Nắm bắt rõ vấn đề Niềng răng nên ăn gì, kiêng gì sẽ là cơ sở để xây dựng chế độ dinh dưỡng phù hợp trong quá trình chỉnh nha. Theo các chuyên gia Răng hàm mặt, ăn uống hợp lý có thể giảm mức độ đau nhức, ê buốt sau mỗi lần siết răng và hạn chế tối đa những tình huống phát sinh khi niềng.
Mới niềng răng nên ăn gì?
Niềng răng, chỉnh nha là phương pháp điều chỉnh răng về vị trí mong muốn bằng cách sử dụng máng niềng hoặc hệ thống mắc cài. Phương pháp này được xem là giải pháp tối ưu trong trường hợp sai khớp cắn, răng hô, móm, răng thưa và mọc lệch lạc, chen chúc.
Cơ chế của niềng răng là tạo ra lực kéo vừa phải nhằm dịch chuyển vị trí của răng một cách từ từ để khắc phục các khuyết điểm của răng. Chính vì vậy, khi mới niềng răng và sau mỗi lần siết răng, răng có thể bị đau nhức, ê buốt và khó chịu – nhất là khi ăn uống.
Ngoài nếu niềng răng cố định bằng mắc cài, việc ăn uống và vệ sinh răng miệng cũng gặp không ít trở ngại. Do đó bên cạnh các biện pháp chăm sóc, bạn cũng cần xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý để quá trình niềng răng diễn ra thuận lợi nhất.
Dưới đây là một số món ăn, thực phẩm người niềng răng nên bổ sung vào chế độ dinh dưỡng hằng ngày:
1. Các món cháo, súp mềm
Các món ăn mềm như cháo và súp rất thích hợp cho người mới niềng răng. Các món ăn này có kết cấu lỏng, mềm và không làm tăng áp lực khi ăn nhai nên có thể hạn chế cảm giác đau nhức và khó chịu. Vì vậy, bạn nên dùng các món súp, cháo lỏng trong vài ngày đầu. Ngoài ra, các món ăn mềm còn thích hợp dùng sau mỗi lần siết răng.
Cháo, súp là các món ăn dễ chế biến và có nguyên liệu đa dạng. Bạn có thể chế biến món ăn tùy theo sở thích. Đặc biệt cháo và súp là món ăn cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho cơ thể từ chất xơ, vitamin, tinh bột, đạm và khoáng chất. Nếu ăn chay trường, bạn cũng có thể dễ dàng chế biến các loại súp và cháo chay phù hợp với khẩu vị để giảm áp lực lên răng trong quá trình chỉnh nha.
2. Sữa và chế phẩm từ sữa
Sữa và các chế phẩm từ sữa (phô mai, bơ, sữa chua, các loại bánh bông lan mềm,…) là nguồn cung cấp dinh dưỡng dồi dào cho cơ thể. Bên cạnh hàm lượng đạm cao, sữa còn chứa vitamin D và canxi giúp tăng cường sức khỏe xương và răng. Bổ sung nhóm thực phẩm này vào chế độ ăn có thể tăng độ cứng chắc của răng và hạn chế phần nào tình trạng răng đau nhức, ê buốt trong mỗi lần siết răng.
Ngoài ra, sữa và các chế phẩm từ sữa đều có kết cấu lỏng mềm và dễ nhai nuốt. Nếu răng đau nhiều không thể ăn uống, bạn có thể dùng sữa trong 24 giờ đầu sau khi mới niềng răng. Bên cạnh sữa bò, bạn cũng có thể dùng các loại sữa hạt và sữa tách béo để tránh tăng cân.
3. Rau xanh và trái cây mềm
Rau xanh và các loại trái cây có kết cấu mềm cũng là nhóm thực phẩm thích hợp cho người mới niềng răng. Chất xơ trong rau xanh, trái cây có khả năng làm sạch răng miệng tự nhiên, qua đó hạn chế hình thành mảng bám và ngăn ngừa sự phát triển quá mức của hại khuẩn. Hơn nữa, đa phần các loại rau đều dễ nhai nuốt và ít làm tăng áp lực lên răng như thịt, gân, các loại hạt,…
Ngoài ra, bạn cũng có thể bổ sung năng lượng và dinh dưỡng trong thời gian niềng răng bằng các loại trái cây mềm như thanh long, quả bơ, mãng cầu, vú sữa, dưa gang, dưa lưới, hồng xiêm,… Nếu dùng các loại quả cứng như táo lê, ổi, nên chế biến sinh tố hoặc nước ép để giảm áp lực lên răng.
4. Các loại cá tốt cho người mới niềng răng
Các loại thịt thường có kết cấu dạng thớ, sợi nên dễ mắc kẹt trong các kẽ răng và mắc cài. Do đó, bạn có thể bổ sung đạm cùng với khoáng chất thông qua các loại cá. Trên thực tế, cá là thực phẩm lành mạnh và dễ tiêu hóa hơn so với thịt. Hơn nữa, cá có kết cấu mềm, dễ nhai nuốt và không làm tăng áp lực lên răng.
Nếu răng đau nhức nhiều, thay vì dùng cá chiên, kho, bạn có thể nấu cháo cá để dễ ăn hơn. Cháo cá là món ăn dễ chế biến và hoàn toàn không gây áp lực lên răng sau khi niềng. Không chỉ dễ nhai nuốt, cá còn cung cấp canxi, protein, kẽm, sắt, vitamin D giúp cải thiện sức khỏe răng miệng cũng như tổng thể.
5. Một số thực phẩm khác
Ngoài các loại thực phẩm trên, bạn cũng có thể bổ sung thêm một số thực phẩm giàu dinh dưỡng khác trong quá trình niềng răng như:
- Các loại ngũ cốc nguyên hạt: Ngũ cốc nguyên hạt như yến mạch, gạo lứt,… không chỉ cung cấp tinh bột cho cơ thể mà còn bổ sung thêm chất xơ, vitamin và khoáng chất thiết yếu. Chất xơ tự nhiên sẽ giúp hạn chế hình thành mảng bám do carbohydrate có trong tinh bột. Vì vậy thay vì dùng ngũ cốc tinh chế, bạn nên dùng ngũ cốc nguyên hạt để dễ dàng hơn khi vệ sinh răng miệng.
- Trứng: Ngoài các loại cá, bạn cũng có thể dùng trứng để thay thế cho thịt trong thời gian mới niềng răng. Trứng có kết cấu mềm, dễ nhai và dễ tiêu hóa. Hơn nữa ngoài đạm, trứng còn cung cấp cho cơ thể nhiều chất dinh dưỡng cần thiết như vitamin, khoáng chất,…
- Các loại củ: Để đa dạng thêm thực đơn ăn uống, bạn có thể thêm một số loại củ như cà rốt, khoai lang, khoai tây, củ dền,… vào chế độ dinh dưỡng. Tuy nhiên khi bị niềng răng, nên hầm cho các loại thực phẩm này mềm như để giảm áp lực lên răng trong quá trình ăn uống.
- Các thực phẩm chống viêm: Trên thực tế, một số chất chống oxy hóa trong thực phẩm có hiệu quả kháng viêm và giảm đau đáng kể. Vì vậy ngoài các món ăn mềm, lỏng và giàu dinh dưỡng, bạn có thể dùng thêm các thực phẩm có khả năng chống viêm tự nhiên như gừng, nghệ, hành tây, thìa là,… để giảm nhẹ tình trạng đau nhức sau khi niềng răng.
Sau khi răng hết đau nhức, bạn có thể ăn uống như bình thường. Tuy nhiên, vẫn nên hạn chế một số thực phẩm và thức uống tác động xấu đến răng miệng để niềng răng chỉnh nha đạt được kết quả như mong đợi.
Cần kiêng ăn gì khi niềng răng?
Bên cạnh vấn đề “Mới niềng răng nên ăn gì?”, bạn cũng cần nắm bắt các món ăn, đồ uống nên kiêng cữ trong thời gian niềng. Chế độ ăn uống không phù hợp có thể gây khiến tình trạng răng đau nhức, ê buốt nghiêm trọng về mức độ và kéo dài dai dẳng.
Trong thời gian niềng răng, nên kiêng cữ các món ăn và đồ uống sau:
1. Thực phẩm cứng, khô và dai
Trong quá trình niềng, đặc biệt là khi mới đeo mắc cài và siết răng, cần tránh dùng các thực phẩm cứng và khô như các loại hạt (óc chó, hạnh nhân, hạt điều,…), khô bò, khô mực, khô cá, gân bò, bánh mì sấy. Khi dùng các loại thực phẩm này, áp lực lên răng sẽ tăng lên đáng kể khiến cho tình trạng răng ê buốt và đau nhức kéo dài.
Ngoài ra, dùng thức ăn dai, cứng còn có thể gây bung súc mắc cài và đứt dây cung. Vì vậy để hạn chế rủi ro phát sinh trong quá trình niềng, bạn nên hạn chế các món ăn này. Thay vào đó, nên dùng món ăn mềm, lỏng để giảm áp lực lên răng và hệ thống mắc cái.
2. Đồ uống, thực phẩm chứa nhiều axit
Đồ uống, thực phẩm chứa nhiều axit có thể gây mòn men răng dẫn đến hiện tượng răng nhạy cảm và dễ ê buốt khi dùng đồ lạnh, nóng và chua. Ngoài ra, axit trong thức ăn còn có thể gây mòn dây cung, dây chun và hệ thống mắc cài. Do đó để quá trình niềng răng diễn ra thuận lợi, bạn nên tránh các loại thực phẩm và đồ uống chứa nhiều axit.
3. Món ăn quá nóng/ quá lạnh
Dùng món ăn quá nóng/ quá lạnh đều làm tăng mức độ nhạy cảm và ê buốt răng. Do đó khi mới niềng răng và sau mỗi lần siết răng, bạn nên dùng món ăn ấm và nguội để giảm ê buốt. Ngoài ra, thói quen ăn đồ nóng, lạnh còn gây hư tổn men răng khiến lớp men dễ bị mài mòn và suy yếu.
4. Thức ăn dễ hình thành mảng bám
Nếu niềng răng bằng hệ thống mắc cài, việc vệ sinh răng miệng sẽ gặp không ít khó khăn do mắc cài được cố định trên bề mặt răng. Để hạn chế các vấn đề nha khoa trong quá trình niềng, bạn nên tránh các thức ăn dễ hình thành mảng bám.
Đường là chất dinh dưỡng ưa thích của hại khuẩn trong khoang miệng. Chế độ ăn chứa nhiều đường chính là nguyên nhân gây sâu răng và làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nha khoa trong thời gian chỉnh nha. Vì vậy, nên hạn chế dùng bánh kẹo, nước ngọt có gas, socola,…
Ngoài đường, thực phẩm chứa nhiều tinh bột cũng có thể tăng hình thành mảng bám. Tinh bột là chất dinh dưỡng chính đối với cơ thể nên không thể kiêng cữ. Tuy nhiên, bạn nên dùng các loại ngũ cốc nguyên hạt để giảm hình thành mảng bám, do các thực phẩm này chứa nhiều chất xơ có khả năng làm sạch răng miệng một cách tự nhiên. Đồng thời nên hạn chế tinh bột đã qua tinh chế và các loại thực phẩm giàu tinh bột có kết cấu dẻo, dai như gạo nếp.
5. Khi niềng răng cần kiêng rượu bia
Rượu bia là thức uống có hại đối với sức khỏe và nhiều cơ quan trong cơ thể, bao gồm cả răng miệng. Sử dụng đồ uống chứa cồn thường xuyên có thể làm mòn men răng, tăng mức độ ê buốt sau mỗi lần siết răng.
Ngoài ra, dùng nhiều rượu bia còn gây ra chứng khô miệng. Khô miệng đặc trưng bởi tình trạng giảm tiết nước bọt, môi khô, cổ họng khát và khô ráo. Bên cạnh tác dụng làm mềm thức ăn, nước bọt còn giúp trung hòa axit do hại khuẩn bài tiết, tái khoáng men răng và làm sạch mảng bám.
Giảm tiết nước bọt có thể làm tăng nguy cơ sâu răng và nhiều vấn đề nha khoa khác. Vì vậy khi đang niềng răng, bạn nên hạn chế dùng rượu bia. Bởi các vấn đề nha khoa phát sinh trong thời gian này có thể làm gián đoạn quá trình chỉnh nha và thậm chí ảnh hưởng đến hiệu quả sau khi niềng.
Trên đây là những thông tin giải đáp “Niềng răng nên ăn gì, kiêng gì tốt nhất?”. Hy vọng qua bài viết, bạn đọc có thể xây dựng chế độ ăn phù hợp để hạn chế phần nào tình trạng đau nhức và ê buốt răng. Ngoài ra, cần chú ý vệ sinh răng miệng đúng cách và sinh hoạt điều độ để niềng răng mang lại kết quả như mong đợi.
Tham khảo thêm:
Bài viết liên quan
Nên Niềng Răng Mặt Trong Hay Mặt Ngoài Sẽ Hiệu Quả Hơn?
Niềng Răng 1 Hàm Có Được Không? Chi Phí Bao Nhiêu Tiền?
Các Loại Khí Cụ Dùng Trong Niềng Răng và Công Dụng
Răng Lồi Xỉ Là Gì? Nguyên Nhân Và Cách Khắc Phục Hiệu Quả
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!