Vệ sinh răng miệng kém, dùng thức ăn, đồ uống có mùi nồng,… là những nguyên nhân thường gặp gây hôi miệng sau khi sinh. Đa phần những trường hợp này đều có thể cải thiện bằng các biện pháp đơn giản tại nhà và chỉ có một số ít phải can thiệp điều trị y tế.
Nguyên nhân gây hôi miệng sau khi sinh
Tình trạng hơi thở có mùi có thể xảy ra ở cả trẻ em và người trưởng thành. Trong đó, bà bầu và phụ nữ sau khi sinh dễ gặp phải tình trạng này hơn do sự thay đổi của hormone estrogen và progesterone. Bị hôi miệng sau khi sinh là tình trạng khá phổ biến ở các mẹ bỉm.
Dù không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe răng miệng nhưng hơi thở có mùi gây ra sự bối rối, thiếu tự tin khi giao tiếp và gặp gỡ. Do đó, không ít mẹ bỉm gặp phải các phiền toái trong cuộc sống do tình trạng này gây ra. Có nhiều nguyên nhân gây ra hơi thở có mùi nhưng yếu tố trực tiếp là hiện tượng sinh khí sulfur của vi khuẩn thường trú trong khoang miệng.
Ở phụ nữ mang thai và sau khi sinh, hôi miệng không chỉ xảy ra do các nguyên nhân thông thường mà còn do quan niệm ở cữ sai lầm, lạc hậu và sự thay đổi của nội tiết tố. Để có hướng khắc phục phù hợp, mẹ bỉm nên tìm hiểu các nguyên nhân thường gặp sau đây:
- Lượng hormone chưa ổn định: Sau khi sinh, mẹ bỉm cần 6 – 12 tháng để có thể ổn định hormone estrogen và progesterone. Khi lượng hormone chưa ổn định, nướu và răng vẫn còn khá nhạy cảm, dễ đau nhức và chảy máu. Đây cũng là điều kiện để hại khuẩn trong khoang miệng phát triển và sản sinh ra nhiều khí sulfur.
- Do các bệnh lý nha khoa: Trong khi mang thai, mẹ bầu không được can thiệp các phương pháp điều trị nha khoa. Do đó, không ít vấn đề răng miệng kéo dài đến thời gian sau khi sinh. Hầu hết các bệnh lý nha khoa đều xảy ra do nhiễm khuẩn. Vì vậy ngoài tình trạng đau nhức và khó chịu khi ăn uống, một số mẹ bầu cũng sẽ gặp phải tình trạng hơi thở có mùi.
- Thói quen vệ sinh kém: Ngoài những nguyên nhân trên, vệ sinh răng miệng kém cũng có thể gây ra tình trạng hôi miệng sau khi sinh. Khi răng miệng không được làm sạch, thức ăn cùng với mảng bám sẽ tích tụ ở chân răng tạo điều kiện cho hại khuẩn phát triển quá mức. Nếu thường xuyên dùng thức ăn giàu protein và tinh bột, vi khuẩn sẽ sản sinh ra khí sulfur tạo mùi hôi khó chịu trong khoang miệng.
- Dùng thức ăn và đồ uống nặng mùi: Một số loại thức ăn, đồ uống có mùi nồng như hành tây, tỏi, rượu bia, cà phê, trà đặc,… có thể gây ra mùi hôi khó chịu trong khoang miệng. Trong đó thường gặp nhất là tỏi và hành vì đây là các loại thực phẩm chứa nhiều lưu huỳnh. Khi ăn nhai, vi khuẩn sẽ tạo ra một lượng lớn khí sulfur gây ra tình trạng hơi thở có mùi.
Có khá nhiều nguyên nhân gây hôi miệng sau khi sinh. Ngoài những nguyên nhân thường gặp trên, tình trạng này cũng có thể bắt nguồn từ một số nguyên nhân ít gặp hơn như thói quen ít uống nước, tác dụng phụ của một số loại thuốc, nhiễm nấm Candida, viêm nhiễm đường hô hấp và trào ngược dạ dày.
Cách xử lý hôi miệng sau sinh an toàn, hiệu quả
Phụ nữ sau khi sinh thường mất từ 3 – 6 tháng để phục hồi thể trạng nên trong thời gian này, các bác sĩ thường không chỉ định các phương pháp điều trị chuyên sâu. Với chứng hôi miệng, mẹ bỉm có thể cải thiện bằng một số biện pháp đơn giản như làm sạch răng miệng đúng cách, thay đổi thói quen ăn uống – sinh hoạt,… Tuy nhiên nếu hôi miệng kéo dài và đi kèm với một số biểu hiện nghiêm trọng, nên đến nha khoa để được thăm khám và tư vấn điều trị.
1. Thay đổi thói quen ăn uống, sinh hoạt
Thay đổi thói quen ăn uống – sinh hoạt là cách đơn giản có thể cải thiện tình trạng hôi miệng ở phụ nữ mang thai và sau khi sinh. Cách này mang lại hiệu quả rõ rệt đối với mẹ bỉm gặp phải tình trạng hơi thở có mùi do thói quen dùng thức ăn, đồ uống có mùi nồng,…
- Kiêng các loại thực phẩm chứa nhiều lưu huỳnh như tỏi, hành tây, hành lá, hành hoa,… Đây là nhóm các thực phẩm dễ gây ra mùi hôi miệng nhất. Vì vậy để cải thiện hôi miệng dứt điểm, mẹ bỉm nên kiêng cữ tuyệt đối.
- Hạn chế dùng trà đặc hoặc cà phê. Các thức uống này làm giảm lượng nước bọt bên trong khoang miệng. Do đó, vi khuẩn sẽ có môi trường thuận lợi sinh sôi, phát triển mạnh và sản sinh ra một lượng khí sulfur.
- Vi khuẩn thường trú trong khoang miệng có thể sinh ra khí sulfur sau khi tiếp xúc với protein và tinh bột trong các loại thực phẩm. Khi dùng các loại thực phẩm này, mẹ bỉm nên ăn kèm với rau xanh và súc miệng kỹ sau khi ăn. Chất xơ tự nhiên trong các loại rau và trái cây sẽ hỗ trợ loại bỏ mảng bám trên răng, hỗ trợ cải thiện và ngăn ngừa mùi hôi miệng.
- Ngoài ra, mẹ bỉm cũng cần tránh hít khói thuốc lá thụ động. Nicotin trong khói thuốc làm giảm lưu lượng máu tuần hoàn trong nướu răng và ức chế quá trình tiết nước bọt. Chính vì vậy, mẹ bỉm cũng có thể bị hôi miệng do hít khói thuốc lá thụ động. Hơn nữa, khói thuốc cũng tác động tiêu cực đến sức khỏe của mẹ, nguồn sữa và sự phát triển của trẻ.
- Mẹ bỉm cần đảm bảo uống đủ 2.5 lít nước mỗi ngày. Uống đủ nước giúp ổn định lượng nước bọt trong khoang miệng, từ đó hạn chế sự phát triển quá mức của vi khuẩn và giảm tình trạng hôi miệng rõ rệt.
2. Làm sạch răng miệng đúng cách
Vệ sinh răng miệng đúng cách giúp loại bỏ thức ăn thừa, mảng bám và hạn chế tích tụ cao răng. Nếu thực hiện đầy đủ các biện pháp vệ sinh răng miệng, tình trạng hôi miệng ở phụ nữ sau khi sinh sẽ giảm đi đáng kể. Ngoài ra, thói quen này còn giúp mẹ bỉm cải thiện sức khỏe răng miệng và phòng ngừa các bệnh lý nha khoa.
Các biện pháp làm sạch răng miệng hiệu quả:
- Lựa chọn các bàn chải có lông chải mềm, mảnh để làm sạch răng miệng. Chải răng 2 – 3 lần/ ngày sau các bữa ăn nhằm loại bỏ mảng bám và thức ăn thừa. Khi chải răng, mẹ bỉm nên chải răng theo chiều dọc và chú ý làm sạch mặt nhai của các răng nằm ở cuối cung hàm như răng số 6 và số 7.
- Thay bàn chải định kỳ 2 – 3 tháng/ lần. Hoặc có thể thay bất cứ khi nào lông bàn chải bị sờn, tưa và giảm hiệu quả làm sạch.
- Phụ nữ sau khi sinh có thể sử dụng nước súc miệng trị hôi miệng để cải thiện vấn đề răng miệng mà mình gặp phải. Các sản phẩm này thường được bổ sung thành phần kháng khuẩn cùng với các tinh dầu tự nhiên có đặc tính khử mùi như đinh hương, bạc hà, hoắc hương,… giúp loại bỏ mùi hôi và mang lại hơi thở thơm mát.
- Dùng chỉ nha khoa làm sạch kẽ răng thay vì dùng tăm tre. Chỉ nha khoa giúp loại bỏ mảng bám và thức ăn thừa một cách nhẹ nhàng, không làm mòn men và kích ứng nướu. Khi răng miệng được làm sạch hoàn toàn, tình trạng hôi miệng sẽ giảm đi đáng kể.
- Sau các bữa ăn nhẹ, mẹ nên sử dụng nước lạnh hoặc nước muối pha loãng để súc miệng. Tránh tình trạng chải răng quá thường xuyên (hơn 3 lần/ ngày) khiến răng bị mòn men và ê buốt. Nếu không làm sạch kịp thời, thức ăn sẽ tích tụ trong khoang miệng tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển và sinh ra khí sulfur.
Vệ sinh răng miệng đúng cách là biện pháp hiệu quả đối với hôi miệng sau khi sinh. Thực tế, không ít mẹ bỉm kiêng nước và chỉ dùng nước muối ấm súc miệng vì quan niệm ở cữ lạc hậu. Nếu thường xuyên gặp phải tình trạng ê buốt khi đánh răng, mẹ nên đánh răng cùng với nước ấm khoảng 40 độ C.
3. Mẹo chữa hôi miệng theo dân gian
Nếu tình trạng không cải thiện hoàn toàn sau khi áp dụng các mẹo trên, mẹ bỉm có thể áp dụng một số mẹo theo kinh nghiệm dân gian. Các mẹo này chủ yếu sử dụng những nguyên liệu sẵn có trong nhà nên có thể áp dụng bất cứ thời điểm nào để giảm nhanh tình trạng hơi thở có mùi.
Các mẹo chữa hôi miệng theo kinh nghiệm dân gian:
- Súc miệng với nước gừng: Nước gừng có mùi thơm mạnh với hiệu quả khử mùi và kháng khuẩn tốt. Sau khi chải răng, mẹ bỉm nên dùng khoảng 50ml nước gừng giã đã pha loãng với nước sôi nguội để súc miệng. Sau khoảng vài lần thực hiện, tình trạng hơi thở có mùi sẽ thuyên giảm hoàn toàn.
- Chải răng bằng dầu dừa: Phụ nữ sau khi sinh thường phải đối mặt với tình trạng răng ê buốt và chảy máu chân răng. Nếu hôi miệng đi kèm với tình trạng này, mẹ bỉm có thể cải thiện bằng cách chải răng bằng dầu dừa đông đặc 1 lần/ ngày (nên thực hiện vào buổi sáng). Nhờ chứa hàm lượng axit lauric cao, dầu dừa giúp khử mùi, ngăn ngừa mảng bám, ức chế sự phát triển quá mức của nấm men và vi khuẩn thường trú trong khoang miệng.
- Dùng nụ đinh hương: Nụ đinh hương chứa hàm lượng tinh dầu cao có mùi hương mạnh giúp khử mùi và giảm hôi miệng. Để cải thiện tình trạng hơi thở có mùi, mẹ nên ngậm từ 1 – 2 nụ đinh hương và nhai nhẹ để tinh dầu thẩm thấu vào khoang miệng. Thực hiện đều đặn 2 lần/ ngày để nhận thấy hiệu quả rõ rệt.
4. Đến nha khoa khám và điều trị
Trong một số trường hợp, hôi miệng sau khi sinh có thể là dấu hiệu cảnh báo các bệnh lý nha khoa nghiêm trọng như sâu răng nặng, viêm tủy răng, áp xe răng, răng chết tủy, viêm nha chu,… Với những bệnh lý này, các biện pháp cải thiện trên chỉ mang lại hiệu quả tạm thời, hoàn toàn không loại bỏ triệt để mùi hôi trong khoang miệng. Do đó, mẹ bỉm nên cân nhắc đến phòng khám để được bác sĩ chẩn đoán và tư vấn điều trị.
Thông thường, phụ nữ sau khi sinh sẽ gặp phải tình trạng ê buốt và răng lung lay do thiếu hụt canxi. Vì vậy, trong vòng 3 tháng đầu, các bác sĩ sẽ hạn chế tối đa những can thiệp không cần thiết. Đối với những bệnh lý nha khoa có mức độ nặng, bác sĩ sẽ đánh giá tình trạng cụ thể của từng trường hợp trước khi đưa ra phương án điều trị phù hợp.
Sau khi các bệnh lý nha khoa được điều trị dứt điểm, tình trạng hôi miệng sẽ thuyên giảm rõ rệt. Ngoài ra, mẹ bỉm vẫn nên duy trì thói quen vệ sinh răng miệng để phòng ngừa hôi miệng và các vấn đề nha khoa khác.
Bị hôi miệng sau khi sinh gây ra không ít phiền toái trong cuộc sống. Hy vọng qua những chia sẻ trong bài viết, mẹ bỉm có thể xác định được nguyên nhân và lựa chọn biện pháp khắc phục an toàn, hiệu quả. Nếu hôi miệng kéo dài và đi kèm với các triệu chứng nghiêm trọng, nên đến phòng khám để được chẩn đoán và điều trị.
Tham khảo thêm:
Bài viết liên quan
Tại Sao Mọc Răng Khôn Lại Gây Hôi Miệng? Khắc Phục Thế Nào?
Trẻ Bị Hôi Miệng Nên Dùng Thuốc Gì?
Mẹo chữa hôi miệng khi ăn hành, tỏi đơn giản hiệu quả
Hôi Miệng Nên Ăn Gì Và Không Nên Ăn Gì Để Hơi Thở Thơm Tho
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!