Niềng răng hỏng: Nguyên nhân, dấu hiệu và cách khắc phục

Đa phần những ca niềng răng hỏng đều do bác sĩ không đủ chuyên môn, tay nghề kém và thiếu kinh nghiệm thực hiện. Những trường hợp này thường không đạt được kết quả như mong đợi, ngược lại còn gặp phải nhiều vấn đề nha khoa và hệ lụy nghiêm trọng khác.

Niềng răng hỏng
Niềng răng hỏng xảy ra khi quá trình chỉnh nha không khắc phục hoàn toàn các khuyết điểm của răng

Các dấu hiệu nhận biết niềng răng hỏng

Niềng răng (chỉnh nha) là phương pháp nha khoa giúp khắc phục nhiều khuyết điểm như răng hô vẩu, răng móm, răng thưa, lệch lạc, sai khớp cắn,… Phương pháp này hoàn toàn không phẫu thuật mà sử dụng khí cụ chỉnh nha (mắc cài, khay niềng) để dịch chuyển răng về đúng vị trí.

Thông qua khí cụ chỉnh nha, bác sĩ sẽ điều chỉnh lực siết hàm theo từng giai đoạn để răng dịch chuyển liên tục cho đến khi cấu trúc răng trở nên đều và cân đối. Cũng chính vì vậy mà phương pháp này mất khá nhiều thời gian. Tùy theo khuyết điểm của răng và cơ địa của từng người, niềng răng – chỉnh nha có thể mất từ 1 – 3 năm. Một số trường hợp nhẹ có thể chỉ phải niềng răng trong khoảng 6 – 12 tháng.

Mặc dù mang đến nhiều lợi ích nhưng niềng răng – chỉnh nha cũng tiềm ẩn không ít rủi ro. Thực tế cho thấy, đã có nhiều trường hợp niềng răng không thành công. Các ca niềng răng hỏng thường không mang lại hiệu quả mà ngược lại còn gây ra nhiều ảnh hưởng đối với sức khỏe răng miệng.

Để kịp thời phát hiện và khắc phục, bạn cần phát hiện sớm tình trạng này thông qua những dấu hiệu sau:

1. Răng lệch lạc nhiều hơn trước

Mục đích của niềng răng – chỉnh nha là dịch chuyển răng nhằm hoàn thiện khớp cắn và giúp răng trở nên đều, cân đối hơn. Tuy nhiên ở những ca niềng răng không thành công, răng có dấu hiệu lệch lạc nhiều hơn trước. Nếu nhận thấy răng hô vẩu, móm, chen chúc nặng hơn theo thời gian, bạn cần đến ngay bệnh viện uy tín để được khắc phục sớm.

Niềng răng không thành công
Các ca niềng răng không thành công thường có dấu hiệu lệch lạc, hô móm và sai lệch khớp cắn nặng hơn trước

Với những trường hợp không phát hiện kịp thời, toàn bộ cấu trúc răng hàm sẽ bị lệch lạc nặng gây ảnh hưởng đến hoạt động ăn nhai và chức năng thẩm mỹ. Những trường hợp này thường phải niềng răng lại dẫn đến hao tốn tài chính và gây ra không ít phiền toái trong cuộc sống. Chính vì vậy, bạn cần chú ý đến những biểu hiện của răng trong suốt quá trình chỉnh nha.

2. Tụt lợi hở chân răng

Tụt lợi hở chân răng là biến chứng có thể gặp phải sau khi niềng răng. Theo thống kê, tại Mỹ có khoảng 400.000 ca niềng răng gặp phải tình trạng này (chiếm khoảng 10%). Tụt lợi là hiện tượng khá thường gặp do hệ quả của quá trình dịch chuyển và nắn chỉnh răng.

Tuy nhiên nếu niềng răng đúng kỹ thuật, tình trạng này chỉ có mức độ nhẹ và thường có thể tự thuyên giảm chỉ sau một thời gian ngắn. Ngược lại ở những trường hợp niềng răng hỏng, tụt lợi có thể xảy ra với mức độ nặng, răng trở nên ê buốt, nhạy cảm và dễ đau nhức trong quá trình ăn uống. Ngoài ra, lợi bị tụt xuống bất thường còn tạo điều kiện để vi khuẩn xâm nhập và tấn công vào tổ chức nha chu.

3. Tiêu cổ chân răng

Chân răng nằm sâu bên trong xương hàm và được cố định bởi nướu, dây chằng nha chu và cement. Chân răng giúp răng ổn định trên cung hàm và chịu được áp lực trong quá trình ăn nhai. Khi can thiệp niềng răng, chân răng sẽ bị dịch chuyển dưới tác động của lực siết. Mặc dù tốc độ dịch chuyển chậm nhưng một số trường hợp vẫn có thể gặp phải tình trạng tiêu cổ chân răng.

Niềng răng không thành công
Niềng răng hỏng có thể gây ra biến chứng tiêu cổ chân răng nặng

Với những trường hợp niềng răng hỏng, mức độ tiêu vùng cổ răng sẽ nghiêm trọng hơn. Tình trạng này thường xảy ra do bác sĩ dùng lực siết hàm quá mạnh khiến răng dịch chuyển đột ngột, cổ chân răng lộ ra bên ngoài và bị tiêu hủy dần theo thời gian.

4. Lệch mặt, lệch hàm

Cấu tạo răng ảnh hưởng trực tiếp đến cấu trúc hàm và khuôn mặt. Đây cũng chính là lý do vì sao niềng răng có thể làm thay đổi một số đường nét như mũi, dáng cằm, khuôn hàm,… Chỉnh nha đúng kỹ thuật sẽ giúp nụ cười, khẩu hình và khuôn mặt trở nên hài hòa hơn.

Ngược lại, những trường hợp niềng răng hỏng có thể gặp phải tình trạng lệch mặt và lệch hàm. Tình trạng này thường xảy ra do khí cụ được sắp xếp không cân đối dẫn đến phân bố lực siết hàm không đồng đều. Về lâu dài, hai bên răng sẽ có sự khác biệt gây ra tình trạng lệch một bên hàm và mặt.

5. Răng chết tủy

Răng bị chết tủy là một trong những dấu hiệu cảnh báo niềng răng không thành công. Tủy răng là cơ quan nằm sâu bên trong và được bảo vệ bởi ngà răng, men răng. Thông thường, tủy răng chỉ bị hoại tử khi sâu răng nặng không được điều trị sớm. Tuy nhiên trong một số ít trường hợp, răng cũng có thể bị chết tủy do niềng răng sai kỹ thuật, bác sĩ dùng lực siết quá mạnh khiến các mạch máu nuôi dưỡng tủy bị đứt đột ngột.

Niềng răng không thành công
Những trường hợp niềng răng không thành công có thể phải đối mặt với tình trạng răng chết tủy (hoại tử tủy)

Răng chết tủy thường không có biểu hiện vì lúc này các tế bào thần kinh đã bị hư hại hoàn toàn. Sau một thời gian, răng ở vị trí này sẽ xuất hiện một số dấu hiệu như răng giòn, dễ nứt và ngả màu so với các răng khác trên cung hàm. Ngoài ra, bạn cũng có thể phát hiện sớm tình trạng này nếu tái khám thường xuyên.

6. Răng quặp, cười hở lợi

Niềng răng hỏng cũng có thể gây ra tình trạng răng quặp, khớp cắn sâu và cười hở lợi. Tình trạng này xảy ra khi chỉnh nha sai kỹ thuật khiến sự dịch chuyển răng giữa hai cung hàm không có sự cân bằng. Dần dần, răng hàm trên bị quặp và nhô ra bất thường.

7. Răng đau nhức nhiều, kéo dài

Khi niềng răng, bạn có thể gặp phải tình trạng răng đau nhức, ê buốt do tác động của lực siết hàm. Tuy nhiên, răng có thể bị đau nhức kéo dài do niềng răng hỏng. Thông thường, tình trạng đau, ê buốt và khó chịu chỉ xảy ra trong khoảng vài ngày. Nếu nhận thấy cơn đau kéo dài và có mức độ nghiêm trọng dần theo thời gian, bạn nên đến các bệnh viện uy tín để được thăm khám và xử lý kịp thời.

Nguyên nhân gây niềng răng hỏng

Niềng răng – chỉnh nha là phương pháp nha khoa phức tạp bao gồm nhiều giai đoạn khác nhau. Phương pháp này không chỉ yêu cầu cao về trình độ, tay nghề của bác sĩ mà còn đòi hỏi phải có sự hỗ trợ của máy móc và thiết bị hiện đại. Ngoài ra để đạt được hiệu quả chỉnh nha tối ưu, cần kết hợp thêm với các biện pháp chăm sóc hợp lý.

Niềng răng hỏng có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau. Dưới đây là một số nguyên nhân thường gặp nhất:

1. Chỉnh nha – niềng răng sai kỹ thuật

Chỉnh nha sai kỹ thuật là nguyên nhân hàng đầu gây niềng răng hỏng. Thực tế, tay nghề của bác sĩ ảnh hưởng đến 80% kết quả sau khi chỉnh nha. Do đó, niềng răng không thành công thường xảy ra do thực hiện ở những phòng khám nhỏ, bác sĩ không có đủ trình độ chuyên môn và tay nghề yếu kém.

Niềng răng không thành công
Đa phần những trường hợp niềng răng – chỉnh nha hỏng đều do tay nghề của bác sĩ

Như đã đề cập, quá trình niềng răng bao gồm rất nhiều công đoạn. Những sai sót trong quá trình niềng như điều chỉnh lực siết hàm quá mạnh, dùng sai khí cụ, sử dụng khí cụ hỗ trợ vào thời điểm không thích hợp,… đều ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu quả chỉnh nha.

2. Do chăm sóc không đúng cách

Niềng răng hỏng cũng có thể xảy ra do chăm sóc không đúng cách. Trong quá trình chỉnh nha, bạn cần phải kiêng cữ một số thói quen, đồ uống và thức ăn để đảm bảo răng được dịch chuyển theo dự tính. Nếu không có sự phối hợp với các biện pháp chăm sóc hợp lý, quá trình niềng răng sẽ bị gián đoạn và có thể không mang lại hiệu quả như mong đợi.

Phần lớn những trường hợp niềng răng hỏng đều không kiêng cữ thức ăn cứng, khô, dai, đồ uống chứa cồn,… Thói quen ăn uống không phù hợp làm gia tăng áp lực lên răng và ảnh hưởng đến lực siết hàm từ khí cụ chỉnh nha. Lực siết phân bố không đồng đều sẽ gây ra tình trạng răng lệch lạc, sai khớp cắn và thậm chí là tiêu xương răng.

Niềng răng hỏng
Không chăm sóc đúng cách có thể ảnh hưởng đến lực siết hàm và làm giảm hiệu quả chỉnh nha

Ngoài chế độ ăn uống, niềng răng hỏng cũng có thể liên quan đến những thói quen khác như nghiến răng khi ngủ, thở bằng miệng, đẩy lưỡi, nhai 1 bên hàm, chống cằm thường xuyên,.. Các thói quen này tạo ra tác động lên cung hàm khiến răng dịch chuyển đến những vị trí không theo dự tính.

3. Không tái khám đúng lịch hẹn

Chân răng có thể bị tổn thương nếu dịch chuyển quá đột ngột. Chính vì vậy, bác sĩ sẽ tạo lực siết hàm vừa phải để răng dịch chuyển từ từ cho đến khi về đúng vị trí. Để quá trình nắn chỉnh và điều hướng răng diễn ra liên tục, bạn cần đến phòng khám thường xuyên (3 – 6 tuần/ lần).

Khi tái khám, bác sĩ sẽ điều chỉnh dây cung, thay dây chun và sử dụng thêm một số khí cụ để đảm bảo răng dịch chuyển về vị trí mong muốn. Các thao tác này sẽ được lặp lại nhiều lần trong suốt quá trình chỉnh nha cho đến khi cấu trúc răng trở nên cân đối và hài hòa.

Nếu không tái khám thường xuyên, quá trình dịch chuyển của các răng trên cung hàm sẽ bị gián đoạn và trì hoãn. Tình trạng này xảy ra liên tục chính là nguyên nhân dẫn đến nhiều ca niềng răng không thành công.

4. Sử dụng hàm duy trì sai cách

Hàm duy trì là khí cụ niềng răng được sử dụng vào cuối lộ trình. Tác dụng chính của khí cụ này là cố định răng trên cung hàm và ngăn ngừa tình trạng răng dịch chuyển về vị trí cũ. Hàm duy trì sẽ được thiết kế phù hợp với cấu trúc răng của mỗi người và thường được dùng từ 6 – 12 tháng.

Niềng răng hỏng
Không dùng hàm duy trì hoặc sử dụng không đúng cách cũng có thể là nguyên nhân gây niềng răng hỏng

Sử dụng hàm duy trì sai cách là một trong những nguyên nhân gây niềng răng hỏng. Các sai lầm thường gặp nhất là dùng không đủ thời gian, không sử dụng, dùng không đều,… Không có sự hỗ trợ của hàm duy trì, chân răng sẽ dịch chuyển đến những khoảng trống còn lại trên cung hàm gây sai khớp cắn và làm phát sinh nhiều hệ lụy khác.

5. Khí cụ chỉnh nha kém chất lượng

Sử dụng khí cụ chỉnh nha kém chất lượng ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả sau khi niềng răng. Để đảm bảo lực siết hàm được phân bố đều, các khí cụ này đều phải được sản xuất từ vật liệu có độ bền và khả năng chịu lực tốt.

Sử dụng khay niềng, dây cung, mắc cài,… kém chất lượng có thể làm giảm hiệu quả chỉnh nha. Thậm chí có những trường hợp có thể bị viêm nhiễm nướu, kích ứng, dị ứng do sử dụng khí cụ không rõ nguồn gốc. Hơn nữa, khí cụ kém chất lượng còn dễ bị nứt, vỡ, đứt khi ăn nhai và sau mỗi lần tăng lực siết hàm.

Niềng răng hỏng có ảnh hưởng gì không?

Niềng răng là giải pháp tối ưu trong trường hợp sai lệch khớp cắn, răng bị hô vẩu, móm, răng thưa, răng mọc lệch lạc và chen chúc. Phương pháp này còn giúp khuôn mặt trở nên cân đối và hài hòa hơn. Về lâu dài, niềng răng – chỉnh nha có thể bảo vệ sức khỏe răng miệng và hoàn thiện các chức năng sinh lý của răng.

Tuy nhiên nếu niềng răng hỏng, các khuyết điểm của răng gần như không có cải thiện. Ngược lại, những trường hợp này còn phải đối mặt với nhiều ảnh hưởng nặng nề như:

  • Sức khỏe răng miệng suy yếu, răng nhạy cảm, dễ đau nhức và ê buốt khi ăn uống
  • Răng lệch lạc nặng hơn gây ảnh hưởng không nhỏ đến tính thẩm mỹ và ngoại hình
  • Tuổi thọ của răng giảm đi đáng kể sau khi chỉnh nha không đúng kỹ thuật
  • Tăng nguy cơ gặp phải các vấn đề nha khoa khác như viêm nha chu, tụt lợi hở chân răng, tiêu xương hàm, viêm tủy răng,…
  • Gây hao tốn tài chính và ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống

Niềng răng hỏng là điều không ai mong muốn khi can thiệp chỉnh nha. Ngay khi nhận thấy các dấu hiệu bất thường, bạn nên thăm khám sớm để được bác sĩ xác định nguyên nhân và can thiệp kịp thời các biện pháp khắc phục.

Cách khắc phục niềng răng hỏng hiệu quả

Niềng răng hỏng có thể được khắc phục hoàn toàn nếu thăm khám kịp thời. Tùy theo từng trường hợp, bác sĩ sẽ xem xét các biện pháp xử lý sau:

1. Điều chỉnh lại khí cụ chỉnh nha

Nếu phát hiện niềng răng hỏng trong quá trình thực hiện, bạn nên đến các phòng khám/ bệnh viện uy tín để được kiểm tra. Dựa vào kinh nghiệm và sự hỗ trợ của máy móc, bác sĩ sẽ xác định được sai sót trong kỹ thuật niềng và điều chỉnh lại khí cụ chỉnh nha cho phù hợp.

Niềng răng hỏng
Bác sĩ sẽ điều chỉnh khí cụ chỉnh nha để tạo lực siết hàm ổn định nhằm dịch chuyển răng về đúng vị trí

Những trường hợp đã phát sinh các vấn đề nha khoa như chết tủy răng, tụt lợi hở chân răng,… sẽ phải tháo mắc cài và can thiệp các phương pháp điều trị. Sau khi sức khỏe răng miệng đã ổn định, bác sĩ sẽ gắn khí cụ chỉnh nha và điều chỉnh lại lực siết hàm để quá trình nắn chỉnh răng diên ra thuận lợi và mang lại hiệu quả cao.

2. Chỉnh nha – niềng răng lại

Đối với những trường hợp phát hiện niềng răng hỏng sau khi kết thúc lộ trình, có thể phải chỉnh nha lại để khắc phục triệt để các khuyết điểm của răng. Bạn nên đến nha khoa đã thực hiện chỉnh nha để phản hồi về kết quả không như ý muốn. Thông thường, các phòng khám uy tín sẽ có chế độ bảo hành cho khách hàng can thiệp các dịch vụ chỉnh nha.

Nếu phòng khám không chịu trách nhiệm hoặc để yên tâm hơn, bạn có thể lựa chọn các bệnh viện/ phòng khám uy tín nếu có ý định niềng răng lại. Trước khi chỉnh nha lần 2, bạn nên đợi một thời gian để răng miệng ổn định. Can thiệp niềng răng liên tục có thể khiến răng suy yếu và gặp phải hàng loạt các vấn đề nha khoa.

Phòng ngừa niềng răng hỏng bằng cách nào?

Niềng răng không thành công ảnh hưởng nhiều đến thẩm mỹ, ngoại hình và sức khỏe răng miệng. Tình trạng này còn gây hao tốn thời gian và tiền bạc. Thực tế, niềng răng hỏng chỉ xảy ra khi thực hiện ở những phòng khám kém chất lượng và chăm sóc không đúng cách.

Niềng răng hỏng
Để phòng ngừa niềng răng hỏng, cần lựa chọn cơ sở đáng tin cậy và chăm sóc đúng cách theo hướng dẫn của bác sĩ

Để phòng ngừa tình trạng niềng răng hỏng, bạn có thể áp dụng một số biện pháp sau:

  • Nếu có ý định niềng răng – chỉnh nha, cần lựa chọn phòng khám uy tín và đáng tin cậy. Kỹ thuật này mất nhiều thời gian, công sức và sử dụng nhiều khí cụ nên thường có chi phí cao. Do đó, cần tránh thực hiện ở những cơ sở quảng cáo niềng răng với mức giá quá thấp.
  • Trong quá trình chỉnh nha, cần chăm sóc theo hướng dẫn của bác sĩ để đảm bảo hiệu quả và phòng ngừa các vấn đề nha khoa thường gặp.
  • Tái khám đều đặn theo lịch hẹn để quá trình chỉnh nha diễn ra thuận lợi. Ngoài ra, bạn cũng nên chủ động đến phòng khám nếu gặp phải các sự cố như tuột, lỏng dây cung, súc mắc cài, giãn dây chun chỉnh nha,…
  • Nếu nhận thấy các dấu hiệu bất thường, nên thông báo ngay với bác sĩ để được khắc phục trong thời gian sớm nhất.
  • Sau khi tháo niềng, cần sử dụng hàm duy trì theo hướng dẫn của bác sĩ. Ngay cả khi dùng khí cụ hỗ trợ, răng vẫn có thể chạy lại vị trí cũ. Do đó, bạn cần chú ý và thông báo với bác sĩ chỉnh nha nếu phát hiện các biểu hiện khác lạ.

Hy vọng qua bài viết, bạn đọc có thể phát hiện sớm và khắc phục tình trạng niềng răng hỏng kịp thời. Với những người đang có ý định niềng răng, nên lựa chọn cơ sở đáng tin cậy để đảm bảo hiệu quả và phòng tránh các tình huống rủi ro.

Tham khảo thêm:

5/5 - (2 bình chọn)

Đánh giá của khách hàng

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Đánh giá của bạn*

Bài viết liên quan

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!