Chế độ ăn hợp lý có thể giảm nhẹ các triệu chứng khi mọc răng khôn như nướu sưng đỏ, đau nhức, răng nhạy cảm, dễ ê buốt,… Những thông tin giải đáp Mọc răng khôn nên ăn gì, kiêng gì trong bài viết sau sẽ giúp bạn đọc dễ dàng hơn khi lên kế hoạch ăn uống.
Mọc răng khôn nên ăn gì giảm đau?
Mọc răng khôn thực sự là nỗi ám ảnh với một số người. So với các răng còn lại trên cung hàm, răng khôn (răng số 8) có chân răng khá dài nên khi mọc thường gây viêm nướu, sưng má và đau nhức. Một số người có cơ địa nhạy cảm có thể bị đau nhức dữ dội, cơn đau lan đến tai và thậm chí gây nhức đầu.
Thông thường, các triệu chứng khó chịu khi mọc răng số 8 chỉ diễn ra trong khoảng vài ngày. Tuy nhiên, một số người có thể bị mất ngủ, khó tập trung khi học tập, làm việc và gặp nhiều phiền toái trong cuộc sống do răng đau nhức dữ dội. Bên cạnh sử dụng thuốc không kê toa, bạn cũng có thể cải thiện các triệu chứng này thông qua chế độ ăn uống.
Nếu đang băn khoăn về vấn đề “Mọc răng khôn nên ăn gì?”, bạn có thể tham khảo một số gợi ý sau để có thể lên kế hoạch ăn uống phù hợp nhằm giảm nhẹ cơn đau và một số triệu chứng đi kèm:
1. Dùng sữa lạnh và sữa chua
Trên thực tế, đa phần những trường hợp mọc răng khôn đều gặp phải tình trạng răng mọc ngầm, mọc nghiêng và mọc lệch. Do đó, mọc răng số 8 thường gây đau nhiều hơn so với các răng còn lại trên cung hàm. Một số người có thể bị đau lan ra tai và không thể ăn nhai.
Trong trường hợp này, bạn có thể uống sữa lạnh để cung cấp dinh dưỡng cho cơ thể. Sữa lạnh cũng có thể làm dịu mô nướu và ngăn hiện tượng chảy máu ở vùng nướu xung quanh răng số 8. Ngoài sữa lạnh, bạn cũng có thể thêm sữa chua vào chế độ ăn.
Sữa chua có kết cấu mềm và lạnh nên có thể làm dịu mô nướu, giảm cơn đau và ngăn hiện tượng chảy máu chân răng. Bên cạnh đó, probiotic (lợi khuẩn) cũng giúp tiêu diệt vi khuẩn có hại và ngăn ngừa sự xâm nhập của hại khuẩn vào mầm răng bên dưới.
2. Mọc răng khôn nên ăn cháo và súp
Cháo, súp và các món ăn lỏng, mềm rất thích hợp với người đang mọc răng khôn. Các món ăn này thường không phải nhai quá nhiều nên có thể hạn chế áp lực lên răng. Hơn nữa, cháo và súp còn có công thức chế biến đa dạng, có thể linh động thay đổi tùy theo sở thích.
Khi chế biến cháo và súp, bạn nên nêm ít gia vị và hầm nhừ thịt, cá, các loại hải sản để giảm áp lực khi ăn nhai. Khi ăn, nên để món ăn nguội bớt nhằm hạn chế kích ứng lên mô nướu bao xung quanh răng. Nếu mọc răng khôn gây đau nhức nhiều, bạn nên dùng cháo và súp trong khoảng vài ngày. Ngoài gạo và các loại thịt, trứng, cá, nên thêm vào món cháo các loại nấm, đậu, củ quả và rong biển để tăng thêm chất xơ cho cơ thể.
3. Bổ sung rau xanh và trái cây
Ngoài tình trạng sưng nướu và đau nhức, mọc răng khôn còn có thể gây sốt, mệt mỏi và uể oải. Do đó, bạn nên tăng cường thêm rau xanh và trái cây vào chế độ dinh dưỡng. Các loại vitamin và khoáng chất trong các nhóm thực phẩm này giúp tăng cường sức đề kháng, từ đó có thể giảm nhanh tình trạng mệt mỏi và sốt.
Chất xơ trong rau xanh, trái cây cũng hỗ trợ làm dịu mô nướu sưng viêm. Đồng thời làm sạch mảng bám và ngăn chặn sự phát triển quá mức của vi khuẩn. Nếu răng đau nhiều, bạn nên dùng các loại rau và quả mềm như rau mồng tơi, rau dền, rau đay, quả bơ, thanh long,… Hoặc có thể chế biến ở dạng nước ép và sinh tố để hạn chế cảm giác đau nhói khi nhai.
4. Dùng các loại thực phẩm có đặc tính chống viêm
Bên cạnh thành phần dinh dưỡng, một số loại thực phẩm còn có đặc tính chống viêm và giảm đau nhờ hàm lượng chất chống oxy hóa cao. Vì vậy khi gặp phải tình trạng sưng nướu và đau nhức khi mọc răng khôn, bạn có thể sử dụng một số loại thực phẩm như:
- Mật ong: Hydrogen peroxide trong mật ong có đặc tính kháng khuẩn nên có thể tiêu diệt các vi khuẩn có hại bên trong khoang miệng. Khi đang mọc răng khôn, bạn cũng có dùng trà mật ong ấm uống hằng ngày để làm dịu tình trạng đau nhức răng và sưng nướu. Ngoài ra, hoạt chất defensin-1 trong mật ong còn giúp tăng cường sức đề kháng và giảm mệt mỏi trong thời gian mọc răng.
- Hoa cúc: Hoa cúc thường được sử dụng để chế biến trà. Không chỉ có hương vị thơm ngon, thảo dược này còn chứa apigenin (4, 5,7-trihydroxyflavone) có đặc tính kháng viêm và chống oxy hóa. Ngoài ra, hoạt chất này còn giúp an dịu thần kinh và xoa dịu cơn đau. Khi gặp phải tình trạng sưng nướu và đau nhức răng, bạn có thể uống trà hoa cúc để cải thiện. Dùng loại trà này trước khi ngủ còn có thể giảm tình trạng đau răng vào ban đêm hiệu quả.
- Bạc hà: Bạc hà chứa Menthol có đặc tính làm mát và tiêu viêm. Do đó, bạn cũng có thể dùng trà bạc hà và một số món ăn từ thảo dược này để cải thiện tình trạng sưng nướu, đau nhức răng khi mọc răng khôn. Ngoài ra với hàm lượng tinh dầu cao, bạc hà còn giúp khử mùi hôi trong khoang miệng và mang lại hơi thở thơm mát.
- Nha đam: Nha đam là loại thực phẩm tốt cho hệ tiêu hóa và sức khỏe răng miệng. Hợp chất Anthraquinone trong thực phẩm này có đặc tính kháng sinh và chống viêm mạnh. Vì vậy, dùng thức uống và các món ăn từ nha đam có thể giảm đau răng, sưng và chảy máu mô nướu.
Ngoài ra, bạn cũng có thể giảm các triệu chứng khó chịu khi mọc răng khôn bằng một số loại thực phẩm khác như gừng tươi, quế, rau diếp cá, thìa là,…
5. Uống đủ nước
Uống đủ nước giúp cho khoang miệng tiết nước bọt thường xuyên và đều đặn. Nước bọt giữ vai trò rất quan trọng đối với sức khỏe răng miệng như làm mềm thức ăn, giảm tích tụ mảng bám, loại bỏ thức ăn thừa, giảm hôi miệng và ngăn ngừa quá trình hủy khoáng.
Khi bị đau nhức răng do mọc răng khôn, nhiều người có thói quen lười ăn uống. Tuy nhiên, tình trạng này có thể khiến cho nướu sưng đau nhiều hơn và khoang miệng có mùi hôi khó chịu. Trong thời gian mọc răng khôn, bạn nên uống đủ 2 lít nước mỗi ngày và cần chia nhỏ lượng nước để đảm bảo miệng không bị khô. Để làm dịu mô nướu và giảm đau rát, có thể dùng nước mát thay vì nước ấm.
Mọc răng khôn bị sưng đau cần kiêng ăn gì?
Bên cạnh vấn đề nên ăn gì khi mọc răng khôn, bạn cũng cần quan tâm đến các loại thực phẩm và đồ uống cần kiêng cữ. Hạn chế các loại thực phẩm, đồ uống không phù hợp có thể giảm cảm giác đau nhức và khó chịu, đồng thời giúp triệu chứng thuyên giảm nhanh chóng hơn.
Dưới đây là danh sách các loại thực phẩm, đồ uống bạn cần kiêng cữ khi mọc răng khôn:
1. Thực phẩm gây dị ứng
Các loại thực phẩm gây dị ứng luôn nằm trong danh sách nhóm thực phẩm cần kiêng cữ khi mọc răng khôn. Bởi dùng các loại thực phẩm này có thể khiến nướu răng bị sưng viêm nghiêm trọng hơn. Ngoài ra, dùng thực phẩm dị ứng còn gây ngứa họng, tiêu chảy, đau dạ dày, nổi mề đay mẩn ngứa,…
Để triệu chứng thuyên giảm nhanh, bạn nên kiêng các loại thực phẩm có tiền sử dị ứng khi đang mọc răng khôn. Bên cạnh đó, bạn cũng nên hạn chế các loại thực phẩm có khả năng dị ứng cao như đậu phộng, mè đen, các loại hải sản,…
2. Mọc răng khôn cần tránh dùng thức ăn cứng, khô
Ngoài thức ăn gây dị ứng, bạn cũng cần kiêng thức ăn cứng, khô khi mọc răng khôn. Các loại thức ăn này làm tăng áp lực lên khi nhai nên có thể khiến răng bị đau nhức, nướu sưng và chảy máu. Vì vậy trong thời gian mọc răng khôn, bạn cần kiêng ăn gân bò, khô mực, rau củ sấy giòn, khô bò, sườn, các loại quả cứng,…
3. Kiêng thực phẩm nhiều gia vị (chua, cay, mặn,…)
Một số loại gia vị như cay, mặn và chua có thể gây kích thích nướu răng khiến cho tình trạng đau nhức khi mọc răng khôn trở nên nghiêm trọng hơn. Do đó, bạn nên dùng thức ăn nhạt, không sử dụng quá nhiều muối và ớt, tiêu để giảm kích thích lên nướu răng sưng đau.
4. Tránh ăn thực phẩm chứa nhiều axit
Các loại thực phẩm, đồ uống chứa nhiều axit như chanh, tắc, me, cóc, nước ngọt có gas, soda,… đều tác động xấu đến sức khỏe răng miệng. Axit từ các loại thực phẩm có thể khiến cho men răng bị mài mòn, răng trở nên ê buốt và nhạy cảm khi ăn uống. Nếu đang mọc răng khôn hoặc mắc các bệnh lý nha khoa, sử dụng thực phẩm chứa hàm lượng axit cao có thể gây ê buốt và đau nhức dữ dội.
5. Kiêng thức uống chứa caffeine và cồn
Đồ uống chứa cồn và caffeine cũng nằm trong danh sách cần kiêng cữ khi mọc răng khôn. Nguyên nhân là do cồn và caffeine đều làm giảm bài tiết nước bọt. Tình trạng này khiến cho mô nướu xung quanh răng số 8 bị sưng viêm nặng, dễ chảy máu và đau nhức. Ngoài ra, giảm tiết nước bọt còn là điều kiện thuận lợi để vi khuẩn xâm nhập và phát triển gây viêm lợi trùm, viêm nướu và nhiều vấn đề nha khoa khác.
Khi uống rượu bia, cồn sẽ tiếp xúc với nướu răng khiến tình trạng đau nhức và sưng viêm trở nên nghiêm trọng hơn. Kiêng cữ các loại thức uống này trong thời gian mọc răng sẽ giúp giảm nhẹ các triệu chứng khó chịu và giảm thiểu nguy cơ bị viêm lợi trùm trong quá trình răng khôn mọc.
6. Không dùng thức ăn quá nóng hoặc quá lạnh
Khi mọc răng số 8, răng ở những vị trí lân cận thường trở nên nhạy cảm hơn bình thường. Chính vì vậy, việc sử dụng các món ăn quá nóng hoặc quá lạnh trong thời gian này có thể gây ra cảm giác ê buốt, khó chịu. Hơn nữa, nhiệt độ quá cao từ thức ăn cũng khiến cho nướu răng bị bỏng và trở nên sưng viêm hơn.
7. Thực phẩm dễ gây viêm
Một số loại thực phẩm có thể làm tăng mức độ viêm của các cơ quan tổn thương. Theo các chuyên gia Răng hàm mặt, bạn nên kiêng dùng thức ăn được làm từ bột mì đã qua tinh chế, xúc xích, bacon (thịt xông khói), các loại đồ ăn đóng hộp, thức ăn nhanh, thực phẩm chứa nhiều đường,… Sử dụng các loại thực phẩm này có thể làm tăng mức độ viêm sưng và đau nhức mô nướu.
Một số lưu ý khi mọc răng khôn
Mọc răng khôn thường xảy ra ở người trưởng thành (khoảng từ 17 – 25 tuổi). Răng khôn nằm ở cuối cung hàm và mọc khá muộn nên nguy cơ mọc nghiêng và mọc lệch rất cao (chiếm khoảng 85%). Chính vì vậy khi mọc răng khôn, bạn nên lưu ý một số vấn đề sau:
- Nếu nhận thấy răng đau nhức nhiều, cơn đau lan đến tai và đầu, cần đến ngay phòng khám để được kiểm tra và điều trị. Thực tế, không ít người gặp phải tình trạng răng khôn mọc nghiêng chèn ép dây thần kinh và các răng khác trên cung hàm. Nếu không xử lý sớm, tình trạng này có thể gây ra một số biến chứng nặng nề như sai lệch khớp cắn, răng chen chúc,…
- Răng khôn nằm ở vị trí khuất nên khó vệ sinh hơn so với các răng khác trên cung hàm. Khi mọc răng số 8, bạn cần chú ý chải răng sâu ở phía trong để ngăn mảng bám và thức ăn thừa tích tụ.
- Ngoài chế độ ăn uống, bạn cũng thay đổi một số thói quen để giảm các triệu chứng khó chịu khi mọc răng khôn như hút thuốc lá, dùng răng cắn các vật cứng, chải răng quá mạnh,… Nếu nướu sưng nhiều, cần hạn chế lao động nặng hoặc tập thể dục cường độ cao. Những hoạt động này đều gia tăng áp lực lên răng và nướu khiến cơn đau trở nên nghiêm trọng và có thể lan tỏa đến tai.
- Trong trường hợp răng đau nhức nhiều, bạn có thể áp dụng một số biện pháp giảm đau tại nhà như ngậm nước muối ấm, súc miệng với dầu dừa, chườm đá,…
Trên đây là những thông tin giải đáp “Mọc răng khôn nên ăn gì, kiêng gì?” và một số vấn đề cần lưu ý trong thời gian mọc răng số 8. Nếu nhận thấy răng đau nhức nhiều đi kèm với một số triệu chứng nghiêm trọng, bạn nên thăm khám sớm để phát hiện và xử lý kịp thời các vấn đề bất thường.
Tham khảo thêm:
Bài viết liên quan
Không Nhổ Răng Khôn Có Sao Không? Gây Biến Chứng Gì?
Không Biết Có Thai Đi Nhổ Răng Khôn Có Ảnh Hưởng Gì Không?
Mọc Răng Khôn: Dấu Hiệu Nhận Biết Và Cách Xử Lý An Toàn
Tìm Hiểu Quá Trình Lành Thương Sau Khi Nhổ Răng Khôn
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!