Phẫu thuật hàm hô là phương pháp chỉnh hô (vẩu) bằng cách can thiệp vào xương hàm. Phương pháp này có quy trình phức tạp và chi phí cao nên không ít người e ngại khi thực hiện. Dù vậy, phẫu thuật được đánh giá có thể giải quyết triệt để tình trạng hô vẩu do hàm và các vấn đề có liên quan.
Phẫu thuật hàm hô là phương pháp gì?
Phẫu thuật hàm hô là phương pháp can thiệp sâu vào xương hàm để điều chỉnh tình trạng răng hô (vẩu) do hàm. Tùy theo từng trường hợp, bác sĩ sẽ kết hợp cắt bỏ xương cùng với nhổ răng để điều chỉnh hàm trên với hàm dưới nhằm đảm bảo sự tương quan giữa hai hàm. Ngoài ra, phương pháp này còn giúp cải thiện tình trạng cười hở lợi và khuôn mặt mất cân đối do hàm trên nhô ra quá mức.
Thực tế, răng hô vẩu không chỉ xảy ra do răng mà đôi khi do cấu trúc hàm. Những trường hợp này hoàn toàn không thể cải thiện bằng niềng răng mà bắt buộc phải can thiệp phẫu thuật. Phẫu thuật giúp giải quyết triệt để tình trạng hàm trên nhô ra quá mức chỉ trong một thời gian ngắn.
Đối với những trường hợp hô do cả răng và hàm, bác sĩ sẽ chỉ định kết hợp niềng răng và phẫu thuật hàm để mang lại kết quả tốt nhất. Trước đây, phẫu thuật hàm hô còn nhiều hạn chế do kỹ thuật và máy móc chưa phát triển. Hiện tại, phương pháp này đã được cải tiến với nhiều ưu điểm và nguy cơ gặp phải rủi ro, biến chứng cũng giảm đi đáng kể.
Chỉ định – chống chỉ định phẫu thuật hàm hô
Phẫu thuật hàm hô là phương pháp xâm lấn vào nướu răng và xương hàm nên tiềm ẩn không ít rủi ro. Do đó, phương pháp này sẽ được chỉ định trong những trường hợp cần thiết.
Các trường hợp được chỉ định phẫu thuật hàm hô:
- Hô do xương hàm trên phát triển quá mức
- Trường hợp hô cả hai hàm cũng được chỉ định phẫu thuật
- Hô hàm kết hợp với lệch xương hàm
Đặc biệt, phương pháp này sẽ được khuyến khích cho những trường hợp hô hàm gây cười hở lợi. Phẫu thuật có thể giải quyết cả hai vấn đề này, từ đó mang lại khuôn mặt cân đối, hài hòa và khắc phục tình trạng sai lệch khớp cắn.
Phẫu thuật hàm hô là phương pháp xâm lấn. Do đó, phương pháp này chống chỉ định trong những trường hợp sau:
- Từng can thiệp xạ trị vùng xương hàm
- Bị tiểu đường, rối loạn đông máu không thể kiểm soát
- Đang mang thai, cho con bú
- Mắc các vấn đề về tim mạch
- Suy giảm miễn dịch
- Trường hợp vừa sử dụng thuốc ức chế miễn dịch và rối loạn đông máu cách đó không lâu cũng không được chỉ định phẫu thuật
- Đang bị viêm nhiễm cấp tính
- Nghiện rượu và hút thuốc lá lâu năm
Trong những trường hợp kể trên, một số trường hợp có chống chỉ định tương đối vẫn có thể phẫu thuật khi tình trạng sức khỏe ổn định.
Các phương pháp phẫu thuật hàm hô
Hô, vẩu được chia thành nhiều loại khác nhau. Tùy theo từng loại, bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp phẫu thuật hàm hô phù hợp. Dưới đây là 2 phương pháp được áp dụng phổ biến nhất hiện nay:
1. Phẫu thuật hô hàm trên đơn thuần
Đối với trường hợp hàm hô đơn thuần, bác sĩ sẽ cắt xương tiền đình hàm, sau đó nhổ răng số 4 hoặc số 5 để tạo khoảng trống. Sau đó, bác sĩ sẽ đẩy lùi hàm về phía sau và dùng vis cố định lại. Đây là phương pháp phẫu thuật hàm hô đơn giản và có chi phí thấp hơn so với các phương pháp khác.
Trong trường hợp hô cả 2 hàm, bác sĩ cũng sẽ tiến hành cắt tiền đình hàm ở cả hàm trên và hàm dưới. Sau đó, nhổ 2 răng số 4 để có không gian đẩy lùi hàm vào bên trong.
2. Phẫu thuật hô hàm trên kèm hở lợi nhiều
Trong trường hợp hô hàm trên kèm hở lợi nhiều, bác sĩ sẽ thực hiện cắt Lefort I và đẩy lùi hàm vào bên trong. Sau đó, sử dụng phương pháp đánh lún răng để điều trị cười hở lợi. Phương pháp này phức tạp hơn nên sẽ có chi phí cao hơn so với phương pháp trên.
Tìm hiểu quy trình phẫu thuật hàm hô
Phẫu thuật hàm hô có quy trình phức tạp và thời gian kéo dài khoảng 2 – 4 giờ đồng hồ tùy theo mức độ phức tạp của hàm. Quy trình này sẽ được thực hiện theo từng bước như sau:
Bước 1: Thăm khám và tư vấn
Trước khi phẫu thuật, bác sĩ sẽ thăm khám tổng quát để xác định được nguyên nhân gây hô là do răng hay do hàm. Sau đó, bạn cần chụp X – quang để bác sĩ đánh giá chính xác hơn cấu trúc xương hàm. Thông qua hình ảnh X – quang, bác sĩ có thể đo đạc và tính toán được phần xương hàm cần cắt bỏ.
Sau khi nắm rõ tình trạng xương hàm của khách hàng, bác sĩ sẽ tư vấn cụ thể về phương pháp, chi phí và những rủi ro có thể gặp phải. Trong quá trình trao đổi, bạn có thể đặt câu hỏi liên quan đến những thắc mắc về phương pháp để được bác sĩ giải đáp.
Ngoài ra, bác sĩ cũng sẽ sàng lọc sơ bộ sức khỏe nhằm đảm bảo bạn có đủ điều kiện để phẫu thuật. Khi thăm khám, bạn nên chủ động thông báo với bác sĩ lịch sử dùng thuốc và các vấn đề sức khỏe đang gặp phải (nếu có) để được đánh giá nguy cơ trước khi can thiệp phẫu thuật. Đối với những trường hợp có nguy cơ cao, bác sĩ sẽ hướng dẫn các biện pháp chăm sóc trước khi phẫu thuật để hạn chế tối đa rủi ro.
Bước 2: Kiểm tra sức khỏe
Phẫu thuật hàm hô là phương pháp xâm lấn vào mô nướu và xương hàm nên có thể gây ra biến chứng. Do đó, tất cả khách hàng đều phải được kiểm tra sức khỏe tổng quát trước khi thực hiện.
Kiểm tra sức khỏe tổng quát thường bao gồm chụp X – quang, xét nghiệm máu, khai thác lịch sử dùng thuốc, tình trạng sức khỏe hiện tại, tiền sử bệnh lý và dị ứng thuốc,… Phẫu thuật chỉ được thực hiện với những trường hợp đáp ứng đủ các điều kiện về sức khỏe.
Đối với những người đang bị sốt, nhiễm trùng hoặc đang sử dụng thuốc, bác sĩ sẽ dời ngày phẫu thuật để đảm bảo an toàn. Ngoài ra, những trường hợp mắc các bệnh mãn tính cũng phải kiểm soát bệnh trước khi can thiệp các phương pháp xâm lấn.
Bước 3: Gây mê
Phẫu thuật hàm hô là phương pháp phức tạp và mất nhiều thời gian nên bắt buộc phải gây mê. Gây mê giúp tránh cảm giác đau nhức và khó chịu trong quá trình phẫu thuật.
Bước 4: Phẫu thuật hàm hô
Sau khi thuốc mê phát huy tác dụng, bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật hàm hô. Tùy theo mức độ phức tạp, quá trình phẫu thuật sẽ kéo dài từ 2 – 4 giờ đồng hồ. Trong quá trình phẫu thuật, khách hàng sẽ mất hoàn toàn ý thức nên không cảm thấy đau nhức hay khó chịu.
Bước 5: Đóng kín vết thương
Sau khi chỉnh xương hàm và đóng vis, bác sĩ sẽ đóng kín vết thương và thực hiện các thủ tục hậu phẫu khác. Sau đó, bệnh nhân sẽ được di chuyển đến phòng hậu phẫu để được chăm sóc và theo dõi.
Thông thường, sau khoảng 24 giờ theo dõi, bệnh nhân sẽ được bác sĩ kiểm tra sức khỏe và tư vấn cách chăm sóc trước khi xuất viện. Đối với những trường hợp có nguy cơ cao, bác sĩ có thể yêu cầu ở lại bệnh viện trong 2 – 3 ngày để kịp thời xử trí khi có vấn đề phát sinh.
Phẫu thuật hàm hô có giá bao nhiêu? Chi phí cụ thể
Phẫu thuật hàm hô có giá bao nhiêu là vấn đề được nhiều bạn đọc quan tâm bởi phương pháp này có quy trình phức tạp và đòi hỏi bác sĩ thực hiện có tay nghề cao. Theo khảo sát, chi phí thực hiện phẫu thuật hàm hô sẽ dao động từ 60 – 100 triệu đồng tùy theo từng trường hợp.
Chi phí phẫu thuật hàm hô phụ thuộc vào mức độ phức tạp, hô 1 hay 2 hàm, tay nghề của bác sĩ, cơ sở thực hiện và chính sách bảo hiểm. Nếu đang có ý định thực hiện phương pháp này, bạn có thể tham khảo bảng giá phẫu thuật hàm hô sau để có sự chuẩn bị chu đáo hơn:
- Phẫu thuật hàm hô có giá từ 60.000.000 – 80.000.000 đồng
- Phẫu thuật hàm hô kèm cười hở lợi có giá từ 70.000.000 – 100.000.000 đồng
- Phẫu thuật hàm hô kèm trượt cằm có giá từ 100.000.000 – 150.000.000 đồng
Ngoài ra, bạn nên chuẩn bị thêm chi phí thuốc, ăn uống trong thời gian lưu viện và tái khám. Thông thường, các bệnh viện tư nhân sẽ miễn phí các chi phí kể trên. Tuy nhiên, nếu thực hiện ở các cơ sở y tế công lập, chi phí phẫu thuật thường chưa bao gồm các chi phí kể trên.
Một số lưu ý khi phẫu thuật hàm hô
Phẫu thuật hàm hô là giải pháp dành cho trường hợp hô 1 hàm, 2 hàm do xương hàm trên phát triển quá mức. So với niềng răng chỉnh răng hô, phương pháp này có quy trình phức tạp và xâm lấn sâu vào nướu răng, xương hàm nên tiềm ẩn khá nhiều rủi ro. Để đảm bảo an toàn khi phẫu thuật hàm hô, bạn cần lưu ý một số vấn đề sau đây:
- Cần lựa chọn địa chỉ phẫu thuật hàm hô uy tín ở TPHCM, Hà Nội, Đà Nẵng và các tỉnh, thành phố lớn. Phương pháp này có quy trình vô cùng phức tạo nên chỉ có các cơ sở được trang bị đầy đủ máy móc, thiết bị và sở hữu đội ngũ bác sĩ giỏi mới có khả năng thực hiện. Thực hiện ở những phòng khám nhỏ có thể dẫn đến một số biến chứng hậu phẫu.
- Trước khi phẫu thuật, bạn nên ngưng dùng các loại thuốc gây chảy máu kéo dài như thuốc chống đông máu, thuốc chống viêm không steroid (NSAID). Ngoài ra, nên thông báo với bác sĩ nếu đang sử dụng corticoid và các loại thuốc ức chế miễn dịch khác.
- Nên ngưng thuốc lá ít nhất 2 – 3 tháng trước khi phẫu thuật hàm hô. Nicotine trong khói thuốc ảnh hưởng đáng kể đến quá trình phục hồi và làm lành vết thương. Nếu không ngưng thuốc lá, vết thương sẽ có hiện tượng chậm lành và nguy cơ viêm nhiễm cao.
- Thể trạng tốt sẽ giúp quá trình phẫu thuật và phục hồi diễn ra thuận lợi. Do đó, trước khi phẫu thuật, bạn nên ăn uống điều độ và nghỉ ngơi hợp lý.
- Sau khi phẫu thuật hàm hô, cần thực hiện đầy đủ các biện pháp chăm sóc và sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ.
- Tái khám theo lịch hẹn và chủ động thăm khám nếu có các biểu hiện bất thường như vết thương chậm lành, có hiện tượng mưng mủ, rỉ dịch, sưng đỏ và đau nhức dai dẳng.
Phẫu thuật hàm hô là phương pháp hiệu quả trong trường hợp răng hô do hàm. Nếu có ý định thực hiện phương pháp này, bạn cần tìm hiểu kỹ về quy trình, chi phí và lựa chọn địa chỉ uy tín. Ngoài ra, cần có sự chuẩn bị tốt về thể trạng để quá trình phục hồi sau khi phẫu thuật diễn ra thuận lợi và hạn chế tối đa các vấn đề phát sinh.
Tham khảo thêm:
Bài viết liên quan
Răng bị lung lay: Nguyên nhân và biện pháp khắc phục
Các Bệnh Về Răng Miệng Thường Gặp Và Thông Tin Cần Lưu Ý
Cách vệ sinh răng miệng đúng cách hàng ngày bảo vệ răng chắc khoẻ
Răng lung lay làm sao để chắc lại?
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!