Được xem là giải pháp tối ưu trong trường hợp răng hô, móm, khấp khểnh,… nhưng vẫn có khá nhiều người e ngại khi chỉnh nha do lo sợ cảm giác đau nhức và ê buốt. Nếu đang băn khoăn về vấn đề Niềng răng có đau không?, bạn đọc nên tham khảo thông tin giải đáp được tổng hợp trong bài viết sau.
Niềng răng có đau không? Đau ở những giai đoạn nào?
Niềng răng (chỉnh nha) là giải pháp đối với những trường hợp răng hô, móm, vẩu, răng thưa, răng mọc lệch lạc, chen chúc, sai khớp cắn,… Phương pháp này sử dụng khay niềng hoặc hệ thống mắc cài để điều chỉnh vị trí của răng. Tùy theo khuyết điểm của răng, quá trình niềng có thể kéo dài từ 1 – 3 năm.
Mặc dù mang lại nhiều lợi ích nhưng vẫn có khá nhiều người e ngại khi chỉnh nha do lo sợ cảm giác đau nhức và ê buốt. Vậy thực tế, Niềng răng có đau không?. Được biết, niềng răng chỉnh nha tạo một lực siết nhất định lên răng trong thời gian dài để dịch chuyển răng về vị trí mong muốn. Do đó, ít nhiều phương pháp này cũng có thể khiến răng bị đau, khó chịu trong một thời gian ngắn.
Tuy nhiên, mức độ ê buốt và đau nhức khi niềng còn phụ thuộc vào cơ địa của từng người, khuyết điểm của răng và kỹ thuật của bác sĩ. Với những trường hợp răng có quá nhiều khuyết điểm, bác sĩ phải siết hàm mạnh để tăng lực kéo nên mức độ đau sẽ nhiều hơn so với trường hợp răng bị khấp khểnh nhẹ.
Tình trạng đau nhức, ê buốt khi niềng không kéo dài trong toàn bộ quá trình chỉnh nha mà chỉ xảy ra trong một số giai đoạn cụ thể. Dưới đây là các giai đoạn niềng răng có thể gặp phải tình trạng đau nhức, ê buốt:
1. Giai đoạn đặt thun tách kẽ
Thun tách kẽ được đặt vào khoảng trống giữa răng số 6 và số 7 để tạo ra khoảng cách trước khi gắn khâu. Thun được sản xuất với chất liệu cao su mềm dẻo ít gây đau nhức. Tuy nhiên, thun tách kẽ tạo ra một áp lực nhất định để tăng khoảng cách giữa 2 răng nên vẫn có thể gây đau nhức, ê buốt và cộm trong quá trình ăn uống. Tình trạng này sẽ nhanh chóng thuyên giảm sau 3 – 4 ngày khi khoảng cách của răng đã hình thành.
2. Đau nhức sau khi nhổ răng trong quá trình niềng
Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể chỉ định nhổ răng khi niềng để tạo ra khoảng trống nhằm giúp các răng khác dễ dàng dịch chuyển. Ngoài ra, nhổ răng cũng được thực hiện đối với trường hợp có răng khôn mọc lệch, mọc ngầm, chen chúc và xô đẩy các răng khác trên cung hàm.
Nhổ răng xâm lấn vào tổ chức nha chu nên sẽ gây chảy máu và đau nhức trong một thời gian ngắn. Tuy nhiên sau khi nhổ răng, bác sĩ sẽ kê toa thuốc giảm đau, chống viêm và kháng sinh nên bạn không cần phải quá lo lắng về vấn đề này.
3. Đau nhức, ê buốt khi gắn mắc cài, dây cung
Sau khi đặt thun tách kẽ, bác sĩ sẽ gắn dây cung và mắc cài lên răng sau khoảng 1 – 2 tuần. Mắc cài được đặt trên bề mặt răng, sau đó đặt dây cung vào giữa rãnh và cố định bằng dây chun hoặc nắp trượt tự động (đối với mắc cài tự khóa).
Ở giai đoạn đầu, bác sĩ sẽ điều chỉnh lực siết vừa phải để san đều răng trên cung hàm trước khi chuyển sang giai đoạn đóng khoảng. Tuy nhiên, do mới gắn mắc cài nên một số người vẫn có thể gặp phải tình trạng đau nhức, ê buốt trong khoảng thời gian này.
4. Giai đoạn siết hàm
Thông thường sau khoảng 3 – 6 tuần, bác sĩ sẽ thay dây cung và điều chỉnh lực kéo để dịch chuyển răng về vị trí mong muốn. Tăng lực siết sẽ khiến răng ê buốt và đau nhức đáng kể. Đây được xem là giai đoạn đau nhất trong quá trình niềng răng. Tuy nhiên, mức độ đau còn phụ thuộc vào một số yếu tố như khuyết điểm của răng và cơ địa của từng người.
Tóm lại, niềng răng – chỉnh nha có thể gây đau nhức và ê buốt ở một số giai đoạn. Tình trạng này thường tự thuyên giảm sau một thời gian ngắn nên đa phần đều không đáng lo ngại. Trong một số trường hợp, niềng răng bị ê buốt, đau nhức cũng có thể xảy ra do một số nguyên nhân chủ quan như vệ sinh răng miệng sai cách, ăn uống không hợp lý, chấn thương,…
Đau nhức do niềng răng kéo dài bao lâu? Cách cải thiện
Niềng răng có thể gây đau nhức, ê buốt trong một số giai đoạn do nhiều nguyên nhân khác nhau nhưng đa phần đều không đáng lo ngại. Thông thường, hiện tượng răng đau nhức và ê buốt chỉ xảy ra trong vài ngày và nhiều nhất là khoảng 7 ngày đối với nhổ răng. Nếu tình trạng này kéo dài bất thường, nên tìm gặp bác sĩ sớm để được xác định nguyên nhân và khắc phục kịp thời.
Dù có thể tự thuyên giảm nhưng tình trạng đau nhức, ê buốt răng trong quá trình chỉnh nha ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống. Nếu cần thiết, bạn có thể áp dụng một số biện pháp cải thiện như sau:
- Chườm đá: Sau khi nhổ răng và siết hàm, bạn có thể chườm đá từ 15 – 20 phút với tần suất 2 – 3 lần/ ngày để giảm đau nhức. Nhiệt độ lạnh từ túi chườm có thể làm tê liệt khả năng dẫn truyền tín hiệu của dây thần kinh, qua đó giảm phần nào mức độ cơn đau cùng với hiện tượng nướu răng chảy máu và sưng viêm.
- Ngậm nước muối ấm: Nước muối ấm có khả năng giảm đau và tiêu viêm. Để cải thiện cảm giác ê buốt và đau nhức khi niềng răng, nên hòa tan muối với nước ấm, sau đó dùng để ngậm hoặc súc miệng. Ngoài ra, ngậm nước muối ấm còn giúp kháng khuẩn, sát trùng và làm sạch hại khuẩn trong khoang miệng.
- Chú ý chế độ ăn uống: Mức độ cơn đau và cảm giác ê buốt trong quá trình niềng răng sẽ được cải thiện đáng kể nếu xây dựng chế độ ăn hợp lý. Trong giai đoạn mới gắn mắc cài và sau mỗi lần siết răng, bạn nên dùng món ăn mềm, lỏng và nguội để giảm áp lực lên răng. Tránh dùng thực phẩm cứng, khô, dai, đồ uống chứa nhiều axit, rượu bia,…
- Vệ sinh răng miệng đúng cách: Trong thời gian niềng răng, thức ăn thừa dễ bám vào mắc cài và tích tụ thành mảng bám. Vì vậy, cần chú ý vệ sinh răng miệng đúng cách để phòng tránh các bệnh lý nha khoa. Ngoài các biện pháp thông thường, nên sử dụng thêm bàn chải kẽ để tăng hiệu quả làm sạch trong thời gian chỉnh nha.
- Sử dụng thuốc: Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể kê toa thuốc giảm đau để cải thiện tình trạng răng ê buốt, đau nhức khi chỉnh nha. Nếu phải nhổ răng, thuốc giảm đau thường được dùng kèm với thuốc chống viêm và kháng sinh.
- Dùng sáp nha khoa: Mắc cài có thể ma sát với niêm mạc miệng dẫn đến tình trạng loét, chảy máu và đau nhức – đặc biệt là trong giai đoạn đầu mới gắn mắc cài. Để hạn chế tình trạng này, bạn nên thoa sáp nha khoa ở các mắc cài nhằm giảm ma sát với niêm mạc miệng.
Trên đây là những thông tin giải đáp “Niềng răng có đau không? Đau bao lâu?” và gợi ý một số biện pháp giúp cải thiện tình trạng này hiệu quả. Trong trường hợp cơn đau có mức độ nặng và kéo dài, bạn nên tìm gặp bác sĩ để xác định nguyên nhân và can thiệp biện pháp khắc phục phù hợp.
Tham khảo thêm:
Bài viết liên quan
5 Cách Làm Răng Hết Hô Hiệu Quả Vô Cùng Đơn Giản
7 Trường Hợp Không Nên Niềng Răng Bạn Cần Lưu Ý
Niềng Răng Mắc Cài Kim Loại Tự Buộc: Giá Và Quy Trình
Niềng Răng Xong Đeo Hàm Duy Trì Bao Lâu? Điều Nên Biết
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!