Bọc răng sứ bị nhiễm trùng thường do sử dụng mão sứ có kích thước không phù hợp hoặc áp dụng sai cách. Điều này làm tăng áp lực lên chân răng và dây thần kinh dẫn đến nhiễm trùng. Để điều trị, người bệnh thường được yêu cầu nạo sạch ổ viêm hoặc/ và bọc lại răng sứ.
Bọc răng sứ bị nhiễm trùng và dấu hiệu
Bọc răng sứ bị nhiễm trùng là tình trạng nhiễm trùng phát triển ở răng được chụp mão sứ. Tình trạng này thường liên quan đến mão sứ có kích thước không phù hợp, kỹ thuật không chính xác và vệ sinh răng miệng kém.
Tương tự như nhiễm trùng răng thông thường, bọc răng sứ bị nhiễm trùng cần được can thiệp kịp thời để tránh nhiễm trùng lan rộng. Thông thường ổ viêm nhiễm sẽ được nạo sạch và bọc lại răng sứ để điều trị.
Khi bị nhiễm trùng, răng cực kỳ nhạy cảm và mô nướu có dấu hiệu sưng tấy (viêm). Nhiều trường hợp có mủ tích tụ đầu chân răng kèm theo những triệu chứng nghiêm trọng sau:
- Đau nhức răng
- Đau chân răng ở răng bọc sứ. Đau thường liên tục, dễ bùng phát hoặc nặng nề hơn khi nhai, cắn, tác động lực hoặc nằm xuống
- Tăng mức độ đau theo thời gian
- Đau có xu hướng lan rộng toàn hàm, những trường hợp nặng khó xác định chính xác răng bị đau
- Tấy đỏ ở vùng nướu lợi
- Thường xuyên chảy máu chân răng
- Hôi miệng
- Răng lung lay
- Thay đổi màu sắc chân răng
- Miệng có vị kim loại hoặc vị chua
- Sốt
- Sưng hạch bạch huyết
- Khó chịu
- Cảm thấy cứng hàm, khó há miệng hoặc ăn uống.
Bọc răng sứ bị nhiễm trùng do đâu?
Bọc răng sứ là một kỹ thuật phục hình răng được áp dụng phổ biến. Kỹ thuật này dùng mão răng có kích thước, hình dáng và màu sắc tương tự như răng thật để chụp lên cùi răng đã được mài nhỏ.
Chụp mão sứ giúp phục hồi chức năng sinh lý của răng. Đồng thời phục hồi hình dáng và tăng tính thẩm mỹ. Kỹ thuật này có độ an toàn cao. Tuy nhiên một số trường hợp có thể bị nhiễm trùng.
Bọc răng sứ bị nhiễm trùng thường do những nguyên nhân dưới đây:
- Mão sứ sai kích thước
Sử dụng mão sứ có kích thước không phù hợp hoặc được áp dụng không đúng cách làm tăng áp lực lên chân răng và dây thần kinh. Điều này có thể dẫn đến tình trạng nhiễm trùng.
Ngoài ra mão răng được đặt trên miếng trám cũ cũng có thể làm tăng áp lực và dẫn đến nhiễm trùng. Bởi vi khuẩn từ miếng trám cũ có thể phát triển mạnh, di chuyển xuống chân răng, tác động đến dây thần kinh và gây đau đớn.
- Kỹ thuật không chính xác
Những vấn đề dưới đây có thể khiến răng bọc sứ bị nhiễm trùng:
-
- Mài răng không đúng tỷ lệ làm tổn thương ngà răng và ống tủy. Điều này gây đau đớn, tăng độ nhạy cảm và dẫn đến tình trạng bọc răng sứ bị nhiễm trùng.
- Vệ sinh vùng khoang miệng không sạch sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển và tổn thương ngà răng.
- Khi bọc răng sứ, mão răng sứ không khít với răng thật, bị thừa viền, có khoảng trống giữa răng thật và chân răng sứ. Thức ăn mắc kẹt vào khoảng trống và không được làm sạch tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh sôi, gây sâu răng, viêm tủy răng. Từ đó dẫn đến nhiễm trùng và áp xe răng sau khi bọc răng sứ.
- Mài cùi răng sai kỹ thuật làm tổn thương nướu. Từ đó làm tăng nguy cơ nhiễm trùng chân răng sau khi bọc sứ.
- Mài răng sứ vào khoảng sinh học
Khoảng sinh học (barier quanh răng) giúp chống lại vi khuẩn, ngăn vi khuẩn sinh sôi và di chuyển xuống chân răng. Trong quá trình bọc răng sứ, barier quanh răng bị xâm hại có xu hướng kích thích sự phát triển của một barier khác.
Tuy nhiên sự phát triển của một barier khác thường kèm theo tình trạng tiêu xương và tụt lợi. Từ đó tạo điều kiện cho vi khuẩn gây nhiễm trùng chân răng và kích thích phản ứng viêm.
- Bệnh lý răng miệng
Những người có bệnh lý răng miệng (sâu răng, viêm lợi, viêm nha chu, nhiễm trùng răng…) cần được điều trị khỏi và đảm bảo môi trường vô khuẩn trước khi bọc răng sứ.
Khi các bệnh lý chưa được chữa khỏi, việc chụp mão sứ có thể tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển bên trong. Từ đó gây nhiễm trùng, đau và nhiều bệnh lý nghiêm trọng khác.
Ngoài ra một ổ sâu mới có thể hình thành giữa ranh giới của răng thật và răng sứ. Điều này khiến răng bọc sứ đau nhức dai dẳng. Nếu ổ sâu răng phát triển đủ lớn, tủy răng có thể bị ảnh hưởng và bị nhiễm trùng.
- Dị ứng với mão răng
Nhiều vật liệu khác nhau được sử dụng để chế tác mão răng giả. Tất cả vật liệu đều được kiểm định về độ an toàn và chất lượng trước khi sử dụng. Tuy nhiên một số trường hợp có thể bị kích ứng dẫn đến viêm.
- Dụng cụ không đảm bảo vô khuẩn
Trong quá trình bọc răng sứ, việc sử dụng các dụng cụ không đảm bảo vô khuẩn có thể khiến chúng lây lan và gây viêm ở răng được phục hình.
- Chăm sóc răng miệng không đúng cách
Bọc răng sứ bị nhiễm trùng có thể liên quan đến việc chăm sóc răng miệng không đúng cách. Vụn thức ăn và mảng bám chứa vi khuẩn bám chặt trên răng có thể gây hôi miệng, viêm lợi, sâu răng và nhiều tình trạng khác. Sau một thời gian phát triển, vi khuẩn có thể xâm nhập và khiến răng bọc sứ bị nhiễm trùng.
- Hở nướu
Khi nướu răng bị tụt xuống và một phần chân răng lộ ra ngoài, bạn có thể cảm thấy ê buốt và đau nhức kéo dài ở răng sứ. Bên cạnh đó mảng bám tích tụ gây ra tình trạng sâu răng và tăng nguy cơ nhiễm trùng. Tình trạng tụt nướu thường xảy ra ở những người chải răng quá mạnh.
Bọc răng sứ bị nhiễm trùng có tự khỏi không?
Bọc răng sứ bị nhiễm trùng không thể tự khỏi. Các phương pháp điều trị cần được thực hiện sớm để ngăn ngừa nhiễm trùng lan rộng. Phần lớn các trường hợp được yêu cầu nạo sạch ổ viêm nhiễm và bọc lại răng sứ.
Nếu không điều trị kịp thời, bọc răng sứ bị nhiễm trùng có thể làm khởi phát thêm nhiều tình trạng nghiêm trọng khác, bao gồm:
- Mất răng
- Nhiễm trùng xoang
- Hoại tử ở sàn miệng
- Nhiễm trùng huyết và gây viêm các cơ quan khác trong cơ thể
Điều trị bọc răng sứ bị nhiễm trùng
Khi bị đau hoặc có dấu hiệu nhiễm trùng ở răng bọc sứ, cần đến nha khoa để được kiểm tra tình trạng và điều trị đúng cách. Tùy thuộc vào tình trạng, những phương pháp điều trị dưới đây có thể được áp dụng:
1. Điều trị tại nhà
Bọc răng sứ bị nhiễm trùng kèm theo sưng tấy, đau nhiều và nhạy cảm. Các biện pháp chăm sóc tại nhà có thể giúp giảm nhẹ triệu chứng trước khi điều trị y tế.
- Súc miệng với nước muối
Súc miệng với nước muối 2 – 3 lần mỗi ngày có thể giúp làm dịu cơn đau, kháng viêm và tiêu diệt vi khuẩn trong khoang miệng. Ngoài ra biện pháp này còn có tác dụng giảm sưng (viêm), duy trì nướu răng khỏe mạnh và thúc đẩy chữa lành tổn thương.
Hướng dẫn thực hiện:
-
- Hòa tan 1/2 thìa muối vào 240ml nước ấm
- Súc miệng với nước muối từ 2 – 3 phút
- Nhổ bỏ, lặp lại vài lần mỗi ngày.
- Chườm lạnh
Khi chườm lạnh, nhiệt độ thấp giúp giảm đau và sưng hiệu quả. Dùng khăn lạnh hoặc túi đá lạnh (khăn khô bọc vài viên đá) đặt lên má, ngay tại vùng sưng đau. Giữ nguyên 15 phút, lặp lại 2 – 3 lần mỗi ngày.
- Tinh dầu cỏ xạ hương
Bọc răng sứ bị nhiễm trùng có thể cải thiện khi dùng tinh dầu cò xạ hương. Tinh dầu này chứa những hoạt chất có khả năng kháng viêm mạnh, chống vi khuẩn và tiêu diệt ký sinh trùng. Khi dùng có thể làm sạch khoang miệng và ngăn vi khuẩn tiếp tục phát triển.
Ngoài ra tinh dầu cỏ xạ hương còn có tác dụng giảm nhanh tình trạng sưng tấy và đau nhức. Khi sử dụng, pha loãng tinh dầu cỏ xạ hương. Sau đó dùng tăm bông hoặc bông gòn thấm một lượng vừa đủ, thoa lên răng bị ảnh hưởng.
Tinh dầu cỏ xạ hương cũng được sử dụng bằng cách pha loãng vài giọt với nước ấm và súc miệng. Mỗi ngày sử dụng 3 lần.
- Tỏi
Hãy thử dùng tỏi để giảm nhẹ các triệu chứng ở người bọc răng sứ bị nhiễm trùng. Đây là một phương thuốc tự nhiên, chứa các hoạt chất có tác kháng viêm, tiêu diệt vi khuẩn và giảm đau.
Hướng dẫn sử dụng:
-
- Nghiền nát một nhánh tỏi tươi để tạo thành một hỗn hợp sền sệt
- Thoa đều hỗn hợp lên khu vực bị nhiễm trùng
- Thực hiện 2 – 3 lần mỗi ngày.
2. Điều trị y tế
Dựa trên tình trạng cụ thể, bọc răng sứ bị nhiễm trùng thường được điều trị bằng những phương pháp sau:
- Nạo sạch ổ viêm nhiễm
Nếu chụp mão sứ bị nhiễm trùng do mão răng giả làm tổn thương nướu, người bệnh sẽ được yêu cầu nạo sạch ổ viêm nhiễm. Phương pháp này giúp phòng ngừa viêm nhiễm tái diễn, hạn chế tình trạng tiêu xương, răng lung lay và rụng.
Trong khi thực hiện, ổ viêm được nạo sạch. Đồng thời cắt lợi ảnh hưởng để đảm bảo viêm nhiễm được loại bỏ hoàn toàn. Sau đó làm sạch vùng bị thương.
- Cấy ghép lợi
Khoảng sinh học quanh răng bị tổn thương hoặc vỡ dẫn đến tiêu xương, tụt lợi và tăng mức độ nhiễm trùng sau chụp mão răng. Những trường hợp này thường được yêu cầu cấy ghép lợi để điều trị.
Ghép lợi (ghép nướu) là kỹ thuật ghép mô nướu nhằm tái tạo hình dạng cho nướu răng, tăng tỉ lệ tương quan giữa răng và nướu. Điều này giúp phục hồi khoảng sinh học quanh răng và điều trị nhiễm trùng.
Ngoài ra cấy ghép lợi còn có tác dụng phục hồi và ngăn chặn tình trạng tụt nướu, ngăn ngừa mô nướu và xương bị phá hủy. Thông thường bệnh nhân sẽ được ghép lợi kết hợp bọc lại răng sứ để điều trị.
- Bọc lại răng sứ
Phần lớn các trường hợp bọc răng sứ bị nhiễm trùng đều được yêu cầu chụp mão sứ mới, đặc biệt là những trường hợp nhiễm trùng do bọc răng sứ sai kỹ thuật. Trong quá trình này, răng sứ cũ sẽ bị tháo bỏ. Sau đó điều trị nhiễm trùng và sử dụng một mão răng mới.
Phòng ngừa bọc răng sứ bị nhiễm trùng
Bọc răng sứ bị nhiễm trùng là tình trạng thường gặp. Để phòng ngừa, bạn cần lựa chọn nha khoa uy tín, bọc răng sứ với bác sĩ có trình độ chuyên môn cao và nhiều kinh nghiệm. Điều này giúp hạn chế những sai sót trong quá trình làm răng. Từ đó ngăn ngừa những tổn thương dẫn đến nhiễm trùng.
Ngoài ra bạn cần lưu ý thêm một vài điều dưới đây để ngăn ngừa chụp mão sứ bị nhiễm trùng:
- Điều trị dứt điểm bệnh nha khoa trước khi bọc răng sứ.
- Lựa chọn mão răng giả có chất liệu phù hợp, tránh tình trạng kích ứng dẫn đến viêm và nhiễm trùng.
- Vệ sinh răng miệng đúng cách, chải răng ít nhất 2 lần mỗi ngày. Dùng thêm chỉ nha khoa và nước súc miệng để đảm bảo răng miệng luôn sạch sẽ, ngăn vi khuẩn trong khoang miệng gây sâu răng và nhiễm trùng.
- Thông báo với nha sĩ nếu có các dấu hiệu bất thường sau khi bọc răng sứ. Chẳng hạn như ê buốt, khó chịu, đau nhức…
- Khám nha khoa định kỳ 6 tháng 1 lần để kiểm tra, đánh giá sức khỏe răng miệng. Đồng thời phát hiện và điều trị sớm các bệnh lý răng miệng.
Bọc răng sứ bị nhiễm trùng chủ yếu do dùng mão răng không phù hợp, thực hiện sai kỹ thuật và vệ sinh răng miệng không đúng cách. Tình trạng này làm tăng nguy cơ mất răng và nhiều vấn đề nghiêm trọng khác. Vì thế cần thông báo ngay với bác sĩ khi có những biểu hiện bất thường.
Tham khảo thêm:
Bài viết liên quan
Phân biệt phủ sứ Nano và dán sứ Veneer có gì khác nhau?
Bọc răng sứ thẩm mỹ có đau không?
Răng Cửa Bị Hô Bọc Sứ Có Được Không?
Công nghệ bọc răng sứ Nano 5S: Ưu nhược điểm và chi phí
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!