Fluor là khoáng chất thiết yếu đối với sức khỏe răng miệng. Các nghiên cứu cho thấy, fluor thực sự có hiệu quả trong việc phòng ngừa và điều trị bệnh sâu răng. Tuy nhiên, bổ sung khoáng chất này không đúng cách có thể dẫn đến thừa fluor, nhiễm độc cấp và mãn tính.
Fluor là gì?
Fluor một trong những nguyên tố vi lượng cần thiết đối với cơ thể – đặc biệt là sức khỏe răng miệng. Đây là loại khoáng chất có trong tự nhiên (đất, nước, động vật, thực vật). Ngoài ra, fluor còn có trong các loại đất đá và không khí.
Fluor là khoáng chất cần thiết giúp duy trì và tăng cường sức khỏe răng miệng. Hiện nay, khoáng chất này đã được nghiên cứu và chứng minh về hiệu quả phòng ngừa – điều trị các vấn đề nha khoa thường gặp như sâu răng, răng ê buốt (hiện tượng quá cảm ngà), viêm nướu răng,…
Công dụng của fluor trong phòng ngừa – điều trị sâu răng
Fluor có nhiều công dụng đối với sức khỏe răng miệng, trong đó tác dụng nổi bật nhất là phòng ngừa và hỗ trợ điều trị sâu răng. Đối với những trường hợp sâu răng nhẹ, bổ sung fluor hoàn toàn có thể sửa chữa sang thương trên bề mặt răng.
Dưới đây là một số công dụng của fluor trong việc phòng ngừa và điều trị sâu răng:
1. Tăng cường men răng
Men răng là lớp ngoài cùng của răng có kết cấu cứng chắc với hàm lượng khoáng chất cao. Men răng có vai trò bảo vệ ngà răng và ngăn hiện tượng quá cảm ngà. Mặc dù có kết cấu cứng chắc nhưng men răng cũng có thể bị bào mòn theo thời gian do thói quen sinh hoạt và chăm sóc răng miệng không đúng cách.
Fluor là khoáng chất cần thiết cho quá trình tái khoáng men răng và tăng cường độ chắc khỏe của lớp men. Khi fluor ngấm vào men răng sẽ kết hợp với hydroxyd apatite biến thành fluoroapatite. Khác với hydroxyl apatite, fluoroapatite có kết cấu rắn chắc và ít bị hòa tan bởi axit trong thức ăn, đồ uống và các sản phẩm axit do vi khuẩn bài tiết.
Fluoroapatite chỉ bị hòa tan trong môi trường có độ pH dưới 4.5. Trong khi đó, hydroxyl apatite tự nhiên trong men răng có thể bị hòa tan ngay trong môi trường có độ pH = 5. Với khả năng tăng cường men răng, fluor có thể bảo vệ cấu trúc răng, hạn chế tình trạng răng ê buốt và nhiều ảnh hưởng khác.
Mặc dù có hiệu quả trong việc tăng cường men răng nhưng bổ sung fluor quá nhiều cũng gây xáo trộn trong việc hình thành men răng dẫn đến nhiều rủi ro và tác dụng phụ. Do đó hiện nay, việc bổ sung fluor phải được kiểm soát chặt chẽ để đảm bảo hiệu quả và hạn chế tối đa các tác dụng không mong muốn.
2. Làm chậm tốc độ hòa tan men răng
Như đã đề cập, fluor có thể biến hydroxyl apatite thành fluoroapatite có độ cứng cao, ít bị hòa tan bởi axit do vi khuẩn bài tiết và axit trong thức ăn, đồ uống. Chính vì vậy, bổ sung fluor thường xuyên có thể làm chậm tốc độ hòa tan men răng.
Điều này đồng nghĩa với việc quá trình tái khoáng diễn ra nhanh hơn quá trình hủy khoang, men răng duy trì được độ chắc khỏe, hạn chế nguy cơ sâu răng và nhiều bệnh lý nha khoa khác.
3. Tái khoáng các lỗ sâu răng li ti
Liệu pháp fluor là một trong những phương pháp điều trị sâu răng được áp dụng phổ biến. Ngoài tác dụng tăng cường men răng, khoáng chất này có đẩy nhanh tốc độ tái khoáng và chữa lành các lỗ sâu li ti.
Cụ thể, fluor có tác dụng tái lắng đọng các ion canxi và phosphate trên bề mặt răng. Sự kết hợp hai khoáng chất này tạo thành cấu trúc tinh thể men mới với độ cứng chắc cao, ít bị hòa tan bởi axit. Theo thời gian, những lỗ sâu li ti trên bề mặt răng sẽ được hồi phục và tái tạo hoàn toàn.
Đa phần các lỗ sâu nhỏ đều không nhìn thấy được bằng mắt thường. Tuy nhiên nếu không có các biện pháp khắc phục kịp thời, vi khuẩn sẽ tiếp tục hòa tan các mô cứng của răng dẫn đến tình trạng lỗ sâu tiến triển nặng cả về kích thước và số lượng. Bằng cách bổ sung fluor vào giai đoạn đầu, bạn có thể bù lấp những lỗ sâu li ti và ngăn chặn sâu răng phát triển.
4. Giảm sự sản sinh axit trong khoang miệng
Axit là tác nhân trực tiếp gây hòa tan các mô cứng ở men răng và ngà răng. Tuy nhiên, bổ sung fluor thường xuyên có thể ngăn sự sản xuất axit bằng cách cản trở hoạt động của men enolase và ATP-ase.
Ngoài sâu răng, tăng sản xuất axit trong khoang miệng còn gây hôi miệng, viêm nướu răng, viêm nha chu và nhiều bệnh lý nha khoa khác. Chính vì vậy, fluor thường được bổ sung vào các sản phẩm chăm sóc răng miệng để hạn chế nguy cơ mắc phải các vấn đề nha khoa.
5. Hạn chế sự hình thành mảng bám
Mảng bám răng (bựa răng) là lớp màng sinh học không màu hoặc có màu trắng ngà xuất hiện sau các bữa ăn. Mảng bám là kết quả do vi khuẩn biến dưỡng carbohydrate trong thức ăn thừa mà thành. Các mảng bám sinh học dễ làm sạch thông qua chải răng, súc miệng và dùng chỉ nha khoa.
Tuy nhiên nếu không được làm sạch kịp thời, mảng bám sẽ bị khoáng hóa thành cao răng bám chặt vào chân răng và bề mặt răng. Cao răng có kết cấu cứng chắc nên hoàn toàn không thể làm sạch thông qua việc chải răng thông thường. Tích tụ cao răng chính là điều kiện thuận lợi để vi khuẩn phát triển gây viêm lợi (viêm nướu răng), viêm nha chu, sâu răng và nhiều bệnh lý nha khoa khác.
Bổ sung fluor có thể ngăn hoạt động của vi khuẩn Streptococcus mutans. Cụ thể, khoáng chất này có thể ngăn hoạt động vi khuẩn chuyển hóa các carbohydrate để sản sinh axit và polysaccharide – thành phần chính trong mảng bám sinh học.
6. Giảm độ sâu của rãnh nhai trên răng
Các răng tiền hàm và răng hàm thường có mặt nhai rộng, bề mặt có nhiều rãnh, kẽ để thuận lợi cho việc nhai và nghiền nát thức ăn. Tuy nhiên, cấu trúc răng có nhiều rãnh kẽ sẽ tạo điều kiện cho thức ăn bám dính, sau đó hình thành mảng bám và cao răng.
Fluor đã được chứng minh có ảnh hưởng đến hoạt động tổng hợp protein, đồng thời bo tròn các múi răng và giảm độ sâu của các rãnh ở mặt nhai. Điều này đồng nghĩa với việc thức ăn ít bám dính vào các kẽ, qua đó ngăn ngừa được sâu răng và hạn chế các lỗ sâu tiến triển nặng.
7. Ngừa sâu răng hiệu quả
Mối liên hệ giữa việc bổ sung fluor và hiệu quả ngừa sâu răng đã được chứng minh vào đầu thế kỷ 20. Có thể thấy, fluor giúp tăng cường men răng, đẩy nhanh quá trình tái khoáng, ngăn ngừa hoạt động sản sinh axit và mảng bám của vi khuẩn. Những tác động này giúp làm giảm nguy cơ hình thành các lỗ sâu li ti trên bề mặt và rãnh nhai.
Theo nghiên cứu, bổ sung fluor có thể giảm nguy cơ sâu răng từ 20 – 40%. Tuy nhiên, đây không phải là biện pháp có phòng ngừa sâu răng hoàn toàn. Để ngăn ngừa bệnh lý này, cần phải kết hợp thêm với vệ sinh răng miệng và giảm lượng đường trong chế độ ăn.
Cách bổ sung fluor cho răng miệng
Fluor là khoáng chất có trong môi trường tự nhiên (đất, nước, không khí, các loại đá). Để cung cấp fluor cho răng miệng, bạn có thể bổ sung khoáng chất này thông qua một số cách sau:
1. Sử dụng viên uống, giọt uống
Bổ sung fluor qua viên uống, giọt uống ít được chỉ định do nguy cơ và rủi ro cao. Bổ sung khoáng chất này ở dạng toàn thân có thể gây nhiễm độc fluor cấp hoặc mãn tính. Do đó, chỉ những trường hợp thiếu hụt fluor nghiêm trọng mới được chỉ định dùng fluor đường uống.
Khi sử dụng, chỉ nên dùng viên uống hoặc viên giọt bổ sung fluor. Tuyệt đối không tự ý kết hợp cả hai loại này. Việc bổ sung fluor quá mức có thể gây tổn thương men răng và các cơ quan nội tạng. Hiện nay, fluor dạng toàn thân chỉ được dùng khi có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
2. Bổ sung fluor qua các sản phẩm chăm sóc răng miệng
Bổ sung fluor qua các sản phẩm chăm sóc răng miệng là cách phổ biến nhất hiện nay. Fluor thường đợc bổ sung vào kem đánh răng của trẻ em, người lớn và súc miệng hằng ngày. Fluor trong các sản phẩm này được điều chỉnh với nồng độ thích hợp với khả năng tái khoáng men răng, ngăn vi khuẩn sản sinh axit và giảm hình thành mảng bám.
Nếu dùng các sản phẩm chăm sóc răng miệng chứa fluor, cần lựa chọn sản phẩm theo đúng độ tuổi. Bởi các sản phẩm của người lớn thường chứa hàm lượng fluor cao hơn so với nhu cầu của trẻ em. Tình trạng này sẽ dẫn đến thừa fluor và gây ra nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng khác.
3. Thêm thực phẩm, nước uống chứa fluor
Ngoài ra, bạn cũng có thể bổ sung fluor bằng cách dùng nước lọc chứa fluor thích hợp (0.7 – 1ppm). Bên cạnh đó, fluor còn có trong một số loại thực phẩm như khoai lang, hành tây, bột mì, chuối tiêu, đậu tương, cá thu, bưởi, khoai tây, cà chua, cà rốt, dưa chuột,… Các loại thực phẩm này cung cấp cho cơ thể fluor với hàm lượng thích hợp giúp củng cố men răng và ngăn ngừa các bệnh nha khoa hiệu quả.
Nguy cơ khi sử dụng fluor
Fluor là khoáng chất quan trọng đối với sức khỏe của xương và răng. Tuy nhiên, bổ sung fluor không đúng cách có thể dẫn đến thừa fluor. Nồng độ fluor quá cao có thể dẫn đến những rủi ro và nguy cơ như:
- Rối loạn chuyển hóa canxi, phốt pho dẫn đến bệnh xốp xương (loãng xương)
- Các hợp chất fluor dư thừa có thể ức chế hoạt động của tuyến giáp gây ra hàng loạt các vấn đề bất thường trong cơ thể
- Rối loạn chuyển hóa lipid và glucid
- Răng xuất hiện các vết màu trắng hoặc hơi vàng ở men răng, sau đó chuyển sang màu vàng sẫm. Theo thời gian, rãnh bờ răng bị ăn mòn, dễ vỡ và có thể gây tổn thương răng vĩnh viễn
- Nhiễm độc fluor mãn tính còn có thể gây biến dạng xương, xương dễ nứt, gãy
Để hạn chế các rủi ro khi sử dụng fluor, chỉ nên dùng khi đã được bác sĩ và dược sĩ tư vấn cụ thể. Ngoài ra, nên chủ động đến bệnh viện nếu nhận thấy các triệu chứng ngộ độc fluor cấp tính như co giật, nôn mửa, tăng tiết nước bọt, tiêu chảy, đau bụng lan tỏa, hôn mê, rối loạn nhịp tim và rối loạn hô hấp.
Tóm lại, fluor có nhiều công dụng đối với sức khỏe răng miệng, đặc biệt là trong việc phòng ngừa và điều trị sâu răng. Tuy nhiên, bổ sung fluor tiềm ẩn không ít rủi ro và tác dụng phụ. Do đó, nên trao đổi với bác sĩ/ dược sĩ trước khi sử dụng.
Tham khảo thêm:
Bài viết liên quan
Bị sâu răng để lâu năm có nguy hiểm không?
Trẻ bị sún răng, viêm lợi có nguy hiểm không?
Khám Phá 5 Kẹo Chống Sâu Răng Bác Sĩ Khuyên Dùng
Sâu Răng Sữa Ở Trẻ: Nguyên nhân, cách xử lý, phòng ngừa
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!