nhai.
Bọc răng sứ có thời gian thực hiện khá nhanh chóng. Trung bình mỗi ca phục hình chỉ mất khoảng 2 – 3 buổi hẹn và mỗi buổi kéo dài từ 1 – 3 giờ đồng hồ tùy theo số lượng răng cần phục hình. Vì không xâm lấn vào xương hàm và mô nướu nên sau khi làm răng sứ, bạn có thể quay trở lại cuộc sống như bình thường.
Tuy nhiên sau khi bọc răng sứ, bạn cần xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý để răng có thời gian hồi phục hoàn toàn. Ngoài ra, ăn uống khoa học còn giúp cho răng nhanh chóng giảm cảm giác đau nhức, ê buốt do ảnh hưởng của quá trình mài răng. Đồng thời hỗ trợ cải thiện sức khỏe răng miệng và phòng ngừa các bệnh lý nha khoa hiệu quả.
Ngược lại nếu không có chế độ ăn uống hợp lý, răng có thể bị đau nhức và ê buốt nhiều. Thậm chí có những trường hợp còn gặp phải tình trạng mão sứ chênh, cộm và hở do ăn nhai quá mạnh. Về lâu dài, các thói quen ăn uống thiếu khoa học có thể khiến răng sứ bị ngả màu, giòn, dễ nứt mẻ và thậm chí là gãy dưới tác động của quá trình ăn uống.
Sau khi bọc răng sứ nên ăn gì?
Sau khi bọc răng sứ, răng sẽ bị đau nhức và ê buốt nhẹ trong khoảng 3 – 5 ngày. Vì vậy trong thời gian này, bạn cần xây dựng chế độ ăn đặc biệt để đảm bảo cùi răng thật bên trong mão răng sứ được phục hồi hoàn toàn. Bên cạnh đó, duy trì chế độ dinh dưỡng hợp lý còn giúp nâng cao sức khỏe răng miệng và tổng thể.
Dưới đây là một số loại thực phẩm, đồ uống bạn nên bổ sung sau khi bọc răng sứ:
1. Thức ăn mềm, lỏng và nguội
Trog vài ngày đầu, bạn nên dùng thức ăn mềm, lỏng và nguội như cháo lỏng, súp, canh, các món hầm,… để giảm áp lực lên các răng trong quá trình ăn nhai. Các món ăn này có kết cầu mềm nên dễ nhai, hoàn toàn không làm tăng áp lực lên các răng hàm và đặc biệt là răng sứ.
Dùng các món ăn này trong khoảng 3 – 5 ngày có thể giảm nhanh cảm giác đau nhức và khó chịu. Ngoài ra, bạn cũng nên dùng các món ăn mềm, lỏng và nguội sau khi niềng răng – chỉnh nha, nhổ răng và phẫu thuật nạo túi nha chu để tạo điều kiện cho vết thương nhanh lành.
2. Ăn nhiều chất xơ
Chất xơ không chỉ tốt cho đường ruột mà còn mang đến nhiều lợi ích đối với sức khỏe răng miệng. Sau khi bọc răng sứ, răng sẽ bị ê buốt và đau nhức nên bắt buộc phải chải răng nhẹ nhàng để tránh các triệu chứng đau nhức bùng phát. Vì vậy trong thời gian này, bạn nên bổ sung các loại thực phẩm giàu chất xơ như các loại củ, ngũ cốc nguyên hạt và rau xanh.
Chất xơ trong các loại thực phẩm này có khả năng làm sạch mảng bám và ngăn ngừa hình thành cao răng. Ngoài ra, độ pH kiềm trong các loại rau lá xanh còn giúp trung hòa axit do hại khuẩn Streptococcus mutans bài tiết và ngăn ngừa sâu răng hiệu quả. Ngay cả khi răng sứ đã ổn định và hết đau nhức, bạn vẫn nên duy trì chế độ ăn nhiều chất xơ để cải thiện sức khỏe đường ruột và phòng ngừa các bệnh lý nha khoa.
3. Bổ sung đủ 2 lít nước
Ngoài bổ sung chất xơ, bạn cũng nên chú ý uống đủ 2 lít nước sau khi bọc răng sứ. Uống đủ nước giúp khoang miệng bài tiết nước bọt thường xuyên. Ngoài tác dụng làm mềm thức ăn, nước bọt còn giúp tái khoáng men răng và trung hòa axit do vi khuẩn bài tiết. Những trường hợp giảm tiết nước bọt (khô miệng) rất dễ gặp phải tình trạng hôi miệng và sâu răng sau khi bọc răng sứ thẩm mỹ.
4. Tăng cường thực phẩm giàu canxi, vitamin thiết yếu
Bọc răng sứ thực chất chỉ dùng mão răng giả chụp lên cùi răng thật ở bên trong. Do đó, tuổi thọ của răng giả phụ thuộc vào sức khỏe răng miệng. Nếu răng thật suy yếu, mão sứ sẽ nhanh chóng trở nên lỏng lẻo, lung lay và rơi ra sau một thời gian ngắn.
Để tăng cường sức khỏe răng miệng, bạn nên bổ sung thực phẩm giàu canxi, vitamin C và D. Đây đều là những thành phần dinh dưỡng cần thiết cho sức khỏe răng miệng. Bổ sung đầy đủ vitamin và khoáng chất giúp răng chắc khỏe, hạn chế tối đa tình trạng mòn men và suy yếu.
Nên kiêng gì sau khi bọc răng sứ?
Ngoài vấn đề “Sau khi bọc răng sứ nên ăn gì?”, bạn cũng cần nắm bắt các thực phẩm và đồ uống cần kiêng cữ sau khi phục hình răng. Nếu không ăn uống khoa học, răng sứ dễ bị ngả màu và nứt, gãy sau một thời gian ngắn.
Do đó sau khi làm răng sứ, bạn nên hạn chế các loại đồ uống và thực phẩm sau:
1. Thức ăn cứng, khô và dai
Cần tránh các loại thực phẩm khô, dai và cứng như thịt bò khô, các loại quả hạch, khô mực, tôm khô,… sau khi phục hình răng. Khi ăn nhai các loại thực phẩm này, răng hàm phải chịu áp lực lớn dẫn đến tình trạng đau nhức và khó chịu. Ngoài ra, áp lực quá lớn còn có thể khiến cảm giác đau nhức và ê buốt răng kéo dài, thậm chí là nặng dần lên theo thời gian.
Sau khi răng sứ đã ổn định, bạn cũng nên hạn chế các loại thức ăn khô, cứng và dai. Thói quen dùng thức ăn cứng, khô kéo dài có thể gây mòn men răng và tăng nguy cơ bị viêm khớp thái dương hàm.
2. Thực phẩm và đồ uống chứa nhiều axit
Sau khi làm răng sứ, bạn cũng nên hạn chế dùng đồ uống và thực phẩm chứa nhiều axit. Axit có thể gây hòa tan các mô cứng của răng. Theo thời gian, men răng bị mài mỏng dẫn đến cảm giác ê buốt và khó chịu khi ăn uống, đặc biệt là với các món ăn quá nóng/ quá lạnh.
Với răng sứ, axit khiến màu răng bị ngả sau một thời gian. Ngoài ra, dùng đồ ăn và thực phẩm chứa nhiều axit cũng ảnh hưởng đến độ chắc khỏe của cùi răng bên trong. Khi cùi răng bị hư hại, mão sứ cũng có thể bị lung lay, chênh cộm và hở chỉ sau một thời gian ngắn.
3. Thức ăn dẻo, dễ hình thành mảng bám
Ngoài thức ăn khô, cứng và chứa nhiều axit, bạn cũng nên hạn chế các loại thức ăn dẻo và dễ hình thành mảng bám như kẹo dẻo, socola, các món ăn từ nếp,… Các loại thực phẩm này dễ bám vào kẽ răng và rãnh của các mặt nhai, tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập, phát triển gây hình thành mảng bám.
Số lượng mảng bám tăng lên đồng nghĩa với việc hình thành nhiều cao răng. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe răng miệng và tuổi thọ của mão răng sứ. Vì vậy sau khi làm răng sứ, bạn nên hạn chế các loại thực phẩm dẻo, dễ hình thành mảng bám. Nếu dùng các món ăn này, nên chú ý vệ sinh răng miệng kỹ để phòng tránh các vấn đề nha khoa.
4. Thức ăn, đồ uống có màu đậm
Mặc dù không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe răng miệng nhưng thức ăn, đồ uống có màu đậm có thể khiến răng sứ bị ố vàng và ngả màu. Dùng các đồ uống, thực phẩm có màu đậm khiến hàm răng xỉn màu, ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả thẩm mỹ và gây ra tâm lý thiếu tự tin khi giao tiếp.
Khác với răng thật, răng sứ được làm từ sứ nên không thể tẩy trắng răng nếu bị ố màu. Trong trường hợp này, giải pháp tối ưu là làm lại răng sứ. Tuy nhiên, răng sứ có chi phí khá cao (dao động từ 1 – 7 triệu đồng). Vì vậy, cách tốt nhất là kiêng cữ các loại thực phẩm và đồ uống có màu đậm.
5. Đồ uống chứa cồn
Đồ uống chứa cồn cũng nằm trong danh sách những thứ cần kiêng cữ sau khi bọc răng sứ. Cồn không chỉ ăn mòn men răng mà còn ảnh hưởng đến mô nướu và hoạt động bài tiết nước bọt của khoang miệng.
Những người sử dụng đồ uống có cồn trong thời gian dài thường gặp phải các vấn đề răng miệng như viêm nha chu, sâu răng, tiêu xương hàm và có tuổi thọ răng sứ thấp hơn so với người không dùng đồ uống cồn thường xuyên. Ngoài ra, một số đồ uống chứa cồn như sâm panh còn có thể gây ố màu men răng.
Ngoài những lưu ý về ăn uống, bạn cũng cần chú ý vệ sinh răng miệng đúng cách và sinh hoạt hợp lý để đảm bảo răng sứ không bị ngả màu và có tuổi thọ cao. Bên cạnh đó, nên tái khám đều đặn 6 tháng/ lần để được lấy cao răng và đánh giá sức khỏe răng miệng.
Trên đây là những thông tin giải đáp “Sau khi bọc răng sứ nên ăn gì và kiêng gì?”. Hy vọng qua bài viết, bạn đọc có thể xây dựng chế độ ăn uống phù hợp sau khi làm răng sứ. Ngoài chế độ dinh dưỡng, nên chú ý đến thói quen sinh hoạt và vệ sinh răng miệng để đảm bảo răng sứ ổn định, không bị ngả màu và chênh, cộm.
Tham khảo thêm:
Bài viết liên quan
Bọc Răng Sứ Không Mài Răng Có Được Không?
So Sánh Răng Sứ Zirconia Và Cercon: Loại Nào Tốt Nhất?
Bọc Răng Sứ Có Bền Không? Duy Trì Được Bao Lâu?
So Sánh Răng Sứ Cercon Và Ceramill: Loại Nào Tốt Hơn?
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!