Dùng lá trầu không chữa hôi miệng là mẹo dân gian khá đơn giản và có thể thực hiện ngay tại nhà. Nếu áp dụng đúng cách, mẹo chữa này có thể loại bỏ mùi hôi trong khoang miệng do thói quen dùng thức ăn có mùi nồng, hút thuốc lá, ảnh hưởng của bệnh sâu răng, viêm nha chu,…
Có nên chữa hôi miệng bằng lá trầu không?
Trong khoang miệng chứa hơn 2 tỷ loại vi khuẩn cùng với một số nấm men và ký sinh trùng. Thông thường, số lượng hại khuẩn và lợi khuẩn sẽ tồn tại ở mức cân bằng. Tuy nhiên với những trường hợp vệ sinh răng miệng kém, tích tụ nhiều mảng bám và cao răng, hại khuẩn có thể phát triển mạnh và sản sinh một lượng lớn khí sulfur tạo ra mùi hôi vô cùng khó chịu.
Hơi thở có mùi không chỉ là dấu hiệu cho thấy số lượng vi khuẩn tăng lên mà còn ảnh hưởng đáng kể đến quá trình giao tiếp và sinh hoạt. Với những người có tính chất công việc phải gặp gỡ nhiều, hôi miệng chính là trở ngại lớn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống.
Để cải thiện tình trạng hơi thở có mùi, bạn nên giữ vệ sinh răng miệng tốt. Bên cạnh đó, có thể sử dụng lá trầu không để loại bỏ mùi hôi khó chịu. Lá trầu là cây thuốc nam chữa hôi miệng được sử dụng phổ biến trong dân gian. Theo ghi chép, thảo dược này có vị cay nồng, mùi thơm hắc, tác dụng kháng khuẩn, tiêu viêm, sát trùng và giảm ngứa. Dùng lá trầu không trị hôi miệng vừa có thể khử mùi hôi vừa giúp tiêu diệt hại khuẩn trong khoang miệng và hỗ trợ giảm sưng đau mô nướu.
Lá trầu không không chỉ là cây thuốc quý trong dân gian mà đã được khoa học nghiên cứu và chứng minh trên cơ sở khoa học. Trung bình khoảng 100g lá trầu chứa đến 2.4% tinh dầu. Tinh dầu trong lá trầu có mùi thơm mạnh, hiệu quả khử mùi tốt nên có thể đánh bay mùi hôi trong khoang miệng do nhiều nguyên nhân khác nhau như hôi miệng do sâu răng, viêm nha chu, viêm lợi, hơi thở có mùi do dùng hành, tỏi, cà phê, hút thuốc lá hoặc do ảnh hưởng của các bệnh viêm đường hô hấp.
Ngoài ra, lá trầu không chứa còn Eugenol và Chavicol có đặc tính kháng sinh mạnh. Một số nghiên cứu được thực hiện cho thấy, các hoạt chất này hiệu quả với trực khuẩn coli, phế cầu khuẩn, tụ cầu khuẩn, các loại nấm men và vi khuẩn có hại trong khoang miệng,… Vì vậy, sử dụng lá trầu không chữa hôi miệng phần nào có thể cải thiện và phòng ngừa một số vấn đề nha khoa.
Nếu tình trạng hôi miệng không quá nghiêm trọng, bạn có thể tận dụng 1 nắm lá trầu không tươi để cải thiện. Tuy nhiên trong trường hợp hơi thở có mùi đi kèm với các triệu chứng nghiêm trọng, nên đến phòng khám để được kiểm tra và điều trị y tế. Song song đó, bạn cũng có thể áp dụng mẹo chữa từ lá trầu để tăng thêm hiệu quả khử mùi.
Mách bạn 5 cách dùng lá trầu không chữa hôi miệng
Có thể nói, lá trầu không là cây thuốc nam được sử dụng phổ biến nhất trong dân gian. Đối với chứng hôi miệng, bạn có thể dùng thảo dược này đơn lẻ hoặc kết hợp thêm với một số nguyên liệu tự nhiên khác.
1. Nhai trực tiếp lá trầu không
Nhai trực tiếp lá trầu không là mẹo trị hôi miệng tại nhà đơn giản và dễ thực hiện. Lá trầu chứa một lượng lớn tinh dầu với vị cay nồng và mùi thơm mạnh. Khi nhai, lá trầu sẽ tỏa ra hương thơm giúp loại bỏ mùi hôi tích tụ trong khoang miệng và giúp làm thơm hơi thở.
Ngoài ra, khi nhai lá trầu không tươi, các hoạt chất kháng khuẩn bên trong thảo dược này cũng sẽ giúp tiêu diệt vi khuẩn. Theo kinh nghiệm dân gian, áp dụng mẹo chữa này thường xuyên không chỉ giúp loại bỏ mùi hôi trong khoang miệng mà còn giúp giảm sưng viêm mô nướu, cải thiện tình trạng đau rát và ngứa cổ họng do các bệnh lý nha khoa và viêm đường hô hấp.
Cách thực hiện:
- Chuẩn bị 1 – 2 lá trầu không (nên chọn lá non), đem rửa sạch với nước muối pha loãng và để ráo nước
- Mỗi lần nhai trực tiếp 1 lá, khi nhai không nuốt nước và bã
- Sau khi đã nhai nát lá trầu không, ngậm trong khoảng 3 – 5 phút để tinh chất thẩm thấu giúp tiêu diệt vi khuẩn
- Sau đó, nhổ bỏ và không súc miệng lại với nước sạch
- Ngày thực hiện 1 – 2 lần để loại bỏ mùi hôi miệng và giảm nhẹ các triệu chứng đi kèm
2. Dùng nước sắc lá trầu không chữa hôi miệng
Lá trầu không có vị cay the nên có thể gây nóng rát khoang miệng khi nhai trực tiếp. Nếu cảm thấy khó chịu khi áp dụng mẹo chữa này, bạn có thể thay thế bằng cách dùng nước sắc lá trầu không.
Tương tự như cách chữa trên, ngậm và súc miệng với nước sắc lá trầu không cũng có hiệu quả khử mùi, tiêu diệt hại khuẩn và nấm men tích tụ trong khoang miệng. Ngoài ra, ngậm nước sắc lá trầu không cũng giúp làm dịu mô nướu bị sưng viêm, cải thiện tình trạng chảy máu chân răng và đau nhức răng do các bệnh nha khoa.
Hướng dẫn thực hiện:
- Chuẩn bị 1 – 2 nắm lá trầu không tươi (nên bỏ lá già bị vàng úa)
- Ngâm rửa với nước muối pha loãng để làm sạch bụi bẩn, xác động vật,… và để ráo
- Đun sôi từ 250 – 350ml nước rồi cho lá trầu không vào, đun trong 3 phút
- Đợi nước sắc nguội rồi cho vào bình và bảo quản trong tủ lạnh
- Sau khi chải răng, dùng khoảng 50ml ngậm và súc miệng kỹ để làm sạch khoang miệng
- Thực hiện đều đặn 2 lần/ ngày trong thời gian dài
3. Trị hôi miệng bằng lá trầu không và vỏ chanh
Ngoài những bài thuốc dùng trầu không đơn lẻ, dân gian còn lưu truyền các công thức trị hôi miệng kết hợp nhiều nguyên liệu tự nhiên. Trong đó, mẹo trị hôi miệng bằng lá trầu không và vỏ chanh được đánh giá cao về hiệu quả, độ an toàn và cách thực hiện đơn giản.
Vỏ chanh là nguyên liệu không được sử dụng nên có thể tận dụng để loại bỏ mùi hôi trong khoang miệng. Tương tự như lá trầu, nguyên liệu này chứa hàm lượng tinh dầu khá cao giúp khử mùi hôi và kháng khuẩn tốt. Kết hợp giữa hai nguyên liệu này có thể đánh bật hơi thở có mùi do thói quen hút thuốc lá, dùng thức ăn có mùi tanh, nồng hoặc do ảnh hưởng của các bệnh lý răng miệng.
Cách dùng lá trầu không và vỏ chanh chữa hôi miệng:
- Chuẩn bị 1 nắm lá trầu không và 3 – 4 vỏ chanh (bỏ ruột)
- Rửa sạch nguyên liệu và cắt nhỏ
- Đun sôi 300ml nước rồi cho nguyên liệu vào đun trong 5 – 7 phút
- Để nước nguội, bỏ bã và cho nước vào chai bảo quản trong tủ lạnh
- Mỗi lần sử dụng khoảng 40 – 50ml súc miệng sau khi chải răng, ngày dùng 2 lần cho đến khi tình trạng hôi miệng thuyên giảm hoàn toàn
4. Đánh bật mùi hôi miệng với lá trầu và gừng tươi
Gừng là loại gia vị quen thuộc với vị cay nồng, mùi thơm và tính ấm. Ngoài tác dụng tăng hương vị món ăn, thảo dược này còn có tác dụng phòng ngừa và cải thiện một số vấn đề sức khỏe thường gặp bao gồm cả chứng hôi miệng.
Với tinh dầu có mùi hương dễ chịu, gừng giúp khử mùi hôi trong khoang miệng và mang lại hơi thở thơm mát. Đặc biệt, hợp chất phenolic, Gingerol và Shogals trong gừng còn có tác dụng tiêu viêm và kháng khuẩn mạnh. Vì vậy, công thức kết hợp giữa gừng và lá trầu không thích hợp với những trường hợp hôi miệng do các bệnh lý nha khoa và viêm đường hô hấp như cảm lạnh, cảm cúm, viêm họng,…
Hướng dẫn thực hiện:
- Dùng khoảng 1 nắm lá trầu không và 2 củ gừng tươi
- Rửa sạch nguyên liệu, cắt nhỏ trầu không và thái lát gừng
- Đun sôi 300ml nước rồi cho nguyên liệu vào, đun trong 3 – 5 phút rồi tắt bếp
- Sau khi chải răng, dùng khoảng 40ml nước súc miệng trong vòng 30 giây
- Thực hiện 2 lần/ ngày để nhận thấy hiệu quả rõ rệt
5. Kết hợp lá trầu không và muối biển
Ngoài những công thức trên, bạn cũng có thể cải thiện tình trạng hôi miệng bằng cách kết hợp lá trầu không và muối biển. Muối biển có đặc tính tiêu viêm, kháng khuẩn tốt và hỗ trợ loại bỏ mùi hôi trong khoang miệng. Vì vậy nếu không có sẵn gừng hay vỏ chanh, có thể dùng với muối biển để gia tăng hiệu quả.
Cách thực hiện:
- Cách 1: Nhai trực tiếp lá trầu không và muối biển để khử mùi hôi trong khoang miệng. Nên nhai sau các bữa ăn hoặc sau khi hút thuốc lá để mang lại hiệu quả cao nhất.
- Cách 2: Đun sôi 1 nắm lá trầu không với 250ml nước, sau đó thêm muối biển vào, đợi nước nguội rồi cho vào bình bảo quản ở ngăn mát tủ lạnh. Mỗi lần dùng 50ml súc miệng sau khi chải răng để tăng hiệu quả làm sạch khoang miệng và khử mùi hôi khó chịu.
Lưu ý khi dùng lá trầu không trị hôi miệng
Dùng lá trầu không trị hôi miệng là mẹo dân gian nhưng đã được công nhận hiệu quả trên cơ sở khoa học. Nếu áp dụng đúng cách, các công thức này có thể cải thiện tình trạng hơi thở có mùi và một số triệu chứng đi kèm.
Tuy nhiên để đạt hiệu quả cao khi dùng lá trầu không chữa hôi miệng, bạn nên lưu ý một số vấn đề sau:
- Cách chữa hôi miệng bằng lá trầu không có ưu điểm an toàn và lành tính. Tuy nhiên, vì sử dụng hoàn toàn nguyên liệu tự nhiên nên công thức này chỉ mang lại hiệu quả nếu thực hiện thường xuyên.
- Bên cạnh cách trị hôi miệng bằng lá trầu không, nên chải răng kỹ và súc miệng bằng các dung dịch sát khuẩn để loại bỏ hại khuẩn trong khoang miệng. Ngoài ra, nên sử dụng thêm chỉ nha khoa để làm sạch thức ăn giắt ở kẽ răng.
- Dùng lá trầu không trị hôi miệng là công thức an toàn và lành tính. Tuy nhiên, một số người có cơ địa nhạy cảm có thể bị dị ứng và kích ứng. Nếu nhận thấy có biểu hiện bất thường, bạn nên ngưng thực hiện để tránh hiện tượng kích ứng nặng.
- Hôi miệng có thể xảy ra do rất nhiều nguyên nhân khác nhau. Các công thức từ lá trầu không có thể không mang lại hiệu quả nếu thường xuyên dùng thức ăn có mùi nồng, hút thuốc lá, vệ sinh răng miệng kém, ít uống nước,… Do đó để đạt hiệu quả cao, cần kết hợp mẹo chữa từ lá trầu không và thay đổi các thói quen xấu.
- Nếu nhận thấy hôi miệng dai dẳng, kéo dài, nên đến bệnh viện/ phòng khám kiểm tra. Bởi đa phần những trường hợp này đều xảy ra do mắc các bệnh nha khoa như sâu răng, viêm lợi, viêm quanh chân răng, viêm nha chu,…
Trên đây là một số cách dùng lá trầu không chữa hôi miệng được lưu truyền rộng rãi trong dân gian. Hy vọng qua những chia sẻ trong bài viết, bạn đọc có thể dễ dàng loại bỏ mùi hôi miệng và tự tin hơn khi giao tiếp. Ngoài các công thức từ lá trầu, bạn cũng có thể tìm hiểu thêm một số mẹo chữa từ những nguyên liệu tự nhiên khác.
Tham khảo thêm:
Bài viết liên quan
Thử Ngay Mẹo Chữa Hôi Miệng Bằng Bột Quế Siêu Đơn Giản
Mách Bạn 8 Cách Dùng Baking Soda Trị Hôi Miệng Cực Hay
3 Cách dùng cây hương nhu chữa hôi miệng và lưu ý cần biết
10 loại nước súc miệng trị hôi miệng cực hiệu quả nên dùng
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!