Hôi miệng khi mang thai có thể bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân nhưng thường liên quan đến thói quen ăn uống, vệ sinh răng miệng và sự thay đổi của hormone. Nếu biết cách, mẹ bầu có thể cải thiện hơi thở có mùi bằng một số biện pháp đơn giản và an toàn.
Nhận biết chứng hôi miệng khi mang thai
Hôi miệng là tình trạng có thể gặp ở mọi lứa tuổi từ trẻ nhỏ đến người cao tuổi. Tình trạng này xảy ra khi khoang miệng có mùi khó chịu tạo ra mùi hôi khi cười và trò chuyện. Đôi khi mùi hôi có thể di chuyển vào các xoang và khoang mũi gây thiếu tự tin khi giao tiếp.
Hơi thở có mùi là tình trạng khá phổ biến ở phụ nữ mang thai. Nếu nghi ngờ gặp phải tình trạng này, mẹ bầu có thể phất hiện thông qua một số biểu hiện như:
- Cảm nhận rõ mùi hôi trong hơi thở (mẹ bầu cũng có thể dùng 2 lòng bàn tay chụm lại để kiểm tra hơi thở)
- Mùi hôi thường nặng hơn sau khi ngủ dậy và sau các bữa ăn
- Có cảm giác khoang miệng giảm tiết nước bọt
- Nướu sưng, dễ chảy máu và đôi khi có chảy dịch
- Miệng có vị khó chịu
Nguyên nhân gây hôi miệng khi mang thai
Hôi miệng là tình trạng khá phổ biến nhưng thường gặp nhiều hơn khi mang thai. Ngoài những nguyên nhân thông thường, tình trạng này còn bắt nguồn từ sự thay đổi của nội tiết tố. Để có biện pháp khắc phục phù hợp, mẹ bầu nên tìm hiểu nguyên nhân gây ra hơi thở có mùi.
Dưới đây là một số nguyên nhân phổ biến nhất có thể gây ra tình trạng hôi miệng khi mang thai:
1. Hệ miễn dịch suy giảm
Trong thời gian đầu thai kỳ, hệ miễn dịch của mẹ sẽ suy giảm đáng kể nhằm tránh hiện tượng đào thải phôi thai. Sau 3 tháng đầu, lượng hormone progesterone giảm xuống rõ rệt nên hệ miễn dịch sẽ được ổn định trở lại. Đây cũng là lý do vì sao mẹ bầu trong 3 tháng đầu thường gặp phải tình trạng mệt mỏi, suy nhược và dễ bị ốm vặt.
Giảm chức năng đề kháng không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể mà còn khiến môi trường trong khoang miệng thay đổi, tạo điều kiện cho hại khuẩn phát triển. Số lượng hại khuẩn tăng mạnh đồng nghĩa với việc tăng lượng khí sulfur trong khoang miệng – nguyên nhân trực tiếp gây ra tình trạng hôi miệng.
2. Lợi nhạy cảm, dễ chảy máu
Trong thời gian mang thai, lượng hormone progesterone sẽ tăng lên đáng kể nhằm tăng độ dày của niêm mạc tử cung, tạo điều kiện cho phôi thai làm tổ và thúc đẩy tuần hoàn máu nhằm nuôi dưỡng thai nhi. Tuy nhiên, sự gia tăng của hormone này cũng làm tăng tuần hoàn máu của các cơ quan trong cơ thể, bao gồm cả mô nướu.
Nướu là mô mềm bao xung quanh răng với chức năng chính là nâng đỡ và bảo vệ chân răng khỏi các tác nhân bên ngoài. Hiện tượng tăng progesterone khiến cho nướu trở nên nhạy cảm, dễ chảy máu và đau nhức. Đây cũng là điều kiện để vi khuẩn phát triển, tích tụ mảng bám, cao răng tạo ra mùi hôi khó chịu trong khoang miệng.
3. Vệ sinh răng miệng kém
Vệ sinh răng miệng là nguyên nhân gây hôi miệng thường gặp nhất. Răng miệng không được làm sạch đúng cách là điều kiện để mảng bám và cao răng tích tụ. Ngoài ra, thức ăn thừa bám lâu ở bên trong kẽ và mặt nhai còn gây ra mùi hôi rất khó chịu.
Trong thời gian mang thai, không ít mẹ bầu gặp phải tình trạng chảy máu chân răng khi đánh răng. Do đó, nhiều mẹ bầu chỉ làm sạch răng sơ sài bằng cách súc miệng với nước muối pha loãng. Tuy nhiên, thói quen này không thể làm sạch răng miệng hoàn toàn. Theo thời gian, vi khuẩn xâm nhập vào thức ăn thừa tạo thành mảng bám, sau đó khoáng hóa thành cao răng. Đây là môi trường để vi khuẩn tích tụ, phát triển mạnh và tạo ra khí sulfur gây ra mùi hôi khó chịu khi giao tiếp.
4. Do thói quen ăn uống
Khi mang thai, mẹ bầu thường thay đổi thói quen ăn uống dưới tác động của hormone thai kỳ. Trong đó, một số thói quen có thể dẫn đến tình trạng hôi miệng, chẳng hạn như:
- Sử dụng thức ăn có mùi nồng như hành tây, tỏi, các thực phẩm có mùi tanh, các loại mắm, sốt,…
- Dùng rượu bia, trà đặc và cà phê cũng gây hôi miệng.
- Mẹ bầu thường bổ sung các loại sữa giàu dinh dưỡng để cung cấp đủ khoáng chất, vitamin cho thai nhi. Tuy nhiên, sữa là loại thực phẩm dễ gây hôi miệng mà nhiều người không ngờ đến. Cụ thể, các axit amin trong sữa tạo điều kiện cho vi khuẩn trong khoang miệng phát triển tạo ra mùi hôi khó chịu khi giao tiếp.
- Dùng các món ăn có nhiều gia vị nhưng không uống nhiều nước cũng là nguyên nhân gây ra hơi thở có mùi.
- Các món ăn chứa hàm lượng protein quá cao cũng có thể khiến hơi thở có mùi. Nguyên nhân là do khi phân hủy đạm sẽ sản sinh ra 2 loại khí bao gồm methyl mercaptan (có mùi bắp cải) và hydro sulfur (mùi hôi như trứng thối). Việc dùng nhiều món ăn bồi bổ trong thai kỳ cũng là nguyên nhân thường gặp gây hôi miệng ở mẹ bầu.
Có khá nhiều loại thực phẩm, đồ uống gây hôi miệng. Tuy nhiên, nếu bắt nguồn từ thói quen ăn uống, tình trạng này sẽ nhanh chóng thuyên giảm. Sau khi vệ sinh răng miệng đúng cách, mùi hôi do các thức ăn, đồ uống có mùi nồng sẽ được loại bỏ hoàn toàn.
5. Cao răng tích tụ nhiều
Một vấn đề mà ít mẹ bầu chú ý là cần lấy cao răng và khám nha khoa định kỳ trước khi mang thai. Thực tế, các vấn đề nha khoa đôi khi không gây ra triệu chứng rõ rệt. Trong thai kỳ, hệ miễn dịch suy giảm cùng với sự thay đổi của hormone khiến cho các bệnh lý này bùng phát với mức độ nghiêm trọng.
So với người bình thường, tốc độ tích tụ mảng bám và cao răng ở bà bầu diễn ra nhanh chóng hơn do giảm chức năng miễn dịch và rối loạn nội tiết tố. Cao răng có kết cấu cứng chắc, bám sâu bên trong chân răng và trên thân răng. Khác với mảng bám, vệ sinh răng miệng thông thường không thể làm sạch cao răng. Chính vì vậy, vi khuẩn sẽ trú ngụ trong cao răng, phát triển mạnh gây ra mùi hôi khó chịu và gia tăng nguy cơ mắc các vấn đề nha khoa.
6. Do các bệnh nha khoa
Các bệnh lý nha khoa không chỉ gây đau nhức răng, chảy máu chân răng, lợi sưng đỏ, răng lung lay mà còn gây ra tình trạng hôi miệng. Khi mắc các bệnh nha khoa, vi khuẩn phát triển mạnh trong ngà răng, tủy răng và mô nướu. Do đó, lượng khí sulfur sẽ được tạo ra với lượng lớn gây hôi miệng và khiến mẹ bầu mất tự tin khi giao tiếp.
Các bệnh lý nha khoa thường gây ra tình trạng hơi thở có mùi bao gồm viêm nướu răng, viêm tủy răng, viêm nha chu, sâu răng, răng chết tủy,… Ngoài ra, viêm loét niêm mạc miệng cũng có thể là nguyên nhân gây ra tình trạng này.
7. Ảnh hưởng của chứng trào ngược dạ dày
Trào ngược dạ dày là vấn đề sức khỏe thường gặp ở phụ nữ mang thai. Trong 3 tháng đầu, mẹ có thể bị trào ngược, nôn mửa và buồn nôn nhiều do sự gia tăng của hormone progesterone.
Khi đến tháng 4, lượng hormone giảm dần. Tuy nhiên, lúc này tử cung có xu hướng giãn nở để thai nhi có không gian phát triển, tạo ra lực chèn ép lên đường ruột và dạ dày. Do đó, phần lớn mẹ bầu đều gặp phải tình trạng trào ngược dạ dày trong suốt thời gian thai kỳ.
Trào ngược dạ dày thường gây nôn mửa sau khi ăn. Ngoài cảm giác khó chịu và mệt mỏi, tình trạng này còn làm thay đổi độ pH trong khoang miệng và tạo điều kiện cho hại khuẩn phát triển. Bên cạnh đó, thức ăn trào ngược lên đã được dịch vị tiêu hóa nên sẽ có mùi hôi rất khó chịu. Nếu không kiểm soát chứng trào ngược, mẹ bầu sẽ phải đối mặt với nhiều vấn đề về sức khỏe như hôi miệng, sâu răng, sụt cân, thai nhi phát triển kém, viêm thực quản,…
Cách khắc phục hôi miệng ở bà bầu an toàn
Về bản chất, hôi miệng không ảnh hưởng đến khả năng ăn nhai và thẩm mỹ. Tuy nhiên, hơi thở có mùi khiến cho bà bầu kém tự tin khi giao tiếp và có thể gặp nhiều phiền toái trong cuộc sống.
Trong giai đoạn nhạy cảm như khi mang thai, các phương pháp điều trị chuyên sâu có thể gây ra một số tác dụng phụ. Do đó để cải thiện chứng hôi miệng, bà bầu có thể áp dụng một số biện pháp đơn giản và an toàn như:
1. Vệ sinh răng miệng đúng cách
Vệ sinh răng miệng đúng cách là biện pháp đơn giản nhưng mang lại hiệu quả cao trong việc cải thiện tình trạng hôi miệng. Đồng thời có thể giảm mức độ nhạy cảm của mô nướu và hỗ trợ phòng ngừa nhiều vấn đề nha khoa trong thời gian mang thai.
Cách vệ sinh răng miệng giúp mẹ bầu cải thiện tình trạng hôi miệng:
- Mẹ bầu nên sử dụng các bàn chải có kích thước nhỏ, lông mềm mảnh để dễ dàng di chuyển trong quá trình chải răng. Mỗi ngày chải răng từ 2 – 3 lần với kem đánh răng chứa fluor nhằm gia tăng độ chắc khỏe của răng.
- Sử dụng chỉ nha khoa 1 lần/ ngày để làm sạch thức ăn ở các kẽ. Thói quen này sẽ giúp mẹ bầu giữ cho răng miệng luôn sạch sẽ, từ đó có thể hạn chế mùi hôi và các bệnh nha khoa.
- Súc miệng với dung dịch kháng khuẩn nhằm tiêu diệt vi khuẩn trong khoang miệng và ức chế quá trình tích tụ mảng bám, cao răng. Tuy nhiên khi mang thai, mẹ bầu nên lựa các sản phẩm có công thức an toàn và lành tính.
- Sau các bữa ăn nhẹ, mẹ bầu nên súc miệng thật kỹ với nước sạch để loại bỏ thức ăn thừa và mùi hôi từ thực Biện pháp vệ sinh răng miệng rất quan trọng mà không ít người bỏ qua là cạo lưỡi. Bề mặt lưỡi chính là nơi trú ngụ của rất nhiều vi khuẩn. Do đó, mỗi tuần mẹ nên dùng bàn chải lưỡi vệ sinh 1 – 2 lần để cải thiện tình trạng hôi miệng.
Sau khi sinh nở, mẹ cũng cần duy trì các thói quen vệ sinh răng miệng tốt để ngăn ngừa các bệnh lý nha khoa trong thời gian cho con bú. Bởi đây cũng là thời điểm nhạy cảm dễ mắc phải các vấn đề răng miệng.
2. Thay đổi thói quen ăn uống, sinh hoạt
Thay đổi thói quen ăn uống, sinh hoạt có thể cải thiện tình trạng hơi thở có mùi ở mẹ bầu. Tương tự như vệ sinh răng miệng, biện pháp này khá an toàn nhưng mang lại hiệu quả cao.
- Trước tiên, mẹ bầu cần hạn chế các loại đồ uống gây hôi miệng như trà đặc, cà phê, rượu bia,… Các thức uống này không chỉ gây ra tình trạng hơi thở có mùi và còn ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của mẹ lẫn thai nhi.
- Tránh những loại thực phẩm và món ăn có mùi nồng như tỏi, hành, hành tây, các loại sốt nặng mùi, mắm, thức ăn nhiều gia vị,…
- Hạn chế dùng thức ăn lên men để giảm thiểu tình trạng hơi thở có mùi. Ngoài ra, thức ăn lên men cũng có thể gây đầy hơi và chướng bụng nếu ăn quá nhiều.
- Với mẹ bầu bị trào ngược dạ dày, nên chia nhỏ bữa ăn và ăn chậm nhai kỹ để hạn chế tình trạng buồn nôn và trớ thức ăn. Đồng thời nên hạn chế thức ăn chứa nhiều gia vị, món ăn khó tiêu,… nhằm kiểm soát chứng trào ngược hiệu quả.
- Cân đối giá trị dinh dưỡng trong bữa ăn, đảm bảo uống đủ nước và cung cấp đầy đủ chất xơ. Chất xơ giúp làm sạch mảng bám trong khoang miệng và trung hòa axit từ hại khuẩn. Do đó, dùng kèm rau xanh và trái cây cùng với thực phẩm giàu đạm sẽ giúp mẹ bầu hạn chế tình trạng hôi miệng rõ rệt.
- Mẹ bầu cũng nên thay đổi một số thói quen gây hôi miệng như thở bằng miệng, uống ít nước, không thay bàn chải thường xuyên, thói quen dùng thức ăn chứa nhiều đường, tác dụng phụ của một số loại thuốc (thường gặp là một số viên uống dầu cá),…
3. Mẹo giảm hôi miệng tạm thời
Các mẹo giảm hôi miệng tạm thời chủ yếu sử dụng nguyên liệu sẵn có trong nhà. Do đó, mẹ bầu có thể áp dụng một số mẹo đơn giản để giảm hơi thở có mùi bên cạnh việc vệ sinh răng miệng và thay đổi các thói quen xấu.
Các mẹo giảm hôi miệng tạm thời cho mẹ bầu:
- Súc miệng với nước muối: Sau khi chải răng, mẹ bầu có thể ngậm và súc miệng với nước muối pha loãng trong 2 – 3 phút. Với đặc tính kháng khuẩn và sát trùng, nước muối giúp tiêu diệt vi khuẩn, khử mùi và giảm tình trạng hơi thở có mùi khá rõ rệt.
- Dùng nước gừng tươi: Củ gừng chứa hàm lượng tinh dầu cao có khả năng khử mùi, giảm buồn nôn và kháng khuẩn tốt. Nếu bị hôi miệng kéo dài do các bệnh nha khoa và trào ngược thực quản, mẹ nên dùng củ gừng tươi nấu lấy nước bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh dùng dần. Mỗi lần dùng khoảng 5ml nước gừng súc miệng sau khi chải răng để loại bỏ mùi hôi trong khoang miệng.
- Dùng trà bạc hà tươi: Lá bạc hà tươi chứa hàm lượng Methol cao có tác dụng làm mát, giảm đau nhức và tiêu diệt vi khuẩn trong khoang miệng. Ngoài ra với tinh dầu có hương thơm the mát, trà bạc hà có thể cải thiện tình trạng hơi thở có mùi và giúp mẹ bầu tự tin khi hơn giao tiếp.
- Chải răng với dầu dừa: Nếu hôi miệng đi kèm với chảy máu chân răng, mẹ bầu có thể dùng dầu dừa chải răng. Nguyên liệu này có tác dụng làm dịu mô nướu, giảm đau và ức chế sự phát triển của vi nấm, virus và hại khuẩn. Ngoài ra, axit lauric trong dầu dừa cũng đã được chứng minh giúp làm giảm hình thành mảng bám và cao răng hiệu quả.
Các cách giảm hôi miệng trên đều khá an toàn với mẹ bầu và có thể thực hiện ngay tại nhà. Tuy nhiên, những cách này chỉ mang lại hiệu quả tạm thời. Vì vậy, bà bầu cần kết hợp với giữ vệ sinh răng miệng và thay đổi các thói quen xấu để cải thiện tình trạng hôi miệng hoàn toàn.
4. Thăm khám khi cần thiết
Trong một số trường hợp, hôi miệng khi mang thai có thể xảy ra do các bệnh nha khoa và trào ngược dạ dày nghiêm trọng. Với những trường hợp này, các biện pháp trên có thể không mang lại hiệu quả rõ rệt. Do đó, mẹ bầu nên tìm gặp bác sĩ nếu tình trạng hơi thở có mùi kéo dài, răng lung lay, nướu chảy máu, có vị kim loại trong miệng, nướu răng chảy dịch hoặc mủ,…
Mang thai là thời điểm khá nhạy cảm nên các bác sĩ thường không khuyến khích thực hiện các biện pháp chuyên sâu. Đa phần các phương pháp được áp dụng đều với mục đích giảm nhẹ triệu chứng và ngăn ngừa tiến triển của bệnh.
Các biện pháp điều trị hôi miệng có thể được áp dụng cho mẹ bầu:
- Các loại thuốc bao phủ niêm mạc dạ dày có thể được sử dụng để giảm trào ngược thực quản ở mẹ bầu
- Lấy cao răng
- Trám răng sâu, trám cổ chân răng
- Tiểu phẫu hoặc dùng laser để loại bỏ u hạt sinh mủ dưới nướu
Khi mang thai, mẹ bầu không được chụp X quang và dùng thuốc nên các phương pháp xâm lấn như phẫu thuật nạo túi nha chu, nhổ răng, lấy tủy răng,… hiếm khi được chỉ định.
Hôi miệng khi mang thai là vấn đề mà nhiều mẹ bầu phải đối mặt. Hy vọng qua những thông tin hữu ích trong bài viết, mẹ bầu có thể dễ dàng cải thiện tình trạng này. Nếu nhận thấy miệng hôi đi kèm với các triệu chứng nghiêm trọng, thai phụ nên chủ động gặp bác sĩ để được thăm khám và điều trị y tế.
Tham khảo thêm:
Bài viết liên quan
Miệng Có Vị Kim Loại Có Phải Là Bệnh? Cách Khắc Phục
Hôi Miệng Khi Ngủ Dậy: Nguyên nhân và Cách chữa dứt điểm
Tại Sao Mọc Răng Khôn Lại Gây Hôi Miệng? Khắc Phục Thế Nào?
Hôi Miệng Từ Cổ Họng: Nguyên Nhân Và Cách Chữa Hiệu Quả
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!