Đau răng gây sưng má là phản ứng của cơ thể xảy ra do chấn thương, mọc răng hoặc viêm nhiễm. Mặc dù ít đe dọa đến sức khỏe nhưng tình trạng này gây ra nhiều phiền toái trong quá trình ăn uống và sinh hoạt. Tùy theo nguyên nhân cụ thể, bạn có thể kiểm soát cơn đau bằng các biện pháp tại nhà hoặc điều trị y tế trong trường hợp cần thiết.
Nguyên nhân gây đau răng sưng má
Đau răng là tình trạng cơn đau xảy ra bên trong răng hoặc những cơ quan bao xung quanh răng như mô nướu, cement, dây chằng nha chu và xương ổ răng. Đau răng hiếm khi khởi phát đơn độc mà thường đi kèm với tình trạng sưng má và một số biểu hiện khác.
Sưng má thực chất là tình trạng mô nướu và các hạch bao xung răng bị viêm dẫn đến tình trạng sưng lệch một bên má (cùng bên với răng đau nhức). Đây là phản ứng sinh lý của cơ thể khi răng, nướu bị viêm nhiễm, chấn thương hoặc khi mọc răng. Để bảo vệ cơ thể, các tế bào bạch cầu sẽ tập trung xung quanh răng và mô nướu bị tổn thương. Tuy nhiên, các tế bào bạch cầu tập trung tại một vị trí có thể khiến răng đau nhức kèm theo sưng má.
Tương tự như đau răng gây sốt, đau răng sưng má cũng có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau như:
1. Viêm nha chu
Viêm nha chu là một trong những bệnh lý có thể gây đau răng kèm sưng má và sưng hạch góc hàm. Viêm nha chu là tình trạng tổ chức bao xung quanh răng (cement, dây chằng nha chu, xương ổ răng và mô nướu) bị viêm nhiễm mãn tính. Bệnh lý này thường là hậu quả do viêm nướu răng không được điều trị kịp thời.
Tình trạng viêm nhiễm các tổ chức bao xung quanh răng khiến răng lung lay, lỏng lẻo, đau nhức, nướu viêm đỏ, dễ chảy máu và nhạy cảm. Trong một số giai đoạn, viêm nha chu có thể bùng phát cấp gây đau nhức răng nhiều kèm theo sưng má. Ngoài ra, bệnh lý này còn đặc trưng bởi tình trạng tụt lợi, thân răng dài ra, khoảng cách giữa các răng tăng lên, răng lỏng lẻo và hôi miệng.
2. Do bệnh sâu răng
Ngoài viêm nha chu, đau răng gây sưng má còn có thể xảy ra do bệnh sâu răng. Sâu răng là bệnh nha khoa thường gặp, điển hình bởi tình trạng mất các mô cứng ở men răng và ngà răng do quá trình hủy khoáng gây ra bởi các vi khuẩn thường trú trong khoang miệng.
Ở giai đoạn đầu, sâu răng hầu như không gây đau nhức hay khó chịu. Tuy nhiên nếu không điều trị sớm, sâu răng sẽ phát triển sang giai đoạn sâu ngà và sâu răng ăn vào tủy. Khi xâm nhập vào tủy răng, vi khuẩn phát triển mạnh gây đau nhức răng dữ dội, răng ê buốt, nướu sưng, sưng hạch góc hàm và sưng má.
Các triệu chứng do sâu răng ăn vào tủy thường thuyên giảm dần theo thời gian. Tuy nhiên, vi khuẩn vẫn trú ngụ bên trong khoang tủy gây hoại tử tủy (chết tủy) và có thể lây lan sang các cơ quan lân cận. Vì vậy ngay khi nhận thấy các triệu chứng bất thường, nên thăm khám sớm để được điều trị kịp thời.
3. Áp xe răng
Áp xe răng cũng có thể là nguyên nhân gây đau răng kèm sưng má. Áp xe răng là tình trạng viêm nhiễm răng miệng thường gặp, đặc trưng bởi sự hình thành của các túi mủ ở quanh chóp răng hoặc mô nướu. Bệnh lý này thường là biến chứng của viêm nha chu hoặc viêm tủy răng không được điều trị sớm.
Ngoài triệu chứng đau răng sưng má, áp xe răng còn gây sưng mô nướu, sốt nhẹ, hôi miệng, mô nướu chảy dịch hoặc mủ. Áp xe răng cần được xử trí sớm để tránh biến chứng. Nếu không được điều trị kịp thời, túi mủ có thể bị vỡ khiến vi khuẩn xâm nhập vào các mạch máu và lây lan đến những cơ quan lân cận.
4. Do chấn thương răng
Trong một số trường hợp, đau răng sưng má còn có thể xảy ra do chấn thương răng. Tác động cơ học mạnh lên vùng xương hàm có thể khiến răng bị đau nhức, đồng thời kích thích phản ứng sưng viêm ở vùng má và hạch dưới hàm.
Với chấn thương nhẹ, tình trạng sẽ nhanh chóng thuyên giảm trong khoảng vài ngày. Tuy nhiên nếu có tác động mạnh, răng có thể bị vỡ, nứt, nướu chảy máu và sưng viêm. Trong một số trường hợp, chấn thương mạnh còn có thể gây chết tủy răng đột ngột.
5. Đau răng sưng má do mọc răng khôn
Mọc răng khôn là một trong những nguyên nhân gây đau răng sưng má thường gặp. Không giống với các răng khác trên cung hàm, răng khôn (răng số 8) nằm ở vị trí cuối cung hàm và mọc khá muộn (17 – 29 tuổi) nên thường không có đủ không gian để phát triển. Khi mọc, vùng nướu xung quanh có thể bị viêm, đau nhức và nặng hơn có thể gây sưng má kèm theo sốt nhẹ.
Với những trường hợp răng khôn mọc ngầm, mọc lệch, mọc ngang gây chen chúc và chèn ép các răng khác trên cung hàm, răng có thể bị đau nhức nhiều, đau nhói, cơn đau bùng phát mỗi khi ăn uống và tự phát vào ban đêm. Nếu cơn đau có mức độ nặng và kéo dài trong nhiều ngày, bạn nên đến bệnh viện kiểm tra để được xem xét nhổ bỏ răng khôn trong trường hợp cần thiết.
6. Sau khi nhổ răng
Sau khi nhổ răng, nướu và răng xung quanh có thể bị đau nhức. Nếu tiểu phẫu răng khôn, phần má bên ngoài có thể sưng lệch trong khoảng 3 – 7 ngày tùy theo từng trường hợp.
Phản ứng đau và sưng má sau khi nhổ răng là hiện tượng bình thường nên bạn không cần quá lo lắng. Nếu chăm sóc và sử dụng thuốc theo đúng hướng dẫn, tình trạng sẽ nhanh chóng được cải thiện sau một thời gian ngắn.
7. Các nguyên nhân khác
Ngoài những nguyên nhân trên, tình trạng đau răng sưng má còn có thể xảy ra do một số nguyên nhân ít gặp hơn như:
- Viêm khớp thái dương hàm: Viêm khớp thái dương hàm là tình trạng khớp nối giữa xương hàm và thái dương bị rối loạn, tổn thương do nhiều nguyên nhân khác nhau. Bệnh lý này đặc trưng bởi tình trạng răng đau nhức, khớp phát ra âm thanh trong quá trình ăn uống. Ngoài ra trong một số trường hợp, viêm khớp thái dương hàm còn gây sốt nhẹ và sưng má.
- Viêm loét niêm mạc miệng do virus: Viêm loét niêm mạc miệng là bệnh lý răng miệng thường gặp. Nếu xảy ra do virus, bệnh không chỉ làm xuất hiện tổn thương thực thể ở niêm mạc miệng và môi mà còn gây sưng má, đau nhức răng, sốt, nổi hạch góc hàm,…
Đau răng gây sưng má có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân. Tuy nhiên, một số trường hợp khó xác định được nguyên nhân cụ thể do triệu chứng không có tính điển hình cao. Vì vậy nếu mơ hồ về nguyên nhân gây đau răng sưng má, bạn nên tìm gặp bác sĩ để được thăm khám và điều trị kịp thời.
Đau răng sưng má có nguy hiểm không?
Đau răng sưng má là tình trạng khá phổ biến bên cạnh đau răng kèm sốt, hôi miệng,… Tình trạng này thường xảy ra do ảnh hưởng của các bệnh lý nha khoa như sâu răng ăn vào tủy, viêm nha chu, mọc răng khôn. Nếu do các bệnh lý răng miệng, bạn cần phải điều trị sớm để tránh tình trạng chuyển biến theo chiều hướng xấu.
Ngược lại, nếu đau răng gây sưng má do chấn thương nhẹ và nhổ răng, tình trạng sẽ tự thuyên giảm sau khoảng vài ngày khi các cơ quan hồi phục hoàn toàn. Ngoài ra, bạn cũng có thể áp dụng một số biện pháp giảm đau và chăm sóc để cải thiện triệu chứng, đồng thời đẩy nhanh tốc độ phục hồi và tái tạo.
Trên thực tế, đau răng sưng má hiếm khi đe dọa đến sức khỏe. Tuy nhiên, tình trạng này gây ra không ít phiền toái khi ăn uống, sinh hoạt và ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình học tập, làm việc. Vì vậy, nên điều trị sớm để giảm thiểu ảnh hưởng đối với chất lượng cuộc sống và sức khỏe răng miệng.
Cách điều trị đau răng gây sưng má an toàn
Điều trị đau răng gây sưng má kịp thời có thể kiểm soát cơn đau và cải thiện các triệu chứng khó chịu đi kèm. Tùy theo nguyên nhân cụ thể, bạn có thể áp dụng các biện pháp chăm sóc, giảm đau tại nhà hoặc kết hợp thêm các phương pháp y tế trong trường hợp cần thiết.
1. Các biện pháp giảm đau tại nhà
Đau răng gây sưng má có thể được cải thiện bằng một số biện pháp tại nhà. Các biện pháp này chủ yếu sử dụng nguyên liệu tự nhiên nên khá an toàn và có thể áp dụng nhiều lần để kiểm soát cơn đau cùng với các triệu chứng đi kèm.
Các biện pháp giảm đau răng sưng má ngay tại nhà:
- Chườm đá: Chườm đá là cách giảm đau răng, sưng má an toàn tại nhà. Biện pháp này có hiệu quả tốt đối với trường hợp đau nhức răng sau khi chấn thương, nhổ răng và do ảnh hưởng của các bệnh răng miệng. Chườm lạnh giúp làm co mạch máu và làm tê liệt các dây thần kinh ở vùng răng đau nhức. Nhờ đó có thể cải thiện tình trạng viêm sưng, vùng má nóng đỏ và đau nhức răng.
- Ngậm nước muối pha loãng: Ngậm nước muối pha loãng cũng là cách giảm đau răng sưng má hiệu quả. Từ lâu, nước muối đã được sử dụng để sát trùng da và chăm sóc răng miệng nhờ đặc tính tiêu viêm, kháng khuẩn tốt. Vì vậy, bạn có thể ngậm nước muối pha loãng trong khoảng 3 – 5 phút để làm dịu cảm giác đau nhức và sưng viêm mô nướu đáng kể.
- Dùng tinh dầu đinh hương: Tinh dầu đinh hương có đặc tính gây tê, làm mát và giảm đau nhờ hàm lượng Eugenol dồi dào. Ngoài ra, với mùi thơm mạnh, dầu đinh hương còn có thể cải thiện tình trạng hôi miệng và mang lại hơi thở thơm mát. Để giảm đau nhức răng, bạn có thể pha loãng tinh dầu với nước ấm và ngậm trong 2 – 3 phút hoặc cho tinh dầu vào bông gòn, sau đó cắn chặt vào chỗ răng đau nhức.
Ngoài những cách trên, bạn cũng có thể cải thiện tình trạng đau răng sưng má bằng một số cách chữa tại nhà khác như ngậm baking soda pha loãng, dùng giấm táo, hành tây, lá bạc hà, tỏi,… Đây đều là những nguyên liệu tự nhiên có đặc tính tiêu viêm và kháng khuẩn mạnh nên có thể kiểm soát phần nào hiện tượng viêm nhiễm ở răng, mô nướu.
2. Thăm khám và điều trị y tế
Đa phần các trường hợp đau răng sưng má đều xảy ra do ảnh hưởng của các bệnh lý nha khoa. Vì vậy sau khi áp dụng các biện pháp giảm đau tạm thời, bạn nên sắp xếp thời gian đến phòng khám sớm để được chẩn đoán và chỉ định các phương pháp điều trị phù hợp.
Các phương pháp điều trị đau răng gây sưng má:
- Dùng thuốc: Trong trường hợp đau răng gây sưng má có mức độ nặng, bác sĩ sẽ chỉ định dùng một số loại thuốc để cải thiện triệu chứng. Ngoài ra, nếu răng, lợi bị viêm nhiễm cấp, bác sĩ sẽ xem xét dùng kháng sinh đường uống trong 5 – 7 ngày để kiểm soát nhiễm trùng trước khi can thiệp các thủ thuật nha khoa khác. Các nhóm thuốc thường được sử dụng trong trường hợp đau răng sưng má bao gồm thuốc giảm đau, thuốc chống viêm (NSAID, corticoid), kháng sinh và dung dịch súc miệng sát khuẩn.
- Lấy tủy răng: Lấy tủy răng được chỉ định trong trường hợp sâu răng ăn vào tủy, viêm tủy răng, hoại tử tủy,… Phương pháp này được thực hiện bằng cách loại bỏ phần tủy bị viêm nhiễm, sau đó làm sạch khoang tủy và trám bít bằng vật liệu chuyên dụng. Lấy tủy răng giúp làm sạch mô tủy viêm nhiễm và ngăn ngừa hiện tượng viêm nhiễm lan rộng. Răng sau khi bị lấy tủy thường có tuổi thọ thấp nên có thể xem xét bọc răng sứ để bảo vệ cùi răng thật.
- Chích rạch mủ: Chích rạch mủ được áp dụng trong trường hợp áp xe răng. Tùy theo vị trí của túi mủ, bác sẽ xem xét thực hiện đường rạch phù hợp để dẫn lưu phần mủ ra bên ngoài. Sau đó, dùng nước ấm bơm rửa nhiều lần và sát khuẩn để kiểm soát viêm nhiễm.
- Cắt lợi trùm: Cắt lợi trùm là tiểu phẫu khá đơn giản được thực hiện trong trường hợp viêm lợi trùm răng khôn. Để răng phát triển thuận lợi, bác sĩ sẽ cắt bỏ phần lợi bao phủ lên răng. Khi mô lợi được loại bỏ, răng có thể mọc bình thường, đồng thời giảm đau nhức và sưng má, sưng mô nướu đáng kể.
- Nhổ răng khôn: Trong trường hợp răng khôn mọc ngầm, mọc lệch, chen chúc, bác sĩ sẽ chỉ định nhổ bỏ để tránh gây ảnh hưởng đến những răng khác trên cung hàm. Ngoài ra, nhổ răng khôn mọc lệch còn phòng ngừa các vấn đề nha khoa như viêm nướu răng (viêm lợi), sâu răng, viêm nha chu,…
- Các phương pháp điều trị khác: Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể xem xét thực hiện một số phương pháp điều trị khác như cạo vôi răng, xử lý mặt gốc răng, ghép nướu, ghép xương, nạo túi nha chu,… tùy theo từng trường hợp cụ thể.
Thực tế, có một số bệnh lý nha khoa tiến triển dai dẳng ngay cả khi đã được điều trị. Vì vậy, bạn cần kết hợp thêm với chế độ chăm sóc hợp lý để duy trì bệnh ở giai đoạn ổn định và phòng ngừa bệnh tiến triển theo chiều hướng xấu.
3. Chế độ chăm sóc hợp lý
Ngoài các biện pháp điều trị, bạn nên xây dựng chế độ chăm sóc hợp lý để đẩy lùi triệu chứng và tạo điều kiện cho răng, mô nướu phục hồi. Bên cạnh đó, duy trì chế độ chăm sóc phù hợp còn giúp bảo vệ sức khỏe răng miệng và phòng ngừa các bệnh nha khoa hiệu quả.
Chế độ chăm sóc trong thời gian điều trị đau răng gây sưng má:
- Thực hiện tốt các biện pháp làm sạch răng miệng như đánh răng 2 – 3 lần/ ngày, dùng nước súc miệng và chỉ nha khoa. Nếu chỉ chải răng, thức ăn thừa và vi khuẩn trong khoang miệng sẽ không được làm sạch hoàn toàn. Do đó, bạn nên thực hiện đầy đủ các bước trên để bảo vệ sức khỏe răng miệng.
- Trong thời gian điều trị đau răng gây sưng má, nên dùng các món ăn mềm, lỏng, ít phải nhai như sinh tố, cháo, miến, súp,… Ngoài ra, nên hạn chế gia vị cay nóng và muối đường khi chế biến thức ăn để răng, mô nướu thuận lợi trong quá trình hồi phục, tái tạo.
- Hạn chế dùng các món ăn cứng, khô, đồ uống chứa cồn trong thời gian bị đau răng. Bên cạnh đó, cần tránh thói quen nghiến răng khi ngủ, hút thuốc lá và dùng răng cắn, xé các vật cứng.
- Nên tăng cường bổ sung thực phẩm giàu vitamin, khoáng chất và uống đủ nước để đẩy nhanh tốc độ phục hồi của nướu, răng. Ngoài chế độ dinh dưỡng, cần chú ý nghỉ ngơi hợp lý và hạn chế căng thẳng, stress quá mức.
Phòng ngừa đau răng gây sưng má bằng cách nào?
Đau răng gây sưng má là tình trạng khá phổ biến. Dù không đe dọa đến sức khỏe nhưng tình trạng này ảnh hưởng không nhỏ đến giấc ngủ, hoạt động ăn uống và sinh hoạt. Hơn nữa, đau răng gây sưng má cũng tác động nhiều đến quá trình học tập và làm việc.
Do đó sau khi điều trị, bạn nên thực hiện các biện pháp phòng ngừa đau răng gây sưng má sau:
- Giữ vệ sinh răng miệng là cách hiệu quả nhất giúp phòng ngừa đau răng gây sưng má và nhiều bệnh lý nha khoa khác. Ngoài chải răng 2 – 3 lần/ ngày, nên súc miệng và dùng chỉ nha khoa thường xuyên để làm sạch khoang miệng hoàn toàn.
- Cạo vôi răng định kỳ 1 – 2 lần/ năm để giảm nguy cơ mắc các bệnh lý răng miệng như sâu răng, viêm nha chu, viêm nướu răng,…
- Thận trọng khi sinh hoạt, làm việc và tham gia giao thông để giảm thiểu nguy cơ chấn thương.
- Nếu phát hiện sớm răng khôn mọc lệch, mọc ngầm, nên chủ động nhổ bỏ để tránh đau nhức, sưng nướu và má.
- Xây dựng lối sống lành mạnh nhằm nâng cao sức khỏe và hệ miễn dịch. Khi thể trạng được cải thiện, nguy cơ mắc các bệnh nha khoa cũng giảm đi đáng kể.
Đau răng gây sưng má là tình trạng khá phổ biến có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau. Nếu nghi ngờ tình trạng này là dấu hiệu của các bệnh lý nha khoa, bạn nên thăm khám sớm để được điều trị kịp thời. Tránh tình trạng chủ quan khiến đau răng chuyển biến nặng, ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe răng miệng và chất lượng cuộc sống.
Tham khảo thêm:
Bài viết liên quan
Gợi Ý 11 Cách Chữa Đau Răng Nhanh Nhất Đừng Bỏ Lỡ
Mẹo xoa bóp bấm huyệt giảm đau răng bạn nên thử
10 Món Ăn Mềm Tốt Cho Người Bị Đau Răng Hỗ Trợ Giảm Đau
Đau răng gây sốt có nguy hiểm không?
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!